Chân tướng
Mật Tông Tây Tạng

Phật giáo Tạng truyền thật sự là Giác Nãng Ba, hoằng dương diệu pháp Như Lai Tạng Tha Không Kiến, hoàn toàn phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo. Tứ đại giáo phái Hồng, Hoàng, Hoa, Bạch là Phật giáo Tạng truyền giả, tất cả các pháp nghĩa của họ đều không phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo, cho nên là tà giáo, tà pháp.

Tiết 4: Bát Nhã kiến của Trung Quán phái Tự Tục

Trung Quán kiến phái Tự Tục là Bát Nhã kiến của Hồng Bạch Hoa giáo của Mật tông. Những người theo Bát Nhã kiến phái Tự Tục tuy thừa nhận có Như Lai Tạng, nhưng lại không biết Như Lai Tạng là Tâm Thức thứ tám A Lại Da, ai nấy đều coi Ý thức tâm giác tri (ở trạng thái) nhất niệm bất sinh là Như Lai Tạng, có lúc còn dứt khoát coi Tâm ý thức này là Chân Như ở Phật địa cứu cánh. Học thuyết của phái này vì cho rằng bản thân Tâm giác tri có thể đi được đến kiếp sau, có thể đi từ đời quá khứ đến đời hiện tại, cho nên gọi là những người phái Tự Tục (tự nối liền các kiếp). Những người Trung Quán kiến phái Tự Tục tuy thừa nhận có Như Lai Tạng, kiến giải này khác với Trung Quán kiến phái Ứng Thành, nhưng bất luận là phái Tự Tục hay phái Ứng Thành (hai phái này hợp lại là bao hàm đủ tứ đại giáo phái của Mật tông), họ đều coi “tất thảy pháp duyên khởi tính không đứng bên ngoài Như Lai Tạng” chính là Không tính nói trong Bát Nhã; cũng đều thống nhất coi sự không hình không sắc của Tâm ý thức là Không tính Bát Nhã mà Phật thuyết. Đứng trên phương diện Không tính kiến Bát Nhã này, thì kiến giải của các thày Trung Quán phái Ứng Thành và phái Tự Tục không có chỗ nào khác nhau cả.

Ví dụ như Thượng sư Trần Kiện Dân cực nổi tiếng của Mật tông cận đại nói: “Chứng ta cần phải lĩnh ngộ được Không bất dị Sắc, Sắc bất dị Không. Dưới “Không tính” ở bất kỳ hình thức nào, Không và Sắc hoàn toàn hợp nhất (Chú thích gốc: Bao gồm tất cả những thứ có liên quan đến “Ngã” như cảm giác…). Ngũ uẩn và Không tính vừa không phải là một, vừa không khác nhau. Ở “ngoại giới”, Không tính biến khắp tất cả mọi xứ, bất kỳ pháp tướng nào cũng đều là Không. Có người cho rằng Không có được thông qua phân tích, nhưng Không tính thực sự không phải giành được như vậy. Cái thành quả nỗ lực này chỉ có thể làm rõ cái Không hữu vi, tức là cái Không thuộc về hiện tượng có điều kiện, có tổ chức mà thành. Kiểu phân tích này rất phổ biến trong Hoàng giáo, nhưng chỉ có thể làm phương tiện giải thích mà thôi”. (37-73)

Ý của đoạn văn này nói rằng Không tính biến khắp trong tất thảy mọi pháp ngoại giới – tất thảy mọi pháp đều vì vô thường mà cuối cùng tất bị hoại diệt, cho nên cái tính “vô thường không” này nó hằng biến khắp trong tất cả vạn pháp ở ngoại giới. Nhưng họ lại không biết Không tính mà Phật nói chính là Căn bản tâm của pháp giới – Tâm Thức thứ tám A Lại Da. Đây chính là ví dụ thực tế về sự hiểu sai Không tính.

Những ví dụ thực tế đó có rất nhiều trong Mật tông, như Tông Khách Ba nói: “Sau dùng chính lý để phá nhân Ngã của ngoại đạo và pháp Ngã của hai bộ nội đạo mà quyết lựa chọn lấy nghĩa lý vô Ngã. Từ tu tập mà dẫn dến Bồ Đề tâm thắng nghĩa, trước tiên nên cầu vô Ngã kiến như thế. Từ việc giải thích trong mỗi Bồ Đề tâm mà sáu Như Lai của Tập Tục nói, nghĩa lý “xả ly tất cả mọi sự, đoạn trừ Uẩn Xứ Giới và Năng thủ, Sở thủ, pháp vô Ngã bình đẳng, tự tâm vốn bất sinh, là tự tính Không tính” mà Tỳ Lô nói, cho nên gọi là Bồ Đề tâm thích. Như vậy, Long Mãnh Bồ Tát dùng chính lý phá hai Ngã, tu tri kiến quyết trạch vô Ngã, gọi là tu Bồ Đề tâm thắng nghĩa. Các Bồ Tát hành Mật chú cũng nên tu như thế. Cho nên cũng khéo phá tri kiến “tu quán sát, huệ quán sát” mà ai đó nói, đó là quy tắc của Hiển giáo chứ không phải là của Mật tông. “Kim Cương trang nghiêm tục” cũng nói: “Tâm quán lục phân trần, sau khi tách làm thập phương, hiểu rõ pháp nghĩa như thế này, Tâm tịnh vô cấu nhất. Tâm quá khứ tương lai, vô sở đắc như vậy, vô nhị vô vô nhị, hư không cũng vô trụ, quán sát như thế xong, tất cả chúng sinh không, là du già vô cấu, tưởng tự Tâm vô thể”. Ở đây nói quán sát vi trần, phân tích mười phương là tu Không tính. Bạt Phọc Bạt Đà La trong “Kim Cương không hành thích”, như “Trung Quán trang nghiêm luận” phân thành mười phương quan sát vi trần quyết trạch Không tính”. (21-606~607)

Tông Khách Ba muốn phá nhân Ngã kiến mà ngoại đạo chấp bám, quả thực là không đủ tư cách. Vì bản thân Tông Khách Ba còn chưa đoạn được nhân Ngã kiến của mình, không biết cái “Tâm giác tri thường hằng bất hoại” mà mình nhận định đó chính là cái Ngã của thường kiến ngoại đạo, thì sao có thể phá được nhân Ngã kiến của thường kiến ngoại đạo? Nhân Ngã kiến của chính mình còn chưa phá được mà lại nói khoác rằng muốn tiến tới phá luôn cả pháp Ngã kiến mà nội đạo (người Kiến đạo trong Phật môn) còn chưa thể đoạn, đó chỉ là cuồng vọng mà thôi, là vô tri mà thôi.

Lại nữa, Không tính mà Phật nói là chỉ Thực tế của sinh mệnh tất cả hữu tình – Thức thứ tám Như Lai Tạng – cũng là Thực tế của Niết Bàn vô dư. Tông Khách Ba thì ngộ nhận cho rằng “cái không sinh ra sau khi đoạn diệt” sắc thân vô thường tất hoại là Không tính, hiểu lầm tất cả mọi sắc trần ngoài thân cũng đều không có tính chân thực, lấy đó gọi là Không tính, cho nên dẫn lời của Mật tục để chứng minh cho quan điểm của mình. Rồi ông ta lại dẫn “Kim Cương trang nghiêm tục” nói rằng quan sát như thế xong, tất cả chúng sinh là không, là du già vô cấu (không nhiễm bẩn), tưởng tượng tự Tâm không có thể, cho rằng Tâm giác tri bản thân nó vô hình vô sắc, cho nên gọi là Không tính. Tất cả những điều này đều bắt nguồn từ việc không chịu thừa nhận có Tâm Thức thứ tám, bị xoay chuyển theo tà kiến của Trung Quán phái Ứng Thành, vì thế mà mãi mãi không thể nào chứng được Tâm Thức thứ tám Không tính, nên mới buông ra những lời lẽ sai trái hoang đường như thế, tự xưng tà kiến đó là Không tính kiến mà Phật hoằng truyền.

Tông Khách Ba còn nói thế này: “Khi lựa chọn tất thảy chư pháp thắng nghĩa Không sinh tử Niết Bàn bằng Diệu quan sát trí, hiện cảnh của nó tuy chưa trừ tướng nhị thủ, nhưng định giải thì đã diệt trừ nhị thủ, vì thế không cần phải tu riêng các sở duyên để diệt trừ tướng nhị thủ. Cái định giải tất thảy chư pháp lìa xa hai bên, vô tính là tướng như thế, là pháp giới thật sự vĩnh lìa tất thảy mọi tướng hý luận. Việc này như “Nhập hành luận” nói: “Nếu thời tính vô tính, đều không trụ trước tâm, khi đó không dư tướng, vô đắc tối tịch tĩnh”, ý là tất thảy pháp lấy vô đắc làm thể, đều nhập vào Không tính”. (21-502~503)

Như vậy vẫn là quan sát Tâm ý thức giác tri vô sở đắc trong tất thảy mọi pháp mà bảo là nhập vào Không tính. Thế nhưng, Tâm ý thức giác tri trong tất thảy mọi pháp không phải là vô sở đắc, vì nó chắc chắn vẫn phải phát sinh các loại Thọ (Thụ) “khổ, lạc, xả” trong tất thảy mọi pháp. Đã tương ứng với khổ, lạc, xả thì hiển nhiên nó không phải là pháp vô sở đắc thực sự, sau khi đắc Lục trần thì vẫn quy về vô thường không, chứ không phải là pháp vô sở đắc ngay từ đầu. Cái Pháp vô sở đắc mà Phật nói, chính là Thức thứ tám ở trong chư pháp mà tùy duyên nhậm vận, lìa khỏi kiến văn giác tri, xưa nay chưa từng tương ứng với khổ lạc xả thụ của Lục trần, mới là vô sở đắc ngay từ đầu. Phải dựa vào Kiến địa này mà nói các loại Thọ mà Tâm ý thức giác tri có được đều là vô thường, cuối cùng cũng hoại diệt, vì thế mà nói vô sở đắc, chứ không được đứng ngoài Thức thứ tám Thực tướng tâm mà nói Ý thức sau khi thụ Lục trần, vì vô thường nên vô sở đắc. Qua đây có thể thấy Tông Khách Ba đã hiểu sai vô thường không là Không tính Bát Nhã, chứ không phải như Phật nói Thức thứ tám Như Lai Tạng là Không tính Bát Nhã.

Tông Khách Ba còn nói rằng muốn phá cái Pháp Ngã kiến mà “các Bồ Tát đã Kiến đạo, chứng Không tính, đoạn Ngã kiến” còn dư lại của nội đạo bằng tri kiến thường kiến đó. Nhưng bản thân ông ta lại chưa từng Kiến đạo, căn bản chưa từng phá được Nhân Ngã kiến, chỉ bằng Nhân Ngã kiến của thường kiến ngoại đạo chưa Kiến đạo mà lại muốn chỉ đạo các Bồ Tát đã Kiến đạo đoạn trừ Pháp Ngã kiến. Có khác gì học sinh tiểu học không biết, không hiểu toán học của học sinh trung học mà lại muốn chỉ đại sinh viên đại học tu tập vi tích phân. Sự cuồng vọng và vô tri của ông ta hoàn toàn cùng một giuộc với sự hư vọng trong “Nhập Bồ Tát hành luận” của Tịch Thiên.

Hoàng giáo của Mật tông đã hiểu sai về Bát Nhã Không và tất thảy pháp không, Trung Quán kiến phái Tự Tục của ba đại phái còn lại cũng hiểu nhầm về Bát Nhã Không và tất thảy pháp không như vậy:

“Các ngươi nên biết tất thảy pháp tự tính Không. Thập bát giới không hề có chút chân thực nào cả. Phàm những thứ kiến văn giác tri, không có cái gì không phải là hư giả, không có cái gì không phải là ảo tướng do nhân duyên tập hợp mà thành. Nếu như có thể quán tưởng được thường xuyên như thế, thì cái tâm tham luyến tự nhiên sẽ không sinh khởi nữa. Tham tâm mà khởi, tội nghiệp càng lớn. Vậy thì tất cả đều không có chăng? Không phải vậy! Không phải vậy! Tất thảy pháp không phải là không có, mà tự tính Không. Cần phải biết rằng thường kiến nên không thể có, đoạn kiến cũng không thể sinh, nếu không sẽ rơi vào ngoan không (cái không bướng bỉnh), tự nhầm lẫn không nhỏ. Nên quán tưởng tất thảy pháp tự tính Không, cái chân thực sinh ra, trên đời này không có đâu, chỉ cần tưởng niệm như thế là được rồi… Hiểu biết về cái lý Không này cực khó, nếu có thể thực sự thấy tất thảy pháp Không, thì càng thêm thắng diệu đấy! Cái gọi là Không, không phải là không nhìn thấy hình sắc, không nghe thấy âm thanh, chẳng qua là không chấp trước vào. Ví như chúng sinh và Ngũ uẩn là một chăng? là hai chăng? Nói một hay nói hai, chẳng qua là vọng chấp. Chư pháp trên thế gian tất thảy đều thuộc về giả danh, tính của nó vốn dĩ là Không, kỳ thực không tồn tại, có cái nào mà không do nhân duyên hợp lại mà sinh ra? Nhân duyên ly tán là diệt? Thập nhị nhân duyên mà tăng cường nghiên cứu kỹ, thì cái đạo lý tất thảy pháp Không, cái đạo nhân duyên ly hợp, tự nó sẽ không khó hiểu nữa”. (62-240, 241)

Nói về Bát Nhã Không như thế vẫn là lấy tự tính Không của tất thảy pháp để làm Không tính của Bát Nhã, trái ngược với lời Phật nói. Cái gọi là “Nên quán tưởng tất thảy pháp tự tính Không, cái chân thực sinh ra, trên đời này không có đâu, chỉ cần tưởng niệm như thế là được rồi”, kỳ thực vẫn là đọa vào trong cảnh giới Tâm ý thức, chưa từng hiểu được Mật ý của Không tính Bát Nhã. Lại nói “Cái gọi là Không, không phải là không nhìn thấy hình sắc, không nghe thấy âm thanh, chẳng qua là không chấp trước vào” càng là lấy việc không chấp trước vào vạn pháp của Tâm ý thức coi đó là đã chứng được Không tính nói ở trong các kinh Bát Nhã. Đây là căn bệnh phổ biến của các thày Mật tông, đều chưa thể chứng được Thức thứ tám Như Lai Tạng, vì thế không thể nào hiểu được Chân Thực tướng của thể tính pháp giới, vì thế đều hiểu sai về chư kinh hệ Bát Nhã, rồi đem sự hiểu biết sai lệch đó để dẫn dắt sai lầm cho chúng sinh.

Đạo Nhiên Ba Lạc Bố Thương Tang Bố lại nói rằng: “Hôm qua giảng về tất thảy pháp Không, chúng sinh như huyễn ảo, muốn cầu được chút xíu chân thực cũng không thể được. Thiện ác nghiệp mà con người tạo tác ở đời trước thì đời này phải chịu quả báo. Đời này nếu như tu tất thảy pháp Không, thì luân hồi được diệt trừ tận gốc, sau này vĩnh viễn không nhập vào luân hồi nữa. Cái Chân Tâm này hễ đến thì tất thảy chúng sinh đều thấy đó là Hóa (thân) Phật, tất cả mọi đồ vật đều thấy là Đàn thành. Nhất tâm không nghi ngờ, thường tu như thế, thì khi Không Tâm đến, an lạc cũng đến, tức là thành Không An bất nhị, những gì nhìn thấy trong mắt không có gì không là Phật cả. Khi mới bắt đầu tu, chỉ một khắc, hai khắc nhập vào, sau từng bước kéo dài thời gian, lâu dần thì không những khi tỉnh thức cũng vậy mà trong mơ cũng thế. Lúc này, tâm hành thiện vô cùng quan trọng, ác nghiệp nhất định không được làm. Đời này nhất định phải tích nhiều thiện nghiệp, như thế mới tốt. Đợi sau này hai tâm Pháp Không, Ngã Không vừa đến thì có thể không tu. Lúc đó, bất luận thân ở chỗ nào, những gì mà Lục căn tiếp xúc, không gì không biết đấy là Không, tức là lúc chứng ngộ đạo đó”. (62-243)

Người tu tất thảy pháp không như thế đều chưa từng đoạn trừ được Ngã kiến, mà lại nói là đã đoạn trừ Ngã kiến, chính là đang rơi vào đại vọng ngữ. Nói người “đã đoạn trừ Ngã kiến” tức là Tu Đà Hoàn rồi, thế nhưng hành môn đó của các thày Mật tông đều coi Tâm ý thức giác tri là Không tính vô hình vô sắc, đều ngộ nhận Tâm ý thức là Chân Như, thì chẳng khác gì thường kiến ngoại đạo, vẫn còn chưa đoạn trừ Ngã kiến thì sao có thể nói là trừ tận gốc của luân hồi, sau này không còn tái nhập luân hồi nữa? Những người độn căn Sơ quả vẫn còn phải bảy lần vãng sinh qua lại giữa thiên giới và nhân gian, huống hồ là phàm phu chưa Kiến đạo chưa đoạn Ngã kiến ý thức, sao có thể vĩnh viễn không nhập luân hồi được? Không đúng lý chút nào!

Lại nữa, Mật tông thường quan sát ngoại Lục trần vô thường không và quan sát sắc thân không rồi nói như thế là đã đoạn được Ngã kiến và Ngã chấp, rồi coi Tâm giác tri như thế là Chân Tâm – rồi nói đã có thể nhìn thấy tất cả chúng sinh hữu tình đều là Hóa Phật, lại bảo như thế là đã chứng ngộ đạo. Quan niệm của họ như thế đâu chỉ là hiểu nhầm về ý nghĩa của Hóa thân Phật mà còn hiểu sai cả về Chân Tâm. Cần phải hiểu rõ rằng, Ý thức của tất thảy chúng sinh, cho dù có tu đến vô lượng kiếp thì nó vẫn chỉ là Ý thức, mãi mãi không bao giờ có thể biến thành Chân Tâm được. Vì thế, Ý thức ở Phật địa nó vẫn chỉ là Ý thức, chưa hề chuyển biến thành Chân Tâm. Còn Thức thứ tám Chân Tướng thức mà tất cả mọi chúng sinh hữu tình đều có, trước khi tu hành thì nó đã là Chân Tướng thức rồi, vốn dĩ đã là Chân Tướng thức – Chân Tâm, không phải là nhờ sau khi tu hành thì nó biến thành Chân Tâm. Các thày Mật tông đều không biết đạo lý này, ai cũng muốn đem vọng tâm Ý thức tu hành để chuyển biến nó thành Chân Tâm, đều là tà kiến vọng tưởng hết. Vì sao vậy? Vì nếu như Ý thức có thể biến thành Chân Tâm, thì hữu tình sau khi ngộ đều sẽ không còn Ý thức nữa, đều sẽ trở thành những người thực vật không thể phân biệt được đau ngứa, vì Tâm ý thức giác tri đã biến thành Chân Tâm, mà Chân Tâm thì lìa kiến văn giác tri. Thế nhưng, hiện kiến thấy tất cả các bậc hiền thánh đã chứng ngộ từ xưa đến nay, sau khi ngộ họ đều có đủ tám thức, từng thức đều tồn tại không hề khiếm khuyết. Lại hiện kiến thấy trong kinh ghi chép rằng: Sau khi ngộ, Phật vẫn có thể thực hiện các loại phân biệt, chứ không phải là không có Tâm giác tri ý thức, cũng có đủ Thức thứ tám Chân Như – đổi tên là Vô Cấu thức. Vì thế, quan niệm đem Ý thức biến thành Chân Tâm của Mật tông chỉ là hư vọng tưởng do họ tự ý sinh ra mà thôi. Những người có trí đều cười thầm.

Đạo Nhiên Ba Lạc Bố Thương Tang Bố lại nói rằng: “Bằng chứng về kiểu chết này nếu nó không đến (xuất hiện) thì phải nghĩ ra nhiều cách để mệnh hòa nhập vào trong Trung mạch. Cái mệnh trong đó khi xuất ra ngoài, tất thảy pháp Không dẫn đầu lãnh đạo. Thế nào gọi là tất thảy pháp Không dẫn đầu lãnh đạo? Chỉ việc khi đệ tứ không đến, thì nhìn thấy ánh sáng màu vàng nhạt, “quang tức là không, không tức là quang”. Việc tất thảy pháp Không dẫn đầu lãnh đạo tức là nhìn thấy ánh sáng màu vàng nhạt này như đang ở trước mặt dẫn dắt vậy. Sau đó thì mình sinh khởi tướng như Phật rồi. Tu xong như thế thì về đi ngủ. Sau khi ngủ, lúc nằm mơ cũng nhận biết thấy mình biến hóa, thân thể biến ra. Ai có thể làm được như thế là vô cùng thù thắng…(khi chết) lúc mà tất thảy không thứ tư đến (xuất hiện), bóng tối chợt mở ra, đột nhiên nhìn thấy một đạo hồng quang lóe lên như chớp, rồi vụt tắt biến mất. Sau khi hồng quang đi rồi, tiếp đến là nhìn thấy ánh sáng màu vàng nhạt như ánh nắng đường chân trời, lúc này hồn đã thoát ra ngoài, cái ánh sáng màu vàng nhạt mà nó nhìn thấy chính là ánh sáng trong “Không”, đó chính là Minh Quang đấy. Đó là tất cả cảnh giới khi tất thảy không thứ tư xuất hiện (Chú thích gốc: Câu chú quán không niệm lúc tu pháp, chữ Hanh cuối cùng, nghĩa của nó là Không, tức là chỉ đệ tứ Không này). Tất cả những việc đó đều phải tu thì mới đến, không tu thì không xuất hiện. Cái Quang Minh này chính là “Quang Minh căn bản” thực sự, cái Căn bản là cái này đấy”. (62-285, 286)

Tất thảy pháp không nói trong đoạn khai thị này lại biến thành Quang Minh thuộc Sắc trần, khác với nội dung bên trên. Ở đây có nói đến “quang tức là không, không tức là quang” cũng khác với phần trên, không phải là dựa vào Tâm giác tri vô hình vô sắc để nói về Không tính, cũng không phải là dựa vào tất thảy vô thường mà nói về Không tính. Nói về Không tính như vậy, trước sau khác nhau, khiến cho các hành giả Mật tông không biết đâu mà lần. Không tính nói như thế không liên quan gì đến Không tính Bát Nhã, vì không dựa vào Thức thứ tám mà Phật nói trong kinh Bát Nhã để tu chứng.

Về Không tính, lại có thuyết nói rằng: “Những gì đang nói đến ở đây là chỉ Mệnh của mình lúc tỉnh thức hòa nhập vào Trung mạch, phải luyện tập cho thật nhiều, thì năng lực mới tự đến. Sau này, đến lúc ngủ cũng có thể tu trì, thì sức mạnh mới đến. Khi sức mạnh đến, các loại cảnh giới cũng tự nhiên sẽ đến thôi. Ban đầu, bên trong nhìn thấy dương diệm như nước như lửa, rõ ràng trước mắt. Lúc này tinh thần hoảng hốt, trong lòng mơ hồ. Sau đó bên trong lại nhìn thấy khói xanh mê man ngập mắt, tựa như bốc lên trong đám lửa, cuồn cuộn rất nhiều. Tiếp đến là nhìn thấy ánh sáng đom đóm bay múa trong không trung, lập lòe bất định, rồi sau đó nhìn thấy đốm lửa to bằng hạt đậu cố định lại như ngọn đèn trong Mật thất. Tiếp đến nhìn thấy bên trong màu trắng như ánh sáng trăng lờ nhờ, bên ngoài có một vòng tròn trắng, nhưng cũng không phải là ánh sáng trăng, đó là tác dụng khởi lên trong tâm. Lúc này, nhìn bất cứ vật gì cũng có hình dạng như thế, như ánh trăng ngày vọng (đêm rằm 15 âm lịch), rất nhiều ánh sáng, khắp nơi đều có, đó là Không hiển”. (62-307)

Lại nói thế này: “Nay giảng lại khi “Không” đến, nhìn thấy rất nhiều vòng tròn, bên ngoài vòng tròn ẩn hiện như có màu trắng, nhìn kỹ thì thấy vừa không như màu đỏ mặt trời, cũng không giống màu trắng mặt trăng. Sau đó lại nhìn nó thì như sắc đỏ của ánh sáng mặt trời. Khi thấy được màu đỏ này tức là “Cực Không” đến rồi đấy. Màu đỏ và Cực Không cùng đến, sau khi màu đỏ dung nhập vào, thì Đại Không xuất hiện. Thế là bên trong nhìn thấy một màu đen tối, nhật nguyệt đều biến mất, trong tâm cũng không có nữa. Trong màn đen tối, ban đầu tựa như nhìn thấy vô số vòng tròn, lại nhìn kỹ chúng thì vòng tròn đó không tồn tại nữa, chỉ còn là sự đen tối mà thôi. Trong giai đoạn đen tối này, nửa kỳ đầu trong lòng mơ hồ, nửa kỳ sau dần dần tỉnh lại. Lúc này nhìn thấy minh quang từ xa tiến lại, càng ngày càng rõ nét, sau như màu thanh thiên, sáng sủa vô cùng. Đó là cảnh giới lúc mà “tất thảy pháp không” xuất hiện. Ánh sáng lúc đó tựa như ánh sáng mặt trời, trên bầu trời không một gợn mây, quang đãng vô cùng, đó chính là quang minh đấy. Thân của hành giả lúc này như ngồi bình ổn, mà Mệnh của anh ta đã từ trong “hòa hợp” nơi giữa tâm chui ra ngoài rồi, vì thế phải quán tưởng rằng “ta chết vô thường, tất thảy pháp không, trên không trung biến thành Bản tôn” vân vân. Tu trì mãi mãi như thế, phải liên tục không ngừng…Người tu tọa rất thành công rồi thì có thể đắc loại quang minh thứ tư. Thế nào gọi là quang minh thứ tư? Các ngươi còn nhớ về Ngũ đạo giảng hôm xưa không? Một, thân khẩu tịch tĩnh; Hai, ý tịch tĩnh; Ba, châu lý; Bốn, quang minh; Năm, đại an lạc kỳ diệu có được khi song nhập ôm Minh mẫu (Minh Phi), trên đời không có gì sánh bằng. Khi đạt quang minh thứ tư, âm dương giao hợp (tu Song thân pháp), vì thế an lạc sinh khởi. Khi an lạc xuất hiện, trong tâm hành giả tưởng nghĩ “ta chết vô thường, tất thảy pháp không”. Khi hợp tu quang minh và tất thảy pháp không này, trong lòng không chút xao động, nhìn mà không thấy, nghe mà không biết, nhất tâm định tọa. Đó chính là Không Lạc không hai không khác của Mật tông vô thượng, là tâm tư (cảnh giới tâm) thắng diệu đệ nhất”. (62-309, 310)

Nói về Không như thế, là lại lấy quang minh làm Thể, không phải là lấy Tâm ý thức giác tri làm Thể, khác hẳn với thuyết nói phía trên. Thế nhưng, Không tính Bát Nhã là duy nhất, không có hai có ba, vì đó là pháp tuyệt đối. Qua đó có thể nói Mật tông không hiểu biết, cũng không thể chứng được Tâm Không tính của Bát Nhã.

Hồng, Bạch, Hoa giáo của phái Tự Tục thừa nhận có Như Lai Tạng, nhưng cũng không hiểu gì về Phật pháp – không biết Như Lai Tạng chính là Tâm Thức thứ tám A Lại Da. Song họ lại có thể thấy rõ Hoàng giáo chỉ giỏi biện mà ít tu: “Cuốn “Quảng Kim Cương đạo” của Tông Khách Ba do Pháp Tôn dịch không dám xuất bản lưu hành (Tức là cuốn “Mật tông đạo thứ đệ quảng luận”, nay đã có người in ấn và truyền lén trong những người tu hành lâu năm của Mật tông), ta thường phát hiện thấy sai lầm lớn nhất trong đó, tức là coi cái Vô Ngã Không của người Nhị thừa giống với Minh Không thắng nghĩa của Mật thừa, lại coi việc chỉ thực hành Lục độ riêng là cái nhân để thành Phật. Cái Phúc tư lương sâu dày thì hợp với bên Tạng, nhưng lại khác xa với bên Hán, vì thế mà họ không dám cho lưu hành. Nghĩa lý tuy đạt, nhưng chỗ phương tiện mà không thiện xảo cũng uổng (Trong tu hành phương tiện của Song thân pháp mà không có thiện xảo, thì cũng uổng công), cũng như Hoàng giáo chỉ giỏi biện mà ít tu vậy”. (34-322)

Trong cuốn “Thậm thâm nội nghĩa” của Nhượng Tưởng Đa Kiệt, thày hoàng đế triều Minh, những người phê chú gồm Thân Tôn Nhân Ba Thiết, thượng sư Cống Cát và Thượng sư Trần Kiện Dân tuy tôn sùng sự chứng ngộ của Thiền tông, trong đó ông Trần với tư cách tự cho rằng mình đã chứng ngộ đã giải thích về pháp của Thiền tông, nhưng thực tế vẫn chưa hiểu được Bát Nhã mà bên Thiền tông chứng ngộ: “Duy chỉ có sóng biển là có thể chở thuyền và cũng có thể làm lật thuyền, mà biển chẳng gì khác chính là tư (tư duy, tư tưởng). Người chèo thuyền nương theo sóng mà đi, thuận gió chèo lái ổn, đó là ân hải của thày (Thân Tôn Nhân Ba Thiết), giác hải của Phật, tính hải của mình, sẽ tự tương khế. Hoặc vẫn còn có chán ghét, thì công phu đơn giản tích lũy lâu ngày thành lớn, chia lìa và nghiệp cảnh chìm nổi. Cho nên nếu nói họ hơn ta, thì Trung Quốc vốn đã có đại Mật tông rồi (Chú thích gốc: Các thày đó gọi Thiền tông là đại Mật tông), họ có Bản thể pháp tạng ân hải sóng xa”. (34-323)

Vì sao tôi nói Thượng sư Trần Kiện Dân cũng chưa lý giải được Bát Nhã Nhã mà bên Thiền tông chứng ngộ? Vì cái xúc chứng của người chân ngộ bên Thiền tông chính là Tâm Thức thứ tám, hoàn toàn giống với khai thị của Phật về Chân Tướng thức trong kinh điển Tam thừa; còn cái mà Thượng sư Trần Kiện Dân bên Mật tông nói chỉ là “Tạng thức do mình tự ý nói ra”, khác xa so với ý Phật: “Cái khí mạch Minh điểm của Tam thân, pháp giới đại lạc thắng diệu là Pháp thân, còn gọi là Tối thâm thân (Chú thích gốc: Thày nói là Tự tính thân), sở y của nó là các nhân lưu chuyển như Thế tục đế, là Báo thân, Hóa thân. Báo thân dựa vào mộng (giấc mơ) và tám thức thanh tịnh chuyển biến ý mạch khí. Hóa thân thì trên cảnh bình thường và tất thảy pháp, sáu thức đầu thanh tịnh, mới có thể sinh khởi Hóa thân. Mạch khí Minh điểm là ba Kim Cương thân, ngữ (khẩu), ý, nhờ ba thứ thanh tịnh đó mà thành Kim Cương, cho nên nó là bản thể tam nghiệp của tất thảy Phật. Bốn thời thì sinh ra bốn thân, như “Vô Cấu quang luận” nói: (Chú thích gốc: Thày nói: đó là ‘Thời Luân chú’) ngủ sâu say giấc an trú ở vô niệm là Pháp thân, trong mơ vì Mệnh khí “lúc hiện lúc mất” là Báo thân, tất cả mọi cảnh hiện ra khi tỉnh là Hóa thân. Lúc tham thì rất khó khắc chế, bị cấu bẩn làm ngu muội là Trí tuệ thân. Trên đây là bốn thân hữu tình hữu cấu, còn chư Phật là bốn thân quả vô cấu”. (34-329)

Pháp thân nói trong kinh Bát Nhã không phải là Pháp thân “đại lạc thắng nghĩa (Lạc Không bất nhị trong Song thân pháp)” của Mật tông Tây Tạng, mà là lấy Thức thứ tám làm Pháp thân ở Nhân địa của chúng sinh. Sau khi Kiến đạo thì tu trừ chủng tử tùy miên Phiền não chướng tàng chứa trong Thức thứ tám này, rồi lại tu trừ tất cả tùy miên vô thủy Vô minh tàng chứa trong Thức thứ tám, thì mới thành Pháp thân ở Phật địa cứu cánh. Tất cả đều lấy Thức thứ tám làm Pháp thân, chứ từ xưa đến nay chưa từng nói rằng “đại lạc thắng nghĩa” là Pháp thân. Còn đại lạc thắng nghĩa mà Mật tông nói, kỳ thực chỉ là cảnh giới Ý thức, hoàn toàn không liên quan gì đến Pháp thân Thức thứ tám, rõ ràng là nói đông tây nam bắc khác xa với lời Phật.

 

 


Bài trước

Bài sau

Trang chủ

Lượt xem trang: 0