Chân tướng
Mật Tông Tây Tạng

Phật giáo Tạng truyền thật sự là Giác Nãng Ba, hoằng dương diệu pháp Như Lai Tạng Tha Không Kiến, hoàn toàn phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo. Tứ đại giáo phái Hồng, Hoàng, Hoa, Bạch là Phật giáo Tạng truyền giả, tất cả các pháp nghĩa của họ đều không phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo, cho nên là tà giáo, tà pháp.

Tiết 3: Tu thành Hồng Quang thân nhờ vào Vô thượng Yoga

Pháp tu về Hồng Quang thân khái lược như sau:

“…Nhưng cái nhục thân này vì lưu lại, cho nên anh vẫn phải trà tỳ (hỏa táng). Cái này thì không đúng rồi. Cái này thì không gọi là tức thân thành Phật, không gọi là ‘tức thân tức sinh – thân này đời này’. Tức thân có hai tác dụng, lại sinh ngay, hơn nữa là vào ngay thân này. Không chỉ là sinh ngay lập tức, mà còn phải vào ngay thân này nữa. Nếu chỉ là tức sinh thành Phật (đời này thành Phật), ví như nếu anh là “Tử hữu” thành Pháp thân Phật, anh vẫn là tức sinh mà. Vẫn là một đời này mà. Hoặc giả “Trung hữu – Trung âm thân” thành Báo thân Phật đấy, cũng vẫn là một đời này. Nhưng mà, không phải là tức thân (thành Phật bằng thân này). Vì sao không phải là tức thân vậy? Vì sắc thân này của anh ta không còn nữa “rồi”. Cái sắc thân này vẫn đem hỏa thiêu, thì việc này không đúng rồi, như thế thì không phải là tức thân nữa. Đó chỉ có tức sinh mà không phải là tức thân (thành Phật)… Cho nên cái thân Tam muội da này nhất định phải nói cho rõ ràng ra. Họ có rất nhiều điều chưa ăn nói rõ ràng, chỉ nói thành Phật! thành Phật! Cho nên, có rất nhiều người nảy sinh vấn đề đối với việc Mật Lặc Nhật Ba phải chăng đã thành Phật rồi! Phật Thích Ca Mâu Ni phải chăng đã thành Phật cũng đều phát sinh vấn đề đấy! Nếu anh chiểu theo đạo lý của Mật tông, thì anh không nên trà tỳ (hỏa táng), anh phải để cái nhục thân này phóng quang minh (ánh sáng). Trừ đại sĩ Liên Hoa Sinh thành Phật như thế ra, còn lại kỳ thực cũng có nhiều người thành tựu như vậy. Nếu chiểu theo kiểu thông thường như vậy không còn truy cứu cái thân Tam muội da này, thì có rất nhiều người đều thành Phật rồi. Truy cứu kỹ càng, kỳ thực đều là thành Phật bằng Trung âm thân, bởi vì họ đều cần hỏa táng. Đại sĩ Liên Hoa Sinh không trà tỳ, người thành tựu yoga vô tử thì đều không có lễ trà tỳ, ví dụ như Đãng Thông Tá Ba cũng không có. Mật Lặc Nhật Ba tuy ông ấy có thiêu bằng Tam muội chân hỏa đấy, nhưng mà ông ấy không thiêu thì không được đâu, ông ấy là Trung hữu thành Phật, không phải là tức thân thành Phật, không phải là tức thân tức sinh thành Phật. Phải đem cái thân Tam muội da này tất cả hóa thành quang minh mới được. Lý luận là như vậy đấy, trên thực tế những trường hợp thành tựu, thì bao gồm cả đại sĩ Liên Hoa Sinh, tổ sư Đãng Thông Tá Ba, hai vị phu nhân của Liên sư là Đô Na Oa, Di Hỷ Tha Gia cũng đều thành tựu rồi. Họ đều bay đi, đều không chết đâu! Đếu không có trà tỳ đấy! Cho nên, chúng ta chỉ cần cố gắng tu, thì cũng có khả năng thành tựu được. Ma Ba (Mã Nhĩ Ba) cũng không trà tỳ, hơn nữa chín vị phu nhân của ông ấy, một người hóa quang bay vào một người khác, cho đến người cuối cùng hóa quang bay vào Ma Ba, rồi chính ông ấy cũng lại hóa quang nốt”. (32-232)

Thế nhưng Mật tông kỳ thực hoàn toàn không biết cũng chẳng hiểu gì về đạo thành Phật, vọng cho rằng tu thành Hồng Quang thân chính là thành Phật cứu cánh rồi. Song loại Phật của Mật tông này, sau khi “thành Phật cứu cánh”, lại hoàn toàn không biết Thức thứ tám Như Lai Tạng trong thân mình ở đâu, lại còn hiểu sai hoàn toàn về Bát Nhã trí và Nhất thiết Chủng trí. Như thế mà nói thành Phật cứu cánh, có khác gì một học sinh tiểu học tự cao tự đại cười giễu giáo sư đại học không hiểu gì về cộng trừ nhân chia, lại còn nói trình độ toán học của mình cao siêu hơn cả giáo sư toán học chuyên dạy về vi tích phân ở trường đại học?

Tất thảy mọi vị Phật đều có thể hỏa thiêu sắc thân từ bên trong bằng công đức của chính mình, không ai là không làm được. Ví dụ, trong số những người Tây Dương (người phương Tây) thông thường chưa học đạo thuật, đôi khi cũng có người có Tam muội chân hỏa, lúc xả thọ có thể tự sinh hỏa nhiệt từ bên trong sắc thân để tự hỏa thiêu sắc thân của chính mình. Trong truyền thuyết của Đạo gia, cũng có không ít những người như vậy. Người tự sinh Tam muội chân hỏa để trà tỳ thân xác mình, trong thế gian pháp từ xưa đến nay đều có những người có công năng đặc dị này, tuyệt đối không phải chỉ có một ông thày nào đó của Mật tông mới có, cũng không phải là chuyện vô cùng hiếm lạ gì. Cho nên, chuyện này tuyệt đối không phải là chứng cứ của việc thành Phật.

Lại nữa, Mã Nhĩ Ba phải chăng là người không làm lễ trà tỳ mà do nhục thể hóa thành Hồng Quang thân, thực ra là do các thày Mật tông xưa nay sau khi lấy sai truyền sai nhiều đời, rồi xác nhận thêm vào, chứ kỳ thực không có chuyện này. Vì sao vậy? Vì Mã Nhĩ Ba không hề tu được bất kỳ công phu Tứ thiền Bát định nào, lúc còn sống cũng không có bất cứ một chứng lượng thần dị nào đáng nói, thì sao lúc chết lại có công nặng đặc dị này được?

Như vậy, trong Mật tông nếu có ông thầy nào đó quả thực có công năng đặc dị như vậy, cứ cho là có tu chứng Hồng Quang thân đi, thì cũng giống với những người có công năng đặc dị của các ngoại đạo khác mà thôi. Hồng Quang thân cũng hoàn toàn khác với Báo thân ở Phật địa, không thể nói là như nhau được. Các ông thày Mật tông đó đều không biết, cũng không chứng được Thức thứ tám Như Lai Tạng trong thân mình, cho nên không thể nào thông hiểu được Tổng tướng trí và Nhất thiết Chủng trí của Bát Nhã. Người không biết không chứng được Tổng tướng trí và Nhất thiết Chủng trí của Bát Nhã, còn không phải là Bồ Tát ở Thất trụ vị, thì sao có thể nói là mình đã thành Phật đạo? Tuyệt không có cái lý ấy!

Phật trải qua tu hành ba đại a tăng kỳ kiếp, thông đạt Ngũ minh đến cứu cánh, há lại có người không làm được như thế ư? Hãy xem Phật Thế Tôn của chúng ta lúc xả thọ, có rất nhiều người muốn đốt củi thơm mà không thể đốt cháy được, vì phải đợi đến khi tôn giả Đại Ca Diếp quay về tham dự. Sau đó, khi thời khắc đã đến, Phật đã tự nổi lửa từ trong thân để đốt, cố ý lưu lại xá lỵ toàn thân vụn cho rất nhiều đệ tử truyền pháp, bởi hiểu được cái tình thương nhớ của đệ tử. Còn số lượng xá lợi toàn thân vụn kia có đến tám đấu, nhiều hơn hẳn trọng lượng sắc thân, điều này há “Phật” của Mật tông có thể làm được chăng?

Lại nữa, xá lợi toàn thân vụn mà Thế Tôn lưu lại, nếu gặp phải người hữu duyên, liền sinh tiếp xá lợi, chuyện này mọi người đều biết, tôi cũng từng đích thân nhận được, đó là điều mà không phải “Phật” của Mật tông có thể ngẫu nhiên mà làm được.

Cái pháp hữu vi vô lậu của thế gian đó, “Phật” của Mật tông còn không thể làm được, huống hồ là trí tuệ giải thoát của pháp xuất thế gian, sao có thể chứng được? Cho nên, họ đều rơi vào cảnh giới của Ý thức, coi Ý thức là Chân Như ở Phật địa. Trí tuệ Bát Nhã mà ngay cả bậc A La Hán của Tiểu thừa còn không thể biết, không thể chứng, thì các thày Mật tông sao có thể biết, có thể chứng được? Tổng tướng trí của Bát Nhã còn không thể chứng được, huống hồ là Biệt tướng trí, sao có thể chứng được? Biệt tướng trí của Bát Nhã đã không thể chứng, huống hồ là Nhất thiết Chủng trí Bát Nhã vô lậu vô vi, cứu cánh Niết Bàn, thế xuất thế gian? Càng không thể luận bàn được! Các thượng sư Mật tông ở Phàm phu địa như thế mà lại dám hạ thấp Thích Ca Thế Tôn không phải là thành Phật cứu cánh, cuồng vọng đến thế mà thôi!

Họ lại nói thế này:

“Tu đại viên mãn thành tựu cũng có thể tự mình phát Hồng quang, không cần qua song vận cũng được. Có điều ở đây phải là người đại trí tuệ thì mới làm được. Trong cơ thể anh ta tự có âm dương: Anh ta mượn dùng nhật quang chính là dương đó, mượn dùng nguyệt quang thì là âm rồi, cùng nhau giải quyết trong cơ thể. Cái đó phải đợi khi tu xong Thỏa-cát (đốn siêu) rồi thì mới làm được (32-236)…

Thả-khước chính là đại viên mãn trí trong thứ tự của đại viên mãn. Thỏa-cát chính là đại viên mãn quang. Tôi nói các anh không đạt đến Kim Cương luyện là đạo lý gì? Tôi có thể vẽ một cái hình cho các anh nhìn đây, vòng ánh sáng của Kim Cương luyện có lúc như thế này: Từng cái từng cái vòng tròn nhỏ, linh tinh lẻ tẻ, có lúc nối liền với nhau, có lúc nối thành hai chuỗi song song, có lúc vòng to thì nối với vòng nhỏ, nối như vậy gọi là Kim Cương luyện đó! Nó màu trắng, trong suốt. Cái đường này cũng là màu gốc, không có màu sắc khác, gọi đó là Kim Cương luyện. Bất cứ lúc nào chúng ta nhìn theo nơi có ánh sáng thì đều có. Kim Cương luyện là một loại quang (ánh sáng), là thứ ánh sáng mở ra từ trí tuệ, cho nên nó không có hình dạng cố định. Nhưng định hình cơ bản của nó chung quy là vòng tròn nhỏ đó! Là ánh sáng do Bản tính phát ra, chứ không phải là do cái gì đó sáng tạo ra. Muốn có cái này, anh ta phải hiểu tri kiến về Thả-khước, đồng thời còn phải nhận được sự gia trì của sư phụ, trong mạch đã có sự thay đổi rồi. Còn về Thỏa-cát quang, từ từ dùng mắt dẫn dắt, dẫn thứ ánh sáng bên ngoài cơ thể này vào trong cơ thể, cho đến khi nhìn thấy ánh sáng này hiển hiện trong cơ thể. Nếu như có được sức mạnh này, thì có thể tu pháp bảy ngày thành Phật đại viên mãn rồi. Anh thực sự có sức mạnh đó, dựa vào pháp này mà tu, trong vòng bảy ngày là có thể hóa tất cả mọi vật chất trong cơ thể thành quang minh (ánh sáng). Nếu anh nhìn Thắng Lạc Kim Cương quen rồi, thì cái Kim Cương luyện kia sẽ tổ hợp với nhau, cũng giống như hình dạng của Thắng Lạc Kim Cương (hình dạng nam nữ giao hợp thụ lạc). Có lúc tổ hợp lại giống như hình chùy (Kim Cương chùy), thế thì tiến bộ hơn rồi. Bên trong dần dần hiện lên ngũ phương Phật rồi. Không chỉ riêng từng vòng, thậm chí là cả nhóm, rất rõ ràng, phát quang, hơn nữa là thứ quang bản sắc (màu gốc), là thứ ánh sáng không có màu sắc. Nếu như có Kim Cương luyện, có Thả khước kiến, thì dần dần sẽ có khả năng tu trì đại viên mãn rồi…Cái bạch quan này, chính là quan (cửa) thông thường chúng ta tự ngồi, gọi là bạch quan, là thứ có thể nhìn thấy ban ngày. Hồng quan chính là đem đóng cửa sổ, rèm cửa lại, khiến cho tối sầm lại, nhưng đốt một ngọn đèn, tức là chỉ có một cái đèn, nhìn vào cái ánh sáng đèn này mà tu thỏa-cát, thế gọi là hồng quan. Vì cái đèn này có màu đỏ (hồng), từ từ là có thể dẫn thứ hồng quang này vào trong cơ thể rồi, cho nên không đóng cửa đen không được. Còn hắc quan, nó là rất nhiều trùng lớp tường, sự bố trí giữa tường và tường, nó có một phương pháp thông cái phong này. Đưa không khí thông vào trong, ánh sáng thì không thấu chút nào, cho nên gọi là hắc quan. Lập căn phòng có hắc quan này phải có phương pháp nhất định, khiến cho nó thông phong (thông gió) và không thấu quang. Nhưng có lúc nó lại mở một cái lỗ, hướng ra phía đông để nhìn mặt trời, hướng ra phía tây để nhìn mặt trăng. Nhìn mặt trăng đi xuống, nhìn mặt trời mọc lên. Lại từ những ánh sáng này, đưa nó dẫn vào bên trong cơ thể: nó chính là dùng quang hóa, cho nên nội quang, ngoại quang cùng hóa ở bên trong, cho nên cái thân này liền biến thành quang thân, như thế chẳng phải là trà tỳ rồi ư (32-267, 268)…

Đại sư Liên Hoa Sinh đã tu trì như thế nào vậy? Trước hết, chúng ta phải tiếp nhận khai thị của Phật pháp, anh bắt buộc phải hoàn thành nghi thức đầu tiên là Phật thân. Bên trong Phật thân không có cái gì cả, giống như cái mụn nước, bên trong không có máu thịt gì cả. Vì thế, pháp tu bước đầu tiên là (quán tưởng) hóa nhục thân biến thành mụn nước. Chúng ta không nói đến đại ngộ, chỉ nói đến giai đoạn đầu tiên của pháp tu này. Hãy thử quán tưởng như thế này: Chỉ cần nhục thân của chúng ta biến thành tựa như cái bọc nước trong suốt, nhẹ nhàng tinh tế như bọc nước, là nó có thể trôi nổi mà không có chút chướng ngại nào… Anh chỉ cần chăm chú tinh cần tu tập theo tiêu chuẩn mà nghi quỹ này đã định ra, là có thể biến sắc thân thô chắc này thành một thứ vô cùng trong suốt, vô cùng đẹp đẽ, vô cùng viên mãn. Như thế thì cách Hồng thân không còn xa nữa rồi… Cái nghi thức này một khi đã tu xong, thì anh có thể tiếp nhận quán đỉnh sơ cấp được rồi, tiến đến quán tưởng Phật thân – chứ không phải là quán tưởng bọc nước nữa. Trong Phật thân, trống rỗng như bọc nước, bên ngoài là ngũ sắc và hoa văn của Phật. Cũng có thể quán tưởng một vị Bản tôn, trong nghi quỹ nói vị ấy giống cái gì thì anh quán vị ấy thành cái dạng đó. Tất cả mọi thứ của mọi thứ, đều phải xác quyết rằng quán tưởng thành thành hình dạng thân của Bản tôn, không được sai một ly. Như thế, chúng ta sẽ từ một thân phàm phu danh phó kỳ thực, tiến đến quán tưởng thành thân Bản tôn bên trong trong suốt như hư không, bên ngoài có tất thảy mọi sự trang nghiêm và 32 tướng của Phật. Quán tưởng này một khi đã hoàn thành, thì anh đã không còn cách xa Hồng thân bất tử rồi. Ở bên trong cái thân Bản tôn này, anh buộc phải có một cái thân trí tuệ - một loại sắc thân do trí tuệ chứ không phải do máu thịt tạo thành. Anh đã hoàn thành quán tưởng bọc nước rồi, thì cái sắc thân thô chắc kia đã kết thúc rồi. Cho nên, để chuyển biến cái bọc nước này một lần nữa, anh buộc phải có trí tuệ cực thâm sâu, mới có thể khiến nó hóa thành ánh sáng của trí tuệ. Anh buộc phải quán tưởng hoa sen trong Tâm luân, một khi anh đã thực sự quán tưởng hoa sen thành công rồi, thì bản thân đóa hoa sen đó nó có thể hộ trì anh, khiến anh không còn phải rơi vào trong bất kỳ cửa thai nào để đầu sinh nữa rồi… Hoa sen tượng trưng cho thai mẹ, do đó, một khi anh quán tưởng hoa sen thành công rồi, thì có thể tránh được thai sinh, tức là không còn cần phải chạy một chuyến vào trong tử cung của một người mẹ nào nữa. Nếu muốn tránh phải hóa sinh, anh buộc phải quán tưởng thêm mặt trăng trên hoa sen, đồng thời xác nhận chắc chắn. Mặt trăng này tròn đầy và sáng sủa, phát ra một loại ánh sáng trắng. Mặt trăng này một khi đã quán tưởng thành, anh sẽ không còn phải chịu hóa sinh nữa – giống như còn tằm hóa thành nhộng, con nhộng hóa thành con ngài vậy. Còn muốn tránh khỏi phải thấp sinh, chúng ta buộc phải quán tưởng mình đứng trên mặt trăng, tụng niệm một câu chân ngôn, để câu chân ngôn niệm ra phát quang rồi quay về, để khiến cho ánh sáng này biến thành Bản tôn của chúng ta…Nói về sự đầu sinh do nghiệp dắt đi, Thức thứ tám của chúng ta chính là loại chủng tử này, nhưng chúng ta chỉ cần quán tưởng thành một cái gọi là tự luân của chủng tử, ví dụ “Hồng” hoặc “Hột Lý” thì loại đầu sinh này có thể tránh được. Anh chỉ cần quán thành cái chủng tự luân đại diện cho cái lý tính Không của Phật giáo này, không những không phải theo Thức thứ tám (Chú thích gốc: cũng gọi là Chủng Thức) đi đầu thai bất cứ nơi đâu, mà ngược lại còn thành tựu một loại thân trí tuệ - chứ không phải là dành lấy một loại sắc thân thô nặng. Như vậy, anh có thể thay đổi được sự đầu sinh của tâm thức, sinh ra làm Phật ở Dục giới và trong Vô Sắc giới bên trên Sắc giới thiên. Như vậy, anh chỉ cần chuyên tâm quán tưởng nó, là có thể khiến tâm thức của anh thụ sinh ở bất cứ nơi đâu, mà chắc chắn sẽ sinh thành Phật… Cái thân thể gọi là trí tuệ thân này là quả có được do tu hành đệ nhị quán (quán đỉnh thứ hai), còn quán đỉnh thứ nhất thì bao gồm quán tưởng Phật thân từ bên ngoài. Ở quán đỉnh thứ hai, trong mạch luân, anh quán tưởng một Bản tôn gọi là Bản tôn trí tuệ, thân đó vô cùng vi diệu. Pháp quán này chia làm ba tầng: Thân thể của một người vốn là thân máu thịt, mà cái thân máu thịt này biến thành thân bọc nước, rồi cái thân bọc nước này lại biến thành một loại Phật thân. Tiếp đến, trải qua hô hấp và chuyết hỏa tầng sâu, cái Bản thân gọi là Trí thân này tức thì có thể hình thành, mà cái thân này có công năng che đoạn các sinh pháp khác. Việc này hoàn thành trong quán đỉnh thứ hai. Cái thân trí tuệ này là do hồng bạch Bồ Đề tạo thành, mạch khí, hô hấp và trí tuệ chứa trong đó, không có cái nào thuộc về vật chất thô nặng cả. Vì lẽ đó, chuyển hóa loại thân trí tuệ này thành một loại thân Hồng Nghê (cầu vồng), có thể nói là dễ như trở bàn tay, không chút chướng ngại, không cần phải nghi ngờ gì. Bên trên là giai đoạn thứ hai. Phần dưới là giai đoạn thứ ba: Trong thân trí tuệ này, người tu tập vẫn phải giữ có “Hồng, Hột Lý” cực nhỏ, hoặc là “Giải”. Khi anh tu tập, không những cả vũ trụ đều đang phóng quang, mà tất cả sơn hà đại địa và tất thảy mọi thứ bao la vạn tượng cũng đều hóa thành quang (ánh sáng). Quang này chui vào trong thân máu thịt thô nặng, rồi thân máu thịt lại hóa thành thân trí tuệ, rồi thân trí tuệ này lại hóa thành thân Tam muội. Chữ luân chủng tử của thân trí tuệ buộc phải biến thành nhỏ bé như sợi lông tơ, cho đến hoàn toàn tiêu biến trong thân Pháp tính. Như vậy, anh đã chứng được cái gọi là Pháp thân rồi, Pháp thân là Không. Hồng thân trong không trung, do đó buộc phải nhập vào không trung trước, mới có thể biến thành Hồng Nghê (cầu vồng), mà phát ra ánh sáng của Hồng thân của anh. Đây chính là “Hành”. Trước tiên, khai triển cái thân bọc nước thông thường, tiếp đến là thân máu thịt gọi là “thân Tam muội da”, sau đó là thân trí tuệ, thứ tư là thân Tam muội. Chỉ cần anh có thể chứng được các thân này theo từng bước, thì sẽ không khó để chứng được thân Hồng Nghê rồi… Trong Phật thân, trước hết phải có một đường Trung mạch… Trong Trung mạch, anh ở bên dưới quán tưởng chuyết hỏa, còn bên trên thì quán tưởng chữ “Hồng”, bạch Bồ Đề… Dùng chuyết hỏa để khiến nó chuyển hóa… Cái này ở bên người nam, thì thác-mỗ ít mà cam lộ nhiều, còn bên người nữ thì thác-mỗ nhiều mà cam lộ ít. Cái này có thể phải dùng đến đạo lý của quán đỉnh thứ ba, bởi vì trong quán đỉnh này, nam nữ có thể hỗ trợ lẫn nhau, trao đổi chuyết hỏa và cam lộ, để khiến thay đổi trở thành có thể… Nếu muốn chuyển hóa thân phàm phu thành thân Hồng Nghê, không những cần có trí tuệ mà còn phải thực hiện rất nhiều loại quán tu mới được. Mạch luân thứ nhất tương đương với hệ thống thần kinh đại não. Anh tu quán chữ “Hồng”, vận dụng chuyết hỏa chuyển hóa cả hệ thống thần kinh này, để khiến nó dung nhập vào trong Đỉnh luân này. Mạch luân thứ hai tương đương với hệ thống hô hấp như phổi. Anh có thể dùng chuyết hỏa để khiến hệ thống hô hấp hóa nhập vào trong Hầu luân nằm ở vùng yết hầu. Khi làm như vậy, buộc phải kiểm soát hô hấp, tăng cường quán tưởng, đồng thời dùng chuyết hỏa chuyển hóa hệ thống này. Hệ thống tuần hoàn có liên quan đến huyết mạch và tâm tạng, do đó chúng ta nên dùng chuyết hỏa để chuyển hóa hệ thống này vào trong Tâm luân. Cứ làm như thế, huyết dịch và tâm tạng liền hết rồi, phế tạng cũng hết rồi, đại não cũng hết rồi. Tiếp đến là chuyển hóa cơ quan tiêu hóa vào Tề luân, chuyển biến tất cả các cơ quan tiêu hóa như ruột già, ruột non, dùng hỏa thiêu hóa. Tất cả mọi cơ quan sinh sản thì đều đốt và hóa nó ở trong Sinh thực luân, hóa nó thành cái Mạch luân này. Như vậy, chúng ta sẽ có được năm cái Mạch luân này, chứ không còn là năm khí quan và hệ thống lớn của phàm phu nữa. Các loại khí quan thô nặng sau khi trải qua sự chuyển hóa mà thành năm đại Mạch luân, chúng ta liền có thân Hồng Nghê rồi. Sự thay đổi của tứ luân phía trước xảy ra ở trong quán đỉnh thứ hai, còn sự chuyển biến của khí quan sinh thực (cơ quan sinh dục) là chuyện của quán đỉnh thứ ba. Ý chỉ của quán đỉnh thứ ba (Chú thích gốc: cộng tu với người khác giới) nằm ở tăng cường chuyển hóa hoặc (thành?) sức mạnh của chuyết hỏa, nhưng không được tiết lậu (xuất tinh), nếu không sẽ lại chuyển sinh thành thân phàm phu đó. Tinh (tinh dịch) cần phải nâng lên trên, hóa nó thành lửa, sau đó mới có thể dùng hỏa lực này để nung chảy bất cứ vật chất máu thịt nào. Chỉ có như thế, mới có thể thực sự hóa thành thân Hồng Nghê. Thượng sư Liên Hoa Sinh dựa vào pháp tu này mà thành tựu, mà pháp tu này cũng được truyền lại, thì nay cũng ta cũng có thể tu hành theo pháp, và chúng ta cũng có khả năng tu thành… Quả báo Hồng thân có liên quan đến ngũ thân Phật. Phật có ngũ thân: Biến hóa thân, Ứng hóa thân, Pháp tính thân, Câu sinh thân và Đại lạc Trí tuệ thân. Trong đó, Đại lạc Trí tuệ thân chính là loại Hồng thân này. Bởi vì thân nó nằm ở trong Đại lạc, mới có thể thụ dụng loại Đại lạc này như nhục thân, hơn nữa nó đã chứng được trí tuệ vô thượng có tương quan đến Pháp thân, bởi vì trí tuệ chính là Bát Nhã, mà cái gọi là thành tựu chứng được Đại lạc, chính là thân máu thịt được sinh ra đã biến thành thân Hồng Nghê hình sắc tối cao rồi. Hồng quang chính là trí tuệ vô thượng này, mà Hồng thái là hình sắc tối cao – hai thứ đều dung hợp ở trong Đại lạc Trí tuệ thân này rồi. Chúng ta thường nói đại triệt đại ngộ - trí tuệ tối cao, chính là thứ quang minh này… Hồng Nghê phản ánh hình thái và màu sắc trong trời xanh không mây, là nói ở bên hữu hình mà quang mình của nó chính là trí tuệ. Thân máu thịt biến thành hình sắc của thân Hồng Nghê, mà quang minh của nó chính là trí tuệ - Đại lạc Trí tuệ. Từ phương diện ngoại hình mà nói, nó vừa là một loại Hồng Nghê (cầu vồng), thì tức là vô tử rồi. Đã là vô tử, thì độ sinh là vô hạn rồi. Độ sinh vô hạn, nó có thể thực hiện đại bi một cách vĩnh viễn không cùng tận rồi…Đây chính là nguyên nhân mà Liên Hoa Sinh bất tử… Giả như anh thiện dụng tăng cường ích lợi của Bồ Đề, Bồ Đề của anh sẽ khiến anh thăng lên. Do đó, thác-mỗ buộc phải kiên cố, giống như một luồng hỏa nội tại, có thể thiêu hóa từng thứ một để khiến cho thứ sắc thân này hoàn toàn hóa thành quang minh. Hết rồi, chúng ta nếu có thể cầu được bốn loại quán đỉnh và ngộ được cái lý Không tính, là có thể chứng được Pháp thân. Không ngộ được Không tính thì không thể chứng được Pháp thân, mà không chứng được Pháp thân thì không thể thành Hồng thân. Bởi vì Hồng thân là nằm ở trong hư không, nếu không có hư không thì Hồng Nghê (cầu vồng) không thể xuất hiện được. Ý của câu này là nói: Thân Đại lạc Trí tuệ của chúng ta phải được thành tựu trong một dải cầu vồng trong hư không, mà hư không này tượng trưng cho Pháp thân. Quán tu Pháp thân, buộc phải tu tập Không lý Đại thủ ấn” (32-442~454)

Đoạn văn dài như vậy, tôi xin lần lượt làm rõ như sau:

Thứ nhất, Phật thân và hồng quang không liên quan gì đến nhau, cũng không liên quan gì đến nhật quang, nguyệt quang, cũng chẳng liên hệ gì đến âm dương. Phật thân là chỉ việc từ đoạn tận tất thảy chủng tử tùy miên của Phiền não chướng, rồi đoạn trừ tất thảy vô minh thùy miên trong Sở tri chướng, cùng với việc tăng cường (bố thí) tài vật lợi ích chúng sinh, đem chính tri chính kiến hoằng truyền làm lợi cho chúng sinh trong ba đại a tăng kỳ kiếp, tu tập phúc đức như thế mà thành tựu. Tuyệt đối không phải là tu tập các pháp ngoại đạo như Thả-khước, Thỏa-cát của Mật tông, mà không biết không chứng được Pháp thân Thức thứ tám, lại còn đem tà kiến ngoại đạo dẫn dắt sai lầm cho chúng sinh để mà có thể thành tựu được Pháp thân. Cho nên, Mật tông nói tu chứng “Minh Không song vận Đại thủ ấn, Lạc Không song vận Đại thủ ấn” mà có thể thành tựu Hồng quang thân đều hoàn toàn không liên quan gì đến Phật pháp, về bản chất chỉ là pháp ngoại đạo mà thôi.

Thứ hai, quán tưởng về Kim Cương luyện, vừa không liên quan gì đến việc đoạn trừ tập khí chủng tử Phiền não chướng trong đạo Giải Thoát, cũng không liên quan gì đến việc đoạn trừ tùy miên vô minh của Sở tri chướng (trong đạo Phật Bồ Đề), thì việc quán tưởng thành công cũng chẳng liên quan gì đến Nhất thiết trí và Nhất thiết Chủng trí trong Phật trí. Đã không liên quan gì đến Phật trí, thì thấy ngay rằng việc quán tưởng Kim Cương luyện hoàn toàn không liên quan gì đến thành tựu Phật thân, vì thành tựu Báo thân trang nghiêm ở Phật địa là nhờ thành tựu của Nhất thiết Chủng trí.

Thứ ba, bất luận là nhật quang, nguyệt quang, hồng quang hay thứ ánh sáng nào khác, việc dẫn nhập nó vào trong thân để biến hóa các cơ quan nội tạng của cơ thể chỉ là một thứ hư vọng tưởng. Sự vọng tưởng này cũng hư vọng giống như quán tưởng thiên thân vậy, mãi mãi không thể nào tu thành được. Người nào theo đó mà “tu thành”, chỉ là hư vọng tưởng của chính mình mà thôi, tuy rằng có (nội) Tướng phần có thể nhìn thấy trong Tâm giác tri của mình, nhưng thực chất chỉ giống như đãi chất cảnh của Ngũ trần trong giấc mơ, không phải là pháp có thật. Trong pháp môn tu hành của Phật pháp, không có ý nghĩa thực chất nào, vì không thể thành tựu bất kỳ chứng lượng Phật pháp nào, bởi đó chỉ là hư vọng tưởng của ngoại đạo mà thôi.

Cho nên, việc bày đặt ra bạch quan, hắc quan và phương pháp tu hành của nó, đối với chính tu hành trong Phật pháp mà nói, đều hoàn toàn vô nghĩa. Tâm tưởng tượng dẫn nhập các loại quang minh (ánh sáng) không thể nào khiến cho người ta thành tựu bất kỳ thứ trí tuệ nào về mặt pháp nghĩa Phật pháp, cũng không thể chuyển hóa các cơ quan nội tạng trong thân thể thành quang thân. Còn về tầng trời Sắc Cứu Cánh thiên cao nhất trong Sắc giới, quang thân của các Bồ Tát phải nhờ sự tu chứng Vô sinh pháp nhẫn, rồi lại còn phải vãng sinh đến tầng trời đó mới có Báo thân báo đắc, đó là chính báo của họ, chứ không phải là nhờ quán tưởng và thiền định là có thể chứng đắc.

Thứ nữa, Phật thân trong Sắc Cứu Cánh thiên sở dĩ cao to hơn các Bồ Tát trên địa (hàng Thập địa) là vì Ngài có Báo thân viên mãn của Nhất thiết Chủng trí và phúc đức quảng đại vô biên tạo nên. Báo thân và sự trang nghiêm đó không phải nhờ quán tưởng mà được thành tựu. Cho nên, việc quán tưởng dẫn nhập ngoại quang để cầu mong chuyển hóa sắc thân huyết nhục thành Hồng quang thân ngũ sắc thuần ánh sáng của Mật tông hoàn toàn chỉ là vọng tưởng mà thôi.

Thứ tư, trong tâm quán tưởng xuất hiện một tôn vị Phật thân, rồi lại quán tưởng trong thân Phật đó không có bất cứ vật gì, tựa như trong bọc nước không có vật gì, rồi lại quán tưởng thân đó như bọc nước nhẹ nhõm tinh tế và có thể tùy ý trôi nổi, kỳ thực là chẳng liên quan gì đến Báo thân trang nghiêm của Phật, vì pháp này hoàn toàn không liên quan gì đến trí tuệ Giải thoát và trí tuệ Phật Bồ Đề. Việc quán tưởng hoa sen, mặt trăng và ánh sáng cũng tương tự như vậy, hoàn toàn không liên quan gì đến Báo thân trang nghiêm ở Phật địa, vì đó không phải là chính tu hành trong Phật pháp. Tụng đọc chân ngôn cũng chẳng giúp ích gì trong việc chứng đắc Báo thân trang nghiêm, vì cũng không thuộc về chính tu hành của Phật pháp.

Thứ năm, người muốn lìa bỏ đầu thai thụ sinh và miễn khỏi luân hồi sinh tử cần phải bắt đầu từ lìa xa tham trước dâm lạc để thoát khỏi sinh tử ở Dục giới, khi xả thọ có thể sinh lên đến Sắc giới thiên, coi đó là mục tiêu đầu tiên để bắt tay thực hiện. Chứ không phải là thực hiện Lạc Không song vận trong dâm lạc để trải nghiệm Lạc Không bất nhị là có thể thành công. Nếu người nào mà vẫn còn lạc thụ dù chỉ là tơ hào đối với dâm lạc mà nói anh ta không sinh lòng tham trong dâm hành, hành vi hoàn toàn trái ngược với đạo lý thủ chứng Báo thân trang nghiêm ở Phật địa như thế tuyệt đối không thể nào thành tựu Báo thân trang nghiêm ở Phật địa thông qua tu tập Không Lạc Đại thủ ấn. Cho nên, việc Mật tông dựa vào tu tập Minh Không hoặc Không Lạc Đại thủ ấn để cầu mong thành tựu Báo thân trang nghiêm ở Phật địa hoàn toàn chỉ là vọng tưởng.

Thứ sáu, Ý sinh thân xưa nay không phải do đầu thai mà có, cho nên thuyết đó của Mật tông hoàn toàn hoang đường. Trong ba loại Ý sinh thân, bất luận là loại nào, cũng đều do thiền định (không phải là thiền định đẳng chí Song thân pháp của Mật tông) và trí tuệ Vô sinh pháp nhẫn sinh ra, không phải nhờ đầu thai mà có được. Những người trong Mật tông còn không biết gì về Tổng tướng trí Bát Nhã nông cạn nhất, huống hồ có thể chứng được Vô sinh pháp nhẫn mà sinh khởi Đạo chủng trí? Những người hoàn toàn không biết gì về Bát Nhã như thế sao có thể chứng được Ý sinh thân? Thế mà lại đem tà kiến hiểu sai về Ý sinh thân ra để vần chuyển, vứt bỏ cả Ý sinh thân thắng diệu, thật đúng là những kẻ vô trí tuệ. Bồ Tát bậc Cửu địa có đầy đủ cả ba loại Ý sinh thân mà vẫn chưa phải là viên mãn, phải đến Phật địa mới được viên mãn. Đó là các Ý sinh thân thành tựu nhờ vào phúc đức của ba đại vô số kiếp, sau khi thành Phật thì vĩnh tồn bất diệt, là pháp mà tất thảy Bồ Tát cần nên tinh tấn mong cầu, chứ không phải là pháp cần phải vứt bỏ như Mật tông nói. Các thày Mật tông không hiểu Phật pháp, loại giải một hồi, dẫn dắt chúng sinh sai lầm đến mức nghiêm trọng, quả báo sau khi xả thọ không thể nghĩ bàn.

Thứ bảy, việc quán tưởng chữ chủng không thể nào thành tựu bất kỳ chứng lượng Phật pháp nào, duy chỉ có thể dựa vào thần hộ pháp có duyên với anh ta hoặc thần lực của chư Phật Bồ Tát gia trì thì mới miễn trừ được tai nạn lập tức, khiến cho hành giả có thể yên tâm tu hành mà thôi. Người muốn thành tựu chứng lượng trên Phật pháp, buộc phải dụng tâm cầu chứng trí tuệ Giải thoát và trí tuệ Phật Bồ Đề thì mới chứng được. Việc này tất thảy hành giả Mật tông đều phải nên biết rõ. Nếu không tin lời tôi nói, dù có tu đến ba mươi hay năm mươi năm sau, thì vẫn không thể nào hiểu biết được nghĩa lý chân thực của đạo Giải Thoát Tiểu thừa và đạo Phật Bồ Đề Đại thừa. Tôi nay có thiện ý nói trước, để giúp ích cho các hành giả có trí trong Mật tông suy nghĩ cho thật kỹ lưỡng.

Thứ tám, việc tu luyện quán tưởng Trung mạch Minh điểm, thiên thân, Bảo bình khí, Chuyết hỏa và quán tưởng chữ chủng, bọc nước, thân không…đều không thể nào chuyển được sắc thân huyết nhục vật chất thành quang thân mà thành tựu Hồng quang thân. “Cái thân tựa như bọc nước” được mô tả tựa như thiên thân lúc chứng đắc Sơ thiền, nhưng vẫn khác với thiên thân Sơ thiền. Năm xưa (sau khi phá tham không lâu), tôi đã sớm thành tựu thiên thân Sơ thiền, trong thân như mây như mù (đặc hơn mù trắng, nhạt hơn mây trắng cao không lúc trời quang), không có lục phủ ngũ tạng và dâm căn (bộ phận sinh dục), da tựa như một lớp màng nilon (loại bọc thức ăn) cực mỏng và có các lỗ chân lông cực nhỏ. Các lỗ chân lông đó trong ngoài tương thông, từng lỗ đều có lạc xúc. Những cái đó đều dùng tâm nhãn mà nhìn thấy, không phải là dùng nhục nhãn mà nhìn được. Sau đó, bất kỳ lúc nào bất cứ nơi đâu cũng đều có lạc xúc xuất hiện ở xoang ngực, tự cảm nhận thứ lạc đó. Sau đó, lạc xúc chuyển tiến theo thiền định, dần dần thay đổi, cũng là một sự diễn biến phát triển tự nhiên, tăng tiến theo thời gian, không cần phải cố ý tăng cường vận hành nó.

Người học nên biết rằng: việc chứng đắc thiên thân ở Sắc giới là do lìa xa được cái tham dâm xúc ở Dục giới, cộng với chứng đắc Sắc giới định mà thành tựu, không phải là nhờ quán tưởng mà có thể thành công. Việc thành tựu Báo thân trang nghiêm ở Phật địa là nhờ thành tựu tất thảy thiền định tam muội trong Tam giới và có Vô sinh pháp nhân đầy đủ viên mãn, cộng với tu tập vô lượng phúc đức mà thành, chứ không phải nhờ quán tưởng mà có thể giành được. Cho nên, người nào muốn cầu chứng Báo thân trang nghiêm, phải bắt đầu từ Trung quán Bát Nhã, Nhất thiết Chủng trí, vô lượng thiền định tam muội (không phải là Tam muội da của Mật tông), và tu tập tích lũy vô lượng phúc đức mới thành tựu. Tu học Phật pháp như thế, mới là con đường đúng đắn để tu chứng Báo thân trang nghiêm. Người nào bỏ tu cái này mà thực hành quán tưởng của Mật tông, đều gọi là “cái tưởng của người vọng tưởng”, không phải là chính tu trong Phật pháp.

Thứ chín, thân Hồng Nghê chính là thân bảy màu hoặc năm màu, không phải là Phật thân. Báo thân của Phật đều là kim quang minh thân, không phải là thân bảy màu. Tôi quan sát theo chứng lượng của mình là biết thân Hồng quang chỉ là ánh sáng yêu thích từ vọng tưởng của quỷ thần. Khi tôi chứng được trí tuệ Bát Nhã, kim quang mới bắt đầu hiển phát. Sau vì chứng được thiền định, nên trong kim quang có xen tạp bạch quang rất mãnh liệt. Vì cùng với thời gian tăng tiến của Bát Nhã nên khiến cho kim quang dần tăng mạnh, cùng với việc phiền não ngày càng giảm thì thiền định cũng ngày càng tăng, nên bạch quang cũng ngày càng tăng trưởng, nhưng không hề có xen tạp ánh sáng bảy màu, năm màu hay tạp sắc.

Đó là quá trình kinh nghiệm bản thân, dần dần biết được thứ tự và nội hàm của Phật đạo. Vì từ tu chứng Nhất thiết Chủng trí mà chứng đắc Đạo chủng trí, dần có thể biết được nó. Lại nhờ có tu chứng thiền định mà dần biết được chính lý (đạo lý đúng đắn) chứng đắc thiên thân ở Sắc giới. Qua đó thì biết thuyết tu chứng Hồng quang thân của Mật tông chỉ là hư vọng tưởng mà thôi. Người học có trí cần nên suy xét thấu đáo, chớ có rơi vào trong tà kiến của Mật tông, lãng phí sinh mạng và thời gian để đi nhầm vào trong pháp ngoại đạo, một đời không thành lại còn thành tựu nghiệp địa ngục đại vọng ngữ, được không bù mất. Nhất nhất đừng có khinh suất!

Thứ mười, pháp tu theo lời Mật tông kỳ thực không thể nào thành tựu Hồng quang thân vì pháp môn tu hành của Hồng quang thân của họ chỉ là vọng tưởng mà thôi. Cho dù có pháp nào đó có thể khiến cho hành giả Mật tông thực sự tu được Hồng quang thân đi chăng nữa, thì vẫn chỉ là pháp ngoại đạo, vì Hồng quang thân không phải là Báo thân trang nghiêm ở Phật địa, không phải là Ý sinh thân của Bồ Tát. Với cái tưởng hư vọng như thế mà nói pháp “yoga bất tử, Hồng quang thân bất tử” của Liên Hoa Sinh là Phật pháp, thực sự chỉ là những lời vọng ngữ (dối trá), đối với tu hành Phật pháp mà nói, tuyệt đối không có thực nghĩa.

Thứ mười một, lại nữa, nếu như trước khi chết mà Liên Hoa Sinh đã thực sự chứng được Hồng quang thân, và theo lời của Mật tông: “người chứng được Hồng quang thân là đem các cơ quan nhục thể của mình chuyển hóa thành quang thân mà trở thành thân phi vật chất”, không phải như các Bồ Tát bên Hiển giáo khi chứng được thiên thân Sắc giới thì đồng thời vẫn có sắc thân thô nặng của Dục giới, thì lẽ ra trước khi Liên Hoa Sinh chết đã không còn nhục thân nữa, vì nhục thân đã chuyển hóa thành quang thân rồi. Nhưng nay xem ghi chép trong các tài liệu cổ thì thấy: cho đến những năm cuối đời, Liên Hoa Sinh vẫn thọ dụng nữ sắc và hành pháp dâm lạc song thân. Nếu như là người có Hồng quang thân thực sự, thì đã không còn thân máu thịt vật chất nữa rồi. Nếu là người không còn thân thịt thì không thể nào cùng hành pháp môn dâm lạc hợp tu song thân với những người con gái thế gian Dục giới nữa.

Liên Hoa Sinh một đời thường hay hợp tu Song thân pháp với người nữ để “lợi ích nữ nhân”, như thế là biết khi ông ta giao hợp vẫn phải có nhục thân, không phải là thân Hồng quang rồi. Như thế mà nói Liên Hoa Sinh sớm đã tu thành Hồng quang thân, lời nói trước sau mâu thuẫn, không hề khớp với sự thực và chính lý. Nếu nói Liên Hoa Sinh còn giữ được nhục thân của mình, chỉ đến khi chết mới biến hóa nhục thân thành Hồng quang thân thì thuyết pháp về tu hành Hồng quang thân nói ở trên hiển nhiên là đã trái với lý Liên Hoa Sinh lúc chết mới biến nhục thân thành quang thân, lời nói tự mâu thuẫn với chính mình.

Lại nữa, phàm là người có sắc thân huyết nhục, muốn diệt trừ vật chất trong nhục thân của mình, buộc phải hỏa thiêu, rời khỏi lửa là không thể hóa được. Đó là định luật của vật chất, không có bất kỳ vật nào có thể trái với lý này, cho nên buộc phải dựa vào ngoại hỏa hoặc nội hỏa thì mới có thể hóa mất nhục thân, không có bất cứ người nào có thể đứng ngoài lý này cả. Thậm chí cho đến khi thành Phật, cũng vẫn không đứng ngoài lý này, vẫn phải dùng nội hỏa do sức mạnh thần thông của mình hiện ra mà hóa nhục thân đi, vì nhục thân là sắc pháp thô nặng của Dục giới. Qua các chính lý này, có thể thấy Hồng thân bất tử của Liên Hoa Sinh mà Mật tông nói kia chỉ là sau khi thời gian dần trôi, lấy sai truyền sai để tiêm nhiễm, phụ họa truyền thuyết, lấy đó để trùm đầu chúng sinh khiến họ tin theo mà thôi, chứ không hề có Hồng quang thân thực sự nào để nói.

Thứ mười hai, những người như Liên Hoa Sinh trong Mật tông, đến thiên thân Sắc giới ở Sơ thiền còn chưa thể chứng đắc, mà ngoa ngôn nói có thể chứng được Báo thân trang nghiêm ở Phật địa, coi Hồng quang thân là Báo thân trang nghiêm ở Phật địa. Những gì họ nói chắc chắn là hư vọng, không thể tin theo. Vì sao vậy? Vì chư Phật đều tất có đầy đủ Tứ thiền Bát định, không gì không có, mà đó chỉ là thành tự tu chứng cơ bản trước Phật đạo. Trong ngoại đạo tuy cũng có nhiều người chứng được Tứ thiền Bát định thật, nhưng tất thảy đều bị Phật phủ định, nói các cảnh giới đó đều không phải là Niết Bàn.

Nay quan sát một đời của Liên Hoa Sinh, thấy ông ta chưa từng đoạn dâm hành, còn dạy người ta pháp thủ dâm để tu hành tinh tấn cả đời, thậm chí đến ấu nữ (bé gái) do con khỉ nuôi ông ta cũng lâm hạnh thưởng thức, thì đủ biết rằng cho đến trước khi chết, ông ta chưa hề chứng được Sơ thiền. Người muốn chứng đắc Sơ thiền, nhất định trong lòng phải đoạn trừ tham hành ái dục nam nữ ở Dục giới thì sau mới có thể chứng được. Liên Hoa Sinh còn chưa đoạn được Dục giới tham, cả đời cầu mong thứ dâm lạc chí cao vô thượng - Đệ tứ hỷ - thì không thể nào chứng được Sơ thiền. Trong các truyện ký và văn từ nói về pháp môn tu hành do chính ông ta viết cũng cho thấy rõ Liên Hoa Sinh chưa hề đoạn Dục giới tham, đồng thời cũng chưa hề chứng được Sơ thiền.

Như vậy, người chưa chứng được Sơ thiền thô thiển nhất trong Tam giới mà nói mình đã chứng được tất cả thiền định Tam muội thì thật vô lý. Người chưa chứng được Tam muội Sơ thiền mà nói đã chứng đắc thiên thân Sơ thiền, tuyệt không thể được. Người chưa chứng được thiên thân Sơ thiền mà nói Hồng quang thân mình chứng được còn thắng diệu hơn cả Ứng hóa thân, Báo thân trang nghiêm, Pháp thân của Phật bên Hiển giáo, liệu có phải là sự thật? Cho nên, việc các thượng sư Mật tông nói Liên Hoa Sinh đã chứng được Hồng quang thân và đã thành Phật đều là những truyền thuyết mê tín, ăn không nói có, dựng thành câu chuyện mà thôi, không có chút xíu nào đáng tin cả.

Thứ mười ba, các thày Mật tông ai nấy đều nói mình đã chứng được Pháp thân, đều là những lời lẽ hư vọng cả. Pháp thân ở đây chính là Thức thứ tám. Pháp thân ở Nhân địa gọi là Thức thứ tám A Lại Da, còn Pháp thân ở quả vị Vô học trong đạo Giải Thoát gọi là Thức thứ tám Dị Thục thức, còn Pháp thân Phật vị ở Quả địa cứu cánh gọi là Thức thứ tám Vô Cấu thức, đổi tên khác là Chân Như, bản chất vẫn là Thức thứ tám. Tuy rằng Thức thứ tám ở Vô học vị trong đạo Giải Thoát phương tiện thuyết gọi là Thức thứ chín, nhưng vẫn là tâm thể Thức thứ tám ban đầu, chỉ có gọi tên khác mà thôi, chứ không hề thay đổi tâm thể của nó. Tuy Thức thứ tám ở Phật địa cứu cánh cũng được gọi là Thức thứ mười thì bản chất vẫn là Thức thứ tám, chỉ đổi tên thành Thức thứ mười chứ không đổi tâm thể, vẫn là thể Thức thứ tám, chứ không phải là Phật có mười thức.

Thế nhưng, nay xem các thày Mật tông, trên từ Mai Kỷ Ba, Nguyệt Xứng, Tất Ngõa Ba…của Mật tông Thiên Trúc; giữa đến A Để Hạp, Liên Hoa Sinh, Di Hỷ Tha Gia, Tông Khách Ba, Khắc Chủ Kiệt, Mã Nhĩ Ba, Mật Lặc Nhật Ba, Cương Ba Ba…của Mật tông Tây Tạng; dưới đến Đạt Lai Lạt Ma, Ấn Thuận, các đại pháp vương, Trần Kiện Dân, Kháp Lô (Kalu), Tông Tát…ngày nay đều không thấy người nào đã chứng được tâm Thức thứ tám. Đã chưa chứng được thân Thức thứ tám thì chỉ là kẻ phàm phu chưa từng chứng được Pháp thân. Như thế mà nói suông về tu chứng Pháp thân, lại coi Hồng quang thân là Pháp thân, hiểu sai Phật pháp đến mức độ nghiêm trọng như vậy, thì sao có thể nói pháp mà Mật tông đang tuyên truyền kia là Phật pháp được? Thế mà lại lấy pháp ngoại đạo hoàn toàn không liên quan gì đến Phật pháp để thay thế cho Phật pháp, nói rằng pháp đó còn thắng diệu hơn cả Phật pháp chính pháp Hiển giáo. Điên đảo đến mức độ này, quả thật không khỏi khiến người ta cảm thán khôn nguôi!

Mật tông còn đem Hồng quang thân mà họ tu được để so sánh với Đạo gia, rồi nói nó thắng diệu hơn cả Đạo gia thế này: “Mật pháp tiệt nhiên khác với họ (Chú thích gốc: Đạo gia). Đó là vì ảo thân tu dụ cho quang minh, có nghĩa quang minh, sau khi trải qua song vận, thì có thể thành tựu ảo thân. Tính chất của nó cố nhiên không cần phải xuất thần, cũng không có chia thành âm thân và dương thần. Ảo hóa thân thành tựu xong thì tự thành Bản tôn thân, đến ngay cả Tam muội da thân cũng thành Bản tôn thân luôn, nhưng không rời khỏi nhục thân. Loại hạ phẩm thì quán tưởng thành Bản tôn thân, tự mình có thể nhìn thấy, người khác không thể nhìn thấy được, chỉ có thể hiển hiện trong định, trong mơ. Nếu trong trường hợp tán loạn thì không hiển hiện ra nữa. Loại trung phẩm thì bản thân mình và người khác đều có thể nhìn thấy. Nếu là người vô duyên và không có trí tuệ thì cũng không thể nhìn thấy Bản tôn thân của anh ta, nhưng tự thân nó vẫn có thể chất. Nếu thành tựu loại thượng phẩm, thì bất kể là người nào, dù là có duyên hay vô duyên, có trí tuệ hay vô trí tuệ đều có thể nhìn thấy Bản tôn thân, hơn nữa thân này như Hồng quang[1], tay thông đạt vô ngại [2], như thầy Liên vậy (Đây là lời vọng ngữ. Khi Mật tông nói về các loại tu chứng quán tưởng của thượng sư, phàm nói về người có thể khiến người khác nhìn thấy Bản tôn thân thì đều là những người đã chết rồi. Từ cổ chí kim, Mật tông chưa từng nói về người nào khi họ đang còn sống mà thiên thân, Hồng quang thân do họ quán tưởng ra có thể khiến người khác nhìn thấy để mọi người nghiệm chứng, cho nên chuyện Mật tông nói đó chỉ là những lời lẽ phụ họa, đồn thổi, không lấy gì làm bằng cả). Cho nên, khi ảo hóa thân thành tựu rồi, thì ngay cả Tam muội da thân bên ngoài cũng đồng thời được thành tựu”. (32-469)

Họ còn nói rằng: “Đại sĩ Liên Hoa Sinh vì sao có thể thị hiện tức thân thành Phật? Hơn nữa Tạng Vương có thể lấy tay sờ vào được thân đó, xuyên qua toàn thân, giống như xuyên qua Hồng thân vậy” (34-247). Thế nhưng chuyện Hồng quang thân của Liên Hoa Sinh không phải là sự thật. Những người có trí tuệ cần phải hiểu rằng cái mà họ gọi là Hồng quang thân đó, chỉ là những lời lẽ phụ họa truyền thuyết, vì như trên đã nói, nó hoàn toàn trái ngược với đạo lý về sắc pháp ở Tam giới, vì lúc đó Liên Hoa Sinh vẫn còn hành dâm và tu Song thân pháp với người nữ nữa.

Lại nữa, khi quán tưởng thành công Hồng quang thân, người khác nếu là người có Thiên nhãn thông tuy có thể nhìn thấy được, thì cũng chỉ như chuyện người có Túc mệnh thông biết được tâm tưởng (suy nghĩ) của người khác, còn người bị đoán biết suy nghĩ kia không hề có khả năng đặc dị của Túc mệnh thông. Cho nên cái lý về Hồng quang thân cũng giống vậy, không có gì khác biệt. Còn về chuyện Thượng sư Trần Kiện Dân nói ai ai cũng có thể nhìn thấy Hồng quang thân, cho đến nay vẫn chưa thấy có bất kỳ người nào làm được điều này – bất luận là xem ở kinh sách hay trên thực tế cũng đều vậy cả. Các thày Mật tông xưa nay đều đã như thế, thì có thể phán định rằng thuyết Hồng quang thân của Mật tông chỉ là pháp có được từ hư vọng tưởng tượng, không phải là sự thực tồn tại có thể nghiệm chứng được. Hơn nữa còn là thứ trái giáo bội lý, cho nên những người có trí tuệ không nên mê tín, cần phải suy xét sâu hơn bằng lý trí, để tránh đi lầm đường lạc lối mà không tự biết.

Người học cũng nên biết rằng: Hồng quang thân “có được” nhờ quán tưởng vận khí, nó không phải là cái thân thực sự, chỉ là Nội tướng phần do chính mình quán tưởng mà thành, không liên quan gì đến thiên thân, cũng không liên quan gì đến Phật pháp. Cho nên, Hồng quang thân và Phật thân mà Mật tông nói thành tựu được nhờ quán tưởng đều là vọng tưởng cả.

Căn cứ để nói về tu chứng Hồng quang thân đến từ việc hình thành “Đại Nhật Kinh”. Mà nội dung nói trong “Đại Nhật Kinh” lại không đạt đến Đệ nhất nghĩa đế, song lại vọng ngôn nói đã chứng đắc Đệ nhất nghĩa đế, hoàn toàn khác với lời Phật dạy trong các kinh Tam thừa. Qua đó có thể thấy đó là cuốn kinh do các tổ sư Mật tông của Phật giáo thời kỳ cuối ở Thiên Trúc biên tạo, không phải là lời Phật thuyết. “Đại Nhật Kinh” này đã nêu ra căn cứ tu hành Hồng quang thân như sau: “Cái mê hoặc của Chú Thuật Võng đồng với Đế Thích Võng, như thành Thiên Đạt Bà, tất cả mọi nhân dân ở đó, thân bí mật như thế, không phải là thân cũng không phải là thức. Lại như trong giấc mộng, du ngoạn các thiên cung, không lìa khỏi thân này, cũng không đến chỗ kia. Du Già mộng như thế, hành giả trụ chân ngôn, thân công đức sinh ra đó, thân tướng như hồng nghê (cầu vồng)” (“Đại Chính Tạng” sách thứ 18, trang 33, cột giữa)

Qua lời khai thị của “Phật” Mật tông này, có thể xác nhận rằng cái gọi là thân Hồng nghê kia chỉ là Nội tướng phần tạo thành, không phải là sắc thân thật sự hoặc thân quang tướng mà người khác có thể nhìn thấy được. Bởi cuốn “Kinh” này tự nói rằng nó như du ngoạn thiên cung trong giấc mộng, là thứ mà “thành tựu” nhờ vào việc tu chân ngôn hành trong Du Già mộng. Lại nữa, ánh sáng cầu vồng ngũ sắc bảy màu không phải là ánh sáng thanh tịnh, vì nó tạp chứa các quang tưởng của thế gian, hình thành nhờ tham dục của pháp tu song thân, tất cả các hành giả chớ có vui mừng cầu chứng nó.

Giới Phật giáo ngày nay bị tà tri tà kiến của Mật tông dẫn dắt mà tạo ra cờ ngũ sắc để làm dấu hiệu đại diện cho Phật giáo, kỳ thực đó là thiết kế bắt nguồn từ tà kiến “chia tất thảy các pháp ra ngũ đại, ngũ sắc, ngũ Phật, ngũ Phật Mẫu, ngũ Độ mẫu, ngũ trí, ngũ Bồ Tát…của Mật tông”. Vì thế mà Phật của Mật tông có ngũ sắc, Bồ Tát có ngũ sắc, Hồng quang thân có ngũ sắc… có ngũ sắc. Tất thảy mọi pháp đến Mật tông đều chia thành ngũ sắc, cho đến Tứ trí ở Phật địa vào trong Mật tông cũng cộng thêm “Pháp giới Thể tính trí” là trí tuệ sơ kiến đạo có tầng thứ thấp nhất mà Bồ Tát tu chứng được, lồng vào trong Phật trí để tiện chia thành năm, vọng danh là trí tuệ thứ năm chỉ có ở “Phật” của Mật tông, vọng thuyết rằng đó là trí tuệ mà Phật bên Hiển giáo không có.

Từ sự bày đặt tà kiến như thế, người ta đã tạo ra lá cờ Phật giáo cũng có năm màu, thực tế nó là vọng tưởng được sinh ra từ tà tri tà kiến của Mật tông, không phải là Phật pháp. Phật quang từ xưa đến nay đều không phải là ánh sáng năm màu, Bồ Tát xưa nay cũng không phải là ánh sáng năm màu, thế mà Phật của Mật tông lại có năm màu, Bồ Tát cũng chia thành năm màu, cho nên “Văn Thù Bồ Tát” trong Mật tông bèn chia thành Văn Thù đen, Văn Thù đỏ…Đó đều là pháp do quỷ thần mạo danh hóa hiện ra, xưa nay không liên quan gì đến chính pháp của Phật giáo. Người học nên hiểu rõ về vấn đề này.

Tông Khách Ba lại nói rằng: “Như “Tập Mật” nói: ‘Từ chân tế khởi lên, nên đắc Vô nhị trí’. Ý nói ở song vận vị như thân cầu vồng nhập vào quang minh, tự thể không thể chia nó thành hai. Trước khi nhập vào quang minh trí, ba tướng đều tịnh cho nên không có nhị thủ, nhưng lúc đó không phải là không có thân tướng. Nếu không phải như vậy, nói không sắc là có đắc, bất biến lạc là vô đắc, thì không hợp đạo lý. Cần phải có các loại tướng hiện, thì mới gọi là có đắc, vào lúc trước khi đắc bất biến lạc của thánh giả, cũng phải có các loại tướng hiện. Qua đó nên biết rằng: khi đó tuy có, nhưng trước khi có Vô phân biệt trí là không có, nghĩa như thế mới không trái ngược nhau”. (21-573)

Câu nói “ở song vận vị như thân cầu vồng nhập vào quang minh” của Tông Khách Ba chỉ là vọng tưởng, vì khi nam nữ hợp tu pháp môn Lạc Không bất nhị, quán tưởng bản thân mình nhập vào trong quang minh, đó tất nhiên là vọng tưởng, giả tưởng. Bởi cái quang minh này chỉ là cảnh giới do Tâm giác tri của mình tưởng tượng ra, nhờ có sự quán tưởng của Tâm giác tri thì nó mới xuất hiện. Mà cảnh giới quang minh này chỉ tồn tại trong Tâm giác tri chứ không nằm bên ngoài Tâm giác tri, thì Tâm giác tri sao có thể dùng pháp quán tưởng để khiến chính mình nhập vào trong cảnh giới quang minh tưởng tượng đó được? Cho nên, Tâm giác tri quán tưởng thân anh ta nhập vào quang minh chỉ là một phép quán giả tưởng: tựa như đã nhập vào trong cảnh giới quang minh, trong khi thực tế Tâm giác tri không hề nhập vào cảnh giới quang minh. Việc này nó giống như trong cảnh mộng, tựa như có một cảnh giới mà người ta có thể nhập vào, mà thực tế thì cảnh giới đó chỉ là cảnh giới Nội tướng phần cho Thức thứ tám biến hiện ra thôi, y hệt như cảnh giới đái chất trong mộng cảnh, không phải là cảnh giới thực sự trong Tam giới có thể thành hiện thực bên ngoài giấc mơ mà có tính dụng của nó được. Người học trong Phật môn cần phải hiểu rõ lý này, như thế mới có thể tránh được việc đang nằm trong nhân sinh đại mộng lại tiếp tục nằm mơ chồng lên giấc mơ như các thày Mật tông xưa nay vẫn làm.

Lại nữa, theo ý đoạn văn trên của Tông Khách Ba, Hồng quang thân chỉ là thứ chứng được trong chí lạc, Lạc Không song vận của Đệ tứ hỷ dâm lạc nam nữ trong tu tập Song thân pháp, thì cần hiểu rằng bản chất của Hồng quang thân chỉ là pháp thành tựu chung nhờ quán tưởng và dâm lạc. Qua đó có thể thấy bản chất của pháp Hồng quang thân này chỉ là pháp trong Dục giới, còn chưa vượt qua tầng nhân gian ở Dục giới, càng không vượt qua sáu tầng trời Dục giới, vì dâm dục trong sáu tầng trời Dục giới đều nhạt hơn chúng sinh ở nhân gian. Như vậy, người “chứng được” Hồng quang thân, cảnh giới của anh ta không thể nào đạt đến Sơ thiền thiên, huống hồ có thể vượt qua được Sắc giới, Vô sắc giới? Pháp không thể vượt qua Dục giới, còn chưa biết tý gì về quả chứng giải thoát của A La Hán Thanh Văn, mà nói người “chứng được” Hồng quang thân có thể vượt qua cảnh giới của chư Phật bên Hiển giáo, thật chẳng khác gì những kẻ vô trí tuệ như học sinh tiểu học nói “cảnh giới trình độ toán học của nó cao hơn trình độ của các giáo sư khoa Toán trường đại học” vậy. Những người có trí tuệ đọc xong đoạn phân tích này, nên tự biết lựa chọn chính tà nơi nào, qua đó mà lựa chọn và sinh ra trí tuệ thế tục, đồng thời tự xây dựng con đường chính tri kiến của Phật pháp cho mình.

 

 


[1] Chú thích của người dịch: Hồng quang ở đây không phải là ánh sáng đỏ thông thường mà là ánh sáng cầu vồng.

[2] Chú thích của người dịch: Ý nói tay người khác có thể sờ vào được, không bị chướng ngại gì.


Bài trước

Bài sau

Trang chủ

Lượt xem trang: 0