Chân tướng
Mật Tông Tây Tạng

Phật giáo Tạng truyền thật sự là Giác Nãng Ba, hoằng dương diệu pháp Như Lai Tạng Tha Không Kiến, hoàn toàn phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo. Tứ đại giáo phái Hồng, Hoàng, Hoa, Bạch là Phật giáo Tạng truyền giả, tất cả các pháp nghĩa của họ đều không phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo, cho nên là tà giáo, tà pháp.

CHƯƠNG 15: THỦ ĐOẠN TUYÊN TRUYỀN TÀ PHÁP CỦA MẬT TÔNG

 

Tiết 1: Lấy thượng sư làm nòng cốt để quảng truyền Mật pháp

Trong quá trình hoằng truyền Mật tông thực tế, có một thủ đoạn mà các thày Mật tông từ xưa đến nay vẫn thường xuyên áp dụng, đó là tôn sùng Thượng sư hơn cả Tam Bảo. Có sách làm chứng:

“Phần trước giảng có hai pháp tu: Thứ nhất tức Hội cúng. Khi Hội cúng, quán tưởng trong hư không trước mặt có tám con sư tử, đầu đội một tòa báu. Trên tòa đó có một bông hoa sen, trên hoa có đệm nhật nguyệt luân, trên đệm có thượng sư của mình ngồi như tướng của Kim Cương Trì, một mặt hai tay, tay phải cầm chùy, tay trái cầm chuông, ngồi kiểu kiết già, tay ôm Minh mẫu. Người Minh mẫu mặc thiên y trang nghiêm, phóng ra ánh sáng ngũ sắc. Ngoài thượng sư còn có tất cả các thày truyền kế, Bản tôn, Phật Bồ Tát…vây xung quanh, tựa như Phật hội. Trên đầu của tất cả các thượng sư đều có một nguyệt luân, trên luân có chữ Úm phóng bạch quang. Giữa hầu có một bông hoa sen màu đỏ, trên hoa có chữ A phóng hồng quang. Giữa tâm có một nhật luân, trên luân có một chữ Hồng phóng lam quang. Ba luồng ánh sáng đó chiếu ra, lần lượt tiêu trừ thanh tịnh ba loại nghiệp cấu trong thân thể ta. Sau đó chữ Hồng giữa tâm của thượng sư lại phóng quang, tất cả các thầy truyền kế và Phật Bồ Tát cũng đều phóng quang hòa nhập vào trong thân thượng sư, thế là thượng sư và Phật không hai không khác, các pháp đều chuẩn bị đầy đủ, Tam Bảo hợp nhất. Khi hành giả Hội cúng, cần tu quán như vậy. Vì thầy là Phật trụ thế, không khác gì Phật. Pháp mà thượng sư giảng tức là Phật pháp. Một mình thượng sư có đủ Tam Bảo, người đó thắng diệu hơn tất thảy Phật, không có ai cao hơn thượng sư. Duy chỉ có thượng sư mới là chân Phật của chúng ta, hành giả nên quán tưởng như vậy…Giả như thày muốn có vật gì (ví dụ các thứ như tiền tài rượu thịt…), làm đệ tử phải nên cúng dường, chứ không được hỏi nó có tác dụng gì? Cúng thày thì phải làm quán tưởng cúng Phật, như thế thì công đức vô lượng. Người làm đệ tử không được trộm bàn cái sở đoản của thày mình, nếu không sau khi chết nhất định sẽ đọa địa ngục, điều này không thể không biết. Cần phải nghĩ đến sự từ bi của thày, cầu thày ban Tất địa, coi thày là Phật, nhất tâm không nghi ngờ, như thế thì cách đạo không xa đâu…Hành giả tất phải quán tưởng thày mình cao hơn bất kỳ vị Phật nào, cung kính cúng dường không thiếu sót, dần dà sẽ được lòng thày, tự sẽ được thày bí truyền khẩu quyết, tu đó để mà thành tựu nhé…

Khi cúng dường thượng sư, phải quán tưởng tất thảy chư Phật Bồ Tát đều đang ở trong thân của thượng sư này, cho nên cúng dường thượng sư không khác gì cúng dường chư Phật. Cung kính cúng dường như vậy mới có công đức, nghiệp chướng của mình mới được thanh tịnh. Hơn nữa, thượng sư hoan hỉ sẽ tự truyền thụ trí tuệ nhiệm màu cho anh thôi. Khi thượng sư lên tòa giảng kinh, phải quán tưởng ngài nhất định là Phật, nhất định là bản thể của tất thảy Như Lai, một lòng không nghi, cung kính thờ phụng. Nếu như không tín ngưỡng mà trong lòng có ý đánh giá bản lĩnh của thượng sư, xem xét hành vi, tính tính ngài ra sao, nếu có ý niệm đó là có ma chướng lớn vô cùng tận. Nếu nghĩ đến những khuyết điểm của thượng sư, thì tức là tâm không thanh tịnh. Nếu tâm thanh tịnh, thì không nghĩ đến việc thượng sư có bản lĩnh hay không, thì Tất địa mới chóng thành. Cho nên, khi cúng dường thượng sư, trong lòng hành giả nên nghĩ thượng sư chính là Phật, không có khiếm khuyết gì cả. Ơn của thượng sư như núi cao biển sâu, sau khi cúng dường xong, thì đến trước mặt thày cầu khấn rằng: ‘Vị thày duy nhất của con ơi, con nguyện đem tất cả diệu phẩm cúng dường ngài, cầu chúc ngài. Con chỉ cúng dường ngài, không cúng dường vị Phật khác’. Vì thày của ta có đủ Tam Bảo, tức là đại diện của Phật rồi. Trên đời này không còn có ai cao hơn thày của anh. Kim Cương Dũng Thức tức là thày anh. Người nào tưởng niệm cúng dường như thế mà không có công đức, không nhanh chóng thành Phật, xưa nay chưa từng có chuyện đó. Có một loại bí mật dị thường “Kinh cúng dường Thượng sư”, người nghe cho dù không tu, nếu nghe bảy lần cũng chắc chắn thành Phật, đó là nhờ có thần lực gia bị của Phật Bồ Tát. Đại sĩ Liên Hoa Sinh nói: “Đệ tử có lòng tín ngưỡng kiên định, ta tất phù hộ người đó, vì anh ta cung kính cúng dường thày; tất cả đều do thày anh ta đảm nhiệm rồi, cho nên hành giả chỉ cần nhất tâm cúng dường cung kính thượng sư của anh ta, những việc khác đều có thể không cần”. Đây là việc tiện nghi (hời) nhất thiên hạ, cũng là pháp thuật tối bí mật, vì trong pháp tu thì thượng sư là quan trọng nhất vậy”. (62-33, 35)

Các thày Mật tông dựa vào khai thị này đã tạo lập lòng cung kính của người học Mật tông đối với thượng sư, khiến người học sinh lòng tín ngưỡng thậm chí là mê tín tuyệt đối đối với thượng sư. Cho dù những lời nói, hành động của thượng sư không phù hợp với lời Phật nói, không phù hợp với chuẩn tắc của người tu hành, thì vì cung kính tuyệt đối vẫn phải tin theo không nghi. Thượng sư Mật tông còn dạy người học quán tưởng thượng sư, qua đó để xây dựng lòng tín kính không nghi tuyệt đối của người học đối với thượng sư: “…Lúc tu, quán tưởng thượng sư hiện Du già tướng (hình tướng ôm Minh Phi hưởng thụ dâm lạc như đã nói ở đoạn văn trên gọi là Du già tướng), cầu khấn ông ấy tiêu trừ tội nghiệp của mình, ban cho mình Tất địa. Thượng sư nghe được, trong lòng hoan hỉ, từ ba chữ Úm A Hồng phóng ra ba luồng ánh sáng trắng đỏ lam, tiêu trừ ba nghiệp thân khẩu ý của mình. Thân mình vì thế mà thanh tịnh như lưu ly, thượng sư bèn hòa nhập vào thân mình, như thế là không hai không khác, bèn phóng quang phụng thỉnh Phật về quán đỉnh, sau đó lợi ích chúng sinh. Nội dung quán tưởng đoạn này không được giảng cho người chưa từng thực hiện lời thề và thụ quán đỉnh. Vì thuần là khẩu truyền, bí mật vô cùng. Quán tưởng xong xuôi, bèn niệm một trăm chữ Minh. Sau khi niệm một trăm chữ Minh thì pháp mới được kiên cố. Mỗi ngày tu tập bốn lần, sau khi thượng tòa thì trước tiên tu Kim Cương Dũng Thức, sau đó tu thượng sư du già” (62-38).

Thượng sư khai thị bằng khẩu quyết này và truyền pháp quán tưởng thượng sư để củng cố lòng tin tuyệt đối của đệ tử đối với thượng sư. Sau đó khi truyền pháp Kim Cương thừa (pháp môn hợp tu song thân), đệ tử mới có thể hoàn toàn tin theo không nghi. Vì lẽ đó, Song thân pháp tà dâm phá hoại chính pháp của Mật tông liền có thể tiếp tục hoằng truyền mà các đệ tử không thể, cũng không dám sinh lòng nghi ngờ.

Pháp tương ứng tôn cao thượng sư của các thày Mật tông cũng là pháp thường được nghe được thấy: “tu thượng sư trên đỉnh (đầu) của ta, tức là quán tưởng cầu khấn thượng sư trên đỉnh (đầu), mong được ngài gia bị. Sau khi cầu khấn, thượng đi xuống, dung hòa vào thân ta không khai không khác, mãi mãi thực hiện quán tưởng như thế, vì thượng sư và Bản tôn vốn dĩ không khai không khác. Thượng sư hiện tướng Bản tôn, nay lại dung hòa với thân ta, thì ta cũng chính là Bản tôn. Bản tôn, thượng sư và chính bản thân hành giả, tam vị nhất thể không hai không khác. Tự quán mình là Bản tôn tức là quán tưởng rõ ràng hình tượng Bản tôn theo đúng như nghi quỹ, không sai chút nào, coi đó là chân thực không giả, nhất tâm không nghi. Bản tôn này chính là bản thân biến thành, so với mình không hai không khác. Hành giả sau khi thượng tòa, trước khi tu nghi quỹ thì phải tu thượng sư, mời thượng sư đến hòa nhập vào thân mình. Nếu như không lấy thượng sư làm người chỉ lối đưa đường mà đã đi tắt tu Bản tôn thì chắc chắn khó mà thành tựu. Vì khoảng cách của hành giả và Phật quá xa, nếu không có sự môi giới của thượng sư làm kết hợp trung gian thì cực khó tương ứng. Hơn nữa, nếu không tu thượng sư thì sức mạnh gia bị của thượng sư không đến. Nếu không có được sức mạnh gia bị của thượng sư thì quyết khó thành tựu” (62-80)

Ví dụ nêu trên chỉ là một trong số hàng vạn ví dụ mà thôi. Trong khai thị của các thày Mật tông từ xưa đến nay, chỗ nào cũng có thể thấy những lời tâng bốc thượng sư. Xa thì là các thày Mật tông ở Thiên Trúc, giữa là các thày Mật tông Tây Tạng, gần là các thày Mật tông ngày nay, không ai là không như vậy. Thậm chí, trong các cuốn sách do nhà xuất bản Chúng Sinh phát hành, Nhân ba thiết Sáng Cổ còn nói: thượng sư có sức mạnh gia trì cho đệ tử Phật, còn Phật Thích Ca thì không có năng lực này. Việc tôn cao thượng sư như thế khiến cho người ta sinh niềm kính tín vô hạn đối với thượng sư Mật tông, khiến các đệ tử Mật tông chỉ một mực tin lời thượng sư, đến mức nghe và làm theo vô điều kiện, không cần dựa vào lời Phật trong kinh để kiểm tra lời nói của thượng sư xem có phù hợp với những gì mà Phật đã tuyên thuyết hay không. Vì lẽ đó mà Mật tông có thể tùy ý vọng ngôn giải thích các danh tướng và quả chứng trong Phật pháp, không để cho hành giả Mật tông sinh nghi nữa. Phần đông các thượng sư sau khi vọng ngôn giải thích, dưới sự truyền miệng của nhiều người, cho dù có thày chính pháp xuất thế tuyên thuyết chính ngữ thì các tín đồ Mật tông cũng không nghe theo, chỉ tin vào “Phật pháp” đã được giải thích xuyên tạc của thượng sư. Vì thế mà các tín đồ Mật tông muốn quay về với chính pháp là điều cực kỳ khó khăn, nguyên do chính là ở chỗ này.

Những lời lẽ tôn sùng thượng sư “đồng với chư Phật” hoặc “hơn cả chư Phật” như thế, chỗ nào cũng có thể bắt gặp, hơn nữa là từ xưa đã nâng cao địa vị của thượng sư như vậy rồi, chứ tuyệt đối không phải mới bắt đầu từ thời Mạt pháp ngày nay. Ví dụ, trong cuốn “Đại Nhật Kinh - Đại Tỳ Lô Giá Na thành Phật thần biến gia trình kinh” của tà giáo Mật tông được thu nhập vào trong “Đại Chính Tạng” cũng có nói như thế này:

“Khi đó, Kim Cương Thủ bạch Phật rằng: ‘Thưa Thế Tôn! Nếu có các thiện nam, thiện nữ nhập vào Tam muội da Mạn trà la vương do Đại bi tạng sinh, người ấy có giành được phúc đức nào không?’ Hỏi câu ấy xong, Phật nói với Kim Cương Thủ rằng: ‘Này Bí Mật Chủ! Tất cả các phúc đức từ lúc mới phát tâm cho đến khi thành Như Lai, đều là ngang hàng với phúc đức của thiện nam, thiện nữ đó. Này Bí Mật Chủ! Pháp môn này cần phải hiểu như thế. Các thiện nam, thiện nữ đó sinh ra từ miệng Như Lai, là con của Tâm Phật. Những chỗ mà các thiện nam, thiện nữ đó ở đều là nơi có Phật làm Phật sự. Cho nên, này Bí Mật Chủ! Nếu có người nào vui vẻ muốn cúng dường Phật, phải nên cúng dường các thiện nam, thiện nữ này. Nếu vui vẻ muốn gặp Phật, thì nên quán tưởng đến họ’. Lúc đó, các Thượng thủ Chấp Kim Cương như Kim Cương Thủ, các Thượng thủ chư Bồ Tát như Phổ Hiền đều đồng thanh nói: ‘Thưa Thế Tôn! Chúng con từ nay về sau sẽ cung kính cúng dường các thiện nam, thiện nữ đó. Vì sao vậy? Thưa Thế Tôn! Vì các thiện nam, thiện nữ đó đều cùng thấy Phật Thế Tôn’” (Đại Chính Tạng 18-12 giữa).

Lại như cuốn “Nhất thiết Như Lai chân thực nhiếp Đại thừa hiện chứng tam muội đại giáo vương kinh” quyển 5 nói rằng: “Thế rồi (thượng sư Kim Cương) nói với các đệ tử lời thề rằng: ‘Các ngươi từ này về sau, nghĩ đến ta tức đồng với Kim Cương Thủ Tôn. Những gì ta làm, các ngươi cũng nên làm. Các ngươi không nên sinh lòng khinh mạn đối với ta, nếu không các người sẽ gặp phải tai ương, sau khi mệnh chung sẽ đọa đại địa ngục’. Rồi lại truyền thề giới tâm rằng: …” (“Đại Chính Tạng” 18-353 dưới). Họ tôn cao địa vị của thượng sư ngang hàng với Bồ Tát Đẳng Giác như vậy, qua đó để xây dựng lòng tin tuyệt đối của đệ tử đối với thượng sư, tiện cho việc hoằng truyền tà pháp của Mật tông, nhằm kiếm được sự cung kính và cúng dường.

Việc khinh Phật mà trọng thượng sư như vậy, thực sự có thể gọi là Mật tông cuồng vọng. Thế nhưng chúng ta hãy xem Phật bài bác những người cuồng vọng trong “Kinh Lăng Nghiêm” như thế này: “…Đừng để đại Ngã mạn không đầu sinh khởi, kể cả cho đến Mạn, Quá mạn, Mạn quá mạn và Tăng thượng mạn hay Ti liệt mạn đừng để nhất thời phát sinh. Trong lòng còn khinh Như Lai, huống hồ là bậc Thanh Văn, Duyên Giác ở dưới? Đó gọi là kiến thắng, không có trí tuệ tự cứu. (Nếu cho rằng) ngộ rồi thì không có tội, thì đó không phải là thánh chứng. Nếu thực hiện thánh giải, thì có một phần của con ma đại Ngã mạn nhập vào tâm phủ anh ta. Không lễ tháp miếu, phá hủy kinh tượng, lại nói với đàn việt rằng: ‘Đây chỉ là vàng đồng, hoặc là gỗ đất, kinh chỉ là lá cây, hoặc là điệt hoa; nhục thân là chân thường, không tự cung kính, lại sùng bái gỗ đất, thực là điên đảo’. Người nào tin sâu, theo anh ta phá hủy, chôn lấp trong đất, khiến chúng sinh nghi ngờ, mắc sai lầm thì sẽ vào địa ngục Vô Gián. Đã mất đi chính thụ thì sẽ đọa lạc” (“Đại Chính Tạng” 19-148 dưới). Những lời Phật nói đều là lời thành thực, không phải là lời dối lừa, không phải là vọng ngữ, cho nên tất thảy mọi người học Mật tông đều phải nên chí thành tin theo, đừng để bị tà sư, tà kiến, tà pháp của Mật tông mê hoặc thì mới gọi là những người có trí tuệ.

 

 


Bài trước

Bài sau

Trang chủ

Lượt xem trang: 0