Chân tướng
Mật Tông Tây Tạng

Phật giáo Tạng truyền thật sự là Giác Nãng Ba, hoằng dương diệu pháp Như Lai Tạng Tha Không Kiến, hoàn toàn phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo. Tứ đại giáo phái Hồng, Hoàng, Hoa, Bạch là Phật giáo Tạng truyền giả, tất cả các pháp nghĩa của họ đều không phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo, cho nên là tà giáo, tà pháp.

Tiết 15: Vọng tưởng về pháp giao hoán tự tha của Mật tông

Mật tông có pháp giao hoán tự tha, pháp này cũng là do vọng tưởng mà có, chỉ là pháp tà trái hoang đường, nhưng lại rất được đông đảo người học Mật tông tin theo. Ví dụ như “Bồ Tát” Tịch Thiên cực kỳ nổi tiếng của Mật tông, trong cuốn sách trứ danh “Nhập Bồ Tát hành” của mình (3-2-297~299) đã nói rằng:

“Như ở tinh noãn người, vốn không phải của mình, xuyến tập nên chấp thủ, tinh noãn tụ thành ta

Bản thân họa hại nhiều, người khác công đức lớn, biết rồi nên tu tập, yêu người bỏ Ngã chấp

Mọi người đều chấp nhận: tay thuộc về thân thể, sao không chấp nhận rằng: bộ phận của hữu tình?

Đây không có thân ta, xuyến tập thành Ngã sở, như thế ở thân người, sao không sinh Ngã giác?

Cho nên mưu tha lợi, nhưng không có ngạo khí, như người tự mớm ăn, không từng mong báo đáp…

Nếu người muốn tốc đạt, cứu hộ người và ta, nên tu tự tha hoán, thắng diệu bí mật quyết”.

Pháp sư Như Thạch chuyên nghiên cứu về pháp nghĩa Mật tông dịch sang tiếng Hán rằng: Cũng giống như trứng thụ tinh do tinh cha trứng mẹ tụ hợp mà thành, vốn dĩ không phải là thân thể của ta, nhưng vì lý do từ vô thủy kiếp đến nay huân tập vô minh từ lúc sinh ra, nên đã sai lầm chấp thủ (tinh noãn) là ta (mình). Tương tự, thân thể người khác cũng do tinh noãn người khác tụ hội mà thành, vì sao không bị chấp nhận đó là ta vậy? Do đó, dùng thân thể của mình để thay thân người khác chịu khổ, tương tự sẽ không có khó khăn gì mới phải. Bản thân mình là chốn tụ hội của nhiều họa hại, còn người khác là suối nguồn có công đức quảng đại. Sau khi hiểu rõ đạo lý này rồi, thì nên nhanh chóng tu tập đoạn trừ Ngã chấp, yêu mến người khác. Mỗi người đều đồng ý rằng: các chi như tay chân đều là một bộ phận của cơ thể mình. Tương tự, tại sao không chấp nhận rằng: Một một chúng sinh hữu tình đều là một bộ phận của chúng sinh pháp giới vậy? Đó là vì lâu ngày huân tập thành tự nhiên, trên cơ thể vô ngã lại sinh ra cảm nhận sai lầm là “thuộc về ta”. Tương tự, huân tập lâu ngày, trên cơ thể của các hữu tình khác, tại sao lại không thể sinh ra cảm giác “thân người khác là thuộc về của mình” vậy? Vì thế, tuy cả ngày làm phúc lợi cho người khác, nhưng trong lòng không hề có một chút kiêu căng tự mãn nào, cũng giống như tự mình xúc cơm ăn cho mình, xưa nay không hề mong có bất cứ sự đền đáp nào. Sự đau khổ của bản thân, cho dù nhỏ như người khác nói lời không khiêm tốn, ta cũng sẽ tự động tế nhị bảo vệ thu về, để tránh làm tổn thương. Tương tự, đối với bất kỳ sự sơ ý và đau khổ nào của chúng sinh, ta cũng coi như mình đích thân cảm nhận, thường tu từ bi và lòng ái hộ…Nếu như có người nào muốn nhanh chóng cứu hộ bản thân và các chúng sinh khác, vậy thì anh ta nên nỗ lực tu tập tráo đổi tự tha[1] - đó là yếu quyết thành Phật bí mật thù thắng nhất” (3-2-297~299).

Pháp quán hành giao hoán tự tha như thế, muốn dựa vào quán tưởng để trao đổi sắc thân mình với sắc thân người khác để trừ khử Ngã chấp, kỳ thực là vẫn rơi vào trong cảnh giới Ngã chấp, không hề đoạn được một chút xíu Ngã chấp nào. Vì sao vậy? Vì bất luận là thân thể người khác, hay là cơ thể của mình, đều là nằm trong phạm trù của “Sắc âm Ngã” trong Ngũ âm: Thân mình là Sắc ngã của mình, thân người là Sắc ngã của người, rơi đúng vào trong cảnh giới Ngã chấp thô nặng nhất trong Tam giới, cũng tức là đọa vào trong Ngã kiến – vì chấp thủ “Sắc ngã” nặng nhất, lớn nhất, nguyên thủy nhất, bởi đó là “thường kiến” ngoại đạo kiến chưa từng đoạn trừ được Ngũ âm ngã.

Việc nhận định người khác và bản thân đều là một bộ phận của chúng sinh Pháp giới như vậy chỉ là hư vọng tưởng của các thày Mật tông xưa nay. Các pháp quán tưởng của Mật tông vẫn luôn luôn dạy người ta sau khi quán tưởng sinh khởi Bản tôn của mình, rồi lại phải quán tưởng thân mình, tâm mình hòa nhập vào “trong tâm” của Bản tôn, hợp nhất với Bản tôn; họ cũng thường dạy người ta, khi chết thì quán tưởng tâm mình hợp nhất với chư Phật. Ở đây, Tịch Thiên lại dạy người ta quan sát sắc thân của mình và người đều là một bộ phận của chúng sinh thể trong Pháp giới – mọi người đều sinh tách ra từ chúng sinh thể của Pháp giới – chúng sinh đều thuộc một đại Pháp giới thể. Ông ta dạy người làm quán tưởng giao hoán tự tha, mong có thể tiêu trừ được Ngã chấp. Thế nhưng, sự quán tưởng và quán hành này đều chỉ có thể đạt được Bác ái quan của Nhất thần giáo, chứ không thể nào đoạn được Ngã kiến, mà chỉ mở rộng cái tiểu Ngã ban đầu thành đại Ngã (trong quan niệm) của ngoại đạo mà thôi, vẫn chưa hề rời khỏi phạm trù của Ngã kiến. Việc muốn đoạn trừ Ngã kiến bằng pháp giao hoán tự tha mà chưa từng lìa khỏi Ngã kiến như vậy, gọi là vọng tưởng, vì Ngã kiến còn chưa thể đoạn, thì sao có năng lực mà đoạn trừ được Ngã chấp? Tuyệt không có cái lý đó!

Lại nữa, câu “yêu người bỏ Ngã chấp” mà Tịch Thiên nói cũng là một vọng tưởng. Đó là lời lẽ của Nhất thần giáo ra đời sau này. Nếu như yêu mến người khác mà có thể trừ bỏ được Ngã chấp của mình, thì có lẽ tất cả mọi người mẹ trên thế gian đều đã trừ bỏ được Ngã chấp rồi, đều đã thành A La Hán cả rồi, vì tất thảy mọi người mẹ trên đời đều yêu con cái vô bờ bến, vô điều kiện, đều chấp nhận từ bỏ những gì mình ham muốn để cho con cái được an lạc. Thế nhưng thực tế cho thấy họ không thể xả bỏ, đoạn trừ được Ngã chấp của mình. Nếu như yêu người mà có thể xả bỏ được Ngã chấp của mình, thì các tín đồ thành tâm của Nhất thần giáo cũng có thể đoạn trừ được Ngã chấp của mình mà chứng được A La Hán quả Giải thoát rồi, nhưng thực tế thì hoàn toàn không thể được.

Nếu như người nào trong lòng có thể yêu thương người khác, thậm chí là vô cùng yêu quý người khác thì chắc chắn sẽ coi những người không tin theo thiện ý của mình là những kẻ đáng căm ghét. Chính vì thế mà Thượng đế của Nhất thần giáo đều coi những kẻ không chịu tin theo mình là tín đồ dị giáo, nên đã tăng cường trừng phạt bằng đao kiếm, thủy tai, hỏa hoạn…, đồng thời sau khi họ chết sẽ đẩy họ vào trong địa ngục, mãi mãi sống trong địa ngục, vĩnh viễn không được siêu sinh. Như vậy, yêu và ghét là hai mặt của một vấn đề, khi có yêu thì nhất định đồng thời sẽ có ghét, cho nên có thể thấy trong “Kinh thánh (đặc biệt là kinh Cựu Ước chưa bị người đời sau sửa đổi và Kinh Coran của Hồi giáo)” của Nhất thần giáo: Thượng đế, Ala đều có đại sân hận, tùy ý thực hiện quyền sinh sát.

Phàm là người có yêu thì tất sẽ có ghét, vì không tách rời khỏi phạm trù của Thụ uẩn. Thượng đế đã không lìa khỏi được tâm hành của Thọ âm (Thọ ấm), thì đương nhiên yêu ghét đan xen, đó là chuyện hết sức bình thường, là chuyện tất nhiên. Nhưng nay Tịch Thiên không hiểu lý lẽ này, còn tự dạy người yêu quý chúng sinh để tu pháp giao hoán tự tha, tu tập với tâm hành “yêu chúng sinh tức là yêu chính mình” như thế, thật đúng là tà kiến của Ngã kiến và Ngã ái – vì lấy việc yêu người để thay thế cho việc yêu bản thân mình, vì cái tâm yêu người chính là cái “Ngã” trong “Ngã kiến”, nhất định sẽ khiến cho cái Ngã này thường trụ bất diệt, chắc chắn sẽ khiến cho cái Ngã này không chịu phủ định tính chất hư vọng của chính mình. Như thế mà nói có thể đoạn trừ được Ngã kiến, Ngã chấp, tuyệt đối không có cái lý đó!

Vì Mật tông có cái tà kiến như thế, cho nên khi thấy người khác không chấp nhận lòng yêu mến của mình, không nghe lời mình, không tu pháp mình, liền khởi sân tâm, tăng cường trừng phạt, thậm chí là tiêu diệt họ. Việc Pháp vương Đa La Na Tha (Đả Na Lạp Đạt) của phái Giác Nãng Ba cùng là đồng bào Tạng đã bị phái Tát Già và Đạt Bố liên thủ công kích, tiêu diệt dưới sự chỉ đạo, vạch kế hoạch ngầm của Hoàng giáo – chỉ vì họ tu chứng Như Lai Tạng mà không tin theo tà kiến Trung Quán phái Ứng Thành – nên đã bị hãm hại là một ví dụ thực tế điển hình. Điều này cũng chứng tỏ rằng pháp giao hoán tự tha không hề làm cho Ngã kiến, Ngã chấp của Mật tông biến mất. Cho nên, pháp giao hoán tự tha kỳ thực không thể nào giúp cho hành giả Mật tông sinh khởi tâm đại từ bi thực sự, càng không thể nào đoạn trừ được Ngã kiến và Ngã chấp, chỉ có thể sinh khởi cái “tâm đại từ bi” mà tự mình nhận định, vì tâm đại từ bi này có giới hạn, bởi dựa vào các đối tượng khác nhau mà sinh ra tâm hành khác nhau, lòng yêu và lòng sân hận đồng thời cùng tồn tại. Người tu pháp giao hoán tự tha như thế còn chưa thể đoạn trừ được Ngã kiến, huống hồ là có thể đoạn trừ được Ngã chấp? huống hồ có thể chứng được Phật đạo? Những người có trí tuệ sao còn có thể tin theo họ được đây?

Tịch Thiên còn nói thế này: “Người vì mình mà sai việc người khác, thì cuối cùng vẫn phải chịu nỗi khổ nô dịch. Bản thân vất vả để làm lợi cho người khác, đáng được phong tước vương hầu… Không thể lấy cái lạc của mình để thực sự đổi lấy cái khổ của người khác, không những không thể thành Phật mà sinh tử cũng không có an lạc…Ngã chấp chưa tận xả, khổ không thể tận trừ. Giống như lửa chưa vứt, không tránh khỏi bị bỏng. Cho nên để ngăn chặn cái hại cho bản thân và diệt trừ nỗi đau khổ của người khác, phải bỏ mình mà vì người, yêu người như yêu mình” (3-2-301~303).

Pháp sư Như Thạch dịch rằng: “Nếu không thể nào thực sự làm được đến mức độ thay thế nỗi thống khổ của người khác bằng sự vui vẻ của mình, vậy thì không những không thể tu thành Phật đạo, mà cho dù trong sinh tử cũng không thể có được những ngày tháng vui vẻ… Giả như không thể hoàn toàn xả bỏ được ái chấp của chính mình, thì nhất định cũng không thể nào đoạn trừ tận gốc được tất cả mọi nỗi thống khổ. Cũng giống như không kịp thời vứt bỏ đống lửa trong tay, thì sẽ khó tránh khỏi bị lửa làm bỏng. Do đó, để ngăn ngừa sự tổn thương gây ra với chính mình, và để diệt trừ nỗi thống khổ của người khác, ta nên hoàn toàn xả mình cho người, đồng thời yêu tiếc người khác như yêu tiếc chính bản thân mình vậy” (3-2-302~303).

Thế nhưng, nếu như người học có thể hiểu rõ được nghĩa lý chân thực của đạo Giải Thoát, đồng thời hiểu rõ được chân nghĩa của đạo Phật Bồ Đề, thì sẽ nhìn thấy như thực Tịch Thiên đã rơi vào trong Ngã ái, Ngã chấp, xưa nay chưa từng tương ứng với đạo Giải Thoát và đạo Phật Bồ Đề, vì sự quán tu pháp giao hoán tự tha kỳ thực hoàn toàn không tách rời khỏi pháp Dục giới, thực tế hoàn toàn không hề tương ứng với việc “đoạn Ngã kiến”, hoàn toàn không hề tương ứng với việc chứng Như Lai Tạng. Đã không thể đoạn trừ được Ngã kiến và Ngã chấp, cũng hoàn toàn không thể tương ứng với việc tu chứng pháp Như Lai Tạng, thì người tu hành như thế sao có thể thành tựu Phật đạo được? Đâu có cái lý ấy được?

Thế nhưng, Tịch Thiên quảng hoằng Lục độ và việc ông ta tự mình khiêm xưng là “phàm phu chưa Kiến đạo”, chứng tỏ tâm tính của ông ta thuần chân và đôn hậu; cũng chứng tỏ rằng ông ta thành thực không lừa dối, đúng là một tấm gương mẫu mực của Bồ Tát phàm phu. Tuy rằng pháp thành Phật mà ông ta nói và pháp giao hoán tự tha có sự sai lầm, nhưng cũng không ngăn ngại việc ông ta vẫn là một nhà tu hành thành thực. Song những lời nói phi nghị và phỉ báng Tàng thức trong câu văn của ông ta thì có sai lầm lớn, chứng tỏ vị Tịch Thiên này vẫn chưa hề chứng được Thức thứ tám Như Lai Tạng, cho nên không biết Như Lai Tạng tồn tại chân thực, không thể lĩnh hội được thể tính của nó. Đã như vậy thì có thể biết rằng ông ấy vẫn nằm ở quả vị phàm phu, chưa từng chứng được Thế đệ nhất pháp trong “Song ấn năng sở thủ giai không” của Tứ gia hành, vì vẫn còn nhận định Tâm giác tri Ý thức là pháp thường trụ bất hoại.

Qua nội dung lời văn của cuốn “Nhập Bồ Tát hành” do Tịch Thiên viết, có thể thấy được sự tu chứng của ông ta là như vậy, cho nên không nên suy tôn Tịch Thiên là địa thượng Bồ Tát, vì Tịch Thiên còn chưa chứng được Thức thứ tám để sinh khởi Tổng tướng trí của Thực tướng Bát Nhã, vẫn còn nằm trong cảnh địa Lục trụ vị chưa đầy đủ của Hiền vị. Qua tri kiến về pháp giao hoán tự tha mà Tịch Thiên giảng, cũng có thể biết rằng ông ấy còn chưa đoạn trừ được Ngã kiến, vẫn còn chưa chứng được Thực tướng Bát Nhã.

Tịch Thiên thời xưa đã hiểu sai về Phật pháp như vậy, tin theo pháp giao hoán tự tha, vậy mà người ngày nay lại vẫn dẫm vào vết chân sai lầm đó: “…Bà ấy đã từng làm mẹ của tôi vô số đời, đều yêu quý và bảo vệ tôi bằng lòng tự bi, làm tôi không bị đói, không bị lạnh. Trong quá trình từ lúc trụ thai, sinh ra, nuôi tôi, dạy tôi, bà đã chịu hết mọi gian khổ, chấp nhận tội khổ tiếng ác, bảo vệ tôi như thế, đem lại phúc lợi cho tôi. Thế mà nay, bà vẫn còn trong luân hồi. Tôi nay muốn báo ơn mẹ, muốn diệt trừ nỗi khổ cho bà, tư duy như thế, quán tưởng những nỗi khổ, những họa hại của mẹ nay do tôi gánh vác nỗi khổ này. Quán tưởng nghiệp báo của mẹ, hóa làm nghiệp khí, tất cả chảy nhập vào tâm tôi, còn tôi thì thấy mẹ được khinh an như vậy, trong lòng tôi dâng lên nỗi sung sướng không gì so sánh được. Lại đem tất thảy mọi thiện công đức ba đời của tôi, toàn bộ dành cho mẹ mà không luyến tiếc. Những thiện công đức này sau khi chảy vào trong tâm mẹ, nhìn thấy mẹ lập tức được an lạc trước mắt, có đủ tất thảy mọi thuận duyên tu pháp, tức thân thành Phật ngay trước mắt, trong lòng tôi lập tức tràn đầy sự hoan hỉ mãnh liệt. Tiếp đến lại quán tưởng lục thân, cũng tu như vậy. Tiếp đến quán tưởng oán cừu, bạn bè, lục thân. Lại quán tưởng đến tất thảy chúng sinh. 2. Phong tức nhị thừa – khi xuất tức (thở ra), tất cả mọi thiện lạc của tôi theo gió mà bay đến đem cho chúng sinh; khi nhập tức (hít vào), tất thảy mọi tội khổ của chúng sinh đều chảy vào thân tôi” (181-96~97).

Pháp giao hoán tự tha như thế, có lẽ là vọng tưởng sinh ra từ việc bám duyên vào Tứ vô lượng tâm. Tứ vô lượng tâm vốn dĩ là Giả tưởng quán, qua đó để nhằm tu học từ bi hỉ xả, khiến cho tâm thái của mình được chuyển biến. Đây là pháp môn quán tưởng mà Bồ Tát đại tâm ở Tam địa cần phải tu chứng, là Giả tưởng quán, chứ không phải là sau khi quán tưởng thì thực sự có thể khiến cho đối tượng được quán tưởng biến thành trạng thái thụ lạc như mình quán tưởng trong hiện thực. Các thượng sư Mật tông thời xưa không biết, không hiểu lý này, cũng không thể nào thành tựu quán hành trong Tứ vô lượng tâm, cho nên không thể biết được Tứ vô lượng tâm chỉ là Giả tưởng quán, vì thế mà đã hiểu lầm rằng sự quán tưởng như thế có thể trở thành sự thực, cho nên mới phái sinh ra pháp giao hoán tự tha này, rồi nhận lầm rằng đó là pháp chân thực, lấy đó để dạy cho người khác. Thậm chí còn nói rằng khi quán tưởng thành công, thì trong thực tế cũng có thể thành tựu được. Qua chính lý này, cho nên mới nói pháp giao hoán tự tha là hư vọng tưởng, không có thực nghĩa vậy.

 

 


[1] Chú thích của người dịch: “Tự tha giao hoán” là trao đổi giữa mình và người.


Bài trước

Bài sau

Trang chủ

Lượt xem trang: 0