Chân tướng
Mật Tông Tây Tạng

Phật giáo Tạng truyền thật sự là Giác Nãng Ba, hoằng dương diệu pháp Như Lai Tạng Tha Không Kiến, hoàn toàn phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo. Tứ đại giáo phái Hồng, Hoàng, Hoa, Bạch là Phật giáo Tạng truyền giả, tất cả các pháp nghĩa của họ đều không phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo, cho nên là tà giáo, tà pháp.

Tiết 4: Thủ ấn và Chân ngôn

Người học Mật tông bắt buộc phải học thủ ấn. Mục đích của việc làm thủ ấn là xây dựng tiêu chí (mốc) chủng tính, đồng thời dùng nó phối hợp với chân ngôn để đoạn hoặc, thủ chứng Niết Bàn, thành tựu Kim Cương bảo tọa và thành Phật. “Đại Nhật kinh” của Mật tông nói: “Khi đó, Bạc Già Phạn Tỳ Lô Giá Na quán sát các đại chúng tụ hội, nói với Trì Kim Cương Bí Mật Chủ rằng: ‘Này Bí Mật Chủ! Có cùng sự trang nghiêm như Như Lai, cùng phất lá cờ pháp giới, vì Bồ Tát có thân trang nghiêm đó, sống trong sinh tử đi tuần các thú (các đạo chúng sinh), trong đại hội tất thảy Như Lai, dùng phướn Đại Bồ Đề này mà phất. Các Thiên long, Dạ xoa, Càn đạt bà, A tu la, Yết lỗ đồ, Khẩn na la, Ma hầu la già, nhân, phi nhân… kính mà đứng xa, phụng giáo thực hành…’” (Quyển 4, Đại Chính Tạng, sách 18, trang 24~30). Nói xong những lời ấy, bèn quảng thuyết các loại thủ ấn, tạm đưa ra như sau: “Khi đó, Bạc Già Phạn bèn trụ ở Thân vô hại lực Tam muội, trụ định ở đó nói tất thảy Như Lai nhập Tam muội da (nhập “Đẳng chí” Lạc Không song vận của Song thân pháp, biến khắp Minh Phi tất thảy vô chướng ngại lực, vô đẳng Tam muội lực, nói rằng: “(nói chú ngữ - tạm lược). Này Bí Mật Chủ! Minh Phi thị hiện tất thảy Như Lai địa như thế, không vượt qua Tam pháp đạo giới, viên mãn địa Ba la mật. Mật ấn tướng này, nên dùng Định Huệ thủ làm không tâm hợp chưởng (úp khum bàn tay rỗng giữa), dùng nhị hư không luân Định Huệ hợp nhất để kiếp lập. Tụng rằng: Tất thảy chư Phật này, đại ấn dùng cứu thế, Chính giác Tam muội da, trụ ở thủ ấn này” (Quyển 4).

Ý nói thủ ấn này là Đại thủ ấn của tất cả chư Phật, là nơi trụ của Chính giác Tam muội da của chư Phật. Thế nhưng, làm thủ ấn này và tụng chú xong vẫn không thể nào biết được Bát Nhã mà Bồ Tát thất trụ vị đã ngộ được, cũng vẫn chưa thể biết được Thức thứ tám Như Lai Tạng mà Bồ Tát thất trụ vị ngộ được ở đâu, vẫn chỉ là phàm phu chưa ngộ trong Đại thừa, thì sao có thể nói là thủ ấn này phối hợp với chân ngôn là có thể thành tựu Tam muội da của chư Phật mà trụ vào ấn đó?

Lại nữa, Tam muội da của chư Phật cũng không thể nào trụ trong chân ngôn và thủ ấn này được, bởi vì thủ ấn và chân ngôn chỉ là pháp duyên khởi, không thể dùng nó để biểu thị mà nói tức là thế được. (Chú thích: Cách làm thủ ấn của Mật tông, dùng bàn tay trái đại diện cho cửa Định, dùng bàn tay phải đại diện cho cửa Huệ. Các ngón tay đều mang một ý nghĩa nào đó. Chi tiết xin xem thuyết minh bằng đồ thị sau cuốn sách. Nếu có thể hiểu được ý này thì cũng đều có thể hiểu được tất cả các loại thủ ấn nói trong Mật kinh).

“Đại Nhật kinh” lại nói rằng: “Lại lấy Định Huệ thủ làm chưởng, Hư không luân nhập vào trong lòng bàn tay, mà thư (hoãn, dừng) Phong luân, gọi là Tịnh pháp giới ấn. Chân ngôn nói rằng: ‘(Chú ngữ, lược bỏ)’. Lại lấy Định Huệ thủ, ngũ luân đều đủ, thay phiên câu móc nhau, nhị hư không luân đầu hướng vào nhau. Tụng rằng: thế gọi là thắng nguyện, Cát tường pháp luân ấn, thế gian dựa vào người cứu thế, tất đều chuyển luân này. Chân ngôn nói rằng: ‘(Chú ngữ, lược bỏ)’” (Quyển 4). Làm thủ ấn và xướng niệm chân ngôn như thế tức là Chuyển pháp luân, mà không cần phải thuyết pháp, có thể khiến chúng sinh biết pháp, chứng pháp, liệu có đáng tin không?

“Đại Nhật kinh” lại nói rằng: “Lại thu hai thủ ấn Định Huệ, làm hợp chưởng quy mệnh, Phong luân vê cuốn lại, dùng nhị không luân đặt lên trên, hình giống như ấn khiết-già [1](Dịch âm tiếng Phạn khaga – con tê giác). Tụng rằng: Đại Huệ đao ấn này, tất cả Phật đều nói, có thể đoạn chư kiến, gọi Câu sinh thân kiến. Chân ngôn nói rằng: ‘(Chú ngữ, lược bỏ)’” (Quyển 4).

Thế nhưng, làm thủ ấn và đọc chân ngôn đó xong vẫn không thể khiến cho bất kỳ người nào đoạn trừ Câu sinh thân kiến, vì Câu sinh thân kiến là Ngã chấp tương ứng Mạt Na, phải sau khi thể nghiệm được sự hư vọng của Mạt Na thì mới có thể đoạn trừ nó, chứ không phải là đoạn trừ nó bằng cách làm thủ ấn và tụng đọc chân ngôn như vậy. Cho nên, nói như “Đại Nhật kinh” thế là hư vọng tưởng.

“Đại Nhật kinh” lại nói rằng: “Lại dùng nhị thủ Định Huệ, làm hư tâm hợp chưởng, gập nhị Phong luân, lấy nhị Không luân đan cuốn nó, hình giống ấn thương-khư[2]. Tụng rằng: Đó gọi là thắng nguyện, Cát tường pháp loa ấn, thày chư Phật giáng thế, Bồ Tát người cứu thế, đều gọi Vô cấu pháp, đến tịch tĩnh Niết Bàn. Chân ngôn nói rằng: ‘(Chú ngữ, lược bỏ)’” (Quyển 4). Như thế mà bảo rằng chứng được Niết Bàn, hiểu nhiên là khác xa so với Niết Bàn mà Phật khai thị trong “kinh A Hàm”, không thể nói đó là Niết Bàn do Phật dạy được, mà là “Niết Bàn ngoại đạo” có riêng ở Mật tông. Hơn nữa, Niết Bàn vô dư xuất Tam giới chỉ có một loại, không có hai ba loại. Nay Niết Bàn do Mật tông phát minh ra lại khác Phật nói, chứng tỏ “kinh điển” Mật tông không phải là Phật pháp rồi. Chính vì thế, tổ sư Mật tông xưa nay sau khi chứng được Niết Bàn đều rơi vào cảnh giới Ý thức, đều chưa hề đoạn được Ngã kiến ý thức, chỉ trở thành ngoại đạo “phàm phu chứng được Niết Bàn Mật tông” mà thôi.

“Đại Nhật kinh” lại nói thế này: “Lại dùng Định Huệ thủ, tương hợp rồi thư tán, tựa như kiện-tra, nhị Địa luân, nhị Không luân tương trì (dính nhau), để hỏa phong hòa hợp. Tụng rằng: Cát tường nguyện liên hoa, chư Phật người cứu thế, bất hoại Kim Cương tọa, giác ngộ gọi là Phật, Bồ Đề và Phật tử, tất đều từ đây sinh. Chân ngôn nói rằng: ‘(Chú ngữ, lược bỏ)’” (Quyển 4). Những câu này cũng trái ngược với những gì Phật thuyết. Phật nói việc chứng ngộ Kim Cương bảo tọa và Bồ Đề đều được sinh ra từ chính tri về đạo Giải Thoát và đạo Phật Bồ Đề, đồng thời do chính mình chính giác, chính kiến. Tất cả những người đích thân chứng đạo Giải Thoát và đạo Phật Bồ Đề mà thành Phật tử, đều đích thân thấy Kim Cương bảo tọa và Phật Bồ Đề, chứ không phải từ thủ ấn và chú ngữ đó sinh ra.

“Đại Nhật kinh” lại nói thế này: “Lại dùng Định Huệ thủ, ngũ luân hướng vào trong thành quyền (nắm đấm), kiến lập Hỏa luân, dùng nhị Phong luân đặt bên, gập nhị Hư không sát cạnh. Tụng rằng: Ấn này ma-ha ấn, gọi là Như Lai đỉnh, thích hợp mới kết ấn này, tức đồng với Thế Tôn. Chân ngôn nói rằng: ‘(Chú ngữ, lược bỏ)’” (Quyển 4).

“Phật” của Mật tông nói rằng: Làm thủ ấn và tụng đọc chân ngôn như thế tức là đã thành Phật rồi. Thẩm xét việc này, thấy rằng chẳng cần nhờ Thế Tôn đi lại, vất vả thuyết pháp cho chúng sinh những 49 năm, chỉ cần sau khi quán đỉnh cho chúng sinh, rồi truyền thụ thủ ấn đó, lại dạy chúng đệ tử tụng đọc chân ngôn là được, là có thể khiến cho tất cả các đệ tử thành Phật ngay trong đời này rồi, như thế đơn giản biết bao, vậy mới là từ bi chứ!

Thế nhưng nay thấy các thày Mật tông từ xưa đến nay đều đã làm thủ ấn đó, cũng đã trì tụng chân ngôn đó, mà không có lấy một người chứng ngộ được Tổng tướng trí của Bát Nhã, cũng không chứng được “Song ấn Năng Sở thủ không” của Tứ gia hành Hiển giáo, đến nay vẫn đọa vào trong tri kiến của thường kiến ngoại đạo. Nói suông thành Phật như thế, thì có ý nghĩa gì?

“Đại Nhật kinh” lại nói: “Lại dùng Định Huệ thủ làm quyền, buông giãn Hỏa luân, Thủy luân, dùng Hư không luân đặt phía dưới. Tụng rằng: Đây gọi tất thảy Phật, thế tục dựa vào bi sinh nhãn, quán tưởng đặt vào nhãn giới, trí giả thành Phật nhãn. Chân ngôn nói rằng: ‘(Chú ngữ, lược bỏ)’” (Quyển 4).

Thế nhưng, quan sát các thày Mật tông xưa nay, không có lấy một người dựa vào “Đại Nhật kinh” mà tu, cũng không thấy có một người nào chứng được Phật nhãn. Đừng nói đến Phật nhãn, ngay cả Pháp nhãn, Huệ nhãn, Thiên nhãn cũng đều không chứng nổi. Vì sao vậy? Vì nếu như có người đã chứng được Pháp nhãn, thì có thể phân biệt được ngay cái sự đọa lạc của các đại sư xưa nay, cũng có thể phân biệt được ngay quả vị chứng lượng của tất cả các đại sư xưa nay, tuyệt đối không có phán sai. Nếu có Huệ nhãn, thì cũng đều biết tất cả các đại sư xưa nay đã ngộ hay chưa ngộ. Nếu có thiên nhãn, thì cũng có thể biết ngay được “Phật Bồ Tát” thị hiện trước mặt liệu có phải là quỷ thần giả mạo hay không? Là có thể biết ngay thuyết pháp của người ấy đáng tin hay không? Và cũng sẽ không đến nỗi bị quỷ thần mê hoặc.

Thế nhưng, quan sát sở chứng, sở tu, sở thuyết và các khẩu quyết sở truyền của các tổ sư Mật tông từ xưa đến nay, tất cả đều rơi vào sở thuyết của quỷ thần, đều rơi vào trong pháp tương ứng với quỷ thần, chưa từng tương ứng với Phật pháp. Vì thế mà biết rằng nói tu tập thủ ấn, chân ngôn nói trong “kinh” này có thể khiến người ta chứng đắc Phật nhãn, đều là vọng tưởng. Cho nên, hành giả Mật tông dựa vào thủ ấn và chú ngữ này để quán tưởng đặt trong Nhãn giới, đều không ai có thể thành tựu Phật nhãn, Pháp nhãn cho đến Thiên nhãn cả.

“Đại Tỳ Lô Giá Na Phật” trong “Đại Nhật kinh” phần sau còn nói các loại thủ ấn và các loại chân ngôn, tổng cộng có đến 131 loại, sau cùng tổng kết rằng: “Này Bí Mật Chủ! Các Như Lai ấn hàng đầu như thế, sinh ra từ việc tin hiểu Như Lai, cũng đồng với lá cờ tiêu của Bồ Tát, số lượng vô tận. Lại nữa, này Bí Mật Chủ! Kể cả cử động dừng nghỉ của các phần thân thể cũng đều là Mật ấn. Sự chuyển động của thiệt tướng (cái lưỡi) tạo ra nhiều thứ ngôn thuyết, nên biết đó đều là chân ngôn. Vì thế, này Bí Mật Chủ! Các Bồ Tát tu Bồ Tát hạnh ở cửa Chân ngôn đã phát Bồ Đề tâm, đều nên trụ ở Như Lai địa, vẽ Mạn đồ la. Nếu khác với điều này, đồng là phỉ báng chư Phật Bồ Tát, vượt khỏi Tam muội da, quyết định (chắc chắn) đọa vào ác thú (Tam ác đạo)” (Quyển 4).

Nếu người nào tu thủ ấn và chân ngôn theo bộ “kinh” này, tức là hoàn toàn không hiểu gì về đạo Phật Bồ Đề và đạo Giải thoát, mà tự xưng đã trụ ở Phật địa thì đều là những kẻ đại vọng ngữ, khi xả thọ chắc chắn sẽ đọa địa ngục chịu vô lượng khổ. Người mà tương lai chắc chắn đọa địa ngục mà lại còn đe dọa các Bồ Tát bác bỏ tà thuyết của Mật tông sẽ đọa địa ngục, nói những người phá tà thuyết của họ là phỉ báng chư Phật Bồ Tát, chẳng khác gì vừa ăn cắp vừa la làng, đảo lộn gốc ngọn.

“Đại Tỳ Lô Giá Na Phật” trong “kinh Đại Nhật” kỳ thực không phải là “Đại Tỳ Lô Giá Na Phật” thực sự nói trong “kinh Hoa Nghiêm”, mà là tổ sư Mật tông đem thuyết pháp của quỷ thần vọng nói rằng đó là do “Đại Tỳ Lô Giá Na Phật” thuyết, hoàn toàn không phải là pháp mà Phật thuyết. “Đại Tỳ Lô Giá Na Phật” là Báo thân Phật, tất sẽ thuyết pháp Nhất thiết chủng trí, sao có thể đem pháp thường kiến ngoại đạo bảo rằng đó là Phật pháp được? Sao có thể đem pháp môn dâm dục của ngoại đạo nói rằng đó là Phật pháp cứu cánh được? Hành vi đem ngoại đạo kiến phan duyên bám víu vào Phật Bồ Tát kiểu đó của Mật tông tất sẽ có đại sai lầm. Người nào tu kết thủ ấn do quỷ thần dạy, dựa vào ấn mà trì tụng chân ngôn như thế mà muốn cầu quả chứng trong Phật pháp, rõ ràng chỉ là đại vọng tưởng mà thôi.

Bởi vì sự tu chứng trong Phật pháp chỉ có hai đạo chủ yếu - đạo Phật Bồ Đề và đạo Giải thoát. Ngoài hai đạo chủ yếu này ra thì không còn có Phật pháp nào khác nữa. Nay Mật tông bày đặt ra pháp thủ ấn và chân ngôn như thế, nói rằng tu hai pháp này, phối hợp với hành quán tưởng, bảo rằng có thể thành tựu đạo Phật cứu cánh. Truy ngược dòng về các đời tổ sư Mật tông Thiên Trúc cho đến ngày nay, không thấy có một người nào có thể vào được Kiến đạo của Đại thừa, không có lấy một người có thể chứng được Kiến đạo của đạo Giải Thoát trong pháp Nhị thừa, cũng không có lấy một người nào đoạn được Ngã kiến ý thức, chưa từng chứng được Kiến địa Sơ quả quả của Thanh Văn, huống hồ có thể chứng được Kiến địa Bát Nhã Thực Tướng của Bồ Tát Đại thừa?

Vì lý do đó, Bình Thực tôi thành thật khuyên những người học có trí của Mật tông hãy nên bình tĩnh suy xét: Mục đích học Mật pháp của ta là gì? Pháp nghĩa của pháp Mật tông liệu có khớp với Phật pháp thực sự hay không? Sau khi bình tĩnh suy nghĩ, thì mới quả quyết lựa chọn. Một là không cần phải lãng phí tài lực của mình vào pháp ngoại đạo; Hai là tránh được cộng nghiệp phá hoại chính pháp; Ba là có thể lựa đúng chính pháp mà tiến tu Phật pháp thực sự, không đến nỗi lãng phí sinh mạng; Bốn là có thể vì tu tập chính pháp Hiển giáo chính xác mà chứng được Bát Nhã – chứng giải như thực kinh chỉ Bát Nhã Đại thừa, cho đến tiến tu Duy Thức chủng trí trong Tam chuyển pháp luân mà vào chư Địa (quả vị Thập địa của Bồ Tát). Nếu làm được như thế, mới là hành giả Mật tông thực sự có trí tuệ vậy.

Lại nữa, trong Vô thượng Yoga còn có hai loại thủ ấn: Một là Sự nghiệp thủ ấn, hai là Trí tuệ thủ ấn. “Sự nghiệp thủ ấn” là dùng thiếu nữ diệu linh (tuổi teen) để làm thủ ấn tham đạo trong song thân hợp tu. Thiếu nữ tuổi đẹp này nhờ có nữ âm có thể khiến cho hành giả Mật tông thể nghiệm được trí tuệ “thành Phật” Không Lạc bất nhị trong quá trình hành dâm, nên gọi người nữ đó là Phật Mẫu, Độ mẫu, Trí tuệ, Minh Phi… Nhờ có thiếu nữ này đích thân tự nguyện hiến thân thể của mình, cúng dường cho hành giả Mật tông tu chứng pháp môn thành Phật, chứ không chỉ nhờ bằng quán tưởng (tưởng tượng ra Minh Phi giả), cho nên còn gọi là Sự nghiệp – đích thân phối hợp cùng tu, cùng thụ lạc hưởng sướng nên gọi là Sự nghiệp. Ngược lại, nam hành giả thì có nam dương, có thể giúp cho nữ hành giả Mật tông dựa vào đó mà cộng tu Song thân pháp, cho nên theo nghĩa rộng mà nói thì cũng gọi là Sự nghiệp thủ ấn của nữ hành giả. Nhưng thông thường nói đến “Sự nghiệp thủ ấn”, đa phần là chỉ người nữ.

Còn về “Trí tuệ thủ ấn”, là chỉ nam hành giả Mật tông khi không có được duyên Minh Phi thật hoặc những “tỳ kheo” của Mật tông không chịu từ bỏ giới xuất gia, không được tiếp xúc với Minh Phi thực thể (người thật), chỉ có thể dùng pháp quán tưởng để tu Không Lạc bất nhị của Song thân pháp, vị Minh Phi được nam hành giả đó quán tưởng trong tâm, không được như cơ thể người thật tiếp xúc cọ sát sinh lạc, vẫn cứ quán tưởng Không Lạc bất nhị thì không được gọi là “Sự nghiệp thủ ấn”. Nhưng nhờ pháp quán tưởng này, có thể sinh ra được “trí tuệ” Không Lạc bất nhị, cho nên gọi Minh Phi quán tưởng ra trong pháp môn tu hành quán tưởng này là “Trí tuệ thủ ấn”.

Còn có một thuyết khác nữa là: Nữ hành giả Mật tông nếu là người đã chứng được Không Lạc bất nhị, Lạc Không song vận, mà thành tựu quả “Báo thân Phật”, thì gọi nữ hành giả đó là “Trí tuệ thủ ấn”, vì có thể giúp cho nam hành giả chứng được “trí tuệ” của Song thân pháp. Chi tiết về Sự nghiệp thủ ấn và Trí tuệ thủ ấn, cho phép được thuật tiếp ở Chương 8, Chương 9 sau này.

 

 


[1] Chú thích của người dịch: Ấn khiết-già, là dịch âm của tiếng Phạn khaga, nghĩa là con tê giác, nhưng có lẽ cũng chỉ cái sừng tê giác, vì cuốn “Nhất thiết kinh âm nghĩa (Giải nghĩa âm của tất cả các kinh)” quyển 47 của Huệ Lâm đời Đường nói “khiết già thời Đường gọi là cái kiếm”. Cuốn “Đại tỳ bà sa luận” dịch âm là khiết-già, còn “Nguyệt tạng kinh” thì dịch âm thành khư-già. Cũng có chỗ dịch âm thành kiệt-nga.

[2] Chú thích của người dịch: Ấn thương-khư, dịch âm tiếng Phạn shanka, là hình con ốc, ý nói pháp loa.


Bài trước

Bài sau

Trang chủ

Lượt xem trang: 0