Chân tướng
Mật Tông Tây Tạng

Phật giáo Tạng truyền thật sự là Giác Nãng Ba, hoằng dương diệu pháp Như Lai Tạng Tha Không Kiến, hoàn toàn phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo. Tứ đại giáo phái Hồng, Hoàng, Hoa, Bạch là Phật giáo Tạng truyền giả, tất cả các pháp nghĩa của họ đều không phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo, cho nên là tà giáo, tà pháp.

Tiết 3: Bát Nhã kiến trong Trung quán phái Ứng Thành của Mật tông (nửa trên)

Trung Quán phái Ứng Thành của Mật tông là lý luận được Hoàng giáo tôn sùng và phụng hành, cũng là Trung Quán kiến mà Hoàng giáo cảm thấy tự hào nhất. Hoàng giáo lúc nào cũng nói Trung Quán phái Ứng Thành là Trung Quán kiến cứu cánh nhất trong tất cả Phật pháp. Pháp sư Ấn Thuận cực kỳ sùng bái Trung Quán phái Ứng Thành, nên đã giành những lời lẽ tốt đẹp về nó trong sách của mình: “Trung Quán Ứng Thành là niềm tự hào của Phật giáo Mật tông Tây Tạng”, tán thán nó có tổ chức nghiêm mật, thuyết lý thấu triệt, là Phật pháp cứu cánh nhất; đồng thời còn mong đợi Trung Quán kiến phái Ứng Thành nhất định sẽ được phát dương chính xác và viên mãn, cho nên pháp sư Ấn Thuận đã dự báo thế này: “Nghe nói Trung Quán học Tạng truyền có phái Ứng Thành của Phật Hộ, Nguyệt Xứng, và phái Tự Tục của Tĩnh Mệnh, Thanh Biện. Khi truyền nhập vào Tây Tạng, tuy mỗi phái có nhân duyên riêng, nhưng trải qua quá trình lưu truyền lâu dài, hệ Ứng Thành của Phật Hộ, Nguyệt Xứng đã giành được quyền uy chính thống của Trung quán. Gần đây bắt đầu có một bộ phận của giáo điển Trung Quán Tạng truyền được phiên dịch sang Hán văn. Đồng thời, do có sự phát hiện về Trung luận bản tiếng Phạn, người Nhật sau khi khảo đính văn nghĩa, thu được rất nhiều hiểu biết mới. Đặc sắc của Trung Quán, sau này trong quá trình tham chứng lẫn nhau giữa bản Tạng truyền, Hán truyền và bản tiếng Phạn, chắc chắn sẽ được phát dương chính xác và viên mãn hơn”. (“Trung Quán kim luận” của Ấn Thuận, trang 4)

Thế nhưng, Trung Quán kiến của phái Ứng Thành đã sớm bị phá tan trong cuốn “Thành Duy Thức luận” của Huyền Trang Bồ Tát rồi. Sớm hơn nữa thì cuốn “Trung luận” của Long Thụ Bồ Tát cũng đã phá nó rồi. Pháp sư Ấn Thuận hiểu sai về ý chỉ trong “Trung luận” của Long Thụ Bồ Tát, vọng ngôn nói là thuyết “Tất thảy pháp không lìa Như Lai Tạng”, sau này sẽ có Thân giáo sư (thày giảng pháp) trong Hội đồng tu của tôi viết sách chuyên luận về nó, nay tạm nêu ra chứ không luận nữa. Các cuốn luận của anh em Vô Trước và Thế Thân cũng đều đã phá hết tà kiến của Trung Quán phái Ứng Thành. Pháp sư Ấn Thuận không biết cũng không chứng được chính nghĩa Trung Quán mà Phật thuyết, bị Trung Quán kiến phái Ứng Thành của Mật tông Tạng truyền mê hoặc, nói ngược rằng Trung Quán kiến phái Ứng Thành của Mật tông mới là pháp cứu cánh nhất, cho nên không thể nói đó là người có trí được.

Trong các trước tác của tôi (ví dụ như “Lăng Già kinh tường giải”, “Ngã và vô Ngã”, “Tông thông và Thuyết thông”, “Tà kiến và Phật pháp”, “Chân thực Như Lai Tạng”…), tôi đã từng biện chính một cách có hệ thống về tà kiến Trung Quán phái Ứng Thành mà Ấn Thuận nói, thể hiện rõ sự tà trái của Trung Quán kiến phái Ứng Thành, chứng minh tất cả mọi tư tưởng của pháp sư Ấn Thuận đều là Trung Quán phái Ứng Thành, cũng cho thấy rất nhiều sai lầm về “Phật pháp và Trung Quán” mà Ấn Thuận viết trong các sách. Pháp sư Ấn Thuận bản thân đã duyệt đọc rồi, kỳ thực cũng biết mình đã sai lầm, nhưng không thể nào tự nói cho vuông tròn được. Lại vì cửa ải thể diện và ở thế trên lưng cọp (các tín chúng của ông ta nhất định sẽ phản đối thày công khai nhận sai để tránh ảnh hưởng đến danh văn lợi dưỡng của tín chúng), khiến cho pháp sư Ấn Thuận đã không thể xuất đầu lộ diện biện bác, nói cho vuông tròn (về thuyết của mình), lại cũng không thể thừa nhận những sai lầm nói trong các cuốn sách như “Diệu Vân Tập…”, chỉ có thể im lặng đối phó, không dám động cựa gì nữa. Khi xả thọ sẽ ôm hận mà đi, đời sau sẽ chịu khổ báo trường kiếp.

Những người kế thừa tà pháp của pháp sư Ấn Thuận, ăn phải nước dãi tà kiến của ông ta, lại không có chính tri, chính kiến để phân biệt, lại vì thể diện, nên vẫn theo tà kiến của ông ta, tiếp tục hoằng truyền tà kiến Trung Quán phái Ứng Thành, tất sẽ dẫn đến trầm luân khổ hải sau khi xả thọ (chết). Nhằm bảo vệ danh văn lợi dưỡng và địa vị trong giới Phật giáo ở đời này, họ vẫn tiếp tục viết những lời lẽ tô điểm, nói pháp sư Ấn Thuận không thèm biện luận pháp nghĩa với Bình Thực. Họ không chịu chấp nhận cho ông ta ra mặt nhận sai, ngược lại còn ngăn cản thày, khiến cho pháp sư Ấn Thuận chắc chắn sẽ phải chịu trọng tội Nhất xiển đề phỉ báng Bồ Tát Tạng, họ tuyệt đối không phải là những kẻ từ bi gì cả. Những lời lẽ sai, tô điểm trái đó càng chứng tỏ sự tư tâm ích kỷ của đám tín chúng, không thể sự thực cầu thị, sặc mùi sai trái. Những người như thế, không thể nào nghe sai lầm thì vui, không thể tốc cầu chính nghĩa (chân lý Phật pháp), càng không thể tự kiểm điểm sai lầm về pháp nghĩa của mình, mà ngược lại còn tung ra những lời chối cãi, tô điểm, không phải là người tu học Bồ Tát đạo thực sự, bởi Bồ Tát không có những hành vi như thế.

Ví dụ như giáo sư Giang Xán Đằng, trong thư phúc đáp cho cư sĩ Lý Nguyên Tùng trên mạng Thiền Hiện Đại, tự nói tôi tán thán, cung kính ông ta, nói ông ta không thèm đối thoại với tôi. Đó là những lời dối trá và quanh co. Nhớ năm xưa, vì đã từng đọc trước tác của ông ta, thấy ông ta dám đưa ra những lời tranh luận về những hiện tượng kỳ quái của giới Phật giáo hiện nay, cho nên mới cung kính, tán thán, tặng cho ông ấy hai cuốn sách “Tông môn pháp nhãn”…Còn ông ta thì tặng lại một cuốn “Tranh biện và phát triển tư tưởng Phật giáo cận đại Trung Quốc”. Vì duyên cớ này, tôi đã nêu ra một số ý kiến về chuyện tranh luận “Tính Tịch và tính Giác” giữa Hùng Thập Lực và Lã Chinh được viết trong sách của ông ta. Giáo sư Giang Xán Đằng không hiểu ý nghĩa của “Tính Tịch và tính Giác” mà tôi viết trong thư, lại do chưa chứng nhập vào một trong các Kiến đạo Tam thừa, cộng với việc chưa thể từ bỏ được thói xấu “văn nhân khinh nhau” của Trung Quốc, nên đã kiến nghị tôi nên đọc cuốn “Thanh Tịnh đạo luận” do “Giác Âm” của Phật giáo Nam truyền sáng tác, khá là có ý làm thày chỉ đạo tôi tiến tu thêm.

Giáo sư Giang Xán Đằng nói thế này: “Đứng ở góc độ học giả mà nói, tôi cho rằng ông nên bước ra khỏi mô tuýp tư duy truyền thống của Thiền tông. Cuốn “Thanh Tịnh đạo luận” của “Giác Âm”, “Câu xá luận” của Thế Thân, “Bồ Đề đạo thứ đệ quảng luận” của Tông Khách Ba – (phần Chỉ Quán) đều có thể (giúp ông) mở rộng tầm mắt đấy”. (Chi tiết xem thư ngày 14.10.1998 của Giang Xán Đằng)

Thế nhưng, cuốn “Câu Xá luận” của Thế Thân chỉ là tác phẩm do ông ấy soạn trước khi ông ấy chưa học, chưa chứng được pháp lý Đại thừa, lúc vẫn còn đang tu học trong pháp Thanh Văn của Tiểu thừa. Tuy có hợp với chính lý của đạo Giải Thoát Nhị thừa, nhưng có một số chỗ nói lý vẫn còn có thể thảo luận thêm. Vì đứng về góc độ của đạo Phật Bồ Đề của Đại thừa mà nói thì nó vẫn chưa phải là tác phẩm hoàn toàn chính xác. Giáo sư Giang phải nên hiểu điều này.

Còn những nội dung nói trong “Thanh Tịnh đạo luận” của Giác Âm bên Phật giáo Nam truyền là không khớp với đạo Giải Thoát phải dựa vào “cái Thức trong Danh Sắc duyên Thức – tức Thức thứ tám Như Lai Tạng” mới có mà Phật đã tuyên thuyết, trái ngược với lời Phật, cũng trái ngược với hiện lượng tu chứng của tôi trong đạo Giải Thoát. Không chỉ các pháp mà ông ta nói vốn đã không thể đạt đến Đệ nhất nghĩa đế Thực tướng, mà cũng còn hiểu sai so với đạo Giải Thoát Nhị thừa của Phật giáo Nam truyền, đọa vào trong ý thức Ngã kiến, chưa từng chứng được Kiến địa Sơ quả của Thanh Văn – căn bản là chưa đoạn được Ngã kiến, vẫn còn ở trong phàm phu vị của ngoại đạo.

Còn về các cuốn “Mật tông đạo thứ đệ quảng luận”, “Bồ Đề đạo thứ đệ quảng luận”, “Lược luận”… của Tông Khách Ba, đều là sai lầm nối tiếp sai lầm, trái giáo bội lý. Chỉ cần xem cuốn sách (quý vị đang cầm trong tay) này chỉ ra những tà kiến của Tông Khách Ba là đã biết cả rồi. Mà luận thuật về tu chứng Chỉ Quán của ông ta trong cuốn Quảng luận đều đầy rẫy sai lầm thiếu sót, ngay cả Sơ thiền còn chưa chứng được, cái lý về Đẳng chí mà ông ta nói hoàn toàn trái ngược với chính lý của thiền định, cũng trái ngược với chứng lượng thiền định mà tôi tu chứng được, hoàn toàn không hiểu chính lý về Đẳng dẫn, Đẳng chí, Đẳng trì…

Những cuốn luận như thế, ngoại trừ “Câu Xá luận” do Thế Thân viết khi còn đang hoằng truyền pháp Thanh Văn ra thì tất cả đều hiểu sai Phật pháp, cho đến mức hoàn toàn trái ngược, có thể thấy rõ ở hai người là Giác Âm và Tông Khách Ba. Giác Âm thì vẫn còn trong quả vị phàm phu, Tông Khách Ba thì căn bản chỉ là ngoại đạo, hoàn toàn không hiểu gì về chính lý của Phật pháp. Những luận trước do hai người này viết đầy rẫy Ngã kiến và Tà kiến, dẫn dắt sai lầm cho chúng sinh một cách cực kỳ nghiêm trọng, có gì đáng đọc, có chỗ nào đáng tin theo đâu mà giáo sư Giang Xán Đằng ra sức giới thiệu chúng? Qua đó có thể thấy giáo sư Giang Xán Đằng là dân nghiệp dư đến mức độ nào rồi! Vì duyên cớ này, sau khi đọc xong thư của giáo sư Giang, tôi chỉ chú thích thêm một hàng chữ đỏ trên bức thư rằng: “Gửi tặng lại cuốn “Bình Thực thư thiêm” là được, không cần phúc thư”, rồi gác lại mãi mãi.

Lại nữa, pháp mà tôi nói không phải đơn thuần xuất phát từ mô tuýp tư duy truyền thống của Thiền tông. Chỉ cần xem các cuốn sách tôi viết thời kỳ đầu như “Chân thực Như Lai Tạng”, “Chính pháp nhãn tạng”, “Thiền Tịnh viên dung”… và các cuốn gần đây như “Tông thông và Thuyết thông”, “Tà kiến và Phật pháp”, “Cam lộ pháp vũ”, “Ngã và vô Ngã”, “Lăng Già kinh tường giải”…sẽ thấy kiêm thuật cả Thanh Văn, Duyên Giác, Phật pháp Đại thừa trong Tam thừa, thông quán chính nghĩa các kinh từ Sơ chuyển đến Tam chuyển pháp luân như A Hàm, Bát Nhã, Duy Thức; cũng kiêm cả việc phá bỏ tà kiến của Mật thừa, chứ tuyệt đối không chỉ nói từ “mô tuýp tư duy truyền thống của Thiền tông” đâu. Những luận thuật thống quán Phật pháp Tam thừa như thế, ngay trong các cuốn sách thời kỳ đầu đã nói rồi, nay xem thành quả hiện tại là biết, sự thực đầy đủ. Nhưng giáo sư Giang Xán Đằng trình độ không thể đến đó, tự ý nhận xét tuệ học của tôi, nên mới đưa ra những lời thiển kiến đó, có thể thấy ông ta nghe thiếu, học ít đến mức nào rồi.

Tôi thấy giáo sư Giang Xán Đằng có tri kiến về Phật pháp Tam thừa thiếu sót như vậy, lại có tâm cao mạn, biết là ông ta vô duyên với Đệ nhất nghĩa đế và đạo Giải Thoát Nhị thừa, nên vẫn chưa phúc đáp thư, gác lại vĩnh viễn từ đây. Nếu ông ấy vì chuyện này mà cho rằng tôi vẫn giữ tâm cung kính với ông ta, vì thế mà tự ngã cao cử, thì là do ông ấy không biết sự thật, trái với sự thật mà thôi. Còn ông ta cho đến nay vẫn tiếp tục ăn nước miếng tà kiến của pháp sư Ấn Thuận, không biết phải nên bỏ, nên xa lìa, thì chứng tỏ ông ta hoàn toàn không biết gì về Chân thực nghĩa của Phật pháp Tam thừa, và có tâm ý cố chấp bảo thủ. Lại vì vô tri mà sùng bái như vậy, đưa ra những ngôn từ tô điểm cho pháp sư Ấn Thuận, thật không phải là người trực tâm. Với sự vô tri và tâm hành làm thày người như thế, lại dám bình loạn pháp của tôi thế này: “Đúng như tôi và ông Giám, căn bản không hưởng ứng sự chất vấn Ấn Thuận mãnh liệt của ông Tiêu Bình Thực – không phải là Ấn Thuận không thể chất vấn, mà ông Tiêu căn bản là kẻ ngoài nghề, không đáng để lãng phí thời gian. Còn về bản thân ông Tiêu đối với tôi thì khá là tôn kính, nhưng cũng không thể tùy tiện nhảy múa theo…” (Chi tiết xem nội dung bức thư ông Giang phúc đáp cư sĩ Lý Nguyên Tùng trên mạng Thiền Hiện Đại)

Thế nhưng, những lời nói của giáo sư Giang Xán Đằng lại trái ngược với sự thực, đúng là lấy thúng úp voi, lại còn có những ngu hành trái với chính pháp, đó là những hành vi không phải là của người có trí tuệ. Vì sao vậy? Vì trong thư phúc đáp cư sĩ Lý Nguyên Tùng, giáo sư Giang Xán Đằng chỉ đưa ra được những bình luận đối với thân khẩu ý hành của những người tu Thiền Hiện Đại, chứ không đứng ở góc độ pháp nghĩa của Phật giáo để đưa ra những bình luận chính xác về Thiền Hiện Đại. Đó chỉ là hành vi phê bình thân người chứ không phải là hành vi nên làm của người tu học Phật pháp, cho nên giáo sư Giang Xán Đằng không phải là người tu hành trong Phật pháp, chỉ là nhà nghiên cứu học thuật Phật giáo mà thôi. Giáo sư Giang Xán Đằng nếu là “người trong nghề” có trí tuệ như ông ấy nói, thì nên cầm bút biện chính (biện luận) nhiều hơn nhằm vào pháp nghĩa của Thiền Hiện Đại, chứ không phải là tập trung vào bình luận về thân khẩu ý hành của họ, để tránh bị người ta cười giễu là “sự công kích vào nhân thân”. Đồng thời, ông cũng nên viết sách bình luận chi tiết về sự chính tà trong pháp của tôi trong những cuốn sách như “Chân thực Như Lai Tạng”, “Tà kiến và Phật pháp”, “Tăng Già kinh tường giải”, “Tông thông và thuyết thông”…chuyên bình về tà kiến của “pháp sư” Ấn Thuận, và những lời nghị luận về sự thật Ấn Thuận phá hoại chính pháp Phật giáo, rồi sau đó chính thức xuất bản, lật đổ “tà thuyết” của Tiêu Bình Thực ngoài nghề (Về chuyện này, ở đây tôi xin kiến nghị trước: Trước khi giáo sư Giang Xán Đằng muốn xuất bản, hãy nên mời pháp sư Ấn Thuận đọc qua, để tránh sau này sai sót trăm điều, mất hết thể diện, khi danh tiếng một đời bị trôi theo dòng nước, lại oán tôi không báo trước, rồi vì chuyện biện chính này mà gây thêm một đống mệt mỏi và “tổn thương” nặng nề cho pháp sư Ấn Thuận).

Sau khi đọc xong, tôi sẽ mời “đệ tử còn ngoài nghề hơn” theo học ra sách để đáp trả giáo sư Giang Xán Đằng để cho pháp nhãn của giới Phật giáo thẩm xét, như thế mới biết giáo sư Giang có phải là “hiểu Phật pháp” nói thế nào thì người thế ấy hay không, mới biết danh hiệu “trong nghề” của giáo sư Giang có thực chất hay không? (Nhưng các bạn đồng tu trong Hội của tôi vì ban ngày đều bận việc thế gian, thời gian có hạn, cho nên sách trả lời chắc phải sau khoảng một năm rưỡi sau khi giáo sư Giang ra sách hoặc bài viết mới có thể xuất bản xong, đại chúng đều có thể thư thái, từ từ chờ đợi, không cần phải gấp gáp trong phút chốc).

Tôi nay dùng những lời này để khích tướng, muốn giáo sư Giang trong lòng không vui mà tức khí, chấp bút viết bài, in ấn thành sách, công kích nhằm vào pháp của tôi. Nếu giáo sư Giang Xán Đằng không đủ sức làm những việc mà “người trong nghề” nên làm, mà nói rằng “không đáng để lãng phí thời gian hưởng ứng Tiêu Bình Thực” thì đó mới là những lời lẽ “ngoài cứng trong mềm”, những lời “không từ đáy lòng”, chỉ là những lời lảng tránh quanh co mà thôi. Sau này phải nên biết im miệng, không còn dám nói những chuyện người và việc trong giới Phật giáo nữa, không còn dám nói chuyện chính và tà trong Phật pháp nữa. Vì sao vậy? Vì chuyện trong giới Phật giáo là chuyện trong nội bộ giữa những người tu hành Phật giáo, không cần các vị “những nhà nghiên cứu học thuật” chuyên làm “nghiên cứu Phật học” mà không tu hành theo lời Phật dạy trong kinh đến để nêu ra kiến nghị. Tự sẽ có những biện luận pháp nghĩa trong nội bộ Phật giáo có thể khiến cho giáo nghĩa được thanh lọc trong sáng, chính pháp được trụ lâu, mà không cần viện nhờ đến người ngoài. Cũng không cần các vị, những người “nghiên cứu học thuật Phật giáo” chưa từng bước vào Phật môn chân tu thực chứng đến thuyết pháp cho những người tu hành trong Phật giáo. Ông và các tín đồ như pháp sư Ấn Thuận đều là những người nghiên cứu Phật pháp mà không có chân tu thực chứng, về bản chất tuyệt đối không phải là tín đồ Phật giáo chân chính, vì Ấn Thuận chỉ là kẻ phá pháp thân mặc tăng y của Phật giáo, hoàn toàn sử dụng tà kiến Trung Quán phái Ứng Thành của Mật tông làm tư tưởng nòng cốt của mình, từ đó chặt đứt pháp Thức thứ tám Như Lai Tạng gốc rễ của Phật giáo. Những hành vi như thế chỉ khiến cho chính pháp của Phật giáo rơi vào vòng xoáy hý luận huyền học mà thôi.

Tôi nay dùng những lời này để kích tướng, sau khi bị kích, giáo sư Giang Xán Đằng nhất định sẽ nổi trận lôi đình (quan sát những lời lẽ ông ấy trả lời thư của cư sĩ Lý Nguyên Tùng và những lời công kích pháp sư Như Thạch là biết ông ấy nhất định sẽ như thế). Sau khi nổi giận đùng đùng, nếu như ông ấy không dám viết sách bình luận về cái sai trong pháp của tôi thì đã chứng tỏ ông ấy chỉ là người “khẩu thị tâm phi, không hiểu Phật pháp”, thì lời nói của ông ấy có đáng tin hay không, khi ấy đại chúng tự sẽ biết liền. Thế nhưng, nếu như giáo sư Giang Xán Đằng không biện luận trên phương diện pháp nghĩa, mà lại lên mạng xã hội tải những lời phỉ báng vô căn cứ nhằm vào tôi của “người có tâm” rồi đưa ra bình luận, thì đó là hành vi công kích nhân thân (nhằm vào con người), chứ không liên quan gì đến biện chính pháp nghĩa. Như thế thì đại chúng qua đó cũng có thể mà biết được “chứng lượng” Phật pháp của ông ấy đến đâu rồi. Từ đây, (đại chúng) có thể nhìn mà không thèm thấy (lờ đi) trước những ngôn hành của ông ta, coi như lời nói gió thoảng bên tai, vì đó đều là những lời vô nghĩa, không liên quan gì đến nội dung sự việc của giới Phật giáo cả.

Từ nay về sau, giáo sư Giang Xán Đằng sẽ không còn dám nói tiếp rằng: “(pháp sư Ấn Thuận) không phải là không thể cật vấn đối với biện chính pháp nghĩa của Tiêu Bình Thực mà bởi Tiêu căn bản chỉ là người ngoài nghề, không đáng để lãng phí thời gian”. Vì sao vậy? Vì pháp sư Ấn Thuận và tín đồ của ông ta tuyệt đối phải là những người ung dung đại độ đâu. Hãy thử xem vị cư sĩ “Chung Khánh Cát” vô danh trong giới Phật giáo và còn ngoài nghề hơn cả Bình Thực tôi, trong chuyên mục “Tự lập giảng đài” ra mỗi chủ nhật của tờ báo sáng tự mình sáng lập, ông ấy thường viết bài chế giễu và khuyên can về tà kiến của pháp sư Ấn Thuận, mong ông ta sửa lại lỗi lầm của mình cho đúng, để tránh hậu báo sau này, có thể nói là “lời tuy không nhã” nhưng “hành vi lại thiện”. Thế nhưng, pháp sư Ấn Thuận tuy ôm bệnh nằm viện, vẫn cùng “môn đồ” của mình là pháp sư Chiêu Huệ lập tức viết bài phản bác, hai thày trò ai nấy viết thư, gửi cho “Tự lập giảng đài” ở tuần kế tiếp. Như vậy, đọc được một bài đăng của kẻ vô danh còn ngoài nghề hơn, hai thày trò họ đều nhanh chóng viết bài phản bác, chứng tỏ rất coi trọng việc này. Thế nhưng, trước những luận thuật chuyên đề trong các cuốn sách của tôi như “Chân thực Như Lai Tạng”, “Tà kiến và Phật pháp”, “Tông thông và thuyết thông”, “Tăng Già kinh tường giải”… thì họ lại dửng dưng gác đấy, nhiều năm liền không dám bình luận phải quấy, cho đến nay vẫn không dám hồi đáp một câu. Việc nghiêm trọng như thế, mà lại dám nói “không thèm bình luận với Tiêu Bình Thực” để ngầm tỏ ý cho thấy cái sự ung dung đại độ của Ấn Thuận ư? Giáo sư Giang Xán Đằng lẽ nào là người chỉ thấy cây mà không thấy rừng? Lối nói này không thông tí nào!

Qua đó, chứng tỏ rằng câu nói “pháp sư Ấn Thuận và tín chúng của mình không thèm bình luận với Tiêu Bình Thực” của giáo sư Giang Xán Đằng chỉ là những lời tô điểm, thoái thác, trái với sự thật. Những lời lẽ như thế, chỉ là muốn che đậy khốn cảnh không thể biện luận, chỉ là nhằm che giấu tình thế tiến thoái lưỡng nan mà thôi. Vì sao nói vậy? Vì nếu phát ngôn mà có tà trái, thì tất sẽ không tránh khỏi bị người có trí tuệ chỉnh lý. Sự biện luận pháp nghĩa của người trí tuệ có thể phơi bày nghĩa lý và phân tích thấu đáo, và khiến những người có trí khác đọc là biết liền, sao có thể bị những lời tô điểm, lảng tránh của giáo sư Giang Xán Đằng che mắt được?

Giáo sư Giang Xán Đằng nếu là người “có tu chứng thật, hiểu Phật pháp thật” thì hãy nên nhằm vào pháp nghĩa trong các cuốn sách “Chân thực Như Lai Tạng”, “Tà kiến và Phật pháp”, “Tăng Già kinh tường giải”, “Ngã và vô ngã”… của tôi chuyên bình các trước tác của pháp sư Ấn Thuận, từng ý nêu ra để biện luận, để chứng minh pháp của Ấn Thuận là chính xác, đồng thời chứng minh pháp của Tiêu Bình Thực tôi là tà trái, những gì tôi nói chỉ là lời của kẻ “ngoài nghề”. Nếu như có thể chứng minh, phá Bình Thực một cách mạnh mẽ chính xác như vậy, thì mới có tư cách để nói rằng “không thèm bình luận với Tiêu Bình Thực”, nếu không sẽ chỉ là những lời tô điểm, thoái thác, không phải là lời nói thật. Nếu làm được điều đó, thì bất luận là đạo Giải Thoát của Phật pháp Tiểu thừa Nam truyền hay là Đệ nhất nghĩa đế của Phật pháp Đại thừa Bắc truyền, cũng đều có thể làm chủ đề biện chứng, nhằm vào những chỗ luận thuật không thỏa đáng hoặc những chỗ ngoài nghề trong các sách của tôi, dùng tên thật viết bài đưa ra chất vấn công khai, hoặc viết sách chuyên đề để biện luận pháp nghĩa, thậm chí là liên tục hai lại liền ba; cũng có thể công khai hoặc ngầm tìm riêng tôi để biện chính pháp nghĩa, nhằm hàng phục tôi, thu nhận tôi làm đồ đệ. Nếu như có thể khiến tôi đuối lý về mặt pháp nghĩa, thì người đó mới thật là người đại tu chứng, mới thật sự là đại sư mà tôi muốn tìm kiếm, đáng để bái lạy làm thày, có gì khó đâu! Đại sư như thế, tôi đã nhiều năm ra sức tìm kiếm, lòng muốn theo học mà vẫn chưa thể được đây!

Ông giáo sư Giang, bất luận là viết bài, viết sách hay đối mặt biện luận về những pháp nghĩa mà tôi đã viết trong sách, đều không đủ sức, cũng không dám làm mà cam nguyện ăn bọt dãi tà kiến của pháp sư Ấn Thuận, tung ra những lời tô điểm, thoái thác, ra sức biện giải, tô sức hộ ông ta. Thậm chí, vì chuyện tôi năm xưa từng có lời tán thán ông ta đã có hành vi chọc phá tà kiến hoang đường của một danh sư trong giới Phật giáo mà tự cảm thấy có thếp vàng trên mặt, nói rằng tôi cung kính ông ta, nhưng lại không dám nói đến chuyện tôi xếp thư trả lời của ông ta lại, không có hồi đáp để diễn biến câu chuyện theo hướng khác, thật đúng là người thiếu thành thực.

Thế nhưng, việc tôi từng cung kính, tán thán giáo sư Giang Xán Đằng năm xưa là vì chuyện ông ấy dám nói về những tệ nạn cực đoan trong giới Phật giáo; còn nay giáo sư Giang lại cho rằng Tiêu Bình Thực tôi là kẻ ngoài nghề đối với Phật pháp, thì có nghĩa là Phật pháp mà Bình Thực tôi nói chắc chắn là đã “dẫn dắt sai lầm người học”, thì lẽ ra ông ấy nên dựa trên lương tri và dũng khí dám chỉ trích những tệ hại của giới Phật giáo vốn có của mình để đứng ra viết sách phá hủy tà thuyết của Bình Thực để cứu giúp người học mới đúng, như thế thì mới không phụ sự tán thán của Bình Thực đối với dũng khí đạo đức của giáo sư Giang năm xưa, chứ không thể thác ngôn bằng những lý do như “Tiêu Bình Thực ngoài nghề, bận việc không có thời gian…” để tránh né biện luận pháp nghĩa với tôi – trừ phi là chấp nhận tán đồng pháp của tôi.

Nếu như giáo sư Giang Xán Đằng cho rằng tri kiến của Ấn Thuận là chính kiến, thì nên đứng ra, biện luận pháp nghĩa hộ cho Ấn Thuận “thày” mình, chứng minh pháp nghĩa của ông ta là chân chính. Thế nhưng, giáo sư Giang Xán Đằng lại tránh né việc biện hộ cho tà kiến của “thày” mình, không thèm mảy may quan tâm đến việc Bình Thực liên tục nhiều năm đâm chọc[1] Ấn Thuận hết lần này đến lần khác, một mực tránh né đâm chọc lại “tà thuyết” của Bình Thực để cứu Ấn Thuận, ấy thế mà trong thư trả lời Thiền Hiện Đại lại viết ra những lời tô điểm, che dấu sai lầm, đăng trên mạng xã hội, chứng tỏ đã phụ lại lòng tán thán của Bình Thực với ông ta năm xưa. Vì duyên cớ này, những lời tán thán ngày trước, nay Bình Thực xin được “rút về” để cho khớp với sự thật.

Trong thư của giáo sư Giang Xán Đằng trả lời cư sĩ Lý Nguyên Tùng có nhắc đến việc tôi từng cung kính ông ta, nhưng lại cố ý lược bỏ chuyện tôi sau đó đã cạch ông ta, không viết thư phúc đáp, chứng tỏ ông ấy không phải là người thành thực, chỉ là kẻ vô trí, vô dũng, là tục nhân chấp vào thể diện thanh danh mà thôi. Những kẻ thế tục lấy “nghiên cứu học thuật Phật giáo” làm nghề nghiệp như thế mà có thể coi là “Phật tử tu học Phật pháp”, đúng là chuyện chưa từng có. Người như thế, chỉ là kẻ thế tục bám duyên vào danh tiếng của pháp sư Ấn Thuận, lấy “nghiên cứu học thuật Phật giáo” làm công cụ mưu sinh, sao có thể lạm dụng danh xưng “tín đồ Phật giáo” chân tu Phật pháp được?

Vì sao lại nói vậy? Vì giáo sư Giang Xán Đằng đã coi Bình Thực tôi là kẻ ngoài nghề, Phật pháp tôi viết trong các cuốn sách không phải là Phật pháp thật, thì nên theo lý mà ra sức đấu tranh, đưa ra những lời biện luận, nhằm tiêu diệt “tà thuyết” của Bình Thực để cứu những người học Phật quay về với chính đạo, mà làm như thế cũng có thể cứu Bình Thực trở về với chính pháp, như thế mới là tín đồ Phật giáo có từ, có trí, có dũng. Nếu khi nội dung pháp nghĩa mà Bình Thực tuyên thuyết dần dần được giới Phật giáo chấp nhận là chính pháp của Phật giáo, giáo sư Giang Xán Đằng biết rõ lời Bình Thực “không phù hợp” với Phật pháp, đúng là những giáo nghĩa “dẫn dắt sai lầm chúng sinh” thì phải dựa vào lòng từ bi của mình, cứu lấy những người học kia, cũng là cứu vớt Bình Thực để tránh cho Phật giáo bị kẻ “ngoài nghề” Bình Thực dẫn vào “tà đạo”. Nếu có thể thực hiện được những chính hành đó, mới là tín đồ Phật giáo có trí, có từ, có dũng vậy.

Nay thấy giáo sư Giang Xán Đằng không có ý đồ đó nhưng lại nói “không thèm biện luận với Tiêu Bình Thực”, còn viết ra những lời tránh né và tô điểm cho các loại tà kiến của pháp sư Ấn Thuận, đó thực là những hành động ngoài thì tỏ vẻ cứng cỏi, bên trong thì mềm nhũn, không có ích gì cho mình lẫn cho người, cũng thành tựu đại ác nghiệp phỉ báng Hiền Thánh. Việc coi trọng thể diện thanh danh thế tục, không thèm quan tâm đến pháp nghĩa chân chính, không mảy may quan tâm đến quả báo nghiêm trọng trong vô lượng kiếp sau, thật đúng là tín đồ Phật giáo không biết tin sâu nhân quả, không phải là hành vi của bậc trí giả.

Ấn Thuận không tin có những chuyện địa ngục, thế giới Cực Lạc, thế giới Lưu Ly, thế giới thập phương…nói trong chư kinh Tam thừa, cho rằng những cảnh giới địa ngục, Cực Lạc chỉ là thánh nhân bày đặt phương tiện để giáo hóa, cho nên không có địa ngục để vào, không có nỗi khổ địa ngục trong kiếp sau phải chịu, vì thế mới dám phủ định sự thật có của địa ngục và thế giới của chư Phật mười phương nói trong các kinh Tứ A Hàm, hiển nhiên có thể thấy Ấn Thuận không hề tin theo các kinh Tứ A Hàm của Phật giáo nguyên thủy. Chính vì thế, việc trong lòng Ấn Thuận không tin có nhân quả đời sau cũng là điều dễ hiểu. Nay giáo sư Giang Xán Đằng bày tỏ sự sùng tín với những lời lẽ trong sách của Ấn Thuận, chứng tỏ ông ta cũng đi theo tà kiến của Ấn Thuận mà không tin có nhân quả báo ứng ở địa ngục trong đời sau, vì thế mới dám nói về Phật pháp Tam thừa mà không dựa vào kinh và dựa vào chứng lượng, dám đi theo tà kiến Trung Quán phái Ứng Thành bên Mật tông của “pháp sư” Ấn Thuận để phủ định chính pháp. Những người như thế sao có thể được gọi là người “tin sâu nhân quả” được? Những lời nói không tin nhân quả của nhà nghiên cứu học thuật không có chứng lượng thì có thể nói đó là Phật pháp ư? Thế mà những người học Phật ngày nay lại không phân rõ đen trắng, nhất mực tin theo họ, không phải ngu thì là cái gì? Thật khiến cho người ta phải cảm thán!

Đối với đại sư các nơi ủng hộ Trung Quán kiến phái Ứng Thành của Mật tông, tôi nhất định sẽ phải biện chính nghiêm khắc, quyết không chùng sắc mặt. Sở dĩ đến bước này, là vì tôi đã nhìn sâu được tà kiến của Trung Quán phái Ứng Thành, thấy rõ được tính nghiêm trọng của việc phá hoại pháp nghĩa căn bản của Phật giáo, cho nên không thể không làm vậy. Nếu giáo sư Giang Xán Đằng cho rằng Bình Thực tôi là kẻ ngoài nghề, những gì tôi nói không phải là chính pháp, thì lẽ ra phải xuất phát từ lòng từ bi, cứu lấy vận mệnh chính pháp của Phật giáo, đồng thời cũng là cứu lấy Bình Thực khỏi cảnh ngộ vạn kiếp khó ra. Nếu có thể phô diễn Phật pháp như thực, khiến cho Bình Thực biết sai thì Bình Thực tội cảm kích vô cùng, chứ sao lại viết lời quá đáng, che giấu sai lầm của mình, buông ra những lời tô điểm vẽ vời? Ông ta nên công khai sám hối đính chính để tránh phải chịu quả báo nghiêm trọng trường kiếp trong đời sau.

Việc công khai sám hối, đối với tôi mà nói không phải là chuyện khó, mà thường xuyên thực hiện. Mỗi lần đều lưu lại chữ viết trên thư làm bằng, không dám che giấu dù chỉ là chút ít. Sám hối là hành vi thiện có Sám (ăn năn về việc sai mình đã làm) và có Hối (nguyện không tái phạm sai lầm), là thiện pháp mà các Bồ Tát đều phải tu, không cần phải quan tâm đến thể diện – vì Bồ Tát đã chứng được Không tính rồi, theo lý chuyển y vào Không tính, đã sớm coi thể diện như cỏ rác, không cần quan tâm làm chi. Nay tôi công khai kêu gọi: Nếu như có bất kỳ ai phát hiện thấy pháp của tôi dẫn dắt sai lầm chúng sinh, là phi Phật pháp, xin hãy nhanh chóng viết sách bác xích Bình Thực, để Bình Thực biết sai mà sửa lỗi, rồi thực hiện sám hối công khai, để tránh sai lầm cho mai sau, như thế cũng là để cứu Bình Thực này. Còn nếu quả thực (tôi) không có sai lầm nào, xin đừng vì tư tâm mà bình luận bừa bãi, để tránh phải chịu quả báo nghiêm trọng của mình trong đời sau. Những lời thành khẩn của Bình Thực, kính mong giới Phật giáo lắng nghe thu nạp, như thế mới thật là may mắn cho Phật giáo, cũng là may mắn cho tất cả những người học từ nay cho đến đời sau vậy!

Tà kiến Trung Quán phái Ứng Thành mà pháp sư Ấn Thuận nói (kỳ thực không nên gọi ông ấy là pháp sư của Phật giáo, vì pháp mà ông ấy thuyết đều là phá hoại pháp Thức thứ tám Như Lai Tạng gốc rễ của Phật pháp, chỉ là kẻ khoác tăng y của Phật giáo mà truyền bá “Vô nhân luận pháp” của đoạn kiến ngoại đạo thôi), chỗ nào cũng phá hủy gốc rễ của Phật pháp, khiến cho bản chất của Phật pháp Tam thừa bị rơi vào trong Đoạn diệt không của thuyết Vô nhân. Cái sai lầm này còn vượt xa so với cái tai hại Mật tông đem Song thân pháp hỗn nhập vào Phật môn. Vì sao vậy? Vì hoằng truyền tà kiến Trung Quán phái Ứng Thành của Mật tông tất sẽ khiến cho pháp môn tà dâm ngoại đạo nam nữ song thân hợp tu của Mật tông được hợp lý hóa, tiếp tục tồn tại trong “Phật giáo Mật tông”, thậm chí còn dần dần thâm nhập vào trong Phật giáo chân chính, bởi Trung Quán phái Ứng Thành coi Ý thức vô niệm linh tri là Chân Như ở Phật địa, trong khi đó lạc thụ dâm xúc nam nữ trong pháp tu song thân lại tương ứng với Tâm ý thức vô niệm linh tri mà không tương ứng với Thức thứ tám Như Lai Tạng.

Ấy thế mà Ấn Thuận sau khi phủ định Thức thứ tám, lại sợ người khác trách mình rơi vào đoạn kiến của Trung Quán phái Ứng Thành, bèn làm trái với Phật chỉ, lập riêng một thuyết “Ý thức tế tâm không thể biết, không thể chứng” trong các cuốn sách của mình, thay thế cho “Như Lai Tạng có thể biết, có thể chứng” mà Phật tuyên thuyết, biến nó trở thành Tâm nối liền sinh tử luân hồi ba đời nhằm cứu vãn cho pháp nghĩa của mình bị rơi vào đoạn kiến, rơi vào Vô nhân luận. Thế nhưng, trong các kinh Tứ A Hàm, Phật đã nói tất thảy ý thức thô hay vi tế đều có thể biết, có thể chứng, không hề có cái Ý thức nhỏ bé vi tế nào mà lại không thể biết, không thể chứng. Ấn Thuận lập riêng “Ý thức tế tâm không thể biết, không thể chứng” như thế, hiển nhiên là trái ngược với ý chỉ của Phật, chỉ là dựa vào sự kiến lập này để bổ cứu cho cái Trung Quán phái Ứng Thành mà ông ta sùng tín khỏi rơi vào đoạn kiến mà thôi. Hành vi trái giáo bội lý như thế là cùng một khuôn đúc với hành vi của những người như Nguyệt Xứng ở Thiên Trúc thời xưa, khiến cho pháp tu song thân mà Mật tông dẫn từ ngoại đạo vào được hợp lý hóa, vì Song thân pháp lấy Tâm ý thức giác tri làm trung tâm. Hành vi như vậy, sẽ khiến cho Mật tông có thể đem pháp tham dâm dục của phái Tính Lực ngoại đạo vào Phật môn, sau khi được hợp lý hóa sẽ trở thành tôn chỉ tu hành chính yếu của “Phật giáo Mật tông”, dựa vào đó mà thâm nhập vào Phật giáo chân chính, dần dần thay thế cho Phật giáo chính thống trong sự bất tri bất giác của tín đồ Phật môn; đồng thời cũng khiến cho tất cả những người tu hành Phật giáo tin theo Mật tông đều đọa vào trong nhị kiến Thường Đoạn, vì đều coi tâm thô tế của ý thức là pháp thường hằng bất hoại.

Đợi sau khi Mật tông hoàn toàn thay thế cho Hiển giáo, từ đó trở đi sẽ không còn người học nào có thể chứng được Chân Thực nghĩa của Phật pháp Tam thừa nữa, nó cũng sẽ khiến cho pháp nghĩa Phật giáo rơi vào Huyền học, trở thành triết học của thế gian, tất sẽ làm cho pháp nghĩa Phật giáo bị thô thiển hóa, sự thắng diệu của Phật giáo sẽ trở nên không còn khác biệt so với các ngoại đạo pháp nữa, sẽ bị người đời coi khinh. Phật pháp một khi đã bị người đời khinh thị, thì Phật giáo cũng theo đó mà bị thế nhân coi nhẹ, dẫn đến đạo tu hành của Phật giáo càng bị rẻ rúng, không còn cung kính, ngưỡng mộ theo tu học nữa. Lúc đó, người đời chỉ coi pháp nghĩa Phật giáo như một môn triết học, chỉ nghiên cứu mà không có thực tu. Hiện tượng đi kèm theo đó là các pháp sư xuất gia Phật giáo sẽ ngày càng bị người đời coi nhẹ, vì họ không phải là người có tu, có chứng, không còn là người kế thừa pháp nghĩa thâm diệu chân chính của Phật Đà nữa. Nếu quả thật xảy ra những điều đó, thì trong đời sau, thế nhân hễ nhìn thấy pháp sư Phật giáo, sẽ không còn có chút thái độ cung kính, tôn trọng nào nữa, vì họ cũng chỉ như người thế tục mà thôi.

Trong đời sau, nếu tăng bảo xuất gia thực sự chứng được Thức thứ tám Như Lai Tạng, phát khởi trí tuệ Bát Nhã, khi xuất thế trụ trì và hoằng dương chính pháp của Phật Thế Tôn, chắc chắn vẫn sẽ bị những người học mới ở kiếp sau phủ định và tẩy chay giống như đám người của pháp sư Ấn Thuận, khiến cho sự nghiệp trụ trì chính pháp, hoằng dương Phật pháp của người chứng đạo càng trở nên gian khó. Thậm chí không lâu sau, còn bị thế lực lớn mạnh của tà kiến, tà pháp đàn áp, tiêu diệt và đào thải. Mối họa hại đó cực kỳ sâu xa, có liên quan mật thiết đến sự lợi hại thiết thân đời nay và mai sau của các pháp sư xuất gia của Phật giáo, đồng thời cũng liên quan mật thiết đến sự sống còn của chính pháp Phật giáo đời sau. Cho nên, tất cả mọi pháp sư Phật giáo không nên thờ ơ lãnh đạm, ngồi không thèm nhìn, nếu không trong khoảng 20 năm sau, tất cả sẽ luân lạc vào trong tà kiến “Vô nhân luận” của Trung Quán kiến phái Ứng Thành, không lâu sau Phật giáo sẽ bị diệt vong.

Ấn Thuận vì nhiễm tà kiến của Trung Quán phái Ứng Thành, nên đã phủ định chính pháp Như Lai Tạng, tiến đến phủ định các kinh điển Đại thừa, nói đó là kinh sách cho người đời sau biên tạo, còn dám nói rằng không có thế giới Cực Lạc, thế giới Lưu Ly, không có địa ngục, cho rằng đó đều là sự bày đặt phương tiện (của Thánh nhân) nhằm giáo hóa tín chúng mà thôi. Thế nhưng, Ấn Thuận sở dĩ phủ định các kinh Đại thừa, không chịu thừa nhận đó là kinh do Phật thuyết là do ông ta không thể dựa vào kinh điển Đại thừa để chứng được Thức thứ tám Như Lai Tạng, cho nên dứt khoát phủ định nó, để khi bị người khác đến hỏi mình rằng đã ngộ chưa thì tránh phải lúng túng trả lời “chưa ngộ”. Tuy nhiên, chỉ vì chuyện tư tâm (lòng riêng) này mà phủ định Thức thứ tám, nói Phật pháp nguyên thủy đều không nhắc đến thức thứ bảy, thứ tám; nói kinh Phật Đại thừa không phải do Phật Thế Tôn kim khẩu tuyên thuyết, nên đã khiến cho pháp Tam thừa rơi vào đoạn diệt kiến, làm cho Phật pháp Đại thừa không còn chỗ đứng, dẫn đến vai trò hộ trì Phật pháp nguyên thủy của kinh Phật Đại thừa cũng biến mất, làm cho Phật pháp nguyên thủy theo đó mà suy vi, nông hóa, càng khiến cho đông đảo người học hoài nghi không tin vào tính chân thực của chư kinh Đại thừa nữa, dẫn đến từ chối tiến tu theo lời Phật dạy trong kinh…Đó chính là đại tội lỗi của Ấn Thuận và những người theo học ông ta. Đó chính là những hành vi trực tiếp đào tận gốc, trốc tận rễ Phật pháp trong Phật môn, như thế mà họ có thể gọi là “hoằng dương Phật pháp, không phải là phá hoại Phật pháp”thì những hành vi như đốt phá chùa chiền, giết hại tăng bảo của ngoại đạo cũng có thể nói không phải là phá hoại Phật giáo nữa rồi, vì tính phá hoại của nó còn thua xa so với mức độ phá pháp nghiêm trọng của thày trò Ấn Thuận, vì thày trò họ trực tiếp đào chặt gốc rễ của Phật pháp Tam thừa từ ngay trong Phật giáo.

Lại nữa, trong các trước tác của mình như “Diệu Vân Tập”, Ấn Thuận chủ trương chỉ có Tứ A Hàm mới thực sự là do Phật đích thân tuyên thuyết, cho rằng các kinh Đại thừa không phải do chính Thế Tôn nói ra, mà là sau khi Phật nhập diệt, các đệ tử đời sau cùng nhau sáng tác, rồi kết tập thành sách, vì thế không phải là do kim khẩu Phật thuyết pháp. Vì tà kiến đó, ông ta không tin theo lời Phật trong các kinh Đại thừa mà sau khi thân Phật diệt, chuyển sang Báo thân Phật thường trụ ở Sắc Cứu Cánh thiên thuyết về Nhất thiết chủng trí. Trong sách của mình, Ấn Thuận chủ trương: Thích Ca sau khi diệt, như bụi bay khói tan, thực sự không có Báo thân Phật ở trên thiên giới thuyết pháp nữa. Những lời như thế, hoàn toàn trái ngược với nội dung nói trong chư kinh A Hàm. Vì trong kinh A Hàm từng nói về “Giải thoát sắc” của Phật, ý nói chư Phật đều có “Giải thoát sắc” thường trụ bất hoại, lợi lạc hữu tình, không có cùng tận. Trong các kinh Đại thừa cũng nói chư Phật có ba loại Ý sinh thân và Báo thân trang nghiêm, thường trụ ở Tam giới mười phương để lợi lạc chúng sinh. Giải thoát sắc đó gọi là pháp vô lậu hữu vi, vì đã chứng được bốn loại Niết Bàn “hữu dư, vô dư, bản lai tự tính thanh tịnh, vô trú xứ”, không chỉ đã đoạn trừ được phân đoạn sinh tử mà còn đoạn tận biến dị sinh tử, gọi là Không cánh Niết Bàn, Đại Bát Niết Bàn, gọi là Thường Lạc Ngã Tịnh.

Giải thoát sắc như thế đều được ghi chép ở trong các kinh Tam thừa, trong A Hàm cũng ghi rõ ràng, vì sao Ấn Thuận lại không tin? Vì sao Ấn Thuận lại phủ định thánh giáo lượng Phật thân thường trụ bất diệt? vì sao Ấn Thuận lại vọng ngôn nói: “Phật thân bất diệt chỉ là thuyết do đệ tử Phật đời sau vì vĩnh hằng thương nhớ mà sáng tạo ra”. Vì thế mà trong sách của mình, Ấn Thuận mới chủ trương rằng: “Thích Ca sau khi diệt, như bụi bay khói tan, thực sự không có Báo thân Phật ở trên thiên giới thuyết pháp nữa”. Những lời lẽ đó là của kẻ không biết gì về Phật pháp, chứng tỏ ông ta không có đủ tri kiến cơ bản về Phật pháp, cũng không có đủ lòng tin đối với Phật bảo và Pháp bảo. Những lời như thế đã phá hủy lòng tin và kính ngưỡng của người học đời sau đối với Phật Thích Ca. Tuy không phải là chính thức nói, nhưng tôi đời này vẫn có lúc nhận chiêu kiến đến gặp Thế Tôn, chứ không phải như Ấn Thuận nói Thế Tôn đã như bụi bay khói tan. Cho nên “Phật pháp” mà Ấn Thuận nói sao có thể tin được? Ấy thế mà tín đồ của ông ta lại mù quáng tin theo, không chút nghi ngờ, vì thày mà trừng mắt trách bừa những lời nói chân thật của Bình Thực tôi, thật đúng là những tín chúng bất chấp sự thật mà tùy tiện nói bừa.

Pháp sư Ấn Thuận cũng không tin những chuyện về thế giới Tây phương Cực Lạc nói trong ba kinh Tịnh Độ, cũng không tin vào chuyện kinh Đại thừa nói có thế giới Tịnh Độ Đông phương Lưu Ly, cho rằng những chuyện đó trong kinh là sau khi Phật nhập diệt, chúng đệ tử thương nhớ Phật mà sáng tác kinh điển. Từ tà kiến đó mà ông ta phủ nhận sự tồn tại chân thật của thế giới Cực Lạc, thế giới Lưu Ly và cầm bút viết thẳng trong sách. Đối với Như Lai Tạng mà Phật nói trong “Kinh Lăng Già” vi diệu thâm quảng, ông ta còn giải thích xuyên tạc, nói không có Như Lai Tạng nào hết. Trong sách “Nhiếp Đại thừa luận giảng ký” của mình, Ấn Thuận cũng rắn mặt bóp méo sự thật rằng “không có Như Lai Tạng” trước việc cuốn “Nhiếp Đại thừa luận” của Bồ Tát Vô Trước nói rõ rằng có sự tồn tại của Như Lai Tạng nhằm phụ họa với tà kiến Trung Quán phái Ứng Thành của Mật tông mà ông ta tin theo, có ý đồ muốn dẫn dắt người học không còn kính tín đối với chư kinh Duy Thức trong Tam chuyển pháp luân cứu cánh liễu nghĩa nữa, đồng thời muốn tín đồ không còn tin kính vào các cuốn luận chính nghĩa do bậc Bồ Tát biên tạo. Việc ông ta phủ định Thức thứ tám Như Lai Tạng pháp, khiến cho chính pháp Như Lai Tạng mà Phật pháp Tam thừa nương dựa tính mạng như chuông treo chỉ mành, dẫn đến rất nhiều người tu hành hiện nay hoài nghi không tin vào pháp Như Lai Tạng và không dám tu học nữa. Đó đều là kết quả do Ấn Thuận mấy chục năm nay viết sách phủ định pháp Như Lai Tạng một cách có hệ thống gây ra.

Pháp sư Ấn Thuận cũng còn không tin những chuyện về địa ngục mà Thế Tôn đã giảng trong chư kinh A Hàm, càng không tin các chuyện địa ngục nói trong kinh Tam thừa, vì thế mà viết thẳng trong sách để tuyên truyền lệch lạc. Những ngôn thuyết trong sách của ông ta đã khiến cho nhiều học sinh các viện Phật học ở Trung Quốc đại lục ngày nay không còn tin vào nhân quả, không tin có địa ngục, sau khi tan học đã ăn thịt, uống rượu, thậm chí là chơi gái…có cả một số người xuất gia cũng làm như vậy. Họ nói thế này: “Các sư phụ thày giáo dạy Phật pháp cho chúng tôi ở viện Phật học, khi lên lớp thuyết pháp đều nói không có địa ngục, không có thế giới Cực Lạc, cũng không có chuyện Phật Thích Ca còn đang thuyết pháp ở thiên giới. Giáo trình mà các sư phụ, thày giáo dạy đều lấy “Diệu Vân Tập”, “Hoa Vũ Tập” làm căn cứ, mà những cuốn sách này đều do đại pháp sư Ấn Thuận đạo sư dựa theo kinh Phật viết ra, cho nên căn bản là không có nhân quả báo ứng, căn bản không có địa ngục để chịu quả báo đời sau. Các anh trì giới khổ sở thế này, không ăn uống vui chơi, sống uổng phí một đời, đúng là ngu si”.

Những học sinh tốt nghiệp viện Phật học sau này đa phần xuất gia làm tăng mà lại dính tà kiến sâu nặng thế này, khiến cho người ta không khỏi lo lắng về Phật giáo ở đại lục trong tương lai. Những hiện tượng này xảy ra đều là dính bả của các cuốn “Diệu Vân Tập”, “Hoa Vũ Tập” mà Ấn Thuận dựa vào tà kiến Trung Quán phái Ứng Thành viết ra. Phật giáo ở đại lục thời nay đều vì nhiễm tà kiến của Ấn Thuận mà xuất hiện hậu quả nghiêm trọng như vậy, các đại đức trưởng lão giới Phật giáo Đài Loan lo lắng cho vận mệnh của Phật giáo trong tương lai sao đến lúc này vẫn còn cố ý nhìn mà không thấy, rúc đầu vào cát?[2] Ngồi đó mặc cho tà kiến Trung Quán phái Ứng Thành và “Diệu Vân Tập”, “Hoa Vũ Tập” của Ấn Thuận tiếp tục đầu độc học sinh viện Phật học – những người dẫn dắt Phật giáo trong tương lai? Sao lại trở thành những người tê liệt bất nhân như vậy? Bình Thực tôi tại đây kêu gọi các đại đức, trưởng lão các nơi hãy nhanh chóng hết sức nhìn thẳng vào sự nghiêm trọng của vấn đề, nhanh chóng tìm cách cứu vãn chính pháp của Phật giáo, nếu không sau khi xả báo, còn mặt mũi nào để gặp Thế Tôn tiếp dẫn?

Chính vào lúc này, giáo sư Giang Xán Đằng nên đi đại lục nghiên cứu, tìm hiểu “ảnh hưởng tệ hại của các trước tác của Ấn Thuận đối với giới Phật giáo đại lục”, như thế mới là làm đúng lương tâm và bổn phận của “người nghiên cứu học thuật Phật giáo”, mới không trái với phong cách dám tranh dám can của văn nhân Trung Quốc, chứ không nên như con đà điểu rúc đầu vào trong cát, tránh né sự thực, một mực tô điểm, giảo biện cho các tà kiến của Ấn Thuận, giúp cho tà kiến trước tác của ông ta tiếp tục đầu độc tâm linh người học ở các viện Phật học Đài Loan và Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, ông Giang Xán Đằng nếu muốn làm được điều đó thì trước hết nhất định phải cầu chứng Chân Thực nghĩa của pháp Đại thừa. Mà người muốn cầu chứng Chân Thực nghĩa của pháp Đại thừa thì trước hết bắt buộc phải chứng ngộ Thức thứ tám, xác nhận sự tồn tại chân thực của nó, đích thân trải nghiệm thể tính chân thực bất hư của nó, và nghiệm chứng vô số chủng tử mà nó tàng chứa, thì mới có thể thực sự nhận biết được sự thắng diệu của Nhất thiết chủng trí nói trong kinh Đại thừa, thì mới có thể chứng thực được sự di hại sâu xa của các loại tạp độc trong sách của Ấn Thuận, thì mới có đủ năng lực “quan sát và nghiên cứu sự thực Phật giáo đại lục bị sách của Ấn Thuận gây hại” thế nào. Bởi lẽ người muốn quan sát chân thực mà không bị rơi vào hình ảnh giả bề ngoài, thì buộc phải có Đạo chủng trí, vì người không có Đạo chủng trí thì không thể nào hiểu hết hoàn toàn được sự độc hại nằm trong các cuốn sách của Ấn Thuận.

Ông Giang Xán Đằng nếu có trí tuệ, trước hết hãy khử trừ thói quen xấu khinh nhau của giới văn nhân, bình tĩnh dùng lý trí mà sự thực cầu thị, tìm hiểu nghiên cứu vấn đề. Nếu không, sau này sẽ khó tránh bị người chứng ngộ dựa vào chính các bài viết của ông mà phá tan nó, tống tiễn danh tiếng một đời. Tống tiễn danh tiếng một đời thực ra là chuyện nhỏ, sau khi xả báo phải chịu quả báo thuần khổ cực nặng trong vô lượng kiếp đời sau mới là chuyện lớn. Vì sao vậy? Vì địa ngục là có thực, báo ứng nhân quả là có thực, chứ không phải vì ông Giang tin hay không tin mà nó theo đó có tồn tại hay không. Chúng sinh tin có hay không có địa ngục, đều không thể khiến địa ngục vì thế mà có hay không, đều không thể khiến nhân quả báo ứng vì thế mà có hay không. Chúng sẽ vẫn tồn tại và khiến cho chúng sinh tạo nghiệp ác sau khi xả thọ phải vào địa ngục chịu quả báo, không vì chuyện chúng sinh “không tin nó tồn tại” thì nó tự động biến mất. Bởi tôi đã từng nhìn thấy bản thân mình đời xưa khi mới học Phật đã phải chịu đựng quả báo thảm thiết vì tạo khẩu nghiệp ác. Nếu ông Giang Xán Đằng có trí tuệ, hãy nên bình tĩnh suy xét, chứ đừng như Ấn Thuận viết trong sách, không tin có Thức thứ tám có thể tự động ghi chép tất cả mọi nghiệp hành ở đời này, không tin có địa ngục, không tin có nhân quả - thà gìn giữ hư danh ở đời này mà chấp nhận khổ báo cực nặng trong trường kiếp đời sau.

Các thày Trung Quán phái Ứng Thành, nếu là những người nhiệt tình phá ngoại đạo pháp thì thật đáng tán thán, nhưng nếu là người phá hủy các pháp Duy Thức thì lại có tội lớn, vì đã hiểu sai nghiêm trọng ý chỉ của Chủng trí Duy Thức, từ đó bình loạn và phá hoại Phật pháp. Như “Bồ Tát” Tịch Thiên của Mật tông thời Thiên Trúc xưa đã biệt phá Duy Thức tông, nói rằng “phá Tự chứng phần”: “Thế gian chủ cũng nói: Tâm không tự thấy tâm. Ý như dao kiếm sắc, không thể tự cắt mình…Nếu nói Thức hiểu biết, là nói đèn tự sáng. Tự tâm vốn tự sáng, Thức nào biết mà nói? Nếu ai cũng không thấy, thì sáng hoặc không sáng, cũng như thạch nữ đẹp[3], nói thế cũng vô nghĩa”. (3-2-322~326) Những lời như thế, chỉ là tri kiến của phàm phu nhìn lén, mà dám bình luận tăng thượng huệ học của Chủng trí Duy Thức.

Vì sao tôi lại nói như vậy? Vì câu “Tâm không tự thấy tâm” nói trong Chủng trí Duy Thức là nói về Tâm Thức thứ tám A Lại Da, chứ không phải là nói Tâm ý thức giác tri. A Lại Da thức luôn lìa tâm hành kiến văn giác tri trong vạn pháp lục trần ở Tam giới, mãi mãi không phản quan Thức thứ tám chính mình, cho nên nó không có “Chứng tự chứng phần” trong vạn pháp lục trần. Phật nói câu “Vô chứng tự chứng phần – Tâm bất tự kiến Tâm” là chỉ Tâm Thức thứ tám, chứ không phải là Tâm ý thức giác tri mà các thày Trung Quán phái Ứng Thành nói đến, không phải là Tâm ý thức nhỏ bé (tế tâm) của Ấn Thuận. Các thày Trung Quán phái Ứng Thành của Mật tông trước là hiểu sai về chính pháp Chủng trí Duy Thức, sau là đổ sai cho chính pháp Duy Thức tông, thật đúng là những kẻ ngu si. Pháp sư Ấn Thuận không biết, không hiểu đại sai lầm của Trung Quán phái Ứng Thành của Mật tông, nên mới thốt ra những lời tán thán không đúng sự thật, lại còn chủ động kế thừa tà kiến của Mật tông (Xem phần Tựa cuốn “Trung Quán kim luận”) và ra sức hoằng dương nó, thật không phải là kẻ có trí tuệ.

Trong Tam chuyển pháp luân, Phật vẫn luôn nói Thức thứ tám không có cái “Chứng tự chứng phần” này, mà nói Ý thức mới có “Chứng tự chứng phần”, chỗ nào cũng nói Tâm ý thức có thể phản quan chính mình, có thể kiểm tra các pháp, chỗ nào cũng nói Tâm ý thức giác tri có Tâm sở pháp biệt cảnh. Như vậy, các thày Trung Quán phái Ứng Thành như Ấn Thuận, Đạt Lai Lạt Ma thời nay, A Để Hạp, Tịch Thiên, Nguyệt Xứng thời xưa, do không biết, không chứng được Tâm Thức thứ tám, cho nên đã dứt khoát phủ định nó, nói rằng không có cái Tâm này, lại còn dẫn dụng thể tính của Tâm Thức thứ tám mà Phật thuyết lồng ghép vào Tâm giác tri thức thứ sáu, vọng ngôn rằng Phật nói Tâm giác tri không có “Chứng tự chứng phần”, hoàn toàn sai khác so với những gì Phật Đà từng tuyên thuyết.

Họ đã hiểu sai về chính nghĩa Chủng trí Duy Thức như vậy, lại còn trách mắng thuyết pháp “Ý thức có Chứng tự chứng phần” của Duy Thức tông là trái với lời Phật, là nói bất liễu nghĩa, rồi vu rằng chư kinh Tam chuyển pháp luân mà Phật khai thị đều là nói bất liễu nghĩa, thật đúng là loại tông phái ngu si điên đảo, cả vú lấp miệng em. Ở đây nói Ý thức có “biệt cảnh Tâm sở hữu pháp”, thì chắc chắn nó có thể tự phản quan xem mình liệu có đang ở trong cảnh giới Lục trần hay không, tất có thể tự phản quan xem mình ở trong Lục trần cảnh là khổ hay vui, có thể tự phản quan xem có đang ở trong khổ thụ lạc thụ của cảnh giới hay không. Điều này Phật không chỉ nói trong chư kinh Duy Thức mà trong kinh A Hàm, Phật cũng nói như vậy, cho nên không thể vu oan rằng trong kinh A Hàm chưa từng nói được.

Chỉ khi Tâm ý thức giác tri đoạn diệt (như trong Ngũ vị: ngủ say không mơ, hôn mê, chính tử vị…) thì mới không có “Chứng tự chứng phần”, vì khi đoạn diệt thì bản thân Ý thức không còn tồn tại nữa. Khi Ý thức lại hiện hành, thì nhất định lại có công năng “Chứng tự chứng phần”, lại có ngũ “biệt cảnh Tâm sở hữu pháp” hiện khởi, vì thế Tâm ý thức giác tri nhất định lại có “Chứng tự chứng phần”, tất cả mọi người đều có thể hiện tiền chứng nghiệm điều này. Trong các luận điển của Duy Thức tông đều nói như vậy, đều bảo rằng Ý thức có “Chứng tự chứng phần”, chứ chưa từng nói rằng Thức thứ tám có Chứng tự chứng phần, vậy thì tại sao các thày Trung Quán phái Ứng Thành từ xưa đến nay, sau khi đã hiểu sai về tông nghĩa Duy Thức tông rồi lại vu oan rằng pháp nghĩa Duy Thức tông là sai lầm? Tại sao các thày Trung Quán phái Ứng Thành kia lại có thể giương mắt nói mò thế được? Sao có thể xuyên tạc Duy Thức tông mà vu oan như vậy được?

 

(Tiết này chưa hết, sẽ tiếp tục trong Tập 2. Tất cả có 4 tập, hoàn thành bản thảo ngày 5/1/2002, 3h30 ngày 9/2/2002 duyệt chỉnh hoàn tất).

Phu luc tap 2.jpg

 

 

 

 

 

 

 

 

 


[1] Chú thích của người dịch: Nguyên văn là Đạo sư Bình Thực dùng từ “châm biếm”, trong đó “Châm” là dùng kim sắt chọc vào huyệt đạo trong “châm cứu”, “Biếm” là kim đá nhọn dài, cách dùng tương tự như “châm cứu” trong y học, ý là nói “châm chọc cho đau buốt nhằm chữa bệnh”, nhưng trong tiếng Việt, từ “châm biếm” thường mang nghĩa là “chế giễu” nên khó diễn tả hết được ý nghĩa gốc của từ này.

[2] Chú thích của người dịch: “Rúc đầu vào cát” là hành vi của con đà điểu mỗi khi gặp nguy hiểm, chúng cho rằng làm như thế không còn nhìn thấy nguy hiểm là sẽ được an toàn.

[3] Chú thích của người dịch: “Thạch nữ” chỉ người con gái bộ phận sinh dục bị khiếm khuyết, không thể sinh đẻ.


Bài trước

Bài sau

Trang chủ

Lượt xem trang: 0