Chân tướng
Mật Tông Tây Tạng

Phật giáo Tạng truyền thật sự là Giác Nãng Ba, hoằng dương diệu pháp Như Lai Tạng Tha Không Kiến, hoàn toàn phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo. Tứ đại giáo phái Hồng, Hoàng, Hoa, Bạch là Phật giáo Tạng truyền giả, tất cả các pháp nghĩa của họ đều không phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo, cho nên là tà giáo, tà pháp.

Tiết 6: Mật tông là kẻ thoán ngôi chính thống của Phật giáo

Mật tông vốn là pháp dựa vào Phật môn để tồn tại, vốn dĩ là pháp liên quan đến các thần hộ pháp bảo vệ Phật giáo, vốn dĩ không có kinh điển gì hết. Sau này họ mới trường kỳ sáng tác Mật kinh tập thể: Đầu tiên là có “Kim Cương Đỉnh kinh”, nội dung chỉ là pháp môn nghi quỹ quán tưởng, không nói gì đến Thực Tướng. Trong cuốn kinh này chỉ nói đến việc quán tưởng thành Phật và sáng tạo ra các hành môn như thủ ấn, chú ngữ. Sau này mới xuất hiện “Đại Nhật kinh” giải thích về pháp “Thực tướng vô tướng”, thế nhưng pháp nghĩa về Thực tướng vô tướng mà họ nói lại khác xa so với những gì mà Thế Tôn tuyên thuyết (Chi tiết xem “Kim Cương Đỉnh kinh” thuộc Đại Chính Tạng sách 18, trang 208~220). Cho nên mới nói các kinh của họ tuyệt đối không phải là Phật thuyết, chỉ là “kinh Phật” ngụy tạo do người trong Mật tông từng bước kết tập mà thành, không phải là Phật pháp. Thế nhưng, pháp sư Ấn Thuận lại không nghiêm khắc khiển trách họ về vấn đề này, cũng không thuyết minh gì nhiều, ngược lại còn viết rất nhiều sách nói rằng các kinh Đại thừa là do các đệ tử kết tập trường kỳ mà có sau khi Phật đã nhập diệt, rốt cục là có dã tâm gì?

Mật tông với các loại tri kiến tà trái hoang đường và các pháp môn “tu hành” quái dị du nhập từ ngoại đạo đã sáng tác ra các cuốn kinh như “Đại Nhật kinh”, giả xưng đó là pháp mà Báo thân và Pháp thân trang nghiêm của Phật Thích Ca Mâu Ni nói, lồng ghép vào trong Phật giáo. Như vậy là các tà kiến ngoại đạo đó đã lan khắp trong các pháp môn tu hành của Mật tông. Các thượng sư của Tạng Mật xưa nay còn rất thích sao chép của nhau, để làm cho trước tác của mình dầy lên mà lòe người. Cho nên các điển tịch Mật tục của Mật tông Tây Tạng có thể nói là nhiều như lông bò, số lượng rất đồ sộ, khó mà kể hết được. Bộ cuốn sách này tuy đã tăng lên đến tập 4 rồi mà vẫn chưa thể nêu ra hết các ví dụ. Nhưng cho dù có tăng lên đến 40 tập đi chăng nữa cũng không dẫn chứng hết được. Cũng vì những gì mà Mật tục nói ngàn quyển một khuôn, đều cùng thuộc về pháp tu song thân, lý luận và hành môn giống nhiều khác ít, chỉ là các thầy Tây Mật vì mong muốn được người sùng bái lúc hoằng pháp, nên đã sao chép từ các trước tác của các thượng sư đời trước, do đó chẳng có chỗ nào khác nhau cả. Nếu như dẫn chứng hết từng cuốn một, độc giả đọc xong tất sẽ phát bực, cho nên không cần thiết phải nêu từng ví dụ nữa. Tuy nhiên, từ các lý luận và pháp tu của các tông phái chủ yếu nêu ra trong tập 4, các độc giả có thể thấy rõ được tổng thể về Mật giáo rồi.

Từ các duyên cớ như thế, nên mới nói Mật tông chỉ là tôn giáo lấy phương tiện làm cứu cánh (bởi coi bề ngoài là thật), chỉ là tôn giáo lấy ngoại đạo pháp thay thế cho Phật pháp (vì lấy pháp tu song thân vô thượng yoga là chính tu của Phật pháp), chỉ là tôn giáo mê tín thượng sư và Mật tục (vì chỉ dựa vào thượng sư và Mật tục mà không dựa vào các kinh điển Hiển giáo), chỉ là tôn giáo phá hoại Phật giáo thực sự (vì họ rất khéo đem các pháp hữu vi như Minh điểm, bình khí, dâm lạc trong cơ thể phối với các danh tướng quả vị Đẳng giác Diệu giác và Thập địa trong Phật pháp). Mật giáo luôn bí ẩn kỳ quái, thu thập các hành môn không liên quan gì đến Phật pháp mà ngoại đạo vẫn thường tu, hư vọng xây dựng nên thành pháp môn tu hành cao hơn trong Phật giáo, cho rằng đó là mật nghĩa thực sự mà trong Hiển giáo chưa từng tuyên thuyết, khiến người ta tin theo, kỳ thực đều là những ngôn từ xảo biện, tuyệt đối không phải là Phật giáo. Tà kiến của Mật giáo lấy cuốn “Thậm thâm nội nghĩa” làm trước tác có tính đại diện nhất, vì thế những gì Mật tông nói đều không nên tin theo, để tránh càng tu lâu ngày, ngược lại càng xa Phật đạo hơn.

Thế nhưng các thày của Mật giáo lại cực giỏi xảo biện, ví dụ như thượng sư của Mật giáo nói thế này: “Nay nói vắn tắt ý nghĩa của nó, như trên đã nói Thậm thâm nội nghĩa có hai chân lý: Vô phân biệt là Chính kiến; lấy khí mạch, Minh điểm ước thúc để phương tiện hoàn thành tất thảy sự nghiệp là Chính hành, nó hiện chứng chính quả Như Lai Tạng” (34-513~514).

Tuy nhiên, Như Lai Tạng mà Mật tông nói ở đây không phải là Như Lai Tạng mà Phật thuyết, mà là đem pháp hữu vi như Trung mạch, Minh điểm do tự mình phát minh ra để nói đó là Như Lai Tạng mà Phật truyền dạy, khác xa với những gì mà Phật nói. Mật tông coi việc quán tu Minh điểm của ngoại đạo pháp, cho rằng như thế là đã chứng chính quả Như Lai Tạng, tức là thay thế Phật pháp bằng ngoại đạo pháp, sau đó nói rằng các Bồ Tát đã thực chứng được Như Lai Tạng bên Hiển giáo là có chứng lượng nông cạn, qua đó để sùng Mật ức Hiển. Còn các đại sư Hiển giáo thì đa phần đều không biết nội tình uẩn khúc của họ nên không dám lên tiếng bác bỏ, khiến cho Hiển giáo ngày càng co cụm lại, không ai còn dám tin, dám học, dám tu, thậm chí là tiêu vong. Đợi đến khi thế lực của Mật tông rộng lớn hơn, trở thành đại diện duy nhất của Phật giáo, thì coi như đã hoàn thành sự nghiệp soán ngôi chính thống của Phật giáo.

Như thế mà vọng xưng rằng đã chứng Phật pháp, đã thành bậc hiền thánh, lại ăn bám theo các bậc cổ đức thời xưa của Hiển giáo, nói họ đã tu chứng ngang với cổ đức, nhằm hiển dương tông phái mình: “Lại như A xà lê luận sư Nguyệt Xứng nói: ‘Cái thân tịch tĩnh, như Ma ni minh hiển, tâm vô phân biệt như bảo bối như ý kia, chúng sinh chưa tận, thường trụ ở thế gian. Có thể nhân từ (năng nhân) nhất thời, đẳng lưu lìa hý thân, khi công đức sát na sắc thân hiển hiện, rõ ràng hiểu biết chính pháp sinh ra lý, thị hiện không thiếu sót, tuyên thuyết không thiếu gì’, lại nói rằng: ‘thù thắng tịch tĩnh thế gian chưa từng có, tận hư không giới khi chưa từng thông đạt, Phật Mẫu trí tuệ và nhũ mẫu đại bi, nhận trì Niết Bàn, năng nhân hiếm có trên đời’. Có thể dẫn chứng: đạo lý Mật tông như trên, không có sai khác gì so với Phật quả mà Long Thụ, Vô Trước, Nguyệt Xứng từng đạt được” (34-512).

Thế nhưng những lời nói trên đều chỉ là vọng thuyết. Bởi những nội dung mà các Bồ Tát Long Thụ, Vô Trước hoằng truyền mới là chính nghĩa Đại thừa của pháp Như Lai Tạng, tuyệt đối không phải là tà kiến Trung Quán phái Ứng Thành như “Bồ Tát” Nguyệt Xứng của Thiên Trúc chỉ chấp nhận có sáu Thức đầu mà phủ nhận Thức thứ bảy và Thức thứ tám, cũng tuyệt đối khác với tà kiến của Mật tông lấy Minh điểm làm Như Lai Tạng. Như thế thì ngoại đạo kiến của Nguyệt Xứng sao có thể sánh ngang, ăn bám, phụ họa với chính pháp của các bậc Bồ Tát địa thượng[1] như Long Thụ và Vô Trước được? Lại nữa, Bồ Tát Long Thụ và Vô Trước đều hoằng truyền Thức thứ tám Như Lai Tạng, còn Nguyệt Xứng thì phủ nhận Thức thứ tám, trở thành kẻ phá hoại chính pháp Phật giáo từ gốc rễ, trái ngược hoàn toàn với hai vị thánh đó, thì sao có thể nói pháp của ba người là không có phân biệt được?

Thế mà Mật giáo vẫn luôn vọng giải kinh Phật nói theo ý riêng, với cách giải thích theo ý riêng đó lại tự xưng rằng mình có thể biết, có thể chứng được Phật pháp, thực tế là chẳng liên quan gì đến tu hành trong Phật giáo, không thể nói đó là một tông phái của Phật giáo được. Mật giáo với tri kiến phàm phu tùy tiện giải thích Phật pháp như thế, dẫn dắt pháp môn “tu hành” của ngoại đạo vào thay thế cho Phật pháp, khiến người ta tin rằng đó thật sự là tông phái chi nhánh của Phật giáo, sau đó sùng Mật ức Hiển để thoán đoạt địa vị đại biểu của Hiển giáo, kỳ thực thuần túy chỉ là ngoại đạo tà kiến, tà pháp, tà tu mà thôi, là kẻ soán nhập ngôi chính thống của Phật giáo.

Mật tông soán nhập ngôi chính thống của Phật giáo như vậy, thật đúng là kẻ mắc trọng tội phá hoại Phật pháp. Người học không biết sự thực này mà lao vào tu học pháp môn của Mật tông, cuối cùng quả báo mà họ có được chính là: Đời này rơi vào trong tà kiến và thường kiến ngoại đạo pháp, tuyệt duyên với đạo Giải Thoát và đạo Phật Bồ Đề; sau khi chết thì rơi vào trong địa ngục, tương lai sẽ phải chịu chính báo thuần khổ cực nặng trong vô lượng đời. Đó là vì tham gia tu hành trong Mật giáo chính là tự tạo nghiệp hành trụy lạc; hoằng truyền pháp môn của Mật giáo chính là dẫn dắt sai lầm cho chúng sinh, phá hoại Phật pháp; đem “cảnh giới tu chứng” của Mật giáo ra để nói mình đã chứng quả vị Phật pháp chính là nghiệp địa ngục của đại vọng ngữ đó.

Ví dụ như trong phần cuối quyển 6 của “kinh Lăng Nghiêm”, Phật đã khai thị rằng:

“Này A Nan! …Dâm tâm không trừ, không thể ra khỏi trần ai. Cho dù có nhiều trí tuệ, có thiền định hiện tiền mà không đoạn được dâm tâm thì tất sẽ rơi vào ma đạo: Thượng phẩm thì thành ma vương, trung phẩm thì thành ma dân, hạ phẩm thì thành ma nữ. Các loại ma đó cũng có tín chúng, ai nấy đều tự xưng thành đạo Vô thượng; Sau khi ta diệt độ, trong thời Mạt pháp sẽ xuất hiện nhiều loại ma dân này lan tràn khắp thế gian, quảng truyền đạo tham dâm, tự xưng là thiện tri thức, khiến cho các chúng sinh lạc vào hố sâu ái kiến, mất đi con đường tu chứng Bồ Đề. Ngươi dạy thế nhân tu Tam ma địa, trước hết phải đoạn cái Tâm dâm, đó là lời dạy sáng suốt thanh tịnh quyết định hàng đầu của Phật Thế Tôn Như Lai các đời trước…

Tâm sát không trừ thì không thể nào thoát khỏi Tam giới, cho dù có nhiều trí tuệ, đạt được Thiền định hiện tiền mà không đoạn trừ sát nghiệp thì chắc chắn sẽ rơi vào đạo quỷ thần. Người thượng phẩm thì làm Đại lực quỷ, người trung phẩm thì làm Dạ xoa, các quỷ soái bay lượn …còn kẻ hạ phẩm thì làm La sát đi dưới đất. Các quỷ thần đó cũng đều có tín đồ, ai nấy đều tự xưng là đã đạt được đạo Vô thượng. Sau khi ta diệt độ, trong thời mạt pháp, những loại quỷ thần đó đầy rẫy thế gian, tự tuyên xưng rằng ăn thịt vẫn có thể đắc Bồ Đề quả…Cớ gì mà sau khi Như Lai diệt độ, ăn thịt chúng sinh lại gọi là Thích tử? Các ngươi nên biết: Người ăn thịt, cho dù tâm khai như Tam ma địa, đều là đại La sát, sau khi mệnh hết tất sẽ luân lạc vào biển khổ sinh tử, không phải là đệ tử Phật. Những kẻ như thế giết nhau nuốt nhau, ăn nhau không ngớt, thì sao kẻ đó có thể ra khỏi Tam giới được? Ngươi dạy thế nhân tu Tam ma địa, thứ đến là phải đoạn nghiệp sát sinh, đó là lời dạy sáng suốt thanh tịnh có tính quyết định thứ hai của Phật Thế Tôn Như Lai các đời trước…

Lòng ăn trộm không trừ bỏ, thì không thể nào thoát khỏi vòng trần ai. Dù cho có nhiều trí tuệ, Thiền định hiện tiền mà không đoạn trừ được tâm ăn trộm thì tất rơi vào tà ác đạo: Kẻ thượng phẩm thì làm tinh linh, kẻ trung phẩm thì làm yêu mị, kẻ hạ phẩm thì làm tà nhân bị các quỷ mị bám chặt… Ngươi dạy thế nhân tu Tam ma địa, sau đó là phải đoạn nghiệp ăn trộm, đó là lời dạy sáng suốt thanh tịnh có tính quyết định thứ ba của Phật Thế Tôn Như Lai các đời trước…

Nếu phạm tội đại vọng ngữ, tức Tam ma đề không được thanh tịnh, thành ma ái kiến, mất đi hạt giống Như Lai, đó là chỉ việc không đắc nói đắc, không chứng nói chứng; hoặc cầu chứng tôn thắng đệ nhất thế gian, nói với người ta rằng: Tôi đã đắc Tu đà hoàn quả, …các vị Bồ Tát thập địa trước địa, cầu họ lễ sám, tham muốn sự cúng dường của họ…Sau khi ta diệt độ, báo cho các Bồ Tát và A La Hán ứng thân sinh đến các đời mạt pháp đó, thị hiện các hình tướng để độ chúng ra khỏi luân chuyển: hoặc làm sa môn, cư sĩ tại gia, vua quan tể tướng, đồng nam đồng nữ, như thế cho đến cả dâm nữ quả phụ, thông gian, ăn trộm, đồ tể, buôn bán, cùng làm việc với họ, xưng tán Phật thừa, khiến cho thân tâm họ nhập Tam ma địa, cuối cùng không còn tự nói “Ta là Bồ Tát thật, A La Hán thật”, không tiết lộ Mật ý của Phật, không khinh khi kẻ mạt học, duy trừ lúc mệnh chung mới để lại lời giao phó. Vì sao kẻ đó lại mê hoặc nhiễu loạn chúng sinh, thành tội đại vọng ngữ? Ngươi dạy thế nhân tu Tam ma địa, tiếp sau đó còn phải đoạn trừ các đại vọng ngữ, đó là lời dạy sáng suốt thanh tịnh có tính quyết định thứ tư của Phật Thế Tôn Như Lai các đời trước. Vì thế, này A Nan! Nếu kẻ nào không đoạn nghiệp đại vọng ngữ của mình, chẳng khác gì nặn khắc phân người thành hình gỗ đàn hương, muốn cầu có được mùi thơm, tuyệt không có chuyện đó… Nói lời giống như ta nói, gọi là Phật nói; không nói giống như thế, là ma Ba Tuần nói”.

Các Bồ Tát Hiển giáo tuyệt đối không bao giờ nói với người ta rằng: hành dâm sẽ được thành Phật đạo. Nay phản quan Mật giáo, họ đều tự xướng ngôn rằng “Tham cầu dâm dục Đệ tứ hỷ có thể tức thân thành tựu Phật đạo”, thì chắc chắn sẽ rơi vào ma đạo, làm trái với lời dạy sáng suốt thanh tịnh đầu tiên của Phật. Các Bồ Tát Hiển giáo cũng nhất định cũng dạy người ăn chay, không sát sinh, thương xót chúng sinh. Còn các thày xưa nay như Tông Khách Ba của Mật giáo thì lại xướng ngôn rằng: Ăn thịt không có tội, hơn nữa có thể thông qua đó để siêu độ chúng sinh. Họ lại còn đem Ngũ nhục để cúng dường cho các quỷ thần, La sát hóa hiện thành hình tượng Phật Bồ Tát… Họ không đoạn nghiệp sát sinh, làm trái ngược với lời dạy sáng suốt thanh tịnh thứ hai của Phật.

Các Bồ Tát Hiển giáo cũng nhất định cũng dạy người đời quảng tu bố thí để có được tài báo trong đời sau. Còn các thượng sư Mật giáo thì lại tu phúc đức bằng quán tưởng, còn tu pháp thần tài bằng cúng lửa, muốn cầu nhân quả trái với bố thí, dựa vào sức mạnh quỷ thần để đoạt lấy lợi ích không chính đáng ở đời này, như thế là ăn trộm quả báo tiền tài của người khác mà anh ta vốn dĩ được hưởng. Họ đã thành tựu trọng tội trộm cắp, tâm trộm không trừ, làm trái với lời dạy sáng suốt thanh tịnh thứ ba của Phật.

Các Bồ Tát Hiển giáo sau khi chứng quả, trước sau cũng không nói với người ta rằng: Ta đã chứng đắc được quả địa nào đó, đã thành Phật rồi. Còn các thượng sư Mật giáo thì thường xuyên nói các lời đại vọng ngữ, thay thế pháp mà Phật nói bằng các pháp ngoại đạo – chưa chứng Như Lai Tạng mà nói mình đã chứng Như Lai Tạng, chưa ngộ Bát Nhã mà nói mình đã ngộ Bát Nhã, chưa chứng quả Giải thoát mà tự nói mình đã chứng quả Giải thoát, chưa chứng chư địa mà nói đã chứng chư địa, chưa chứng Phật quả mà nói đã chứng Phật quả. Tất cả các đại vọng ngữ như thế đều là trái ngược với lời dạy sáng suốt thanh tịnh thứ tư của Phật.

Pháp tà trái hoang đường của Mật giáo như thế, hại người hại mình – hại người không chỉ một đời mà còn di hại cho người đời nay, đời sau phải chịu nỗi thuần khổ cực nặng nơi địa ngục trong vô lượng đời, trải qua rất nhiều kiếp, thảm khốc vô cùng tận. Như thế sao còn có thể lên tiếng yêu cầu Bình Thực tôi không được nói ra những tội lỗi, sai lầm của họ, cứ mặc nhiên ngồi để Mật giáo tiếp tục tàn hại chúng sinh đây?

Trong “Kinh Lăng Nghiêm” quyển 8, Phật nói: “Lại nữa, này A Nan, các chúng sinh đó không chỉ phá luật nghi, phạm Bồ Tát giới, hủy Phật Niết Bàn, còn các tạp nghiệp khác, phải chịu thiêu cháy trong nhiều kiếp, sau khi hoàn trả tội xong, lại phải chịu trở thành các loại quỷ… Này A Nan! Bọn họ đều luyện tâm ở nhân gian, không đi theo Chính Giác, chứng đắc cái lẽ sống riêng, thọ ngàn vạn tuổi. Họ nghỉ ngơi sống ở nơi thâm sơn hoặc đảo vắng ở biển lớn, cách tuyệt với cảnh giới loài người. Rồi bọn họ cũng luân hồi vọng tưởng lưu chuyển, không tu Tam muội, khi xả báo sẽ quay lại tán nhập vào các đạo khác”. Thế nhưng, pháp mà Mật giáo hoằng truyền chỗ nào cũng dẫn dắt chúng sinh “không chỉ phá luật nghi, phạm Bồ Tát giới, hủy Phật Niết Bàn”, cho nên như Phật đã nói: Sau khi mệnh chung, sẽ hợp nhất với “các tạp nghiệp khác” do học Mật gây ra để chịu quả báo “thiêu cháy trong nhiều kiếp, sau khi hoàn trả tội xong, lại phải chịu trở thành các loại quỷ”, sau này khó mà được sinh trong nhân gian để nghe được chính pháp Phật giáo. Những việc này có liên quan cực lớn đối với các hành giả học Mật, sao có thể hàm hồ bỏ qua, không dám luận bàn? Cho nên, tất cả những người học, thượng sư Mật giáo đều phải nên trừ bỏ thứ tình cảm và sự chấp bám tình cảm này, khéo léo tăng cường biện chính tư duy, sau đó tiến hành lấy bỏ, như thế mới là người có trí tuệ.

Lại nữa, trong cuốn “Kinh Lăng Nghiêm” quyển 9, Phật cũng nói: “Những người đó coi Pháp thân Bồ Đề Niết Bàn Phật chính là thứ hiện tiền trên thân người mình, cha cha con con đời đời tương sinh, tức là Pháp thân thường trụ bất tuyệt. Họ đều chỉ ra rằng hiện tại chính là Phật quốc, không khác gì tịnh cư và tướng kim sắc. Những kẻ đó tin theo, quên mất tâm trước, thân mệnh quy y, đắc những thứ chưa từng có. Những kẻ ngu đó mê hoặc làm Bồ Tát, truy cầu tâm đó. Phá luật nghi Phật, ngấm ngầm hành tham dục, trong miệng nói hay: ‘nhãn nhĩ tỵ thiệt đều là Tịnh độ, nhị căn nam nữ tức là nơi thật của Bồ Đề Niết Bàn’…Các ngươi nên biết trước, không nhập luân hồi; mê hoặc không biết, đọa địa ngục Vô Gián” (“Đại Chính Tạng” 19-150 trên)

Mật giáo đều nói hai căn[2] nam nữ chính là nơi chân thực của Niết Bàn Bồ Đề thành Phật, cho nên khi chứng được Đệ nhất hỷ cho đến Đệ tứ hỷ trong dâm lạc, đều buộc phải đem sự cảm nhận dâm lạc đó cúng dường cho “Phật” trụ ở trong hạ thể (âm hộ) của Minh Phi, đồng thời trong cơn cực khoái tình dục cũng buộc phải quán tưởng “Báo thân Phật” hai thân nam nữ lõa thể ôm nhau đang hành dâm trong hạ thể của nữ hành giả Mật tông và thụ hưởng quả báo dâm lạc, như thế gọi là cúng dường Báo thân Phật. Pháp này của Mật tông chính là tà pháp “dâm dâm tương truyền” của thiên ma mà Phật nói trong “Kinh Lăng Nghiêm” đó. Việc Mật giáo lấy ngoại đạo pháp thay thể cho chính pháp Phật giáo như thế, cuối cùng lại có thể đại diện cho toàn bộ Phật giáo Thiên Trúc, thì sao không gọi nó là kẻ thoán ngôi chính thống của Phật giáo? Pháp sư Ấn Thuận vì duyên cớ gì mà ra sức biện hộ cho Mật giáo, nói Mật giáo “không phải là kẻ thoán ngôi chính thống của Phật giáo”?

Lại nữa, pháp của Mật tông vốn chỉ là tà kiến, thứ tà kiến mà Phật sớm đã bài bác từ lâu: “Này A Nan, ngươi nên biết rằng, mười loại ma ấy vào thời mạt pháp xuất gia tu đạo ở trong pháp ta; hoặc chúng bám lên thân người (chiếm thể xác), hoặc tự hiện hình, đều nói rằng chúng đã trở thành đấng Chính Biến Tri, tán thán dâm dục, phá luật nghi của Phật. Đầu tiên là thầy ác ma và đệ tử ma hành dâm đời đời tương truyền, những tà tinh đó mê hoặc bám lấy tâm phủ, gần thì chín đời, nhiều thì hơn 100 đời, khiến cho kẻ chân tu hành cuối cùng thành quyến thuộc của ma, sau khi mệnh chung tất thành ma dân, mất đi Chính Biến Tri, đọa vào địa ngục Vô Gián” (“Kinh Lăng Nghiêm”, quyển 9, Đại Chính Tạng, 19-151 giữa). Như vậy, các thày trò Tạng Mật dâm dâm tương truyền, trở thành đệ tử ma, tất đọa địa ngục. Các hành giả Mật tông không thể không suy nghĩ cho kỹ càng.

Mật giáo tự xưng rằng lấy dục ngừa dục, tham dục là đạo, nói có thể thành Phật đạo nhờ dục. Thế nhưng, nếu xem nội dung cuốn “Đả Na Lạp Đạt mật truyện” do đại tổ sư Mật tông giả mạo tên của Đa La Na Tha viết ra, thì thấy thực tế là ghi chép lại lịch sử tình ái một đời dâm lạc với vô số con gái của thượng sư vốn do bọn họ ngụy tạo ra mật truyện. Hơn nữa, trong “truyện ký” được viết ra bằng cách mạo danh này, chúng ta thường có thể thấy ông ta ham muốn hành dâm với rất nhiều người nữ, truy cầu lạc xúc của Đệ tứ hỷ, cho rằng đó là hành động quan trọng để tinh tấn thành Phật, mà những người tu hành lâu năm trong Mật giáo đều phổ biến cho rằng đó là Mật tục vô cùng quan trọng, trân quý vô cùng. Với những hành vi đồi bại như thế mà lại cưỡng ngôn xảo biện thành pháp môn vô thượng tu hành Phật pháp chân chính, qua đó để sùng Mật ức Hiển, thay thế cho chính pháp Phật giáo ở Thiên Trúc khi xưa, cuối cùng thay thế luôn cả Phật giáo Thiên Trúc, thật đúng là kẻ soán ngôi chính thống của Phật giáo.

Mật tông nổi tiếng trong “giới học thuật Phật giáo” vì “lối tu hành ẩn mật quái dị”, lý luận và hành môn hoang đường quái đản của họ rất nhiều. Trong cuốn sách này chỉ có thể nêu ra những nội dung lớn, còn những chuyện lặt vặt chưa nêu ra không thể nói từng việc một được. Những người trong Mật giáo sau khi đọc những lý lẽ trong cuốn sách này, tự sẽ biết rõ.

Phật giáo Thiên Trúc diệt vong bởi tay Mật tông là có nguyên nhân của nó – đều là do trò mận thay đào chết của Mật giáo gây ra, còn các Bồ Tát xuất gia như tỳ kheo, tỳ kheo ni của Hiển giáo thì không hề cảnh giác, cho nên cứ ngồi để cho Mật giáo đạt được mục đích bằng thủ đoạn soán nhập ngôi chính thống của Phật giáo, Phật giáo Thiên Trúc vì thế mà bị diệt bởi tay Mật tông. Nếu như pháp môn tu hành dâm lạc Song thân pháp quả thật có thể khiến người ta chứng được đạo Giải Thoát thì tôi cũng chẳng có lý do gì phản đối họ cả. Nếu người nào dựa vào sự tu hành của họ mà có thể thành tựu đạo Phật Bồ Đề thì tôi nhất định sẽ tán thành với họ. Thế nhưng nay thấy lý luận và hành môn của họ đều trái ngược với đạo Giải Thoát và đạo Phật Bồ Đề, thì quả thực thấy đã nghiêm trọng đến mức không gì hơn, cho nên mới phản đối họ.

Mật giáo tự rêu rao rằng bản tông có pháp tu song thân, cho nên khinh miệt các tông phái Hiển giáo không có pháp tức thân thành Phật này. Thế nhưng, pháp này lại nói rằng “Hồng bạch Minh điểm của nam nữ sau khi hành dâm lạc mà trộn lẫn, trao đổi với nhau thì mới có thể nhanh chóng thành Phật”, như thế là khác với việc Phật nói rằng “tất thảy chúng sinh đều vốn dĩ có đầy đủ ‘pháp chủng vô lậu’ thành Phật”, vì hành giả Mật tông phải đợi khi hai bên đều nhập vào cơn cực khoái tình dục, thu lấy Minh điểm ‘pháp chủng vô lậu’ của người khác giới kia thì sau đó mới có thể thành tựu Phật đạo. Cái ‘pháp chủng vô lậu’ như thế thì sao có thể nói là thứ vốn dĩ có đầy đủ được? vì còn phải dựa vào việc thu lấy từ cơ thể của người khác mà. Thật đúng là cuồng tưởng thành Phật của kẻ vô trí tuệ. Mật giáo bày ra pháp tức thân thành Phật bằng thứ cuồng tưởng đó, thay thế cho chính pháp Hiển giáo mà Phật Thích Ca Thế Tôn tuyên thuyết, tăng cường sùng Mật ức Hiển để đạt được mục đích khống chế hoàn toàn Mật giáo, khiến cho Phật giáo chân chính bị diệt vong, đúng là kẻ soán ngôi chính thống của Phật giáo. Pháp sư Ấn Thuận lẽ ra không nên biện hộ cho việc soán ngôi chính thống Phật giáo đó của Mật tông mới phải.

Trong điển tịch của Mật tông Tây Tạng còn nói rằng: “Chứng được từ đăng địa trở lên từ khí mạch, người nữ tuy dựa vào mà không đến mức phạm giới, ví dụ các nhà đại thành tựu của Ấn Tạng, dựa vào người nữ có thể hiển thần thông bất hoại. Nếu không biến hiện thần thông hiển công năng, khí mạch tuy tốt cũng có thể dùng người nữ, tội tổn hại giáo hóa của Phật cũng lớn. Tăng chúng xuất gia hỗ trợ nhau xuất tinh, hành vi này ở các chùa hiện nay rất nhiều, tuy phạm giới nặng nhẹ khác nhau, nỗi đau khổ ở vô lượng địa ngục há dễ chịu nổi sao?” (Xuất xứ đã nêu rõ phần trước).

Đoạn văn trong điển tịch Mật tục này có thể chứng minh rằng trong các tự viện của Mật tông Tây Tạng khi ấy đều đã xuất hiện tình trạng các Lạt Ma hành dâm với người nữ. Những tự viện như thế mà có thể được coi là tự viện của Phật giáo ư? Thế mà Ấn Thuận lại nhìn mà vờ không thấy sự thực này, không chịu thừa nhận Mật tông chính là “kẻ soán ngôi chính thống của Phật giáo”, lại còn viết sách biện hộ cho họ?

Ví dụ như trong sách của mình, Ấn Thuận viết: “‘Thế giới tất đàn của Phật pháp vẫn siêu thắng hơn thần giáo ở thế gian, bởi vì ở đây vẫn có thành phần nghiêng về giải thoát’, tất cả những thứ này đều là Phật pháp. ‘Đại thừa bí mật’ chính là chủ lưu của Phật giáo thời kỳ cuối, đây là sự thực trong lịch sử Phật giáo, cho nên tôi không thể đồng ý với phê bình ‘soán ngôi chính thống’ được. Đều là Phật pháp đang được lưu truyền, cho nên không hề phủ định triệt để một số Phật pháp nào đó” (“Hoa Vũ Tập – tập bốn” Phật giáo nhân gian khế lý khế cơ, trang 32).

Thế nhưng, Mật tông tuyệt đối không phải là chủ lưu của Phật giáo vãn kỳ, vì pháp nghĩa của họ khác hẳn với Phật pháp trong dòng chảy của Phật giáo, bởi pháp nghĩa của họ hoàn toàn là ngoại đạo pháp. Còn Trung Quán của Mật giáo, đặc biệt là Trung Quán phái Ứng Thành mà Ấn Thuận tôn sùng, ra sức hoằng dương một đời, kỳ thực chính là hý luận Trung Quán thuộc Vô nhân luận của ngoại đạo, nó phủ định sạch trơn thắng pháp Thức thứ tám Như Lai Tạng, chứ không phải là “Mật tông không hề phủ định triệt để một số Phật pháp nào đó” như Ấn Thuận nói. Cho nên, những lời lẽ mà Ấn Thuận biện hộ cho Mật tông đều không phải là lời thành thực, vì Ấn Thuận biết rõ Trung Quán phái Ứng Thành của Mật tông phủ định sạch trơn pháp Thức thứ tám Như Lai Tạng mà Phật đã tuyên dạy.

Tông Khách Ba của Hoàng giáo Mật tông kế thừa Trung Quán phái Ứng Thành do thượng sư Nguyệt Xứng của Thiên Trúc hoằng truyền, phủ nhận triệt để thắng pháp Như Lai Tạng Thức thứ tám mà Phật nói, hoàn toàn trái ngược với Trung Đạo Quán Bát Nhã trong Phật pháp. Còn Trung Quán phái Tự Tục của ba đại phái khác thì chỉ là vọng tưởng cảnh giới Tâm ý thức của thường kiến ngoại đạo, tuyệt đối không phải là Phật pháp, cho nên mới nói bản chất của Mật tông thuần là ngoại đạo, chắc chắn không phải là Phật giáo. Ấn Thuận mê muội trước sự thực này, nói Mật tông là chủ lưu của Phật giáo thời kỳ cuối, thực sự là mắc sai lầm lớn. Vì sao vậy? Vì Trung Quán kiến trong Mật giáo và pháp tức thân thành Phật đều không phải là chính pháp của Phật giáo, đều là ngoại đạo pháp cả.

Ví dụ như Trung Quán kiến phái Tự Tục của Mật tông, Đại thủ ấn Minh quang hay Đại thủ ấn Minh không của họ đều là lấy Tâm ly niệm linh tri làm Như Lai Tạng, tức là ngộ nhận Tâm giác tri là Tâm Thực Tướng của Pháp giới, giống với pháp thường kiến ngoại đạo, rõ ràng không phải là tư tưởng chủ lưu của Phật giáo. Trung Quán kiến phái Ứng Thành thì lại là pháp hư tướng của Vô nhân luận, chứ không phải là pháp Thực Tướng mà Phật nói, vì họ đã phủ nhận sạch trơn pháp Thực Tướng Thức thứ tám mà các kinh Bát Nhã, Duy Thức, A Hàm đã giảng, khiến cho Niết Bàn vô dư mà bậc Vô học của Nhị thừa chứng được trở thành Đoạn diệt kiến[3], khiến cho Niết Bàn vô dư bị biến thành một sự ức tưởng không thể biết, không thể chứng. “Trung Quán” Vô nhân luận của phái Ứng Thành đã phủ nhận triệt để tận gốc chính pháp Tam thừa của Phật giáo như vậy, thế mà pháp sư Ấn Thuận lại trừng mắt nói mò, công khai viết trong sách tán dương Mật giáo rằng: “Đều là Phật pháp đang được lưu truyền, cho nên không hề phủ định triệt để một số Phật pháp nào đó”, qua đó để ủng hộ tà thuyết, tà giáo phá hoại chính pháp Phật giáo của Mật tông, khiến người ta không thể tha thứ được.

Còn pháp tức thân thành Phật hợp dâm nam nữ song thân thì thuần túy chỉ là tư tưởng của phái Tính Lực ngoại đạo, duy chỉ khiến cho người ta mãi mãi rơi vào trong Dục giới, cũng hoàn toàn trái ngược với đạo Giải Thoát và đạo Phật Bồ Đề mà Phật thuyết. Người xuất gia trong Phật giáo tu môn này thì sẽ đọa vào trong tội địa ngục hủy phạm Thập trọng giới. Do “Trung Quán kiến” phái Ứng Thành phủ định sạch trơn Thức thứ tám Như Lai Tạng, không thừa nhận Thức thứ tám là có thực, cho nên sẽ không cần phải tu chứng Thức thứ tám Như Lai Tạng, càng không coi việc tu chứng Như Lai Tạng làm mục đích chính tu của Phật pháp, vì thế mà khiến cho pháp tu song thân có được không gian sinh tồn, được hoằng truyền rộng rãi ở Đài Loan ngày nay. Đó cũng chính là công lao vĩ đại của “pháp sư” Ấn Thuận vì đã tăng cường hộ trì cho pháp nghĩa của Mật giáo, bởi ông ta luôn luôn ủng hộ “Không tính kiến” của pháp hư tướng “Trung Quán” phái Ứng Thành của Mật tông, khiến cho Mật tông từ đó không còn cần phải coi việc cầu chứng Mật pháp Như Lai Tạng khó chứng đắc nhất làm sự tu chứng của Phật pháp nữa. Chính vì không coi Như Lai Tạng là mục tiêu duy nhất trong tu chứng Phật pháp Đại thừa, cho nên pháp tu song thân của Mật tông càng có được không gian sinh tồn.

Như vậy, pháp nghĩa của Mật tông hoàn toàn khác với lý luận chân chính và pháp môn tu hành của Phật giáo, về bản chất hoàn toàn chỉ là ngoại đạo – chỉ là ngoại đạo khoác tấm áo choàng Phật giáo mà thôi. Việc họ đem bản chất của ngoại đạo để thay thế hoàn toàn cho Phật giáo vốn có ở Thiên Trúc như thế, thực sự là kẻ soán ngôi chính thống của Phật giáo, thì sao Ấn Thuận có thể nói nó là chủ lưu của Phật giáo thời kỳ cuối được? Vì sao Ấn Thuận có thể phủ nhận sự thực Mật tông soán nhập chính thống? Vì sao Ấn Thuận có thể giúp tà kiến Trung Quán phái Ứng Thành của Mật tông giành được không gian sinh tồn? Thật không đúng chính lý chút nào!

Cho nên Phật giáo ở Ấn Độ thực tế đã bị diệt vong toàn diện ngay thời vương triều Ba La rồi, “Phật giáo Mật tông” ở Thiên Trúc khi đó căn bản đã không phải là Phật giáo nữa, chỉ là Phật giáo có vẻ bề ngoài bị ngoại đạo Mật tông thoán vị mà thôi. Lúc bấy giờ, Phật giáo đã bị ngoại đạo Mật giáo soán ngôi chính thống, hoàn toàn chuyển thành ngoại đạo pháp rồi. Pháp sư Ấn Thuận biết rõ sự thực này, nhưng lại ra sức biện hộ cho hành vi soán ngôi chính thống của Mật tông, chủ trương Mật tông không phải là kẻ soán ngôi Phật giáo chính thống, cho rằng Mật tông là “chủ lưu của Phật giáo thời kỳ cuối”, lấy đó làm căn cứ biện hộ cho Mật tông tiêu diệt Phật giáo triệt để. Như thế thì lời nói của ông ta sao có thể tin theo được?

Qua việc quan sát sự thực về pháp nghĩa Mật tông cũng như pháp môn tu hành mà họ hoằng truyền, có thể thấy Mật tông đích xác là kẻ soán ngôi chính thống của Phật giáo – đem pháp nghĩa và hành môn của ngoại đạo pháp, trộm dùng các loại danh tướng trong kinh Phật để ngụy trang bên ngoài, nhằm thay thế cho Phật pháp chính tông, đồng thời thổi phồng chứng đức, chứng lượng của mình; mặt khác thì chỗ nào cũng tìm cách hạ thấp Hiển giáo, khiến cho người ta tin theo Mật tông chứ không còn tin vào Hiển giáo nữa. Với cách bài trừ Hiển giáo, tiêu diệt Hiển giáo, thay thế ngôi vị chính thống của Phật giáo như vậy, họ đã khiến cho Phật giáo chân chính biến mất trong vô hình vô ảnh, trở thành tôn giáo ngoại đạo pháp thuần túy. Đó chính là Phật giáo thời kỳ cuối mà Ấn Thuận đã nhận định trong lịch sử tư tưởng Phật giáo.

Mật tông có kế hoạch tiêu diệt Phật giáo Thiên Trúc trong hòa bình, tiêu diệt Phật giáo chân chính trong sự bất tri bất giác của người học Phật, cho đến “Phật giáo thời kỳ cuối” mà Ấn Thuận đề cập chỉ còn lại danh tướng của Phật giáo và biểu tướng (vẻ bề ngoài) của các tự viện và người xuất gia, còn nội dung thì hoàn toàn là pháp tu “dâm dục là đạo” của phái Tính Lực ngoại đạo – bắt đầu từ quán đỉnh cho đến đạo thành Phật, đều là pháp môn tham trước khoái lạc tình dục “dâm dục là đạo” của ngoại đạo, còn Hiển giáo thì đã bị Mật tông tiêu diệt hoàn toàn trong êm ả rồi. Việc mận thay đào chết như vậy, tiêu diệt Phật giáo Thiên Trúc trong sự bất tri bất giác của đại chúng, thay thế ngôi Phật giáo chính thống, khiến cho Mật tông trở thành đại diện duy nhất của Phật giáo thời kỳ cuối ở Ấn Độ, cuối cùng trở thành như Ấn Thuận nói là “sự chính thống của Phật giáo cuối cùng ở Thiên Trúc”, thì sao không phải là kẻ “soán ngôi chính thống của Phật giáo”? Có một số học giả nghiên cứu Phật giáo Âu Mỹ nhận định “Mật tông là kẻ soán ngôi chính thống của Phật giáo”, các bình luận mà họ nêu ra như thế, tuy chỉ là đề cập đến chân tướng sự thực bề ngoài, nhưng đối với Mật tông thì tuyệt đối không có chút oan uổng nào cả.

Ấn Thuận sở dĩ phản đối quan điểm “Mật tông là kẻ soán ngôi chính thống của Phật giáo” là vì tư tưởng nòng cốt về pháp nghĩa của ông ta đến từ những người như Tịch Thiên, Nguyệt Xứng của Mật tông thời kỳ cuối ở Thiên Trúc mà đã được Hoàng giáo của Mật tông Tây Tạng kế thừa, còn vì tư tưởng trung tâm về “Phật pháp” của Ấn Thuận mãi mãi không thể nào đứng ngoài Mật tông được. Vì sao nói vậy? Là vì tư tưởng trung tâm của Ấn Thuận chính là pháp hư tướng “Trung Quán vô nhân luận” phái Ứng Thành nhất mạch tương truyền từ những người như Nguyệt Xứng, Tịch Thiên, A Để Hạp của Mật tông Thiên Trúc và Tông Khách Ba, Thổ Quan, Đạt Lai Lạt Ma các đời của Mật tông Tây Tạng, (ông ta) vọng thuyết Bát Nhã là đoạn diệt kiến “tất thảy pháp không, Tính Không duy danh”[4].

Nếu như phủ nhận toàn bộ Mật tông thì tư tưởng nòng cốt của Ấn Thuận sẽ tự theo đó mà bị phủ nhận và tuyên cáo diệt vong, tan rã toàn bộ. Cho nên, Ấn Thuận tuy có phê bình về sự không đúng đắn của dâm dục vi đạo của Mật tông, nhưng ông ta lại vẫn ủng hộ Mật tông, mắt thấy sự thực Mật tông “soán ngôi chính thống”, song vẫn không chịu thừa nhận Mật tông là kẻ “soán ngôi chính thống”. Ông ta lại còn đem tình riêng viết vào trong sách, ra sức biện hộ cho Mật giáo và cho phát hành rộng rãi, dựa vào sách để biện hộ mãi mãi cho sự thực tiêu diệt Phật giáo của Mật giáo, thật đúng là những hành vi vô cùng thiếu đúng đắn.

Hành vi đó của pháp sư Ấn Thuận chỉ là có vẻ bề ngoài phê bình Mật tông, nhưng lại có thực chất là ủng hộ Mật tông, thật đúng là kẻ phá hoại chính pháp Phật giáo thực sự. Hành vi như thế nhất định sẽ gây ra sức phá hoại vô cùng nghiêm trọng đối với sự hoằng truyền trụ thế của chính pháp Phật giáo trong tương lai, vì người học đời nay về sau chắc chắn mãi mãi không thể nào tu chứng được pháp Như Lai Tạng chính lý chân thực của Phật giáo, chắc chắn khiến các Phật tử vĩnh viễn không thể nào thân chứng được trí tuệ Bát Nhã chân chính, nhất định sẽ khiến tà kiến của Mật tông mãi mãi giữ được một vị thế trong giới Phật giáo, sẽ khiến Mật tông vẫn tiếp tục không ngừng cắn chặt huyết mạch của Phật giáo như hơn một ngàn năm về trước. Như vậy, trong các trước tác của mình, Ấn Thuận ra sức thừa nhận Mật tông là chính pháp của Phật giáo, đồng thời xuất bản hàng loạt cho lưu hành rộng rãi, tức là đã tận sức trợ giúp một tay cho hành vi tiêu diệt Phật giáo một lần nữa trên phạm vi toàn cầu của Mật giáo, khiến Mật giáo trồng thêm được hạt giống đỏ tiếp tục phá hủy Phật giáo trong tương lai, làm cho hành vi diệt vong Phật giáo của Mật giáo sau này được thành công. Chính vì lẽ đó mà tôi nay mới phải ra sức vạch trần chân tướng sự thực của họ, tăng cường tiêu diệt, chặn đứng sự phát triển của tiến trình soán ngôi chính thống Phật giáo một lần nữa của Mật tông dưới sự ủng hộ của Ấn Thuận.

Ấn Thuận với địa vị tôn quý của một đạo sư trong giới Phật giáo, đã ủng hộ Mật tông bằng tư tưởng sai lầm, khiến cho Mật tông gây tổn hại liên tục không ngừng cho Phật giáo, thậm chí làm cho hạt giống đỏ soán ngôi chính thống của Phật giáo một lần nữa trong tương lai được tiếp tục tồn tại trong Phật giáo, chỉ đợi cơ hội trong tương lai là có thể thành công. Với những trước tác và ngôn từ ủng hộ Mật giáo của Ấn Thuận như thế, thì sao không thể gọi là kẻ thực sự phá hoại Phật giáo được? Các đồ chúng của Ấn Thuận vì còn tham tiếc danh văn lợi dưỡng và thể diện một đời, vẫn tiếp tục hoằng truyền tà kiến tà pháp Trung Quán phái Ứng Thành phá hoại Bồ Tát Tạng của ông ta, tạo nên cộng nghiệp lớn mà không tự biết, thật đúng là những kẻ đáng thương nhất trong giới Phật giáo.

Ấn Thuận đem tà kiến của mình ra để ủng hộ Mật tông, tấm thiên y tinh tươm có vẻ bề ngoài là ngôn ngữ đó đã khiến cho những người bình thường khó mà hiểu được chân tướng tà trái, hoang đường trong pháp nghĩa của ông ta. Điều đáng bi ai nhất là thậm chí cả những pháp sư xuất gia trong Phật môn cũng không phân biệt nổi chính tà, còn tiếp tục kế thừa tà kiến “Trung Quán” phái Ứng Thành mà Ấn Thuận truyền bá, tiếp tục quảng truyền dưới thân xuất gia, khiến cho pháp nghĩa của Phật giáo nhanh chóng bị ngoại đạo hóa, không động hóa; khiến pháp nghĩa của Phật giáo dần dần chuyển biến và trở thành pháp Hư tướng Vô nhân luận “Trung Quán kiến” phái Ứng Thành của Mật tông có bản chất là Đoạn diệt kiến. Với vẻ bề ngoài của thân xuất gia như vậy, họ ở nhà Như Lai, ăn cơm Như Lai, thuyết pháp Như Lai mà lại phá pháp Như Lai – đem tài nguyên rộng lớn mà Như Lai truyền lại ra để tiêu diệt pháp Thực Tướng Như Lai Tạng của Trung Quán thực sự mà Phật tuyên thuyết, khiến cho những người học bình thường đều bị bịt mắt mà không biết uẩn khúc bên trong, vì thấy tướng xuất gia của bọn họ nên đã nhất nhất mê tín, ủng hộ họ, cùng nhau thực hiện đại ác nghiệp phá hoại gốc rễ Phật pháp Tam thừa, khó mà cứu vãn nổi. Như thế lẽ nào chẳng phải là nỗi bi ai lớn nhất của giới Phật giáo hiện nay đó ư?

 

 


[1]Chú thích của người dịch: Bồ Tát địa thượng là chỉ các Bồ Tát có quả vị trong Thập địa.

[2] Chú thích của người dịch: Hai căn (nhị căn), chỉ bộ phận sinh dục nam nữ.

[3] Chú thích của người dịch: Tức là Đoạn diệt không của ngoại đạo (cho rằng chết là hết, không còn cái gì cả).

[4] Chú thích của người dịch: Chủ trương của Ấn Thuận về Bát Nhã là: tất cả vạn pháp đều hoại diệt quy không, Tính Không chỉ là cái tên mà thôi, không có thật. Tức là ông ta chủ trương “tất thảy pháp không” nhưng đồng thời phủ định sự tồn tại của Như Lai Tạng, trong khi đó “tất thảy pháp không” thật sự là phải dựa vào sự tồn tại của Như Lai Tạng mới có thể thành lập, bởi lẽ tất cả các pháp đều bị hoại diệt quy không, nhưng vấn đề là các pháp từ đâu sinh ra để rồi bị diệt? Tất cả các pháp đều được sinh ra từ Như Lai Tạng.


Bài trước

Bài sau

Trang chủ

Lượt xem trang: 0