Chân tướng
Mật Tông Tây Tạng

Phật giáo Tạng truyền thật sự là Giác Nãng Ba, hoằng dương diệu pháp Như Lai Tạng Tha Không Kiến, hoàn toàn phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo. Tứ đại giáo phái Hồng, Hoàng, Hoa, Bạch là Phật giáo Tạng truyền giả, tất cả các pháp nghĩa của họ đều không phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo, cho nên là tà giáo, tà pháp.

Tiết 6: Vọng tưởng siêu độ cho người chết của Mật tông

Người trong Mật tông thường hay nói: “Mật tông có kinh nghiệm nhất đối với việc siêu độ người chết, pháp siêu độ là thắng diệu nhất, hiệu quả siêu độ tốt nhất, là pháp mà Hiển tông không thể so bì kịp”. Thế nhưng, dựa vào Đạo chủng trí mà quán sát, pháp siêu độ cho người chết của Mật tông kỳ thực hoang đường vô cùng, đều là hư vọng tưởng của tục nhân, còn khiến cho người chết chê cười, vì những lời họ nói đều không đúng với thực tình.

Ví dụ, có một Thượng sư nói thế này:

“Người lúc sắp qua đời, tứ đại chắc chắn sẽ ly tán trước. Khi tứ đại ly tán, mỗi thứ có một cảnh giới riêng. Người thường khi đến giây phút này chắc chắn tâm hoang ý loạn, đau đớn muôn phần. Nguyên nhân là trong lòng không có chủ, tùy nghiệp mà lưu chuyển. Còn người tu pháp, để tránh việc khởi kiến hoảng loạn lúc lâm chung, nên lúc còn sống khi tu pháp thường luyện tập Bát pháp lâm chung, để đến phút lâm chung không bị chân rối tay loạn, thần chí hôn muội. Khi địa nhập thủy, tựa như có núi cao ép xuống như đè chết vậy. Khi thủy nhập hỏa, thân này như đang trên mặt biển, sóng lớn dập dồn lập tức dìm chết vậy. Khi hỏa nhập phong, như rừng bị cháy hỏa độc xung thiên, thân ở trong rừng lập tức bị thiêu chết. Khi phong nhập thức, như cuồng phong nổi lên đá bay cát chạy, thân như bị cuốn tung lên trên mây rung lắc dữ dội như nhào xuống rồi lập tức té xuống mà chết (Chú thích gốc: Khi đó trong lòng vô cùng kinh sợ, khi cái tâm kinh hoàng vừa nổi lên, 80 loại phong khí bắt đầu nhập vào người, từ 80 loại đó lại tụ thành 25 loại Chính phần. Sau khi tụ xong còn lại một thức thì tức là một Phật, mỗi lỗ chân lông là một La Hán, ngũ thể tức là năm vị Phật). Khi địa lại nhập thủy, trong lòng như mặt trời thiêu đốt, như trời nắng chang chang không một gợn mây; Khi thủy nhập hỏa, trong lòng như thấy hun khói; Khi hỏa nhập phong, trong lòng như thấy lửa đom đóm; Khi phong nhập thức (Chú thích gốc: Thức, phong, khi đều chỉ một vật), trong lòng như thấy có một ngọn đèn trên thảo nguyên, bốn hướng xung quanh không có gió, ánh lửa trong đèn cháy rực sáng. Khi các loại cảnh giới đó ập đến, hành giả tự biết cái chết đang đến gần, thế là nghĩ “Ta chết là vô thường, nhất thiết pháp không”, quán không trung hiện ra một chữ Chủng tử, chữ này xoay đi xoay lại biến thành Bản tôn. Nếu như có Minh mẫu (ý là Bản tôn này nếu có ôm một Minh Phi) thì Minh mẫu cũng quán tưởng thế. Thân khẩu ý của mình và thân khẩu ý của Bản tôn không hai không khác. Lúc này mà chết đi thì lập tức thành Phật luôn! Người thường khi sắp chết thường hay sợ lạnh sợ nóng, sau khi chết đa phần bị đọa xuống địa ngục. Người sợ lạnh thì bị đọa vào hỏa lao, người sợ nóng thì rơi vào hàn ngục, đau đớn vô cùng tận. Chỉ có người tu pháp, khi chết mới có thể chuyên tâm nhất ý quán tưởng chính mình biến thành Bản tôn mà ngày thường vẫn hằng tu luyện, sau đó giữa tâm phóng quang phụng thỉnh (Song thân Phật) Trí tuệ mẫu Tự tính tịnh xứ (chỗ hạ thể quán tưởng ra), đuổi kịp Phật quang giáng lâm hòa nhập vào cơ thể mình, tức thì thân mình thành Phật liền! Đây chính là pháp Trung âm thân thay thế thành Phật. Hành giả khi sắp chết nếu cảm thấy nóng lạnh, chớ có “tự an ủi mình đừng sợ”, vì “tự an ủi đừng sợ” tức là biểu hiện của sự sợ hãi. Lúc đó nên nhất tâm niệm chú, tự quán mình thành Phật, mặc kệ nóng lạnh không quản, coi như đó là dự báo về cái chết mà Phật ban cho thôi. Để tránh việc lúc lâm chung tâm hoảng loạn khởi kiến, thì ngày thường khi tu pháp, đem cảnh giới tứ đại ly tán nói trên và quán tưởng “ta chết là vô thường, nhất thiết pháp không”, tự mình biến thành Bản tôn, thân thể cảm giác nóng lạnh...luyện tập thật nhiều vào” (62-179, 180).

Thuyết pháp như thế, hoàn toàn không khớp với những điều mà “A Hàm kinh” nói. Phật trong kinh A Hàm nói rằng, người thiện khi chết, như nằm trong mộng đẹp, nhìn thấy các thiên nữ vây quanh, trong lòng sinh ái lạc, được sinh vào Dục giới thiên. Người thụ trì ngũ giới không phạm, khi chết thì như ngủ say không tỉnh dậy, khi Trung âm thân hiện khởi giác tri thì anh ta mới biết mình đã chết rồi, không cảm thấy có các loại đau đớn khổ sở. Còn với những người phỉ báng Phật, báng Pháp, báng Tăng (phỉ báng cả phàm phu tăng và Thắng nghĩa tăng) và những người đem pháp ngoại đạo chui luồn vào trong Phật pháp (như Mật tông đem pháp tu song thân của Tính Lực phái của ngoại đạo chui vào trong Phật môn, vọng thuyết nói rằng đó là Phật pháp cứu cánh) thì trước khi chết phải chịu rất nhiều đau khổ vật vã, sau cùng đau đớn ngất đi, tức là lúc chính tử thì hoàn toàn không biết gì nữa, đợi đến khi Tâm giác tri khôi phục trở lại thì đã thấy mình ở địa ngục chịu khổ rồi, không hề trải qua giai đoạn Trung âm thân. Nghĩa là anh ta chỉ thấy đau đớn trước lúc chết, còn ở giai đoạn chính tử thì không phải chịu các loại nỗi đau đớn khi lục đại địa thủy hỏa phong không thức phân tán.

Còn về Bồ Tát tu đắc thiền định và chứng ngộ Bát Nhã, nếu chưa phải vì tính chướng nặng nề mà tạo các ác nghiệp như phỉ báng Sư trưởng, phá hoại chính pháp, hoặc không có nghiệp duyên chín muồi của kiếp trước thì khi chết chắc chắn sẽ không có ác cảnh hiện tiền, trong Chính tử vị cũng chắc chắn không phải chịu các loại đau khổ. Duy chỉ có người nào tạo các nghiệp ác mà chưa đến mức phải đọa địa ngục thì trước khi chết và trong Chính tử vị mới phải chịu các loại đau khổ do tứ đại phân ly, đó là quả báo mà anh ta bắt buộc phải nhận.

Qua đó có thể thấy quá trình cái chết mà Mật tông nói đến hoang đường vô cùng, không khớp với những gì Phật nói, cho nên không thể tin họ được. Nếu như có hành giả nào dựa vào quá trình cái chết do Mật tông nói và căn cứ vào quá trình cái chết thuật trong cuốn “Tây Tạng độ vong kinh” mà khai thị cho vong linh, sẽ khiến cho vong linh chờ đợi quá trình diễn ra cái chết của mình mà không được như ý. Sau khi chờ đợi lâu mà không được, lại nghe hành giả nói, nhất định sẽ cười chê hành giả đó ngu si mê tín, thậm chí sinh ra phiền não, trách tội hành giả, dẫn đến việc sinh việc tử đều không được lợi.

Lại nữa, cuốn “Tây Tạng độ vong kinh” của Liên Hoa Sinh cũng như những hư vọng tưởng của ông ta, tất cả đều hoàn toàn không phù hợp với chính lý của Nhất thiết chủng trí, hoàn toàn trái ngược với lời Phật thuyết. Ông ta vọng thuyết (nói láo) trong “kinh” rằng ở giai đoạn Trung Âm thân, mỗi ngày đều có một vị Phật khác nhau thị hiện đến tiếp dẫn hành giả, điều này không đúng với sự thật, cũng là trái ngược với những gì Phật đã khai thị. Ví dụ, Phật nói “không thể được sinh đến nước đó (Tây phương Cực Lạc) bằng nhân duyên phúc đức thiện căn kém”, cũng nói hành giả cần niệm Phật nhất tâm bất loạn, để mà cầu sinh đến Thế giới Cực Lạc. Điều này cho thấy chư Phật không hề rảnh rỗi đến mức mỗi ngày thương lượng, phái một vị Phật luân phiên đến thị hiện trước hành giả.

Lại nữa, “Phật” thị hiện mỗi ngày được nói đến trong cuốn “Tây Tạng độ vong kinh” đều là “Phật” ôm một người con gái, thể hiện trạng thái giao hợp hưởng sướng – tức là “Phật báo thân” mà Tổ sư Mật tông thường nói đến. “Phật” như thế chẳng qua là do quỷ thần thị hiện, tuyệt đối không phải là Phật thật. Thân khẩu ý của tất cả các vị Phật đều hoàn toàn thanh tịnh, thậm chí cho đến tập khí chủng tử nhỏ bé nhất cũng đều đã đoạn tận, sao lại có thể thị hiện bằng hình tượng song thân, không lìa dâm dục được?

Lại nữa, những nội dung trong cuốn “Tây Tạng độ vong kinh” đều không đúng với Nhất thiết chủng trí, hoàn toàn trái ngược. Trong cuốn “Tây Tạng độ vong kinh”, Liên Hoa Sinh nói người chết khi ở giai đoạn Chính tử vị cần chấp nhận, coi ánh sáng Ý thức là Pháp thân Không tính, gọi là Tịnh thức bất sinh bất tử. Nếu như có thể chấp nhận Tịnh thức quang minh này thì có nghĩa là chứng được Pháp thân Phật, trở thành Cứu cánh Phật. Ví dụ, trong cuốn “Tây Tạng độ vong kinh” có nói thế này:

“Lại như, nếu người chết là bất kỳ người nào, thì người đọc tụng cần dặn dò thế này để hỗ trợ cho anh ta chứng đắc: ‘Này anh X tôn quý, hãy lắng nghe! Hãy lắng nghe! Anh hiện nay đang trải nghiệm sự huy hoàng của ánh sáng Thực tướng thanh tịnh, anh cần tăng cường nhận biết điều này. Này anh X tôn quý! Trí tính đang hiện tiền trước anh, tính của nó vốn Không, không sắc không tướng, vốn dĩ không tịch, tức chính là chân không thực tướng, thể tính pháp giới Phổ Hiền. Cái Trí tính này của anh, chính là bản thân Tịnh thức, chính là Phổ Hiền Vương Phật (đây là chỉ Phổ Hiền Vương Phật của Mật tông đang tu song thân giao hợp thụ lạc). Cái gọi là vốn Không, không phải là không trong không vô (hư không, trống rỗng), mà là bản thân Trí tính không có chướng ngại, quang minh phát sáng, tùy duyên phó cảm, hoan lạc sung mãn. Cái Tịnh thức có tính chất vốn không, vô sắc vô tướng này của chính anh và Trí tính quang minh phát sáng, hoan lạc sung mãn, hai cái đều không thể tách rời, hai cái cùng khế hợp, tức là cảnh giới pháp thân viên giác. Cái Tịnh thức có ánh sáng chói lọi, tính nó vốn không, không thể tách rời khỏi đại thân quang minh này của anh, vừa không có sinh vừa không có tử, tức là Vô Lượng Quang – A Di Đà Phật. Anh có thể nhận thức được điều này tức là đã đầy đủ viên mãn rồi. Coi Trí tính của chính anh là Không tính thành Phật, đồng thời coi nó là Tịnh thức của bản thân, thì sẽ có thể khiến anh an trú ở trong cảnh giới Thánh tâm đại giác’. Dặn dò như thế lặp lại ba lần cho đến bảy lần, phải thật rõ ràng thông suốt, như thế, một là có thể khiến cho người chết hồi ức lại pháp môn thân chứng mà trước đây Thượng sư đã dạy, hai là có thể khiến cho người chết nhìn nhận cái Tịnh thức không ngăn trở này như là ánh sáng căn bản, ba là có thể giúp cho người chết nhận rõ Bản lai diện mục của mình khế hợp mãi mãi với Pháp thân, để đảm bảo được giải thoát”. (139-46, 47).

Qua đó có thể thấy việc nói rằng “Mật tông có nghiên cứu nhất, có chứng lượng nhất đối với cái chết, hiểu rõ nhất về cái chết, có thể độ người thành Phật nhất khi người ta chết” quả thật là vọng tưởng. Những lời lẽ hướng dẫn cho người chết kiểu đó đều là những lời hướng dẫn sai lầm khiến cho người chết mắc tội đại vọng ngữ nghiệp, làm sao có thể trợ ích cho người chết được? Mà thực tế ngược lại còn làm tăng tội lỗi của anh ta, khiến anh ta bị đọa vào nghiệp địa ngục vì tội đại vọng ngữ, cứu ra khó khăn vô cùng. Người chết vốn dĩ không có tội, nhưng lại bị hành giả Mật tông khai thị bừa bãi như thế, gây ra tội đại vọng ngữ mà đọa xuống địa ngục, thật đúng là đại họa khó gỡ.

Vì sao vậy? Bởi vì ánh sáng Trí tính hiện tiền chỉ là Tâm ý thức mà thôi. Coi Tâm ý thức là Chân Như, gọi đó là thành hiền chứng thánh, tức là thành tựu đại vọng ngữ nghiệp vậy. Người chết vốn dĩ không có tội lỗi, có thể vãng sinh đến nơi tốt đẹp dựa theo thiện nghiệp của anh ta, nay bị hành giả Mật tông dẫn dắt sai lầm như thế mà phạm phải đại vọng ngữ nghiệp, tưởng mình lên ngôi hiền thánh, nào ngờ lại bị đọa xuống ác đạo. Đó đều là do hành giả Mật tông tin nhầm vào tà pháp của Mật tông mà chuốc họa thôi. Ví như có đứa con trai khỏe mạnh, thân thể không ung nhọt gì, nhưng vì lang băm chẩn đoán nhầm bệnh mà khoét thịt trên người thành thương tật, khiến nó đau đớn đến mức chết oan, thật đúng là ngu si. Những người học Mật tông nếu không có trí tuệ để phân biệt (chính tà), thì sẽ còn nhiều lần rơi vào những hành động ngu si. Thế còn những người có trí tuệ tại sao lại hùa theo họ mà vọng thuyết, không biết đường mà cảnh giác?

Lại nữa, người tu Mật tông cho rằng khi người ta chết, cần phải hợp nhất Mẫu minh quang và Tử minh quang (ánh sáng), như thế có thể thành Phật trong giai đoạn Trung Âm thân:

“Khi Phong nhập Thức, bên trong nhìn thấy đậu hỏa kiên định, như đã thuật ở trên. Sau đó, khi Thức nhập Trung mạch, đầu tiên nhìn thấy màu trắng, sau đó là nhìn thấy màu hồng, sau màu hồng thì thấy hắc ám dị thường. Sau một lát thì đen tối mất đi, đột nhiên thấy màu đỏ như máu, nhưng màu đỏ này chỉ xuất hiện trong một sát na rồi biến mất. Sau khi màu đỏ biến mất, thì xuất hiện ánh sáng trắng vàng nhạt chiếu sáng, khi đó mệnh đã ra ngoài rồi. Cái ánh sáng trắng màu vàng nhạt đó có hai loại, một là Mẫu quang, hai là Tử quang. Mẫu quang chính là ánh sáng của hành giả, là thứ có được do tu pháp hàng ngày. Tử quang là ánh sáng của Phật. Sau khi hành giả chết, Mẫu quang vốn có của anh ta bắt buộc phải hòa nhập vào với Tử quang thỉnh đến thì mới có thể thành Phật. Khi tu pháp hàng ngày, chỉ có Mẫu quang mà không có Tử quang. Phải luyện tập khởi kiến, quán tưởng một quang (luồng sáng), mời đến để hòa nhập vào Mẫu quang của mình. Cái ánh sáng quán tưởng này gọi là Không quang, không phải Tử quang thực sự. Khi sinh tiền luyện tập đã thành thục, thì tương lai sau khi chết, khi Tử quang thực sự được mời đến, giống như mẹ thấy con, hoan hỉ dung hợp với nhau mà không phải băn khoăn “thấy mà không quen”. Khi người ta chết đi, trước tiên khí nhập Trung mạch. Thế là Minh điểm dâng lên đến giữa tâm để cái nút mở ra. Cái nút vừa mở ra, Minh điểm (chú thích gốc: tức là Mệnh) tiếp tục men theo Trung mạch dâng lên trên, từ Phạm môn xuất ra ngoài. Khi đó là lúc người ta chết đi. Cái chết và ánh sáng trắng vàng nhạt chiếu sáng cùng đến, khi ánh sáng trắng vàng nhạt đến, hành giả phải nghĩ ngay rằng “Ta chết vô thường, nhất thiết pháp không”. Tự mình sẽ biến thành Bản tôn, dung hợp với Phật quang...Đó chính là pháp tu để Trung âm thân thay thế thành Phật. Khi tu pháp hàng ngày, cũng phải quán tưởng như thế để mà luyện tập, khí từ Mật xứ thăng lên, Đan Điền phát hỏa, sau đó Minh điểm mới bắt đầu có thể dâng lên mà ra ngoài” (62-180, 181).

Cái việc xả thân của người như thế trong Mật tông, đó là Mẫu minh quang xả ly sắc thân mà chết, không đúng như Phật nói A Lại Da thức xả thân mà chết. Qua đó có thể khẳng định rằng cái chấp trì thân đó là Tâm minh quang – tức Ý thức và Minh điểm do quán tưởng mà thành, những thứ dị thuyết dị kiến đó đều trái ngược với những gì Phật từng nói, làm sao có thể nói đó là chính pháp của Phật giáo được? Mà lại vọng ngôn cho rằng còn thắng diệu hơn cả Hiển giáo?

Cái pháp vọng ngôn thành Phật đó, họ tự trân quý giữ gìn, bí mật không truyền ra ngoài, khiến cho người bên ngoài không có cách nào biện chứng, khiến cho hành giả Mật tông ngàn năm nay lầm đường lạc lối tu hành “tinh tấn” trong tà đạo tà pháp, từ đó phạm đại vọng ngữ nghiệp, còn phạm cả trọng nghiệp phỉ báng chính pháp liễu nghĩa của Hiển giáo là “không cứu cánh, không thắng diệu”, khiến cho người ta ngao ngán thở dài.

 

 


Bài trước

Bài sau

Trang chủ

Lượt xem trang: 0