Chân tướng
Mật Tông Tây Tạng

Phật giáo Tạng truyền thật sự là Giác Nãng Ba, hoằng dương diệu pháp Như Lai Tạng Tha Không Kiến, hoàn toàn phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo. Tứ đại giáo phái Hồng, Hoàng, Hoa, Bạch là Phật giáo Tạng truyền giả, tất cả các pháp nghĩa của họ đều không phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo, cho nên là tà giáo, tà pháp.

Tiết 37: Vọng tưởng của Minh Không Đại thủ ấn tức thân thành Phật

Các thày Mật tông từ xưa đến nay thường nói rằng: “Minh Không Đại thủ ấn cũng có thể tức thân thành Phật, mà Hiển giáo thì không có pháp này, cho nên chỉ là pháp môn tu hành ở Nhân vị. Mật tông vì có pháp này, có thể tức thân thành Phật, cho nên là pháp môn tu hành ở Quả vị”. Thế nhưng lời nói này mắc một lỗi lớn: Đó là Mật tông nếu đã nói rằng Minh Không Đại thủ ấn có thể tức thân thành Phật thì không được nói rằng Hiển giáo không thể tức thân thành Phật. Vì sao vậy? Vì cái mà Minh Không Đại thủ ấn của Mật tông chứng được chỉ là tâm Ý thức giác tri – coi tâm ly niệm linh tri là Chân Như ở Phật địa – dựa vào tâm Ý thức này mà nói rằng đã chứng được Chân Như ở Phật địa, còn lâu mới có thể giúp người ta chứng được Thức thứ tám Như Lai Tạng như ở bên Hiển giáo.

Cho nên các thày Mật tông xưa nay vẫn thường rơi vào trong vọng tưởng của phàm phu ngoại đạo. Như thế mà nói chứng được cảnh giới nhất niệm bất sinh là đã chứng được Chân Như ở Phật địa, là đã thành Phật đạo, là người đã chứng được Minh Không Đại thủ ấn, thế thì những người đã chứng được Thức thứ tám ở bên Hiển giáo càng có tư cách để nói rằng mình đã thành Phật đạo rồi. Nếu đã như thế thì câu Mật tông nói: “Mật thừa là pháp tu Quả vị, Hiển giáo là pháp tu Nhân vị” tức là vọng ngữ, không phải là lời nói chân thật. Mật tông từ nay trở đi không nên tiếp tục buông ra những lời lẽ khiến cho người ta thấy rõ sự ngu si, vô trí của mình nữa.

Lại nữa, Mật tông nếu đã nói Minh Không Đại thủ ấn có thể khiến người ta tức thân thành Phật, thì không cần lại phải tu vô thượng Yoga của Tham đạo nữa. Nếu như nói rằng nhất định phải tu pháp hợp tu song thân vô thượng Yoga của Tham đạo thì mới có thể thành Phật, thì không thể nói “Minh Không Đại thủ ấn có thể khiến người ta tức thân thành Phật” nữa. Mà cái gọi là Minh Không Đại thủ ấn của Mật tông chỉ là tọa thiền hàng ngày nhằm cầu chứng lấy định cảnh (cảnh giới thiền định) nhất niệm bất sinh. Thế nhưng, cho dù hành giả Mật tông có thể tọa thiền mỗi ngày, đều có thể duy trì được cảnh giới nhất niệm bất sinh, thì chẳng qua cũng chỉ là định cảnh thô thiển trong Dục giới định mà thôi, đứng ở góc độ thiền định thế gian mà nói thì vẫn chưa phải là chính định trong thế gian. Nhất định phải là người đã chứng được Sơ thiền thì mới được coi là chính định thế gian.

Thế nhưng nay xem xét các Mật kinh, Mật tục do các thày Mật tông viết ra thì đều là dạy bảo hành giả Mật tông bắt buộc phải dựa vào Lạc Không song vận của Song thân pháp, lấy đó làm lý luận và nội hàm tu chứng chủ yếu, đồng thời còn phải tinh tấn tu hành mỗi ngày, nhằm cầu chứng lấy đại lạc của Đệ tứ hỷ, như thế thì cũng chứng tỏ rằng họ còn chưa hàng phục được Tham dục cái (trong Ngũ cái). Người còn chưa diệt trừ được Tham dục cái thì không thể nào chứng được Sơ thiền. Người chưa chứng được Sơ thiền thì sao có thể tự nói mình có thể thành Phật đạo? Vì sao vậy? Vì còn chưa thể chứng được thiền định thế gian, huống hồ là chứng được quả vị Phật đạo có đầy đủ tất cả thiền định Tam muội? Qua đây có thể thấy rằng, pháp tu hành Quả vị mà Mật tông nói đều chỉ là vọng tưởng tự ý, những gì họ nói đều không có thực nghĩa.

 

 


Bài trước

Bài sau

Trang chủ

Lượt xem trang: 0