Chân tướng
Mật Tông Tây Tạng

Phật giáo Tạng truyền thật sự là Giác Nãng Ba, hoằng dương diệu pháp Như Lai Tạng Tha Không Kiến, hoàn toàn phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo. Tứ đại giáo phái Hồng, Hoàng, Hoa, Bạch là Phật giáo Tạng truyền giả, tất cả các pháp nghĩa của họ đều không phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo, cho nên là tà giáo, tà pháp.

Tiết 2: Pháp Thiên thức lâm chung của phái khác

Trong Na Lạc lục pháp do Tông Khách Ba cầu “Phật” rồi truyền ra ngoài cũng có pháp Thiên thức, gọi là phao-oát. Khẩu quyết như sau: “…Đến đây tự biết sắp chết, người có thể phao-oát (người có thể Thiên thức), lúc này phải tu ngay phao-oát để thành tựu. Trước hết ngồi kiết già, miệng niệm từ nào đó, ý nghĩa từ đó nghĩa là “Phật ơi, xin mau đến đây! Con đi đến đó đây! Con đi đến đó đây! Bây giờ là đến lúc rồi!” Niệm xong, tự mình vận khí từ dưới lên trên, hét lên một tiếng, mệnh từ trong “hòa hợp” xuất ra, theo đường Tâm – Hầu – Đỉnh mà ra. Nếu như Phật đến, thì trên đỉnh đầu có Phật quang, mệnh này tức khắc nhập vào trong Phật quang, Phật liền tiếp dẫn đưa đi (62-100)…Tổ sư Tông Khách Ba ra đời, đầu tiên thỉnh cầu đạo thành Phật ở Tây Tạng, thời gian trôi qua lâu mà không được gì, bèn đến đất khác thỉnh cầu. Sau này đến đất Long, gặp một vị Lạt Ma trong một sơn động nọ, là học trò của Lạt Ma Mạt Nhi Han (Mã Nhĩ Ba), ông ta đều biết hết mọi pháp thuật của Lạt Ma Mạt Nhi Han. Tông Khách Ba bèn bái ông ấy làm thày, cầu pháp của ông ấy. Lời ca rằng: “Tôi từ nơi xa xôi đến đây khó khăn muôn phần, nay quy y làm môn hạ của thầy, thầy mới truyền cho tôi Mật pháp thậm thâm, ban cho tôi thuật tu Hỷ Kim Cương và bí quyết đổi xác đấy”. Pháp đổi xác tức là người tu pháp cao tuổi, biết mình không còn sống lâu ở nhân gian, bèn thỉnh cầu một đứa trẻ mới chết, sau khi xin được xác về, đội đầu của đứa trẻ lên đầu của mình, sao cho hai lỗ Phạm huyệt đối nhau, sau đó hành pháp để linh hồn của mình chui vào trong xác đứa trẻ, thế là đứa trẻ sống lại còn người tu pháp già kia chết đi. Đứa trẻ này đã có được linh hồn của người tu pháp già kia nên tự nhiên hiểu rõ các pháp tu đạo, vì thế mà tiếp tục tu pháp. Sau khi đổi xác như vậy, lại có thể trụ thế nhiều năm. Loại pháp thuật này hiện đã thất truyền, kẻ biết chỉ có vài người. Xưa khi Mật Lặc trụ thế, pháp đổi xác này rất thịnh hành. Lạt Ma Mạt Nhi Han biết được bí pháp này, bèn truyền cho Mật Lặc. Mật Lặc đã thành Phật nhờ pháp này (62-111~112)… Hôm qua giảng đến Đạo chi chia làm hai, một là phao-oát; hai là nhập thành. Thứ nhất là phao-oát, tức là pháp mà Mệnh của mình (Chú thích gốc: còn gọi là Thức) từ lỗ Phạm chui ra, di dời đến chỗ khác. Đó là đạo tối thắng lớn nhất của Mật tông vô thượng, là pháp mà Mật tông khác không có… Đây là pháp tu lúc chết, đạo tu Minh điểm lên xuống như thế nào ngày thường, hành giả đều phải hiểu biết cặn kẽ. Phao-oát là pháp tu cuối cùng. Trước khi tu, bắt buộc phải tu cho tốt về tất cả các pháp như đề khí lên xuống…, sau đó thì mới được tu pháp này, nếu không sẽ nguy hại đến tính mệnh…Thực sự là nếu anh ta chưa từng tu qua pháp này, không thể thực tu pháp này, nếu không sẽ nguy hiểm chết người. Vì hồn anh ta sau khi ra ngoài, chắc chắn không thể quay trở lại, chẳng phải là chết hay sao! Ta sở dĩ không cho phép, không phải là tiếc pháp. Cũng vì nguyên nhân này, sự lợi hại của nó, các ngươi buộc phải hiểu cho thấu đáo, vô cùng quan trọng. Như Mậu Nhiên tu tập phao-oát, chưa đến lúc hết thọ mà chết, tất cả các tội lỗi của ông ta, ví như… (62-315). Vốn dĩ người tu pháp có thể tiêu trừ được tội nghiệp, thân nghiệp và khẩu nghiệp đều không quan trọng, cái quan trọng là ý nghiệp, cho nên tâm nhất định phải thanh tịnh. Sức mạnh của “phao-oát” rất mạnh, bất cứ tội nào cũng có thể tiêu trừ. Người có thể tu phao-oát, hồn anh ta muốn đi đến chỗ nào là có thể đến được chỗ đó, nhưng bắt buộc phải lúc thọ chung thì mới có thể tu pháp này. Nếu chưa đến lúc tận mạng mà tu hành phao-oát, thì tội anh ta rất lớn, ngang với tội giết Phật. Vì chưa đến lúc mà phao-oát, chẳng khác gì giết chết Bản tôn mà anh ta tu tập hàng ngày, tội nghiệp vô cùng lớn, là phạm vào điều thứ tám trong giới Căn bản của Mật tông, tức là làm chảy máu thân Phật đó. Người phá hủy giới Căn bản của Mật tông, sau khi chết tất đọa địa ngục Vô Gián. Cho nên, người tu phao-oát nhất định phải biết lúc nào mới có thể phao-oát, khi nào không được tu phao-oát. Nếu như hàm hồ niệm (luyện?) pháp này, thì tội anh ta cực lớn. Khi phao-oát, nếu trong lòng đã có tâm ý muốn hồn mình xuất ra, thì có thể quay lại, người mà thường giữ ý niệm lợi sinh trong lòng thì mới có thể tu pháp phao-oát”. (62-319~320)

Như vậy, Na Lạc lục pháp mà Tông Khách Ba thừa tập từ Mã Nhĩ Ba để truyền lại cũng chỉ là pháp vọng tưởng mà thôi. Vì sao vậy? Vì “Mệnh” ở đây là “hành pháp không tương ứng với tâm”. Phải do ba pháp Thọ (thọ mạng), Noãn (hơi ấm) và A Lại Da thức hòa hợp mà có Thọ, Tưởng, Hành và bảy thức đầu cùng hoạt động ở nhân gian thì mới gọi là Mệnh, cho nên Mệnh không có thực pháp, mà hiện tượng sinh mệnh hữu tình do Thọ, Noãn và Thức thứ tám hòa hợp hiển hiện ra gọi là Mệnh. Cho nên, cái pháp Mệnh này vốn không có thực pháp để khiến hành giả Mật tông hay tất cả mọi người có thể di dời nó. Cho nên, câu khai thị “mệnh từ trong “hòa hợp” xuất ra, theo đường Tâm – Hầu – Đỉnh mà ra” trong đoạn văn trên nói như thế thuần là hư vọng tưởng của các thượng sư Mật tông.

Lại nữa, cái pháp nói đem Phạm huyệt của mình đối đỉnh với Phạm huyệt của đứa trẻ mới chết để chuyển dời Thức thật đúng là vọng tưởng. Vì sao vậy? Vì đứa trẻ kia vì Ngũ căn của sắc thân bại hoại nên mới chết, nay hành giả già tu pháp Thiên thức lâu năm của Mật tông đem “Thức” của mình di dời sang thân đứa trẻ mới chết, cũng có khác gì cái chết của đứa trẻ kia đâu, vậy thì chuyển thức có tác dụng gì? Tông Khách Ba vô trí, lại còn truyền thụ pháp hư vọng tưởng này, sao không nực cười cho được?

Nếu như đứa trẻ mới chết kia thọ mạng vừa tận, không phải do bị tai nạn tổn hại ngũ căn mà chết, thì cũng có sai lầm lớn. Tức là nói sắc thân đứa trẻ vì thọ tận mà chết, chứng tỏ sắc thân sau khi Như Lai Tạng của nó thụ sinh tạo ra chỉ có thể duy trì được thọ mệnh của nó đến lúc chết. Như vậy, cho dù hành giả tu pháp Thiên thức có thể chuyển nhập thức của anh ta sang sắc thân của đứa trẻ kia thì cũng không thể cho anh ta sử dụng được. Việc này cũng sẽ vô dụng đối với hành giả Mật tông, vì “Đại chủng tính Tự tính” của sắc thân đứa trẻ chỉ cho phép sắc thân và thọ mệnh của nó vận hành đến khi nó chết, bởi đó chính là công năng đức dụng của “Đại chủng tính Tự tính” tàng chứa trong A Lại Da thức.

Cái “Thức” mà Mật tông chuyển dời chỉ là Minh điểm, nhưng xét theo Thánh giáo lượng và chứng lượng của người đã chứng ngộ mà nói thì Minh điểm không phải là Trì thân thức mà Phật giảng, cũng không phải là Trì thân thức mà người chân ngộ chứng được, vậy thì cái thuyết hành giả Mật tông tìm xác đứa trẻ mới chết để chuyển dời “Bản thức” của mình sang thân đứa bé mới chết kia chỉ là hư vọng tưởng, vì “pháp” được chuyển dời kia không có thực nghĩa.

Lại nữa, sắc thân của mỗi chúng sinh hữu tình đều do nhân quả đời trước tương ứng với cha mẹ hữu duyên đời này, cho nên mới thụ sinh ra thân đó của họ. Sau khi hữu tình nhập thai thụ sinh, thì “Đại chủng tính Tự tính” trong Như Lai Tạng của mỗi chúng sinh sẽ hấp thụ nguyên tố tứ đại trong huyết mẹ để tạo ra sắc thân của mình. Sắc thân đó chỉ có Như Lai Tạng của chính anh ta mới có thể nắm giữ, không phải là Như Lai Tạng của người khác cũng có thể nắm giữ, vì “Đại chủng tính Tự tính” của mỗi người đều khác nhau. Chỉ cần quan sát việc đào thải sau khi ghép nội tạng ngày nay là có thể hiểu được lý này.

Giả sử như có thể chuyển dời được Bản thức, thì hành giả Mật tông sau khi Thiên thức thành công, cũng phải uống thuốc chống đào thải đúng giờ do bác sĩ Tây y đưa cho, thì sau đó mới có thể sinh tồn được. Thế nhưng, hiện thấy các tổ sư Mật tông từ xưa đến nay đều không có ai có thể biết được Bản thể Như Lai Tạng của mình ở đâu, huống hồ có thể biết “Đại chủng tính Tự tính” mà người ngộ được Như Lai Tạng phải tiến tu? Huống hồ có thể biết được tính bài xích (tính đào thải) của Như Lai Tạng đối với cơ thể lạ? Cũng chưa từng thấy có tổ sư Mật tông nào từ xưa đến nay phát minh ra thuốc chống đào thải, hoặc truyền thụ câu chú ngữ có thể tiêu trừ được tính đào thải này (giả sử như có câu chú có thể tiêu trừ được tính bài xích này). Cho nên mới thấy rằng thuyết pháp Thiên thức thực tế chỉ là trò cười mà thôi.

Lại nữa, hình ảnh Bản tôn chỉ là tướng phần do tự mình quán tưởng mà thành, không phải là thực pháp. Cho nên, người tu tập pháp Thiên thức, giả sử quả thực có thể xả mệnh sớm, cũng không thể có cái gọi là “giết hại thân mệnh Bản tôn” để nói. Vì Bản tôn chỉ là hình ảnh do chính mình quán tưởng mà có, không có mệnh căn thực sự. Cho nên, nếu người nào vì tu tập pháp Thiên thức mà xả mệnh sớm, thì cũng chẳng có cái tội nào gọi là giết hại Pháp thân cả. Vì sao vậy? Vì Pháp thân chính là Thức thứ tám, mà Thức thứ tám của tất cả chúng sinh hữu tình đều là Thể tính Kim Cương, xưa nay không có bất kỳ ai có thể hủy hoại được. Cho dù là tập hợp sức mạnh của tất cả Phật mười phương cũng không thể nào hủy hoại được Pháp thân Thức thứ tám của một hữu tình thấp kém, thì sao các thày Mật tông lại có thể nói người tu tập pháp Thiên thức mà xả thọ sớm là giết chết mệnh căn của Bản tôn? là hại chết Pháp thân? là đồng với tội giết hại Phật được? Vọng tưởng đến như vậy, vô tri đến như vậy, sao có thể tin theo và tu học pháp ấy?

Ảnh Bản tôn đã không có mệnh căn, cũng không phải là Pháp thân Thức thứ tám, mà cũng không có thần thánh đại lực nào có thể hủy hoại Thức thứ tám được, thì sao có thể nói người tu tập pháp Thiên thức xả thọ sớm là ngang với tội giết hại Phật được? Thật không có cái lý ấy!

Trong pháp Thiên thức ở “Na Lạc lục pháp” còn có khẩu quyết vọng tưởng nói thế này: “Tu tập pháp phao-oát (Thiên thức), buộc phải tu lúc cơ thể khỏe mạnh. Đây là ý để luyện tập, chứ không phải là đi thật. Lúc bệnh tật không được tu tập phao-oát, tu là chết đấy. Người thường xuyên tu tập, khi Mệnh thượng thăng đến đỉnh (đầu), thì hô chữ Ca, thế là Mệnh liền giáng hạ xuống giữa Tâm, hơi dừng lại. Lại hô chữ Ca thêm tiếng nữa, thì lại giáng hạ xuống Đan Điền và trú ở đó. Muốn Mệnh xuất ra ngoài, thì hô chữ Át, âm nó như hắt hơi vậy. Hô Át một tiếng là Mệnh lên đến giữa Tâm, lại hô Át tiếng nữa là lên đến Đỉnh đầu, hô Át lần thứ ba là bay ra ngoài rồi. Cho nên, lúc bình thường tu tập, nhiều nhất không được hô Át quá hai lần. Nếu như hô Át lần thứ ba, Mệnh sau khi ra ngoài, lâu rồi mà không quay lại là sẽ chết, người ở bên cạnh nhìn thấy có thể nhanh chóng kề tai anh ta hô chữ Ca thật nhiều lần, thì tự có thể dần dần tỉnh trở lại (Chú thích gốc: nghĩa của chữ Ca là Áp – đè ép, ý là đè áp Mệnh xuống dưới)”. (62-322)

Đó quả thực là vọng tưởng, Tông Khách Ba truyền “Na Lạc lục pháp” này thực sự là hành động vô nghĩa. Đó là pháp Thiên thức mà tổ sư Mật tông xưa nay vẫn truyền thụ, chỉ là di dời Minh điểm do họ quán tưởng mà thành chứ không phải là chuyển dời Bản thức Như Lai Tạng của anh ta, vì các thày Mật tông xưa nay vẫn đều ngộ nhận Minh điểm là Như Lai Tạng mà. Trong pháp Thiên thức mà Mật tông nói, cái Thức đem chuyển dời đó được hiểu là Căn bản thức trì mệnh trì thân. Mà Căn bản thức trì thân trì mệnh lại là Thức thứ tám Như Lai Tạng –A Lại Da thức. Nay thấy tất cả các thượng sư từ cổ chí kim của tứ đại phái Mật tông đến giờ vẫn không có một người nào đích thân chứng được Thức thứ tám A Lại Da, vậy thì họ muốn chuyển dời cái Thức nào sang cơ thể người mới chết đây? muốn chuyển dời Thức nào đến “Không Hành tịnh độ” đây? Minh điểm thì không phải là Căn bản thức, chỉ là pháp dựa vào sự quán tưởng của Ý thức mà sau này mới được sinh ra, chứ không phải là pháp vốn dĩ hằng thời thường trụ, cũng không phải là Căn bản thức, thì pháp Thiên thức mà các thày Mật tông xưa nay tu tập chỉ là vô nghĩa, những gì tu được chỉ là hư vọng, không thể chuyển dời Căn bản thức của mình đi đến bất cứ nơi đâu. Tu pháp Thiên thức như thế, truyền thụ pháp Thiên thức như vậy, quả thực là một trò hý luận lớn nhất trên thế gian.

Lại nữa, Mệnh không phải là Minh điểm, phần trước đã hiểu rõ rồi. Cho nên, trong đoạn văn trên các thượng sư Mật tông khai thị rằng: Hô “Át” là có thể làm thượng thăng Minh điểm Mệnh căn, quả thực là một thứ hư vọng tưởng. Như vậy, nói rằng hô “Ca” mà có thể làm giáng hạ Minh điểm Mệnh căn cũng là lời hư vọng, vì Minh điểm tuyệt đối không phải là Mệnh căn.

Lại nữa, tất cả các hành giả Mật tông tu tập pháp Thiên thức đều có thể dựa vào tiếng hô Át để đẩy Minh điểm do mình quán tưởng chạy lên trên, thậm chí đẩy Minh điểm quán tưởng xông qua Phạm huyệt để bắn ra ngoài, (chúng ta) có thể hiện kiến thấy Mệnh căn vẫn ở trong cơ thể mà không thể xả mệnh, cho dù người ấy vì bệnh tật đau khổ chốn thế gian và muốn dựa vào tiếng hô Át trong pháp Thiên thức để xả mệnh cũng không thể xả nổi. Cho nên, câu “sau ba tiếng Át là có thể xả mệnh” trong pháp Thiên thức thực tế chỉ là một trò hề.

Lại nữa, việc muốn xả mệnh sớm, duy chỉ có người tu được chứng cảnh của Thiền thứ tư (đệ tứ thiền) thì mới có thể xả mệnh sớm. Nếu người nào không có chứng lượng định cảnh tầng Thiền thứ tư, mà lại muốn xả mệnh sớm bằng ba tiếng hô Át, thì chỉ là vọng tưởng mà thôi. Đâu chỉ là ba tiếng hô Át? Giả như có người vì đang phải chịu nỗi đau đớn tột cùng, chỉ muốn cầu xả mệnh giải thoát mà tu tập pháp Thiên thức, ngày ngày hô trăm tiếng Át, ngàn tiếng Át để chết sớm thì cũng không thể toại nguyện, huống hồ là chỉ hô ba tiếng Át là có thể xả mệnh? Những lời lẽ vọng tưởng hô Ca, hô Át trong pháp Thiên thức như thế, tại sao người có trí lại có thể tin theo? lại muốn tu tập theo những lời nói đó? Chỉ có người ngu si vô trí mới tin tưởng và làm theo nó mà thôi.

Cái vọng tưởng dựa vào pháp quán tưởng, dùng pháp Thiên thức để thu nhiếp hồn người chết tái nhập vào Trung mạch của xác chết ấy để vãng sinh thế giới Cực Lạc phương Tây còn có khẩu quyết thế này: “Trước khi tu học phao-oát, buộc phải tu khí công cho tốt, khiến tất cả mọi khí có thể hòa nhập vào Trung mạch, sau đó khí này mới có thể đẩy ép Mệnh ra ngoài. Ngoài việc tự thực hiện phao-oát, còn có pháp phao-oát thay cho người chết. Pháp này làm sau khi có người chết, mời một vị Lạt Ma có công phu cao thâm đến ngồi bên người chết (Chú thích gốc: Chỗ ngồi không được cách người chết quá xa, chỉ trong phạm vi tai có thể nghe thấy). Nếu người chết không phải là đệ tử ông ta thì phải làm lễ quán đỉnh cho người chết trước, thì mới có cảm ứng. Nếu người chết lúc sinh tiền đã là đệ tử ông ấy rồi thì cảm ứng càng nhanh, vì hai bên quen biết nhau. Sau đó, thì thu nhiếp hồn người chết lại, thả lại vào trong Trung mạch người chết, sau đó phụng thỉnh Phật A Di Đà giáng lâm, đứng trên đỉnh đầu người chết, thế rồi vị Lạt Ma này hô ba tiếng Át trong pháp phao-oát, hồn của chính ông ấy xuất ra ngoài, đồng thời hồn người chết cũng từ Trung mạch xuất lên trên, hội hợp với Phật quang của Phật A Di Đà, thế là được Phật tiếp dẫn đến thế giới Cực Lạc phương Tây rồi”. (62-322~323)

Như trên đã nói, cũng như lời Phật dạy trong tất cả các kinh, đều nói cái Mệnh của con người là do A Lại Da thức và Thọ, Noãn trì giữ, không thể khuyết thứ nào. Mà Thọ và Noãn lại do A Lại Da thức triển chuyển sinh ra. Quan sát từ chứng lượng của người chứng đạo thực sự trong Đại thừa thì thấy rằng không hề sai khác so với lời Phật nói, cho nên Mệnh của con người không phải là Minh điểm. Qua đó có thể thấy, thuyết đem Bảo bình khí đẩy ép “Minh điểm Mệnh căn” ra khỏi Phạm huyệt của Mật tông chỉ là hư vọng tưởng. Mệnh vốn không phải là pháp có Thể tính chân thực, thuần chỉ dựa vào sự hòa hợp của ba pháp Thọ, Noãn, A Lại Da thức để định ra cái tên gọi, cho nên cái pháp “Mệnh” đó chỉ là tính không duy danh (tính chất không thực, chỉ có tên), không phải là pháp thực thể. Nếu đã là pháp phi thực thể mà chỉ là ngôn thuyết, thì sao có thể dựa vào Bảo bình khí để đẩy Mệnh từ Hải Để luân của mình lên trên và ép ra ngoài Phạm huyệt? Quả thật là hư vọng tưởng!

Nếu như các thày Mật tông nói rằng: “Mệnh căn mà chúng ta nói không phải là Minh điểm, mà là Mệnh căn thực sự” thì đã bị phá như đã nói ở trên. Nếu họ nói rằng: “Mệnh căn mà chúng ta nói chính là Minh điểm, Minh điểm chính là A Lại Da thức” thì lại trái ngược với lời Phật, cũng trái ngược với chứng lượng của những người chứng ngộ chân chính, và trái ngược với sự thật. Nếu nói rằng Minh điểm chính là cái Thức được chuyển dời thì người tu pháp Thiên thức như thế rõ ràng không phải là Phật pháp, vì Minh điểm tuyệt đối không phải là A Lại Da thức. Nếu nói Minh điểm không phải là Mệnh căn, không phải là A Lại Da thức, thì pháp quán tưởng Thiên thức nói rằng chuyển dời Minh điểm để nhập vào tử cung của Không Hành Mẫu, vãng sinh Tịnh độ hoàn toàn là vô nghĩa, vì lúc lâm chung, quán tu pháp Thiên thức xả báo rồi, Mệnh căn của Trung âm thân anh ta và Căn bản thức A Lại Da của anh ta vẫn còn ở thế giới Ta Bà này mà không sinh đến Tịnh độ. Người tu pháp Thiên thức như thế, rốt cuộc có ý nghĩa thực sự gì mà nói? Đều chỉ là hư vọng tưởng tiến thoái mất chỗ mà thôi.

Lại nữa, cái hồn của người chết chỉ là Trung âm thân mà thôi. Đã xả thọ và hình thành Trung âm thân rồi thì không thể nào quay trở lại cái thân thịt thô nặng nữa. Cho nên việc Mật tông nói quán tưởng đem linh hồn người chết thu lại, nhập vào sắc thân của người đã chết chỉ là vọng tưởng. Lại nữa, pháp quán tưởng chỉ là hình ảnh Nội tướng phần của bản thân, không phải là thực pháp, cho nên việc quán tưởng (tưởng tượng) linh hồn người chết quay lại nhập xác không có nghĩa là linh hồn người chết vì thế mà có thể nhập xác được thật. Kỳ thực, tuyệt đối không cách nào có thể khiến cho linh hồn người chết nhập lại vào xác được, cho nên mới nói quán tưởng như vậy là hư vọng tưởng. Lại nữa, thuyết “hoàn hồn sau khi chết” chỉ là hiện tượng sốc hôn mê, không phải là chết thật, không được lẫn lộn với thuyết “thu nhiếp linh hồn người chết quay về nhập xác”.

Lại nữa, nếu Lạt Ma nào có thể thỉnh được Phật A Di Đà đến, thì việc gì còn phải thu nhiếp hồn người chết vào trong Trung mạch của thi thể, rồi mới xuất ra vãng sinh thế giới Cực Lạc nữa? Phật đã đến rồi, tự sẽ có Bồ Tát đi theo cầm hoa sen (hoặc đài hoa sen, đài Kim Cương…) để tiếp dẫn người chết vãng sinh Cực Lạc, đâu cần phải nhờ đến Lạt Ma làm phép thu nhiếp linh hồn người chết nhập lại Trung mạch, rồi thay anh ta quán tưởng Mệnh căn người chết từ Trung mạch bắn ra để vãng sinh Cực Lạc. Người làm như thế, chẳng khác gì câu yết hậu ngữ thô bỉ của đám người thế tục nói rằng: “Cởi quần đánh rắm – vẽ rắn thêm chân”.

Lại nữa, Mệnh căn của người chết (hoặc Căn bản thức của anh ta) không phải là nhờ Lạt Ma quán tưởng thay là có thể trở thành thật được. Cái hình ảnh mà Lạt Ma quán tưởng được vốn dĩ chỉ là hình ảnh riêng (trong đầu) của Lạt Ma, còn vong hồn Trung âm của người chết vẫn là vong hồn Trung âm của chính anh ta, không thể thay thế cho nhau, cũng không thể nhập lẫn vào nhau. Như thế mà nói quán tưởng hộ cho người chết để Mệnh anh ta quay trở lại Trung mạch xác chết chính mình, kỳ thực là vô nghĩa, vì cái quán tưởng đó không phải là sự thực, bởi hai thứ không thể can thiệp lẫn nhau.

Như vậy, cho dù cái được quán tưởng là của bản thân mình hay là quán tưởng thay cho người khác, thì cái Thức mà thày trò Mật tông kia quán ra đều không phải là Căn bản thức, thì cái pháp Thiên thức mà bọn họ dựa trên nền tảng này để nói, để truyền, để tu chỉ là pháp vô ý nghĩa do hư vọng tưởng làm ra. Như thế mà nói có thể thay người khác siêu độ đến thế giới Cực Lạc, như thế mà nói Mật tông hiểu nhất về pháp siêu độ, nói pháp siêu độ của Mật tông là thắng diệu nhất, thực sự là một thứ tôn giáo ngu si khoác lác không biết xấu hổ, vì Thức được chuyển dời không phải là Bản thức, bởi pháp họ tu không thể chuyển dời Thức của bất cứ chúng sinh hữu tình nào đến được thế giới Cực Lạc. Sự quán tưởng đầy hư vọng của pháp Thiên thức đó còn không thể dịch chuyển được Căn bản thức của chính mình, mà còn nói có thể siêu độ Căn bản thức của người chết đến thế giới Cực Lạc, thật là suy tưởng đảo lộn. Bởi lẽ các thày của tứ đại phái Mật tông xưa nay đều không hề biết Căn bản thức của mình và các chúng sinh hữu tình khác nằm ở chỗ nào, vì họ đều sai lầm cho rằng Minh điểm do quán tưởng mà thành chính là Căn bản thức.

Lại nữa, do các thày Mật tông muốn dựa nhờ vào quán tưởng của pháp Thiên thức, cầu mong lúc lâm chung dùng pháp quán tưởng bắn Bản thức vào trong tử cung của Không Hành Mẫu để vãng sinh Không Hành tịnh độ, cho nên gọi đó là vọng tưởng. Thứ nhất, Không Hành tịnh độ chỉ là “tịnh độ” do các thày Mật tông tự bày đặt ra, không phải là Tịnh Độ mà Phật giảng, cho nên mới nói pháp Thiên thức là vọng tưởng. Thứ hai, pháp Thiên thức như thế chỉ là cuồng tưởng hư vọng do tự ý bất như lý sinh ra, không phải là Phật pháp thật sự. Như hình vẽ Bạch Không Hành Mẫu của phái Hương Ba Cát Cử, thậm chí là hình dáng tư thế ngồi nhưng lại nhấc cao hai chân nhằm để lộ rõ hình âm đạo chỗ kín (chi tiết xem ảnh màu phía dưới trang 60 cuốn sách số 32 trong danh mục sách tham khảo, cuốn sách này không in thêm). Lại cũng như Độ Mẫu các loại màu sắc, đều đứng trụ một chân, chân kia nhấc cao để lộ rõ âm đạo chỗ kín của mình. Mục đích tạo hình tượng và hình vẽ rộng rãi như vậy là nhằm để hành giả Mật tông – đặc biệt là những người chưa từng tiếp xúc với nữ giới như các nam hành giả - dễ dàng quán tưởng chỗ kín của Không Hành Mẫu đến mức độ rõ ràng như vậy, để khi xả báo (chết) mới có thể bắn “Bản thức Mệnh căn Minh điểm” vào chỗ nào. Tất cả những thứ đó đều là hư vọng tưởng hết.

Điều này nói có sách đàng hoàng: “Quán tưởng thiên thức Bạch Không Hành Nữ: Quán tưởng trên đầu hành giả có Bạch Không Hành Nữ, giống hệt như pháp quán Hợi Mẫu, đặc biệt không quán Hợi nhĩ (Chú thích gốc: Hợi tức là đầu lợn), chú trọng tư thế bay lên, hai tay nhấc cao hai chân, mở rộng ngửa lên trên để hoa sen của người nữ cắm lên đầu chót Trung mạch hành giả. Lúc này hành giả đã đem toàn bộ nhục thể (của mình) quán thành Không, chỉ còn lại Trung mạch biểu thị Pháp thân và Khí trí tuệ, Minh điểm trí tuệ trong Trung mạch; sau đó tu Bảo bình trí khí, trực xung Phật thân trí tuệ Minh điểm biểu thị thức thứ chín Như Lai Tạng, đi qua Trung mạch, nhập vào liên cung (nhập vào tử cung), giả danh là hoài thai Phật tử, bay vào Phật thổ”. (34-188)

Lại có đoạn văn khác làm chứng: “Hành giả nên quán ba đời không có Tự tính, đều do vọng tưởng quyết định nó. Quá khứ đã không chết, tương lai thì chưa sinh mới, hiện tại không có chỗ trú. Ba đời nối tiếp, vô thủy vô chung. Trong pháp giới Chân Như này, không đoạn không thường. Hôm nay sẽ trở thành ngày hôm qua của ngày mai, hôm nay cũng có thể trở thành ngày mai của hôm qua. Quá khứ tương lai đã không tồn tại, hiện tại cũng không thể tồn tại một mình, ba đời đều như là một, nhất thời thông ba thời. Như vậy hôm qua tất cả hành giả quán trên đầu có Bạch Không Hành Nữ, giống như pháp quán Hợi Mẫu, đặc biệt không quán Hợi nhĩ (Chú thích gốc: Hợi tức là đầu lợn), chú trọng tư thế bay lên, dùng hai tay nhấc cao hai chân, mở rộng ngửa lên trên để hoa sen của người nữ cắm lên đầu chót Trung mạch hành giả. Lúc này hành giả đã coi Mệnh không có tướng chết đi, tương lai tất cả tuế mệnh, cũng không có tướng sinh mới, hiện tại không trụ lại một sát na nào, cũng không có triệu chứng tất chết đặc biệt nào. Thông liền ba đời, chỉ ở trong một mạch Chân Như, như thế này thì không sinh cũng không tất chết. Hành giả quả thực có thể tiếp tục trụ ở trong định Chân Như, không sinh không diệt, thành tựu Niết Bàn rồi. Hoặc ẩn hoặc hiện, như cầu vồng như hư không, vô lượng thọ quang, tức là đã hoàn thành nó rồi…Toàn bộ nhục thể quán Không, chỉ còn lại Trung mạch biểu thị Pháp thân và Khí trí tuệ, Minh điểm trí tuệ trong Trung mạch; sau đó tu Bảo bình trí khí, trực xung Phật thân trí tuệ Minh điểm đại diện thức thứ chín Như Lai Tạng, đi qua Trung mạch, nhập vào liên cung, giả danh là hoài thai Phật tử, bay vào Phật thổ. Pháp quán này không bàn mà giống với bốn điều kiện luận ở tiết trên, lại càng rõ ràng ngắn gọn, cho nên tu nó cực dễ cảm ứng”. (34-677)

Tất cả hình vẽ, tượng khắc Độ Mẫu trong Mật tông đều có ý nghĩa này. (tuy nhiên) Đó là thứ vọng tưởng. Bởi Minh điểm không phải là Thức thứ tám, thức thứ chín, Khí trong khí công cũng hoàn toàn không liên quan gì đến trí tuệ trong Phật pháp; quán tưởng thành công Minh điểm Trung mạch cũng hoàn toàn không liên quan gì đến trí tuệ Phật pháp. Pháp thân chính là Thức thứ tám A Lại Da hoặc Dị Thục thức, Vô Cấu thức mà Phật tuyên thuyết, không phải là Trung mạch và Minh điểm. Còn người vãng sinh đến Tịnh độ của chư Phật, chỉ cần phù hợp với thông nguyện (nguyện chung) và biệt nguyện (nguyên riêng) của chư Phật, thì khi xả báo, Phật sẽ tự cùng các Bồ Tát cầm hoa sen thanh tịnh đến tiếp đón, không cần như Mật tông phát minh riêng ra Không Hành Mẫu, Độ Mẫu đến tiếp dẫn, cũng không cần Mật tông phát minh riêng ra tử cung âm đạo Không Hành Mẫu bất tịnh để thu nhiếp lấy Căn bản thức của người chết.

Lại nữa, sau khi quán tưởng Trung mạch và Minh điểm thành công, hành giả Mật tông vẫn hoàn toàn không biết gì về Căn bản thức thứ tám – Vô Tâm Tướng Tâm – nói trong các kinh Bát Nhã, huống hồ có thể biết được thức thứ chín Như Lai Tạng đã đoạn Phân đoạn sinh tử? Vì thế họ không nên nói Trung mạch Minh điểm là thức thứ chín Như Lai Tạng đại diện cho Pháp thân. Thậm chí, sau khi tiến tu và quán tưởng tu luyện Bảo bình khí thành công, họ vẫn hoàn toàn không biết gì về Căn bản thức (hoặc còn gọi là Thức thứ tám, hoặc phương tiện gọi là thức thứ chín, thức thứ mười. Chi tiết xem thêm cuốn sách “Chính pháp nhãn tạng – Hộ pháp tập” của tôi), hoàn toàn không biết gì về Tâm Không tính là chỗ dựa của trí tuệ Trung Quán Bát Nhã cơ bản nhất trong Đại thừa, thì sao có thể nói Trung mạch, Minh điểm, Bảo bình khí là “Phật thân trí tuệ Minh điểm đại diện thức thứ chín”? Đó chỉ là Mật tông lấy ngoại đạo pháp thay thế cho Phật pháp, nói như thế quả thực là những lời lẽ hư vọng.

Mà người Mật tông quán tưởng thành tựu xong, cho đến khi xả thọ, nếu quả thực có những người như Không Hành Mẫu, lục Độ Mẫu, hồng Độ Mẫu…đến tiếp dẫn, thì tuyệt đối không phải là vãng sinh đến Tịnh độ của chư Phật, mà là vãng sinh đến “tịnh độ” của La Sát hoặc “tịnh độ” của Dạ Xoa do các thày Mật tông dựa vào quỷ thần mà nói ra. Vì sao vậy? Vì những người vãng sinh đến Tịnh độ của chư Phật, sở hành sở nguyện của họ khi còn tại thế (còn đang sống) bắt buộc phải tương ứng với biệt nguyệt của chư Phật, thì sau đó mới có thể vãng sinh. Còn những người tiếp dẫn hành giả vãng sinh Tịnh độ Phật đều là đích thân hoặc do Hóa thân của chư Phật đến đón đi, chứ chưa từng nhờ đến những người như Không Hành Mẫu, lục Độ Mẫu, hồng Độ Mẫu…của Mật tông đến tiếp dẫn. Chính vì thế, nếu ai theo Không Hành Mẫu, lục Độ Mẫu, hồng Độ Mẫu…của Mật tông đi vãng sinh, thì nơi đến sinh tuyệt đối không phải là Tịnh độ của chư Phật. Hành giả Mật tông nhất định phải thẩm xét kỹ chỗ này, cầu chứng ở các bộ kinh để quan sát, tránh vì muốn cầu sinh đến Tịnh độ của chư Phật mà sau khi tu pháp Thiên thức lại đến sinh nhầm vào “tịnh độ” của La Sát hoặc Dạ Xoa, từ đó mãi mãi rơi vào vòng vây của La Sát hoặc Dạ Xoa, nhập cùng bọn họ, biến thành thân La Sát hoặc Dạ Xoa, từ đó sẽ mãi rời xa và thực hành trái ngược với tu chứng của Phật pháp, như thế chẳng phải là oan uổng vô cùng hay sao?

Vì sao lại nói nơi ở của Phật A Di Đà, Không Hành Mẫu, lục Độ Mẫu, hồng Độ Mẫu…do Mật tông quán tưởng ra lại không phải Tịnh độ Phật? Bởi những thứ mà “Phật, Bồ Tát” và Không Hành Mẫu, lục Độ Mẫu, hồng Độ Mẫu…do Mật tông cúng phụng yêu thích đều là cái lạc dâm xúc nam nữ và ngũ nhục, ngũ cam lộ ô uế, cho nên Mật tông thường lấy quán tưởng lạc xúc trong tu Song thân pháp để cúng dường cho “Phật, Bồ Tát” và đám Không Hành Mẫu của họ, đồng thời cũng cúng dường chúng bằng ngũ nhục và ngũ cam lộ.

Ngũ nhục và ngũ cam lộ đều là những thứ mà Dạ Xoa và La Sát yêu thích; cảm xúc dâm lạc cũng là thứ mà chúng thèm khát. Trong khi đó, Phật Bồ Tát thực sự thì đã sớm vứt bỏ những thứ đó từ vô lượng kiếp trước, coi như là phân uế, tuyệt đối không đến để nhận cúng dường thứ đó. Còn những người như “Phật Bồ Tát” và Không Hành Mẫu, Độ Mẫu…mà Mật tông thờ cúng đều tham ái những vật cực ô uế như dâm lạc, ngũ cam lộ này. Có thể thấy, hành giả Mật tông sau khi tu pháp Thiên thức, “Phật Bồ Tát” và Độ Mẫu, Phật Mẫu đến tiếp dẫn họ lúc vãng sinh đều là bọn La Sát hoặc quỷ mẫu Dạ Xoa… Cho nên, chốn vãng sinh mà đám “Phật Bồ Tát” và Không Hành Mẫu, Độ Mẫu của Mật tông tiếp dẫn đến tuyệt đối không phải là Tịnh độ Phật, mà là cung điện nơi mà Dạ Xoa, La Sát ở. Chốn đó chắc chắn ở trong Dục giới, vì bọn họ đều không lìa khỏi nam nữ dục và cảnh giới đoàn thực trong Dục giới. Như thế mà tu pháp Thiên thức của Mật tông, lẽ nào là thứ mà hành giả Mật tông tu pháp Thiên thức “Di Đà” yêu thích sao? Lẽ nào là thứ mà hành giả Mật tông tu pháp Thiên thức Bạch Độ Mẫu…yêu thích sao? Những hành giả Mật tông có trí tuệ sao còn không tự thâm nhập, tư duy quan sát cho kỹ?

Lại nữa, cho dù trong số các hành giả Mật tông quả thực có người đã chứng được Căn bản thức Như Lai Tạng và phù hợp với những gì Phật đã nói, thì việc anh ta quán tưởng Bản thức bắn vào Phật A Di Đà trên đỉnh đầu, hoặc trong thân tâm Bản tôn, hoặc bắn vào trong tử cung Không Hành Mẫu cũng đều là vọng tưởng, vì sự thực không phải như những gì họ quán tưởng. Hành giả Mật tông chân ngộ này nhất định sẽ phát hiện Căn bản thức thực sự tuyệt đối không phải là Minh điểm trong Trung mạch, cũng không phải là Minh điểm Trung mạch do Bảo bình khí phối hợp; anh ta sẽ nhất định phát hiện ra rằng Căn bản thức biến khắp trong Thập bát giới toàn thân, vốn dĩ không thể dựa vào pháp quán tưởng để hội tụ Bản thức lại thành một điểm, cũng không có bất kỳ pháp quán tưởng nào có thể di dời Căn bản thức Như Lai Tạng xuất ra ngoài thân, nhập vào trong tử cung của Không Hành Mẫu. Duy chỉ có thể dựa vào định lực của Tứ thiền để xả thân, còn lại trong thế gian không có bất cứ pháp nào có thể xả mạng sớm mà không phá hủy sắc thân. Cho nên, hành giả Mật tông chăm tu pháp Thiên thức mà quán tưởng Minh điểm bắn ra khỏi Phạm huyệt, dù có hô tiếng “Át” mười trăm ngàn vạn lần thì Căn bản thức vẫn trú ở trong thân, không hề bị ảnh hưởng chút xíu nào, hoàn toàn không mảy may động tâm. Qua đó có thể thấy pháp Thiên thức quả thực hư vọng và nực cười. Vậy thì sao những hành giả Mật tông tự xưng là có căn khí lợi hại hơn Đại thừa lại tin theo pháp Thiên thức hư vọng hoang đường ấy? để rồi dùng hết sức cả đời lao vào tu tập nó? để hy vọng cái pháp hư vọng đó có thể trợ giúp mình vãng sinh đến Tịnh độ Cực Lạc? Thật là vô trí hết sức!

Lại nữa, về nghĩa chân thực của quán Không, quán vô Tự tính nói trong chư kinh Bát Nhã của Đại thừa, tôi đã tuyên thuyết biện chính trong Bát Nhã kiến và Như Lai Tạng Không tính kiến ở Chương 6, Chương 7 rồi, vẫn là hiện quan Không tính Thức thứ tám Như Lai Tạng của Tâm mình, và hiện quan Không tướng của vạn pháp Uẩn Xứ Giới do Như Lai Tạng sinh ra – vạn pháp Uẩn Xứ Giới duyên khởi tính Không, vô thường nên khổ, không, vô ngã…Với Không tính kiến của Bát Nhã như thế, Mật tông tuyệt đối không thể dùng Tâm ý thức quan sát vô Tự tính của Ngũ uẩn ba đời để có thể chứng được. Hành giả muốn biết điều này, xin hãy xem các cuốn sách khác của tôi (như “Lăng Già Kinh tường giải”, “Chân thực Như Lai Tạng”, “Chính pháp nhãn tạng”…), ở đây không cần nhắc lại nữa.

Như vậy, các thày Mật tông xưa nay đều đem pháp Thiên thức đầy vọng tưởng này ra để nói có thể chứng, đã chứng được Niết Bàn bất sinh bất diệt, mà nói chứng được Hồng quang thân, quả thực là thứ vọng tưởng tột đỉnh, không thể tăng thêm được nữa, là người có trí tuệ sao có thể tin theo được chúng? mà còn tu học theo? mà lúc nào cũng tu tập, lãng phí biết bao nhiêu thời gian quý báu và tiền tài vào trong Mật tông? Những người có trí tuệ đều phải suy nghĩ sâu kỹ về vấn đề này, không nên mặc nhiên ngồi chấp nhận đạo mà mình tu hành Phật pháp có đầy rẫy sự tà trái hoang đường, vì sau này nhất định sẽ ảnh hưởng đến tịnh nghiệp Phật đạo trong vô lượng kiếp tương lai. Từ những đạo lý đã thuật ở trên, có thể tái khẳng định pháp Thiên thức của Mật tông chỉ là hư vọng tưởng, không phải là Phật pháp.

 

 


Bài trước

Bài sau

Trang chủ

Lượt xem trang: 0