Chân tướng
Mật Tông Tây Tạng

Phật giáo Tạng truyền thật sự là Giác Nãng Ba, hoằng dương diệu pháp Như Lai Tạng Tha Không Kiến, hoàn toàn phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo. Tứ đại giáo phái Hồng, Hoàng, Hoa, Bạch là Phật giáo Tạng truyền giả, tất cả các pháp nghĩa của họ đều không phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo, cho nên là tà giáo, tà pháp.

Tiết 2: Thành tựu và mục đích của quán tưởng

Mục đích tu hành của pháp quán tưởng đại khái có 4: Thứ nhất là muốn nhờ vào quán tưởng thiên thân mà thành tựu thiên thân – muốn nhờ vào thiên thân cao lớn do quán tưởng mà thành để làm Phật thân khi thành Phật trong tương lai; Thứ hai là nhờ vào sự thành tựu của pháp môn quán tưởng để tức thân thành Phật – cho rằng quán tưởng Bản tôn của mình trở thành Đại nhân tướng của Phật, khi không khác gì so với Phật thân thì tức là thành Phật; Thứ ba là muốn nhờ vào pháp môn quán tưởng để tu luyện Minh điểm; Thứ tư là nhờ vào quán tưởng và Minh điểm để tăng cường tu luyện khí công, để làm nền móng cho việc tu học và tu chứng song thân tu pháp sau khi nhận Mật quán đỉnh. Nhờ có sự thành tựu của bốn mục đích này, hành giả Mật tông mới có thể tiến tu nam nữ song thân pháp, tức có thể tu thành “Phật quả” trong một đời, có đủ “Pháp thân, Báo thân, Hóa thân” và Ngũ trí “Pháp Giới Thể Tính Trí”.

Mật tông luôn luôn cho rằng quán tưởng chính bản thân mình thành ai thì mình sẽ có thể biến thành người đó thật: Nếu khi đả tọa mà quán tưởng trong tâm mình xuất hiện sắc thân của thiên nhân (người trời) cao lớn thì mình sẽ đạt được sắc thân to lớn của thiên nhân, sau này khi xả thọ (chết) thì có thể xuất hiện thiên thân cao lớn trang nghiêm.

Ví dụ Tông Khách Ba viết: “Trong cuốn “Tu Ngã phương tiện luận” nói về phương tiện Thiên Du già quảng đại, đó là sự khác biệt giữa Ma Ba Mật Đa thừa và Mật chú thừa (Duy chỉ có Mật chú thừa mới có pháp này), dẫn ‘Dạy cách sinh thiên’ trong chứng Bồ Đề của “Nhiếp chân thực” mà khéo thành lập. Đồng thời nói rõ rằng: Trong Du già (Yoga) đó có những quy tắc của chư tôn trong Kim Cương giới. Cho nên không những có phương tiện khác biệt với Vô thượng Yoga mà cũng có khác biệt với Yoga tục. Khi các luận sư khác nói về Vô thượng thì đã tuyên thuyết rồi. Phàm các Tục bộ dạy tự tu thành thiên tướng tất thảy đều như vậy. Cần buộc phải tu như thế, về lý cũng như vậy. Trong Du Già tục cũng có nhiều chỗ tuyên thuyết như vậy. Như “Nhiếp chân thực kinh” (Ghi chú: Các kinh mà Thượng sư Mật tông chú dẫn đại đa số là kinh điển sáng tác tập thể của các Thượng sư thời cổ của Mật tông, không phải là kinh điển Phật thuyết bên Hiển giáo. Các kinh điển chú dẫn dưới đây cũng đều thế cả) Sơ phẩm nói: ‘Thân ngữ tâm, các vi trần của bản thân, nếu tu thành thân Phật, tức đương thành Chính giác’. Thích Luận Kiêu Tát La trang nghiêm nói: ‘Tu các vi trần là thầy yoga điều phục tác ý như Kim Cương, cần mỗi ngày bốn lần tu thành thân Phật. Từ tu thân Phật đắc thành tựu gì mà đương thành Chính giác? Nghĩa tức là đắc thân Phật tướng hảo trang nghiêm vậy’” (21-29).

Tông Khách Ba nói: “Nếu chưa khéo dành được định giải ở chỗ này, loại bỏ Thiên Yoga, chỉ tu một phần đạo của Mật chú, thì biết định chưa đạt được đạo thể” (21-33). “Trong này buộc phải sinh Tam ma địa từ thiên thân rõ ràng, tâm an trụ lâu. Khéo lấy phong là tâm mã, có thể nhiếp trì phong, thì ở nhất cảnh tâm dễ nhiếp trì...Tu thế này cần bao lâu? Như “Kim Cương thủ quán đỉnh kinh” nói: ‘Cho đến khi đạt được tất cả các uy nghi, có thể lấy thiên thân rõ ràng và thiên mạn tâm để che khuất đi cái mạn dung tục’. Vì thế, duy chỉ có thiên thân rõ ràng trì tâm, thì còn chưa đủ. Phải cần có thiên mạn kiên cố ở tâm này” (21-80). Lại nói: “Trong cuốn “Tô tất địa hiện quan” cũng viết: ‘Đừng có sinh khởi ý niệm thế này: Trong Sự tục chưa nói đến thứ tự tu thiên. Tuy Bạc Già Phạm Đa chưa tuyên thuyết nhưng ở cuốn “Kim Cương thủ quán đỉnh” và “Thập chủng chân thực” lại nhiều lần nói. Các thành tựu đạt được đều nhờ vào chú thiên và tu chân thực. Việc tu này nếu thất bại, thì việc cầu tiêu tai đều không đắc thành. Cho nên cần có thầy dạy và quán xét nghĩa lý trong kinh thì mới hiểu hết’. Ở đây Sự bộ có khởi thuyết thiên pháp, dẫn lời trong “Kim Cương thủ quán đỉnh” làm chứng cứ, hiển nhiên là các Thiên Yoga trong Sự bộ Hành bộ đều giống với những gì đã tuyên thuyết trước đó. Muốn hoàn thành vô lượng sự nghiệp các pháp như tiêu tai chẳng hạn, thì ắt phải trông cậy vào việc tu “Thiên và Không yoga”, cho nên mới nói Sự bộ cũng buộc phải tu Thiên (yoga), lý do vô cùng tốt đẹp” (21-55).

Vì thế khi muốn tu Minh điểm và pháp Bản Tôn, trước hết phải tu học Thiên Yoga, sau đó mới tu pháp Bản Tôn, tiếp đến mới là quán tưởng Minh điểm và tu Trung mạch Bảo Bình khí...Đó là những thứ mà Tông Khách Ba đề xướng, cho nên mới nói Thiên Yoga là gốc rễ của việc tu học Mật pháp.

Mục đích thứ hai của quán tưởng là dựa vào quán tưởng để thành Phật đạo: Nếu như lúc đả tọa mà quán tưởng từ trong tâm mình xuất hiện Bản Tôn, dần dần tu sửa thân Bản Tôn cho đến khi nó càng lúc càng trở nên trang nghiêm. Nếu khi quán tưởng thân Bản Tôn của mình thành Kim Cương Tát Đỏa thì tự thân sẽ là Kim Cương Tát Đỏa. Nếu quán tưởng Bản Tôn của mình khiến nó càng lúc càng cao lớn, càng lúc càng trang nghiêm, cho đến khi quán thành 32 hảo tướng, 80 tùy hình hảo thành công, thì tự mình sẽ trở thành Phật cứu cánh, không khác gì với Phật thật. Chính vì lẽ đó mà hành giả Mật tông bắt buộc phải tu pháp quán tưởng.

Ví như trong “Nhất thiết Như Lai chân thực nhiếp Đại thừa hiện chứng tam muội đại giáo vương kinh”, “Phật” của đạo Mật tông khai thị thế này: “Vì vi diệu Kim Cương có tương ứng, nên cần phải quán tưởng ở tự thân mình, tự thân mình hiện trong bóng trăng, tịnh Bồ Đề tâm cần quán tưởng. Tiếp nữa trong nguyệt luân tịnh diệu, cần quán tưởng vào tự thân, tự thân tức là tượng Kim Cương, Tát Đỏa Kim Cương tưởng ra không sai khác. Pháp vi diệu Kim Cương tương ứng, thì nên quán tưởng vào tự thân, tự thân Tát Đỏa Kim Cương tâm, Tát Đỏa Kim Cương tưởng ra không sai khác. Cần quán tưởng vào nơi tự thân mình, tất cả mọi chư tướng đều đầy đủ, tự thân tức là hình ảnh Phật, chư Phật Bồ Đề cần quán tưởng... Pháp vi diệu Kim Cương tương ứng, cần quán tưởng Kim Cương trụ ở trong tâm, tự thân tức là hình ảnh Phật, quán tưởng như thế tức thành Phật”. (Quyển 7).

Hành giả cần biết rằng việc tu chứng Phật Bồ Đề, phải bắt đầu từ việc thực chứng Thức thứ 8 Như Lai Tạng trước, không phải nhờ quán tưởng mà đạt thành tựu. Phật Bồ Đề trí tức là trí tuệ phát khởi từ việc chứng đắc Như Lai Tạng. Thế nhưng Mật kinh lại không dạy người ta Tham Thiền thực chứng Như Lai Tạng, mà nói quán tưởng Phật Bồ Đề, thì phải quán thế nào nào đây? Quả thật hoang đường vô cùng tận. Các hành giả Mật tông tu thành Phật như vậy, nếu như hỏi anh ta ý nghĩa của Bát Nhã, thì chắc chắn sẽ đáp là “nhất thiết pháp không”, hoàn toàn không hiểu biết tí gì về Bát Nhã thực sự - tức Trung Đạo quán của Như Lai Tạng. Nếu hỏi họ Chân Như của bản thân là gì, thì họ coi Tâm giác tri có thể quán tưởng Bản Tôn là Chân Như, chẳng khác gì so với thường kiến ngoại đạo. Ấy thế mà họ lại nói giống như chư Phật, nói là tức thân thành Phật, thật đúng là vọng tưởng.

Mật tông lại cho rằng khi quán tưởng chữ chủng tử thành tựu, thì sẽ giống như Phật, cho nên mới học pháp tu quán tưởng. Ví dụ cuốn kinh căn bản của Mật tông là “Đại Nhật kinh” nói: “Cái chữ A, là tất thảy chân ngôn tâm, từ đây lan chảy khắp ra, vô lượng các loại chân ngôn, khi đó tất thảy mọi hý luận đều dập tắt, có thể sinh ra trí tuệ thiện xảo. Bí Mật Chủ nào ngang bằng tất thảy chân ngữ tâm? Phật lưỡng túc tôn nói, chữ A gọi là chủng tử, cho nên tất thảy đều như thế, an trú ở các chi phần, như tương ứng khắp mình, y pháp đều truyền hết. Từ chữ bản sơ đó, lan đến chữ Tăng gia, các chữ đều thành âm, các nhánh đều sinh ra, do đó mà lan khắp tất cả, thân sinh ra các loại đức. Nay nói về sự phân bố, các Phật tử nhất tâm nghe: lấy tâm mà tác tâm, còn lại phân bố khắp chi phần, tất thảy đều làm như thế, tức đồng nhất với thể của ta. An trú ở Du già tọa, tìm niệm các Như Lai. Nếu như trong giáo pháp này, hiểu hết được trí tuệ quảng đại, đạt Chính giác đại công đức, nói là A xà lê, tức là Như Lai vậy, cũng tức gọi là Phật” (Quyển 5).

Như vậy, Mật tông coi chữ A quán tưởng ra là Chân ngôn tâm, chư Phật tâm, hoàn toàn khác xa so với việc Phật nói Tâm thức thứ 8 là Tâm chư Phật. Mật tông lại nói người nào quán tưởng chữ A này thành công thì tức là đồng như Phật, trở thành Như Lai, không cần tu chứng Bát Nhã và Chủng trí theo kinh Bát Nhã và kinh Duy Thức, điều này hoàn toàn trái ngược với những gì nói trong các kinh Tam chuyển pháp luân. Những người thành Phật kiểu như vậy, hoàn toàn không hiểu gì về Bát Nhã và Chủng trí, hoàn toàn hiểu sai về Bát Nhã và Chủng trí. Nếu như xin hỏi “Phật” của đạo Mật tông đó về Bát Nhã và Chủng trí, thì hoàn toàn mù tịt, không thể trả lời nổi một câu. Tu như thế mà nói “tức thân thành Phật”, thành tựu Chính Biến Tri Giác, chẳng phải là hoang đường lắm sao? Vậy có nên tin họ hay không?

Mục đích thứ ba của việc tu hành pháp quán tưởng là muốn dựa vào thành tựu quán tưởng Minh điểm để chứng đắc Bồ Đề tâm, bởi vì các hành giả Mật tông đều coi Minh điểm là Bồ Đề tâm. Tuy nhiên, phát Bồ Đề tâm chỉ là ý lạc của phàm phu phát tâm mong muốn tu học Phật đạo, còn về Thắng nghĩa Bồ Đề tâm là chỉ Thức thứ 8 A Lại Da thức – tức Như Lai Tạng mà tất thảy chúng sinh vốn dĩ đều có, không phải như Mật tông lấy Minh điểm coi là Thắng nghĩa Bồ Đề tâm. Do đó, người quán tưởng Minh điểm thành công, thực tế không phải là chứng được Bồ Đề tâm thật. Cái pháp môn quán tưởng Minh điểm như thế, quyết không thể nói đó là Phật pháp được. Cho nên, tất cả các hành giả Mật tông đều nên suy xét kỹ lưỡng về vấn đề này, để tránh lãng phí tiền tài và thời gian, lại phạm phải đại vọng ngữ nghiệp, kiếp sau phải chịu quả báo nghiêm khắc, oan uổng thân mạng vô cùng.

Mục đích thứ tư của tu hành pháp môn quán tưởng là hy vọng sau khi quán tưởng thành công, lại tiếp tục tu thêm Bảo Bình khí, dựa vào sự tu luyện Bảo Bình khí và Minh điểm để thành tựu Thiên thức pháp (pháp chuyển dời thần thức) mà vãng sinh Tịnh độ của Phật. Hoặc dựa vào công phu Minh điểm và Bảo Bình khí, tương lai sau khi thụ quán đỉnh bí mật, mới có thể hợp tu song thân pháp với người khác giới để thành “Cứu cánh Phật”, trở thành “Chính biên tri giác”.

Trên đây là bốn mục đích tu học quán tưởng. Xét từ lý luận và hành môn của Mật tông Tây Tạng, có thể thấy rằng pháp môn quán tưởng Thiên thân và Minh thể là gốc rễ tức sinh tức thân thành Phật của Mật tông, nghĩa là pháp môn quán tưởng trong đạo Mật tông cực kỳ quan trọng, là nhập môn căn bản của đạo Mật tông.

Tông Khách Ba của Hoàng giáo và Thượng sư Trần Kiện Dân của Bạch giáo cũng đều nói như thế này: “Đại thủ ấn ngoại trừ bản thân trước hết phải phá trừ nhân pháp hai thứ Vô ngã (nhân vô ngã, pháp vô ngã) lìa tâm lìa thức ra, còn phải lìa bỏ sự chấp trước Minh thể, tự nhiên sẽ đầy đủ Ngũ trí, chứng Tam thân, sự lìa xa đó càng nhiều càng đạt mức nhỏ bé, thì quá trình đắc đạo càng gần càng nhanh chóng, nhờ thế mà tức thân thành Phật. Nếu lấy sự lìa tâm của Hiển giáo coi làm cái sự lìa trong Ly hí Yoga, thì sẽ giống với bên Hiển giáo, sao có thể tức thân thành Phật được đây?” (34-802). Người Mật tông đều coi Minh thể (là Minh điểm trong Trung mạch do quán tưởng mà thành) là trung tâm của việc tu học tất cả “Phật pháp”, sau khi trải qua các loại hành môn tu chứng Minh thể, lại khởi tâm không chấp trước vào Minh thể, gọi là Ly hí Yoga (Du Già), là mình đã thành Phật. Thế nhưng cái vị “Phật” này, nếu hỏi ông ta về Bát Nhã và Chủng trí thì đều không biết và trả lời sai, mọi lời nói đều trái ngược với chân chỉ mà Phật khai thị, hoàn toàn không biết gì về nội hàm của Bát Nhã và Chủng trí, càng không thể biết Bát Nhã và Chủng trí đều có cái Thể là Thức thứ tám Như Lai Tạng.

Cũng có người học Mật tông nói thế này: “Mật tông thù thắng là ở chỗ tức thân thành Phật. Cho nên khi tu pháp, tự thân mình có thể biến thành Bản Tôn. Mình và Bản Tôn không hai không khác; Bản Tôn lại cũng không khác không hai so với tất thảy chư Phật...” (119-81). Lại có người nói thế này: “Hành giả thường ngày tận tâm tận lực tu học, thì khi chết sẽ không chịu khổ não như ý muốn, không đọa vào Lục đạo. Anh ta sau khi chết sẽ không hiện khởi Trung âm thân (thân Trung ấm), chỉ nhất tâm tưởng Không, trên không trung đột nhiên hiện ra một chữ Chủng tử (chú thích gốc: tức chữ Chủng tử của Bản Tôn tu lúc còn sống), chữ Chủng tử này biến thành Bản Tôn tu lúc sinh tiền, bản thân mình chính là Bản Tôn này mà không hai không khác. Từ giữa Tâm mình phóng quang phụng thỉnh Trí tuệ Phật, hai luồn quang dung hợp với nhau, như thế trong bảy bảy bốn chín ngày, không có ai là không thành Phật. Trong bảy ngày thứ nhất và bảy ngày thứ hai, chư Phật lục tục xuất hiện. Khi đó hành giả không thành Phật, sau ngày thứ 14 thì Kim Cương Dũng Thức ngày ngày đến, lúc này thành Phật cực dễ, lúc này chính là lúc Trung âm thân thay thế thành Phật vậy” (62-106).

Lại có người nói thế này: “Ta có bộ kinh đã bí mật lại càng bí mật hơn, phàm người nào nghe qua bảy lần, cho dù không tu, chỉ cần trong lòng thường xuyên nghĩ về những lời trong kinh, sau khi chết cũng chắc chắn có thể thành Phật. Diệu pháp bí mật này không có trong Na Lạc chính khởi phần, mà viết trong bộ kinh khác. Cái đạo thành Phật này có ba loại: Một là tức thân thành Phật (chú thích hốc: tức Pháp thân thành Phật), nếu không thể tức thân thành Phật thì hai là, Trung âm thân thay thế thành Phật (chú thích gốc: tức Báo thân thành Phật); Ba là, nếu không thể tu Trung âm thân thay thế thành Phật thì đầu sinh thành Phật, tức là tìm đến một cặp cha mẹ thật tốt lành mà đầu thai vào, để cho kiếp sau được sự cho phép của cha mẹ cho xuất gia tu pháp mà thành Phật” (62-106, 107).

Lại nói: “Vốn dĩ khẩu quyết tu pháp là tự quán thành Phật, đồng thời buộc phải tự quán thân mình cao 16 thước, to thì nhập to, nhỏ thì nhập nhỏ; Tu tập như vậy thì tương lai sau khi chết sẽ biến thành Bản Tôn, thân thể to lớn đoan trang uy nghiêm, gặp ma mà không sợ hãi. Đây là bí quyết khẩu truyền, là yếu quyết của việc tu pháp, các ngươi được nghe, đều là do tích đức nhiều đời tạo ra, nếu không quyết không thể có cơ hội tốt lành này mà cùng đến một đường (từ đường), nghe ta giảng về khải chính giác khởi phần bí càng thêm bí, mật càng thêm mật. Pháp này ở Tây Tạng, trong vạn người cũng chỉ có một hai người từng nghe, qua đó có thể biết pháp này khó gặp làm sao” (62-153).

Lại nói: “Đạo tu pháp này, quán tưởng là pháp quan trọng nhất; tức quán tưởng mạch luân chữ tam trong cơ thể, kiên cố tu tập, công hiệu tự đến. Nếu chỉ trì chú mà không quán tưởng, thì công dụng không được mấy phần. Tất cả những người chỉ trì chú đó có khác gì gọi tên người nhiều lần đâu? Người được gọi tên chẳng phát điên vì anh ta ư? Cho nên nếu chỉ trì chú một vị (đơn thuần) thì rốt cuộc cũng không có hiệu quả lớn, bắt buộc đồng thời phải tự quán mình thành Phật, bất luận lớn nhỏ thế nào cũng đều minh hiển. Đồng thời tu quán chữ mạch luân trong cơ thể mình minh hiển rõ ràng, tu tập như thế mới được thành tựu” (62-152).

Lại nói: “Hành giả nếu có thể bất luận khi tỉnh hay ngủ, mà đều có thể quán tưởng Bản Tôn minh hiển hiện tiền, tức trong giấc mơ cũng thấy Bản Tôn, thì đời này nhất định thành Phật. Nếu không được như thế, chỉ cần thường xuyên tu luyện các chương tiết đã thuật ở trên, khi chết nhất định sẽ thành Phật. Nếu ngày thường không tu, thì khi chết nghe thấy âm thanh nhỏ vang lên càng ngày càng lớn như sấm sét, mắt nhìn thấy vật nhỏ lớn như Kim Cương, nhất đinh trong lòng sẽ sinh khủng hoảng, nghĩ ngay đến chuyện tháo chạy; Sợ mà chạy thì lập tức đọa lạc ngay. Còn những người nào thường ngày đều có tu pháp, khi đó có thể không sợ hãi, nhất tâm quán tưởng tự thân mình thành Bản Tôn, chỉ chờ tử quang đến là lập địa thành Phật (thành Phật tại chỗ)” (62-190)

Tất cả những lời nói trên đều là vọng tưởng cả. Vì sao vậy? Vì những người tu hành như thế vĩnh kiếp không bao giờ thành Phật cả. Còn chưa thể thành Bồ Tát trong Tam hiền vị, nói gì đến thành Phật? Những người quán tưởng như thế, Tổng tướng trí của Bát Nhã còn chưa thể biết đến, nói gì đến việc biết đến Biệt tướng trí, Đạo chủng trí, Nhất thiết chủng trí của Bát Nhã? Không biết không hiểu các loại Trí của Bát Nhã, mà nói pháp quán tưởng có thể khiến cho người ta tức thân thành Phật, đều là vọng tưởng cả.

Lại như Thượng sư Trần Kiện Dân nói thế này: “Cho nên tự thân mình khi ở “Trung âm thân” cũng là một Trí tuệ thân, cái mà thực hành quán tưởng đó cũng là Trí tuệ thân. Hai thân hợp với nhau, chính là một Báo thân Phật” (32-138). Đem Tâm giác tri trong Trung âm thân và Trung âm thân hợp lại với nhau làm một, gọi đó là Báo thân Phật, hoàn toàn khác với Báo thân Phật nói trong Hiển giáo, sự khác biệt không thể dùng dặm mà tính được. Mà cái “Báo thân Phật” như thế chỉ là Trung âm thân và Tâm giác tri của nó, chẳng sai khác gì so với Trung âm thân và Tâm giác tri sinh ra sau khi phàm phu chúng sinh chết đi. Việc quán tưởng không thể thay đổi bản chất của nó, cũng không thể sinh ra trí tuệ Bát Nhã được, rõ ràng không liên quan gì đến Báo thân Phật trang nghiêm nói trong Hiển giáo; Thế mà Thượng sư Mật tông lại bảo Trung âm thân này là Báo thân Phật, dùng để huyễn hoặc người trong Hiển giáo rằng có thể thành Phật đạo, đem chụp đầu người học Hiển giáo, thật đúng là cuồng vọng vô cùng.

Lại nữa, nếu những người quán tưởng như vậy mà tự bảo là thành Phật thì các loại quỷ thần càng có thể tự xưng là Cứu cánh Phật rồi còn gì. Vì các loại quỷ thần đều có ngũ thông của quỷ thần, càng có thể biến hóa sắc thân của họ thành 32 hảo tướng, không chỉ như là Nội tướng phần mà các Thượng sư Mật tông quán tưởng thành thôi đâu, nên càng có tư cách thành Phật rồi chứ. Vì thế, lẽ ra phải nói rằng những kẻ thành “Phật” từ các quỷ thần càng phải cứu cánh hơn những người thành Phật của bên Thượng sư Mật tông mới đúng. Nhưng chư Phật rốt cuộc không có thọ ký cho các quỷ thần đó sau này có thể thành Phật, huống hồ chỉ là hình ảnh Nội tướng phần do Mật tông hiện nay quán tưởng mà thành lại có thể thành Phật? Cho nên mới nói pháp quán tưởng thành Phật của Mật tông đều là hư vọng tưởng vậy.

 

 


Bài trước

Bài sau

Trang chủ

Lượt xem trang: 0