Chân tướng
Mật Tông Tây Tạng

Phật giáo Tạng truyền thật sự là Giác Nãng Ba, hoằng dương diệu pháp Như Lai Tạng Tha Không Kiến, hoàn toàn phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo. Tứ đại giáo phái Hồng, Hoàng, Hoa, Bạch là Phật giáo Tạng truyền giả, tất cả các pháp nghĩa của họ đều không phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo, cho nên là tà giáo, tà pháp.

Tiết 4: Pháp dâm lạc song thân tuyệt đối không phải là pháp nói trong kinh Hoa Nghiêm

Các thày Mật tông xưa nay vẫn thường nói: Song thân pháp nam nữ hợp tu là pháp nói trong “Kinh Hoa Nghiêm” của Hiển giáo mà trước khi nhập diệt Phật Thích Ca chưa từng nói đến, cho nên sau này mới có “Phật” Liên Hoa Sinh xuất thế khai thị. Qua cách nói đó, họ đã xây dựng một địa vị “hợp pháp” của Mật giáo. Thế nhưng, những lời nói này lại trái ngược với sự thật. Trong kinh Hiển giáo không hề có pháp này, mà đó là pháp bắt đầu từ thế kỷ thứ tám, thứ chín mới có. Giáo sư Trần Ngọc Giao (sau này xuất gia thành pháp sư Thích Như Thạch) nói:

“Vô thượng yoga Mật của Ấn Độ bắt đầu hưng khởi khoảng trước sau thế kỷ thứ tám. Luận điển của Hiển giáo Đại thừa từ đó trở về trước đều rất thuần túy, gần như không nhìn ra được xu thế của hệ thống tu hành kết hợp với Mật giáo một cách toàn diện. Đến thế kỷ thứ bảy, xuất hiện Tịch Thiên có kinh nghiệm thực tiễn trứ danh, trong cuốn “Học xứ tập yếu” nổi tiếng của ông ấy cũng chỉ trích dẫn ra một số chân ngôn mà thôi, không hề đề cập đến toàn bộ pháp tu của Mật giáo. Đến thế kỷ thứ chín, thời vua Đạt Ma Ba La cho xây dựng chùa Siêu Giới, lúc đó Hiển Mật bắt đầu cùng hoằng truyền. Từ đó về sau, Mật giáo ngày càng hưng thịnh. Có điều, khi các học giả thông thường (của Mật giáo) viết luận trước về Hiển Mật, đa phần đều xử lý riêng biệt, ai nấy thành hệ thống riêng, rất ít người đem pháp học Hiển Mật quán thông thành một mạch thứ tự, tức là: lấy Bồ Đề tâm quán thông Hiển Mật, tiên tam quy, tam học; từ Giới đắc Định, từ Định đắc Thông, (lại) song vận trí tuệ và phương tiện. Cuối cùng thăng tiến Mật thừa, thành đạt viên mãn phúc huệ tư lương nhanh chóng bằng pháp tu bất cộng (Song thân pháp nam nữ hợp tu), thành tựu Chính Giác. Thứ tự tu đạo nhất quán Hiển Mật như thế, trừ “Bồ Đề đạo đăng” và “Nan xứ thích – giải thích chỗ khó” ra, thì (từ đó trở về trước) e rằng rất khó có thể tìm được luận trước có tính chất như vậy nữa”. (6-53)

Cho nên, pháp tu song thân của Mật giáo đích thực là học thuyết của phái Tính Lực trong Ấn Độ giáo thu nạp vào trong “Phật giáo” của Mật tông sau này, trải qua diễn biến kết tập và chỉnh lý tổng hợp lâu dài, đầu tiên có pháp cầu khấn như nghi quỹ Mật chú trong “Kim Cương đỉnh kinh”, sau mới có pháp tu song thân nam nữ hợp tu tức thân thành Phật nói trong “Đại Nhật kinh”. Nhằm lấy được lòng tin của mọi người, họ đã sáng tác ra cuốn “Liên Hoa Sinh ứng hóa sử lược”, trong đó tôn cao Liên Hoa Sinh là hóa thân của hoa sen Phật A Di Đà sinh ra ở nhân gian, khiến cho đại chúng hết mực tin tưởng. Thế nhưng, về chuyện Liên Hoa Sinh hóa sinh, lại có vô số lỗ hổng, không thể nào khiến cho người có trí tuệ tin được. Việc này cho phép phần sau sẽ nói tiếp.

Xét trên phương diện thời gian và thứ tự Mật tục xuất hiện ở nhân gian, quan sát từ việc các pháp của Mật tục chỗ nào cũng trái ngược nghiêm trọng với pháp nghĩa Tam thừa, tìm hiểu ngữ lục của các nhà đại tu hành xưa nay của Mật tông, có thể xác định chắc chắn rằng đạo Mật tông đích thực là ngoại đạo pháp. Cũng có thể xác định từ sự thực này: Mật tông thời kỳ đầu đích xác là không có pháp môn song thân hợp tu, mà là sau này hấp thu học thuyết phái Tính Lực trong các chi phái thuộc Ấn Độ giáo và Bà La Môn giáo để trà trộn vào trong Phật giáo, trở thành pháp môn “Vô thượng Mật” tức thân thành Phật của Mật tông ngày nay. Xét từ các nội dung Mật tục của Mật tông Thiên Trúc và thứ tự xuất hiện trước sau tại nhân gian, sự thực đó đã được khẳng định chắc chắn, các hành giả Mật tông không thể nào lật đổ được, nhưng họ cũng không chịu thừa nhận điều này.

Người học Mật tông và các thượng sư Mật tông ai ai cũng nói trong “Kinh Hoa Nghiêm” đã sớm có pháp môn dâm lạc hợp tu song thân rồi, cho nên họ nhận định pháp hợp tu song thân nam nữ của Mật tông chắc chắn là Phật pháp, nhất định có thể khiến người ta tức thân thành Phật. Thế nhưng, pháp mà Bồ Tát Bà Tu Mật Đa truyền thụ ghi chép trong Kinh Hoa Nghiêm là dựa vào tâm lý tham cầu nữ sắc tuyệt mỹ của chúng sinh để dẫn nhập họ vào Phật đạo. Pháp mà Bà Tu Mật Đa truyền thụ chính là Thức thứ tám Như Lai Tạng – A Lại Da thức, không phải là Tâm giác tri ý thức mà các thày Mật tông truyền thụ, cũng không phải là Lạc Không song vận, Lạc Không bất nhị mà các thày Mật tông tuyên giảng. Vấn đề này cho phép giảng tiếp ở phần sau (Tiết 11 của Chương này), ở đây tạm gác lại không nói nữa.

Cũng có người học trách tôi là phỉ báng Mật tông, nói rằng ông ta học Mật nhiều năm, chưa từng nghe thấy thượng sư giảng đến pháp tu song thân này. Kỳ thực, đó là vì thượng sư quan sát nhân duyên của ông ta chưa chín muồi, cho nên lúc thực hiện Nhân quán, Đệ nhất quán và Đệ nhị quán không tuyên thuyết cho ông ta nghe, nhằm đề phòng đạo tâm của ông ta trước khi chưa kiên định, vì không tin pháp này mà sinh lòng hoài nghi, dẫn đến tiết lộ pháp này, để tránh cản trở việc hoằng dương của đạo Mật tông sau này. Đó là khế ước ngầm giữa các thượng sư của Mật tông. Vì thế, nếu như có ai đó trách tôi phỉ báng Mật tông, đó là do người đó học còn nông cạn, không biết đến đạo lý căn bản và pháp môn tu hành của Mật tông mà thôi. Vì sao vậy? Nếu như những gì mà tôi nói quả thực là phỉ báng Mật tông vô căn cứ, thì tại sao các pháp vương, các thượng sư Lạt Ma bốn đại phái của Mật tông Tây Tạng lại có thể ngồi nhìn không đếm xỉa đến, để mặc cho tôi mặc sức phỉ báng họ trong sách? Và tại sao không thấy có ai nguyện đứng ra làm rõ vấn đề và ngăn cản “tà hành” của tôi? Tuyệt không thể có cái lý ấy được!

Nay xem “các nhà đại tu hành của Mật tông đang hoằng pháp tại Đài Loan” mà cư sĩ Trần Lý An nói đến đó, họ cũng đều mặc nhiên không nói, chẳng có ai xuất đầu lộ diện phủ định những gì tôi nói, không thấy ai như cư sĩ Trần Lý An nói ra mặt phủ định: Tuyên bố Mật tông quả thực không có Song thân pháp dâm lạc nam nữ hợp tu. Thậm chí cũng không có cả dũng khí đến gặp tôi cùng luận pháp nghĩa, chỉ có thể mặc nhận là họ có tu pháp này, không thể công khai phủ nhận là không có.

Nếu như các thày Mật tông xác định rằng Mật tông thực sự không có pháp tu này, thì nên công khai ra mặt phủ định, để bảo vệ bộ mặt của Mật tông, tránh cho thế nhân mỗi lần nhìn thấy Lạt Ma của Mật tông lại ném cho một cái nhìn quái dị. Còn nếu xác nhận rằng pháp tu song thân quả thực có thể đem lại lợi ích cho chúng sinh – khẳng định có thể giúp người ta chứng được quả giải thoát và quả Phật Bồ Đề thì cũng nên bằng dũng khí và đạo đức của mình, đứng ra bảo vệ pháp tức thân thành Phật “Vô thượng Mật” của Mật tông. Nếu bị Bình Thực tôi phỉ báng vô căn cứ là họ có tà kiến, tà hành này thì cũng nên cùng nhau ký tên thật, hợp sức cùng nhau tấn công Bình Thực – công khai liên hợp viết thư ký tên thật yêu cầu biện chính (biện luận pháp nghĩa), chứ không nên dùng tên giả với danh nghĩa cá nhân để công kích, phỉ báng vô căn cứ về mặt nhân thân đối với tôi ở trên mạng internet.

Nếu như đã thấy rõ pháp hợp tu song thân của Mật tông là Mật pháp vô thượng thực sự có thể lợi ích chúng sinh, lại bị Bình Thực tôi chỉ trích phá hoại nghiêm trọng, mà lại không có dũng khí công khai ra mặt biện chính thật giả cho đại pháp vô thượng của Mật tông, thì các nhà đại tu hành của Mật tông này đều không đủ tư cách học Mât, tu Mật, hoằng Mật, vì họ đều là những người tự tư tự lợi, không suy nghĩ gì đến việc vì pháp mà xả bỏ lợi hại của bản thân. Còn nếu thừa nhận lý luận thành Phật của Tham đạo Mật tông đích thực chỉ là tà đạo, thì nên dũng cảm sám hối, cải tà quy chính, để tự lợi lợi tha, như thế thì mới không trái với lời thề gốc quảng lợi chúng sinh khi bắt đầu học Mật, chứ sao lại mặc nhiên im lặng, ngồi mà không quản? Tác phong rụt cổ như thế hoàn toàn khác biệt với tác phong luôn luôn mạnh bạo lấn lướt, luôn luôn tỏ vẻ cao quý khi hoằng pháp của các thày Mật tông, thật không phải là phong cách của những người trong đạo Mật tông tí nào.

Học phong của Mật tông thường luôn đề ra yêu cầu rất khắt khe với người học Mật. Sau khi nhập môn, vẫn còn phải ân cần phụng sự thày, mọi việc đều phải thỉnh giáo thày: “Sau khi gặp được minh sư, cũng phải cầu giáo bất cứ lúc nào thì mới có thu hoạch. Còn các thày có đạo thì lúc nào cũng phải đợi đồ đệ đến hỏi han cầu đạo, thì mới có thể dạy dỗ được, nếu không quyết không được tự động truyền thụ. Đó là quy định của Mật giáo” (62-292). Vì thế, người học Mật thông thường nếu không tranh thủ lấy được lòng thượng sư mà muốn cầu thượng sư truyền thụ Mật quán “như pháp” cho, tuyệt không thể được.

Mật quán “như pháp” còn không thể được, huống hồ là được hướng dẫn cầm tay chỉ việc trong hợp tu song thân ở quán đỉnh thứ tư, và vô thượng Mật tức thân thành Phật hợp tu song thân đi theo sau đó? Chỉ khi nào đệ tử là người mà bản thân có dung mạo tuyệt mỹ (bao gồm cả nam sắc) hoặc có khí chất đặc biệt nào đó, khiến cho Lạt Ma hoặc nữ thượng sư Mật tông rung động, thì mới được thày truyền thụ pháp tu song thân mà không cần phải dựa vào các pháp khác để lấy lòng thượng sư, vì thượng sư Lạt Ma cũng muốn thừa cơ thi triển ân trạch, thậm chí cả vài ba lần. Mà thực ra thì chuyện thượng sư Mật tông vì nam nữ sắc lọt vào mắt xanh mà chủ động muốn truyền Mật pháp song thân vô thượng cho đệ tử cũng có rất nhiều. Ngày nay, ở Đài Loan chỗ nào cũng có thể nêu ra ví dụ, chứ không phải là chuyện không thể có. (Lạt Ma xuất gia và thượng sư tại gia đều có cả. Nhưng để tránh gây ra tổn thương lần thứ hai cho họ và suy xét đến quyền giữ bí mật, tôi tạm không công bố, trừ phi những người đó lại tiếp tục hoằng truyền tà đạo Mật tông).

Những chuyện như thế, tôi thường được nghe, hơn nữa không phải là nghe gián tiếp qua người khác, cũng tuyệt đối không phải là nghe tin đồn. Cho nên, những người học Mật thông thường đều không dễ gì mà được nghe đến pháp tu song thân này. Nếu như có người học Mật nào mà chưa được nghe đến Song thân pháp này, thì chứng tỏ người đó vẫn chỉ là người học nông cạn, hoặc là người chưa lấy được lòng thượng sư mà thôi. Những hành giả Mật tông học nông và chưa lấy được lòng thượng sư đó, khi chợt nghe thấy tôi biện chính về Song thân pháp, bèn nói rằng tôi phỉ báng Mật tông, rủa tôi “sẽ phải xuống địa ngục chịu quả báo”, nhưng họ lại không biết rằng chính các thày Mật tông kia mới là những người phá hoại pháp nghĩa Phật giáo thực sự, mới là những người thực sự sẽ phải xuống địa ngục chịu quả báo trường kiếp (đặc biệt nhất là những người như Đạt Lai Lạt Ma, các thày Trung Quán phái Ứng Thành của Hoàng giáo).

Những người học nông trong Mật tông không hề hay biết bản chất thực sự của Mật tông, vì không hiểu rõ bản chất Mật tông phá hoại nghiêm trọng chính pháp Phật giáo nên mới đứng ra đấu tranh cho Mật tông Tây Tạng. Xét về biểu hiện bề ngoài, thì dường như họ đang bảo vệ Phật pháp, kỳ thực lại là đang giúp đỡ Mật tông phá hoại Phật pháp chân chính. Những hành vi “bảo vệ chính pháp Phật” như thế, kỳ thực là đang tự viết “Đơn xin vào địa ngục” cho chính mình, để sau khi xả thọ sẽ được sống và chịu quả báo trường kiếp dưới đó, thật đáng thương vô cùng!

Thượng sư của Mật tông lại khai thị thế này: “Trong “Kinh Bí Mật” có nói rằng: ‘Thế gian có bốn vật không thể vứt bỏ, một là Hoa, hai là Rượu, ba là Cấu Hợp, bốn là Vật Báu (dâm dịch hỗn hợp sau khi hành dâm của thượng sư và Minh Phi)’. Ba thứ đầu mới nhìn qua thì thấy dường như không tốt đẹp lắm, nhưng người có sức mạnh có thể gia trì cho chúng, để biến thanh diệu phẩm vô thượng cúng Phật, đó gọi là công đáo tự nhiên thành. Hoa thì có chia thành nội hoa và ngoại hoa (hoa trong, hoa ngoài). Ngoại hoa tức là hoa trong hoa cỏ, còn nội hoa thì chỉ người nữ mới có (ý nói nữ âm, dùng hoa sen để ẩn dụ). Cái hoa của người nữ này, nếu như khéo biết cách dùng nó, thì có lợi ích to lớn vô cùng. Nếu như không khéo dùng, thì lại di hại vô cùng. Bí mật trong này, tương lai khi các ngươi công phu tu thành thì tự nhiên sẽ biết, nay tạm không nói… Cấu hợp nói ở đây không thể so sánh với quan hệ tình dục nam nữ thông thường, trong đó có bí mật riêng, ngày sau sẽ tự biết”. (62-290~291)

Những lời nói như vậy được ghi chép rộng rãi trong các điển tịch của Mật tông, vì sao những người học nông của Mật tông lại không biết đến, mà lại trách tôi nói Mật tông có tu học pháp này là phỉ báng pháp Mật tông? Đâu chỉ có Hồng Bạch Hoa giáo nói như vậy, đến cả Hoàng giáo phái cải cách được xưng tụng là thanh tịnh nhất cũng nói như thế. Trong cuốn “Mật tông đạo thứ đệ quảng luận” của Tông Khách Ba cũng xướng ngôn nói về pháp “song thân thành Phật” nam nữ hợp tu này. Những người học nông trong Mật tông còn chưa thực sự nhập môn, họ không biết gì đến sự tàng ô chứa uế, lý luận tà trái hoang đường của Mật tông, ngược lại thấy tôi phá tà hiển chính để cứu họ khỏi đi lầm vào ma đạo thì quay sang phỉ báng tôi là tà ma ngoại đạo phá hoại Phật pháp, điên đảo đến như vậy đấy.

Bắt đầu từ “Phật giáo thời kỳ cuối” ở Thiên Trúc – Phật giáo Mật tông của vương triều Ba La đã như vậy rồi. Phái Cát Đương sau khi truyền nhập vào Tây Tạng và tứ đại giáo phái Hồng Bạch Hoa Hoàng được phân liệt ra sau này vẫn luôn như vậy (Thậm chí cho đến cả phái Giác Nãng Ba sau này dùng Tha Không Kiến Như Lai Tạng để bài xích Song thân pháp, không chịu hòa nhập vào tứ đại phái kia, cũng không thể không lấy pháp tu song thân làm bình phong che chắn, bề ngoài thì yểm hộ bằng việc hoằng truyền “Kim Cương thời luân”, bên trong thì mật truyền chính pháp Như Lai Tạng Tha Không Kiến). Truyền đến Mật tông Tây Tạng sau này, họ luôn lấy Song thân pháp làm chủ tu, luôn tu luyện các pháp “quán tưởng, bảo bình khí, chuyết hỏa” bằng Song thân pháp, cho đến cả “Phật pháp” của Hoàng giáo Mật tông Tây Tạng hoằng truyền khắp toàn cầu ngày nay cũng đều như thế, không phái nào đứng ngoài cả.

Thế nhưng, trong số các thượng sư Mật tông ở Đài Loan hiện nay cũng không phải tất cả đều tán đồng pháp hợp tu song thân một cách vô điều kiện, ví dụ như thượng sư Trịnh Liên Sinh nói rằng: “Song thân pháp của Mật tông nói về tức thân thành Phật, nhưng ở thời kỳ Mạt pháp, dường như không có ai dám truyền, không ai có thể tu (kỳ thực vẫn có không ít người đang truyền, đang tu bí mật), bởi vì điều kiện quá khắt khe, không làm nổi. Ví dụ, mạch khí của người nam phải đưa được chân khí vô vi từ sinh thực khí (bộ phận sinh dục) hút lên đỉnh đầu rồi lại hạ xuống, lại từ dưới đưa lên, đạt đến trình độ tự kiểm soát hoàn toàn mà không lậu (xuất tinh dịch), đồng thời có thể sinh ra Minh điểm ở một địa điểm đóng kín đặc biệt, trong hoàn cảnh cực lạnh hoặc cực nóng cũng đều không lậu (xuất tinh). Còn Minh điểm của người nữ - Hồng Bồ Đề thì ít nhất cũng phải hóa khí, có thể nâng lên hạ xuống, phóng ra, thu về, bị kích thích mà không động tâm, hơn nữa lại có thể vận Minh điểm của mình nhập vào trong cơ thể người nam, giúp anh ta tu hành, rồi lại có thể thu về. Công phu như thế là ngang với Không Hành Mẫu rồi, không phải là thân mộng tưởng của kẻ phàm phu thông thường có thể đạt được”. (62-348)

Qua đó có thể thấy các thượng sư trong Mật tông cũng không phải ai cũng tán thành quảng truyền Song thân pháp. Hãy tạm không nói đến việc kiến giải của ông ta có chính xác hay không, chỉ xét quy định về công phu như thế, thì có thể dự liệu rằng Mật tông ngày nay cực khó có thể tìm được người có đầy đủ công phu này, huống hồ là có thể hoằng truyền nó? Cho dù trong Mật tông ngày nay có được người như thế, có khả năng thông qua Song thân pháp, dùng chân khí của mình mật hợp bằng hạ thể (bộ phận sinh dục), vận hành Minh điểm chui vào cơ thể người khác giới để trợ giúp đối phương chứng được cảnh giới Lạc Không song vận, đồng thời có thể chỉ dẫn cho đối tác về đạo lý Lạc Không bất nhị đi chăng nữa thì đó vẫn chỉ là pháp ngoại đạo, hoàn toàn không liên quan gì đến đạo Giải Thoát và đạo Phật Bồ Đề, vẫn không thể nói đó là pháp môn tu hành của Phật giáo được.

Nói tóm lại, nội dung truyền thụ trong pháp môn hợp tu song thân của Mật tông vẫn chỉ là Lạc Không song vận, Lạc Không bất nhị lấy Tâm ý thức giác tri làm chủ, hoàn toàn không liên quan gì đến trí tuệ Bát Nhã, cũng hoàn toàn không liên quan gì đến trí tuệ giải thoát của pháp Nhị thừa. Trí tuệ Phật Bồ Đề nói đó là pháp ngoại đạo “Ý thức tương ứng địa - có cảnh giới tương ứng với Ý thức”. Còn về pháp mà Bồ Tát Bà Tu Mật Đa truyền thụ trong “Kinh Hoa Nghiêm”, đó là pháp Thức thứ tám Như Lai Tạng, khác xa với pháp đạo của Mật tông, cho nên mới nói Mật tông bằng tri kiến sai lầm của mình đã phan duyên, đem Song thân pháp bám vào “Kinh Hoa Nghiêm” của Hiển giáo, đó là lối nói khiên cưỡng phụ họa, tuyệt đối không phải là Phật pháp chân chính.

 

 


Bài trước

Bài sau

Trang chủ

Lượt xem trang: 0