Chân tướng
Mật Tông Tây Tạng

Phật giáo Tạng truyền thật sự là Giác Nãng Ba, hoằng dương diệu pháp Như Lai Tạng Tha Không Kiến, hoàn toàn phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo. Tứ đại giáo phái Hồng, Hoàng, Hoa, Bạch là Phật giáo Tạng truyền giả, tất cả các pháp nghĩa của họ đều không phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo, cho nên là tà giáo, tà pháp.

Tiết 8: Các thày Mật tông đều coi Tâm giác tri trụ ở tất thảy pháp không là Pháp thân

Các thày Mật tông tuyệt đại đa số đều coi tất thảy pháp không (nhất thiết pháp không) là Pháp thân, chứ không coi Thức thứ tám là Pháp thân. Trong “Thậm thâm nội nghĩa” cũng viết thế này: “Minh điểm ly hý (lìa hý luận): “…Tự tính minh thì là Báo thân, bất diệt đại bi tùy hóa hiện, ba tướng này như hiện tại, tất thảy đều hiển hiện như không”. Cái Minh điểm căn bản, là nói Câu sinh trí của Tự tâm, bản thể không, tự tính minh, tướng bất diệt, ba thứ này theo thứ tự là bản thể ba thân Pháp (thân), Báo (thân), Hóa (thân), phần trước đã lược thuật rồi. Cái mà hiển hiện ở hiện tại, Pháo thân là tất thảy pháp khong, chư pháp tự tính hiển hiện, không vượt qua chỗ này. Về Báo thân, cái không đối cảnh, nhưng minh tướng của nó có 10 loại, uyển nhiên hiển hiện. Về Hóa thân, công năng hiện cảnh của sáu thức đầu, mỗi cái đều đầy đủ”. (34-412)

Theo ý của đoạn văn này, thì cái tất thảy pháp không mà Mật tông nói chính là khi Giác tri tâm và Minh điểm tồn tại một mình, mà không quán tưởng tất cả các pháp, không để cho chư pháp xuất hiện, gọi là “tất thảy pháp không”. Việc Tâm giác tri và Minh điểm độc tồn mà không xuất hiện các pháp quán tưởng như thế gọi là “Pháp thân” của tất thảy pháp không. Nếu mà dựa vào Minh điểm mà quán tưởng các pháp khác biến sinh và xuất hiện thì là công năng hiện cảnh của sáu thức đầu, gọi là “Hóa thân”. Còn nếu như Tâm giác tri ở trong cảnh giới Minh điểm này, nó có Minh tính (tính liễu tri – hiểu biết) tồn tại mà không sinh ra tính nhiễm trước, thì cái Minh tính của Tâm giác tri đó gọi là “Báo thân”.

Vì tà kiến này đó, nên “Thậm thâm nội nghĩa” lại nói rằng: “Ba pháp (chỉ Pháp thân, Báo thân, Hóa thân nói ở trên) không phân chia, hiển hiện trên cảnh, cái có thể hiển hiện trí tuệ của cảnh, thức tương liên với cảnh tức là Tự bản thể, đó chính là Minh điểm lìa hý luận căn bản. Cái hiện lượng của Minh điểm lìa phân biệt này, cái tương ứng với nó thế nào? Pháp giới tán của Long Thụ viết: Ý là trước chư pháp chủ yếu, lìa xa tướng phân biệt quan sát, là chư pháp không có tự tính, cần tu pháp giới như vậy. Mắt thấy tai nghe mà mũi ngửi, lưỡi nếm cho đến thân xúc, chư pháp liễu tri bản tính viên. Mắt tai cho đến mũi lưỡi, và thân ý, sáu thứ nhập tịnh, đó là Thắng nghĩa tướng. Bản thể của tâm thấy hai tướng, tức là thế gian và xuất thế gian. Thế gian là chấp Ngã lưu chuyển, còn xuất thế liễu tri là Thắng nghĩa, tham dục thanh tịnh là Niết Bàn. Sân tâm ngu si thanh tịnh rồi, thanh tịnh như thế là Phật tính, là cứu chủ (cứu tinh) của các chúng sinh”. (34-412~413)

Thực ra bài kệ này không phải là do Bồ Tát Long Thụ nói, vì không khớp với pháp nghĩa Tam thừa, trái với ý chỉ trong rất nhiều luận thuật mà Bồ Tát Long Thụ viết ra. Đó là do tổ sư Mật tông tự ý giải thích Pháp thân, nói khi Tâm giác tri hiện hành trên cảnh giới hiện lượng của Minh điểm, không khởi phân biệt mà tham trước sân si thì Tâm giác tri lúc đó chính là “Pháp thân của tất thảy pháp không”. Với việc coi Tâm giác tri là Pháp thân như vậy, nói Tâm giác tri Pháp thân có Minh tính (là tính phân biệt có thể hiểu biết Lục trần khi ở trạng thái nhất niệm bất sinh), mà cái Minh tính này tức là Báo thân – có thể đối cảnh hiển hiện Minh tính, mà tự biết cái cảnh đang đối diện đó đều là không, thì cái Minh tính này là “Báo thân”. Rồi họ lại bày đặt ra các Tâm giác tri sáu thức đầu, có thể hiển hiện công năng trên các loại cảnh giới là “Hóa thân”.

Thế nhưng, Tâm giác tri chỉ là pháp duyên khởi được sinh ra, tức là sáu thức đầu, không có công năng hiển hiện cảnh giới, cũng không phải là Hóa thân. Cái cảnh mà Lục thức hiểu biết được là Nội tướng phần, đều là do Thức thứ tám hiện tiền ra. Nếu nói như thế là Hóa thân, thì tất cả mọi phàm phu chẳng cần phải tu hành, cũng đều đã chứng được Hóa thân từ lâu rồi, thì tất cả mọi người học của Hiển giáo cũng đã chứng được Hóa thân từ lâu rồi, chứ không phải chỉ có thày trò Mật tông họ mới chứng được Hóa thân đâu. Như vậy, hành giả bảo là chứng được Hóa thân chỉ là dương oai diệu võ với người Hiển giáo, chứ thực không có ý nghĩa gì cả, vì bởi tất cả những người phàm phu chưa từng tu hành cũng đều đã có “Hóa thân” này rồi.

Như thế mà còn nói “Minh điểm lìa hý luận căn bản”, bản thân lời nói đó đã là hý luận rồi, hoàn toàn không liên quan gì đến tu chứng Đệ nhất nghĩa đế của Phật pháp Đại thừa, cũng hoàn toàn không liên quan gì đến tu chứng của đạo Giải Thoát Nhị thừa. Từ hý luận này mà phát triển ra các loại pháp môn tu hành, chẳng phải đều là hý luận cả hay sao, có chỗ nào đáng quý đâu? Thế mà tự ra vẻ bí mật, không cho người khác biết. Không có cái lý ấy đâu!

Mật tông lại vì hiểu sai về chân nghĩa của duyên khởi Chân Như, nên đã phê phán duyên khởi Lại Da, từ đó phủ định A Lại Da thức, vọng thuyết nói Căn bản thức này là cái Tâm thuần vọng, là không liễu nghĩa, hoàn toàn trái ngược với lời Phật. Họ nói rằng: “Đại thủ ấn là phần tối thượng của Mật tông, nên không trọng duyên khởi Lại Da. Các luận điệu Tam giới duy Tâm, vạn pháp Duy Thức là thuộc về duyên khởi Lại Da của Duy Thức tông. Các học giả Tây Tạng đa số phê bình nó là chưa liễu nghĩa. Tam giới duy duyên, vạn duyên duy Không, bất luận là ngũ đại của Sắc, tứ uẩn của Tâm, đều thuộc về duyên khởi tính Không, mới thật sự là liễu nghĩa thuộc Đại thủ ấn của Mật tông. Cho nên trong đạo Giải Thoát, như tu thỏa-cát (đốn siêu), ngũ đại ngũ quang trong Đại viên mãn; ngũ khí ngũ quang, tứ hỷ tứ không trong Tham đạo, đều hiển hiện nhờ thực đức duyên khởi của lục đại du già (yoga), không lệch về Duy tâm”. (34-702)

Các thày Mật tông hoàn toàn không hiểu gì về chính lý Duy Thức, những lời họ nói hoàn toàn là hiểu sai về pháp nghĩa duyên khởi Lại Da trong Duy Thức học (về vấn đề duyên khởi Lại Da, xin xem chi tiết trong cuốn “Tông thông và Thuyết thông” của tôi, ở đây lược bớt không thuật). Họ đã không chứng được Thức thứ tám nói trong duyên khởi Lại Da, thì sao có đủ năng lực để nghiệm chứng pháp của duyên khởi Lại Da đây? Thế mà lại tự ý dùng vọng tưởng để suy đoán, bình loạn về pháp duyên khởi Lại Da trong Duy Thức học, tựa như ếch ngồi đáy giếng loạn bình vua một nước là thảo dân thấp kém vậy, lẽ nào không khiến bậc thức giả nhếch mép cười hay sao? Mà nay cái Minh Không Đại thủ ấn mà người trong Mật tông tự hào nhất lại là nhận xằng Tâm ý thức (Tâm giác tri nhất niệm bất sinh, không duyên bám vạn pháp) là Chân Như ở Phật địa; Lạc Không Đại thủ ấn của Vô thượng yoga thì nhận lầm Tâm giác tri nhất tâm thụ lạc trong Song thân pháp là Tâm Chân Như ở Phật địa; đồng thời vọng ngôn nói Tâm giác tri trong tư thế tọa này hoặc trong dâm lạc, (ở trạng thái) nhất niệm bất sinh tức là Căn bản tâm có thể sinh ra vạn pháp.

Cái đạo Giải Thoát mà họ nói đó, và những thứ như “tu thỏa-cát, ngũ đại ngũ quang trong Đại viên mãn; ngũ khí ngũ quang, tứ hỷ tứ không trong Tham đạo, đều hiển hiện nhờ thực đức duyên khởi của lục đại du già (yoga)” đều là Tâm ý thức, nhưng lại vọng nhận Tâm ý thức có thể sinh ra vạn pháp, nói đó là pháp liễu nghĩa cứu cánh, nói đó là pháp thắng diệu hơn cả những gì Hiển giáo chứng được. Nếu như tham cứu thực chất của nó, thì theo đạo Giải Thoát mà Tiểu thừa chứng được, còn chưa vào được trong Kiến đạo vị - không vào được trong Sơ quả vị của Thanh Văn, vì vẫn chưa đoạn được ý thức Ngã kiến mà thường kiến ngoại đạo đọa vào. Trí tuệ thô thiển của đạo Giải Thoát Thanh Văn còn chưa đủ sức chứng biết, huống hồ có thể tu chứng trên đạo Phật Bồ Đề mà Đại thừa chứng được? Bởi lẽ đạo Phật Bồ Đề mà (hành giả) Đại thừa tu chứng là đi vào bằng việc thực chứng Thức thứ tám A Lại Da thức. Nay các thày Mật tông còn chưa thể nhập vào Kiến đạo vị của Phật pháp Tam thừa, mà lại ba hoa về sự tu chứng “du già” cứu cánh vô thượng, có khác gì hành động ngu si của kẻ ăn mày tự nói mình “đã thành trưởng giả đại phú”.

Vì ngộ nhận về Phật pháp, nên Đại thủ ấn “Tâm bất chỉnh trị” của Mật Lặc Nhật Ba mà “Thậm thâm nội nghĩa” tôn sùng đã rơi vào trong cảnh giới của Tâm ý thức. Họ lại coi Minh thể là Chân Như diệu tâm, không khác gì cái mà Tông Khách Ba chấp trước: “ ‘Hằng Hà Đại thủ ấn’ Cống sư (thày Cống) phân tích, dẫn dụng cái (tâm) bất chỉnh trị do Mật Lặc Nhật Ba chí tôn nói, phải chia thành ba việc. Một là phiền não và vọng niệm, không chỉnh trị (uốn nắn, quản lý) thì sẽ đọa lạc. Hai là lạc minh vô niệm, không chỉnh trị thì sẽ lưu chuyển trong Tam giới (luân hồi). Ba là bản tâm, thì không được phép chỉnh trị vân vân. Trong ba việc trên, cái thứ nhất thuộc về Tâm vọng tưởng của tâm lý; cái thứ hai thuộc định tâm hoặc cửu trụ tâm trong giới của tôn giáo; cái thứ ba mới thuộc về bản tâm của Đại thủ ấn. Cho nên trang 20 của cuốn sách này nói “đoạn tâm Ý căn sinh tử chi phần cũng khô héo hết”. Tâm này tức là chỉ Tâm liễu biệt (hiểu biết), Tâm tư tượng (tư duy), chứ không phải là Tâm trong chính hành của Đại thủ ấn. Cái Tâm bản tịnh diệu minh, hoặc Tâm bản tịnh diệu nói trong tụng văn đó mới là Tâm Đại thủ ấn”. (34-703)

Thế nhưng quan sát những lời khai thị và các ca quyết trong “Hằng Hà Đại thủ ấn” mà Mật Lặc Nhật Ba chứng được thì cái Bản tâm thuộc về Đại thủ ấn vẫn chỉ là Tâm ý thức. Độc giả muốn biết chi tiết về nó, xin hãy đọc “Tông môn đạo nhãn mẩu chuyện 208”, “Tông môn chính đạo mẩu chuyện 399” trong cuốn “Công Án Niêm Đề” của tôi, ở đây chỉ nêu ra mà không luận nữa.

Sự xuất hiện của tất cả hữu tình trong Tam giới Lục đạo sinh tử luân hồi, không gì không có nguyên nhân từ duyên khởi Lại Da. Cho đến tất cả các Pháp vương, Thượng sư của Mật tông cũng không lìa duyên khởi Lại Da này. Thế nhưng những người đó lại hoàn toàn không hiểu được đạo lý của duyên khởi Lại Da, đều tự ý giải thích bừa về duyên khởi Lại Da, không tránh khỏi bị các nơi chê cười. Về chính lý của duyên khởi Lại Da, trong hai cuốn sách “Tông thông và Thuyết thông” và “Ngã và vô ngã” của tôi đã có giải thích chi tiết, độc giả đọc là hiểu liền, nên ở đây vì chương tiết có hạn nên không nhắc lại nữa.

Điều muốn nói ở đây là Tâm giác tri trụ ở trong cảnh giới quán tưởng tất thảy pháp không thì nó vẫn là Tâm giác tri, chưa từng thay đổi bản chất Tâm ý thức của nó. Cho dù có thể khiến cho Tâm giác tri trong hai hay sáu thời đều trụ trong trạng thái nhất niệm bất sinh mà không hôn trầm hay ngủ mơ, cứ giữ mãi như thế cả đời mà không ngủ mơ thì vẫn không thể nào thay đổi được bản chất ý thức của nó. Giả như có thể khiến cho Tâm giác tri thường trụ mãi trong cảnh giới nhất niệm bất sinh, liên tục trong ba kiếp hay năm kiếp thì nó vẫn là ý thức, không hề thay đổi bản chất ý thức của nó. Ý thức thì mãi mãi vẫn là Ý thức, cho dù có thành tựu tu hành Phật địa cứu cánh thì Ý thức vẫn là Ý thức, vẫn không thể nào biến thành Chân Như ở Phật địa – Thức Vô Cấu thứ mười. Cho nên, việc Mật tông muốn đem Ý thức thường trụ trong cảnh giới nhất niệm bất sinh để chuyển đổi Ý thức thành Chân Như ở Phật địa, chỉ là vọng tưởng mà thôi. Tu hành như thế, không phải là chính tu trong Phật pháp. Dựa vào đó mà tu ba đại vô lượng kiếp số (ba đại a tăng kỳ kiếp), người khác đã thành Phật hết rồi, nhưng những người trong Mật tông không chịu chuyển sang Hiển giáo để tu thì sẽ vẫn tiếp tục ở địa vị phàm phu mà tự cho rằng mình đã chứng được Phật quả, thành ra dù có tu hành ba đại vô lượng số kiếp vẫn chỉ là dã tràng xe cát mà thôi.

Lại nữa, Mật tông đã thừa nhận trong Phật pháp quả thực có Nhất thiết chủng trí, thì không nên phủ định Thức thứ tám mới phải, vì lìa Thức thứ tám thì chẳng có nhất thiết chủng (tất cả các chủng tử) nào hết. Nếu đã không có nhất thiết chủng thì sao có thể tu chứng được công năng sai biệt của nhất thiết chủng chứ? Sao có thể hiểu biết được nhất thiết chủng này để phát khởi trí tuệ về nhất thiết chủng chứ? Như Tông Khách Ba nói: “Tóm lại, nếu ở trong Thắng nghĩa mà phá chấp vô tính, cái đó không có chút gì thì phá có ích gì? Nếu trong Danh ngôn, Tâm không thể chấp vô tính vô ngã, thì không nên chấp cái đó, thì phải là người hoàn toàn không thông đạt chân thực nghĩa, báng giải thoát và Nhất thiết chủng trí”. (21-611)

Nay Tông Khách Ba đã không cho phép người khác phỉ báng Nhất thiết chủng trí, thì bản thân ông ta cũng không nên phỉ báng Thức thứ tám A Lại Da, không nên phủ định Thức thứ tám A Lại Da mà bản thân mình cũng có mới đúng. Nội hàm của Nhất thiết chủng trí chính là Nhất thiết chủng tử (toàn bộ chủng tử) bao hàm trong Thức thứ tám. Cái gọi là “chủng tử” còn có tên là “giới”, hay còn gọi là “sai biệt công năng”. Cho nên, trí tuệ của Nhất thiết chủng tử chính là tất cả mọi sai biệt công năng từ thức thứ nhất đến thức thứ tám bao hàm trong Thức thứ tám.

Nhất thiết chủng (tử) đã nằm trong Thức thứ tám, thì Hoàng giáo của Mật tông không nên phủ định Thức thứ tám, không nên vu rằng Thức thứ tám chỉ là phương tiện thuyết – nói không có cái Tâm Chân Thực này. Nếu không có cái Tâm Chân Thực này, thì cũng không có Nhất thiết chủng tử. Đã không có Nhất thiết chủng tử thì cũng không có Nhất thiết chủng trí. Nay Tông Khách Ba đã thừa nhận có Nhất thiết chủng trí, đồng thời lại không cho phép người khác phỉ báng Nhất thiết chủng trí thì tất cả mọi ngôn luận phủ định Thức thứ tám của ông ta sẽ trở nên vô nghĩa, tự mình mâu thuẫn với chính mình.

 

 


Bài trước

Bài sau

Trang chủ

Lượt xem trang: 0