Chân tướng
Mật Tông Tây Tạng

Phật giáo Tạng truyền thật sự là Giác Nãng Ba, hoằng dương diệu pháp Như Lai Tạng Tha Không Kiến, hoàn toàn phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo. Tứ đại giáo phái Hồng, Hoàng, Hoa, Bạch là Phật giáo Tạng truyền giả, tất cả các pháp nghĩa của họ đều không phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo, cho nên là tà giáo, tà pháp.

CHƯƠNG 6: NHƯ LAI TẠNG KIẾN

 

Tiết 1: Mật tông luôn coi Ý thức của thường kiến ngoại đạo là Như Lai Tạng

Các tổ sư Mật tông xưa nay vẫn thường luôn coi Ý thức là Như Lai Tạng mà Phật giảng, đồng thời lấy việc Tâm ý thức giác tri không chấp trước bản thân Tâm ý thức, gọi là “Bản tâm trụ”, như thế bảo là đã chứng ngộ quả Giải thoát. Có thượng sư Mật tông nói rằng: “Nay giảng trước về đạo lý của Bản tâm trụ: Tâm từ thân mà có, nếu không có thân thể thì tâm cũng không có. Cho nên thức do Căn sinh, có Căn thì mới có Thức. Thức lại hiển hiện nhờ Trần. Không có Trần thì Thức không thể khởi được. Cho nên nếu không có Sắc thì không nhìn thấy, không có Thanh thì không nghe thấy, không có Hương thì không ngửi thấy, không có Vị thì không nếm thấy, không có Xúc thì không cảm giác thấy, không có Pháp thì không nghĩ tưởng thấy. Cho nên ba thứ Căn, Trần, Xúc không được thiếu một. Lục căn, Lục trần, Lục thức nương dựa vào nhau, gọi là Thập bát giới. Thập bát giới đều là nhân duyên tụ hợp mà sinh ra, Tự tính vốn Không, hoàn toàn thuộc về hư vọng, không thể chấp trước, chấp vào là bất lợi. Nhưng không có Thập bát giới thì cũng không thể thành Phật, phải tu nó thì sau mới đắc thành. Bản thân Thập bát giới, vốn dĩ là thứ hư vọng, thế nhưng là giả mà không phải giả, là thật mà không phải là thật, như là mặt trăng dưới nước. Nếu nói là giả, rõ ràng ở đó; nếu nói là thật lại không thể tóm được. Cái này không có cái kia, Tự tính Không vậy”. (62-67)

Như vậy mà nói Thập bát giới phi chân phi giả, gọi là cái Vô tha Tự tính Không, không phải là Trung đạo của Phật pháp. Tâm ý thức trong Thập bát giới cố nhiên là không có Tự tính, đó là vì nó không có tính thường hằng bất hoại, dựa vào cái khác mà được sinh ra, vì tính của nó vô thường tất hoại nên gọi là Không, cho nên nói nó Vô tự tính Không. Thế nhưng đó không phải là Không tính mà Phật nói. Không tính mà Phật nói là chỉ Thức thứ tám Như Lai Tạng của chúng sinh – Bản Tế của Niết Bàn vô dư, không hỗn tạp gọi là Không tính đồng nhất.

Nay người trong Mật tông cho rằng Ý thức tức là Tâm Không tính, Bản tâm, coi Tâm ý thức không chấp trước chính mình thì gọi là Bản tâm trụ. Tri kiến như thế vẫn chỉ là coi Tâm ý thức là Tâm bất hoại. Người mà coi Tâm ý thức là Tâm bất hoại chính là phàm phu chưa đoạn Ngã kiến, vì Ý thức không phải là Bản tâm, vì Ý thức là “Ngã thường bất hoại” mà thường kiến ngoại đạo hay nói đến, vì Phật nói Thức thứ tám A Lại Da thức mới là Bản tâm. Nay có thượng sư Mật tông tự nói “Tâm từ thân mà có, nếu không có thân thể thì tâm cũng không có”, thì biết ngay Tâm mà Mật tông nói đến chính là Tâm ý thức giác tri. Họ lại muốn đem Tâm ý thức giác tri này tu hành để biến thành Chân Tâm Không tính, thì không phải là thủ chứng Thức thứ tám Như Lai Tạng vốn dĩ tồn tại của mình như Phật đã tuyên thuyết, hiểu sai trước ý chỉ thực sự của Phật pháp, cũng không phải là hành giả chính tu trong Phật pháp. Nay trong đoạn văn này, thấy rõ ràng rằng Bản tâm mà Mật tông nói chính là Ý thức của Tâm giác tri, chưa đoạn Ngã kiến, bị rơi vào trong Ngã kiến mà nói mình đã đoạn Ngã kiến. Những người như thế, đều là những người không biết, không chứng Như Lai Tạng, cũng đều không biết gì về chính tri, chính kiến trong tu chứng Như Lai Tạng.

Mật tông lại còn coi linh hồn là tâm thường trụ bất hoại: “…vì dục tâm quá thịnh nên Phạn môn (Chú thích gốc: Tức Phạn khổng, còn gọi là Đỉnh môn, là huyệt đạo chính giữa đỉnh đầu người) bị tắc, sau này khi chết, linh hồn sẽ không thoát ra đường này. Vì đã không thoát ra theo con đường này nên tất sẽ dẫn đến đọa lạc. Những người hút thuốc, Phạn môn của anh ta bị khói thuốc làm tắc nghẽn, khi chết cũng không thể thoát ra bằng đường này. Nếu không thoát ra theo con đường này, tình thế tất khiến nó phải thoát ra đường khác. Nếu đi xuống thì thoát ra qua Cốc đạo (giang môn – hậu môn), chắc chắn sẽ đọa lạc khỏi phải nghi ngờ. Cho nên hút thuốc rất không hay, người tu pháp đặc biệt nên kiêng kỵ. Vì linh hồn thoát ra qua Phạn môn, thì mới có thể thành Phật. Các người nếu lỡ nghiện ngập thì phải nhanh chóng cai ngay, đừng tự làm hỏng mình”. (62-68)

Qua những lời này, có thể thấy rằng linh hồn là Bản thể của sinh mệnh, khác xa so với Phật thuyết. Lại nữa, linh hồn là thể sinh mệnh thường hằng mà những người theo tín ngưỡng dân gian và ngoại đạo thường nói, kỳ thực là ngộ nhận Trung âm thân là thể căn bản chân thực của sinh mệnh, không phải là chính nghĩa của Phật pháp. Phật pháp nói cái mà xả thân khi chết, là nói về Thức thứ tám đi sau đến trước làm chúa công, chứ không bao giờ chỉ về linh hồn cả, cũng không phải là Trung âm thân mà người thế tục thường ngộ nhận. Cho nên mới nói thuyết này của Mật tông là tà kiến, không phải là Phật pháp.

Việc xả thân của Thức thứ tám, cũng không phải như Mật tông nói tụ thành Minh điểm một chỗ, rồi sau đó thoát ra từ một chỗ nào đó của cơ thể; mà là nói Thức thứ tám biến khắp toàn thân, biến khắp Thập bát giới mà trì giữ, dựa vào chính kiến đó mà nói rằng các chúng sinh với nghiệp báo khác nhau, khi chết thì sẽ xả (rời thân) từ chỗ nào trước, xả ở chỗ nào sau cùng; đồng thời nói xả thân một phần thì Trung âm thân sẽ hình thành một phần, xả thân chín phần thì Trung âm thân hình thành chín phần, cho đến khi Thức thứ tám hoàn toàn xả lìa, thì Trung âm thân hình thành đầy đủ, nghĩa là nói người chết đã hoàn toàn xả báo.

Rồi trong Phật pháp còn nói đến những người chưa ngộ nói ngộ, phỉ báng Tam Bảo, phá hoại chính pháp thì sẽ không hiện khởi Trung âm thân. Những người đó khi xả một phần sắc thân ở Giới này thì ở địa ngục sẽ hình thành một phần thân địa ngục; khi xả lìa năm phần sắc thân ở Giới này thì ở địa ngục sẽ hình thành năm phần thân địa ngục; khi xả mười phần sắc thân ở Giới này thì ở địa ngục sẽ hình thành mười phần thân địa ngục, tức không trải qua giai đoạn Trung âm thân trước để thụ sinh sau. Trong quá trình xả thân, có nói về chỗ xả trước, chỗ xả sau, tức là nói có một chỗ nào đó là chỗ xả sau cùng, chứ không phải là nói Thức thứ tám từ khắp thân tụ hợp lại một chỗ, sau đó xả thân một lúc từ một chỗ, một điểm đó. Cho nên, pháp linh hồn xả thân của Mật tông toàn là vọng thuyết (nói láo). Thượng sư Mật tông có lúc vọng thuyết rằng Minh điểm tức là Căn bản Thức A Lại Da, khi chết thì Minh điểm này sẽ tụ lại một chỗ, sau đó từ một chỗ đó lìa khỏi sắc thân. Đó đều là vọng thuyết, đều trái ngược với thánh giáo lượng lời Phật thuyết, cũng trái ngược với những gì mà Bồ Tát đã chứng Đạo chủng trí hiện lượng nhìn thấy.

Thuyết pháp của Mật tông thường hay tự thác loạn, có lúc thì coi Tâm ý thức giác tri trong tu hành pháp tu song thân là “Pháp tính Chân Như thanh tịnh”; có lúc thì coi Tâm giác tri nhất niệm bất sinh trong lúc đả tọa là Chân Như ở Phật địa Pháp tính thanh tịnh; có lúc lại coi Minh điểm là Pháp thân của Phật và là cội nguồn sinh mệnh của chúng sinh; có lúc thì lại coi quang minh (ánh sáng) do quán tưởng mà thành là Chân Tâm Như Lai Tạng; có lúc lại chủ trương trong Mật kinh rằng: Nguyệt luân do quán tưởng mà thành chính là Chân Tâm Như Lai Tạng…Các loại thuyết pháp khác nhau, khiến cho người học tu học thác loạn, chẳng biết bắt đầu từ đâu.

Người có trí mà học theo họ, tất sẽ sinh nghi hoặc rằng: “Tại sao những gì nói trong kinh tục Mật tông lại tiền hậu bất nhất, tự mình mâu thuẫn với chính mình?”. Thế là các thày Mật tông bèn ra vẻ thần bí, yêu cầu người học tiếp tục tu học, ra sức nói rằng: “Tu cho đến cùng sẽ biết nó, chứng nó, cho nên gọi là Mật”. Người học không biết gì thì bị họ mê hoặc, tiếp tục tu học, tốn phí không biết bao nhiêu thời gian và tiền tài, cứ như thế trải hết một đời cho đến lúc già, cuối cùng chẳng thành cái gì, đọa vào trong tà tri, tà kiến, tà tu, tà chứng của ngoại đạo, ôm hận mà chết. Phàm những việc này đều là do bị tà giáo của các thày Mật tông gây ra, cứ nghĩ mà thấy đau thật!

 

 


Bài trước

Bài sau

Trang chủ

Lượt xem trang: 0