Chân tướng
Mật Tông Tây Tạng

Phật giáo Tạng truyền thật sự là Giác Nãng Ba, hoằng dương diệu pháp Như Lai Tạng Tha Không Kiến, hoàn toàn phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo. Tứ đại giáo phái Hồng, Hoàng, Hoa, Bạch là Phật giáo Tạng truyền giả, tất cả các pháp nghĩa của họ đều không phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo, cho nên là tà giáo, tà pháp.

Tiết 3: Vọng tưởng về Thần túc thông

Mật tông còn muốn thành tựu Thần túc thông và quả xuất thế gian bằng vọng tưởng mộng và vọng tưởng quán tưởng như sau:

“Đạo lý tu thứ hai là nằm mơ, kiểu ảo hóa lúc tu. Tu cái này có hai pháp: Một là tu thế gian, hai là tu xuất thế gian. Thế nào gọi là tu thế gian? Nghĩa là trước đây không có nó thì bây giờ biến ra (dùng Tâm giác tri quán tưởng biến hiện ra trong tâm) cái vẻ của nó để tu. Hoặc trước đây đã có rồi thì bây giờ biến thành vẻ khác để tu (hoặc biến hóa thêm cảnh tướng đã quán tưởng ra trước đây). Ví dụ trước đây không có, bây giờ biến ra (quán tưởng hiện ra) dánh vẻ một cô gái để tu. Hoặc trước đây là nam thì bây giờ biến ra một dáng thân người nữ mà tu. Khi cảm thấy thân người nữ không hay lắm thì lại (quán tưởng) biến ra thân nam. Tất cả mọi thứ trên đời, kỳ thực đều không nằm ngoài hai con đường này: Tức là trước đây không có thì bây giờ (quán tưởng) biến ra, hoặc trước đây đã có rồi thì bây giờ (quán tưởng) biến ra thành dáng vẻ khác vậy thôi. Lúc tu, trong tâm hành giả quán tưởng rằng: Thân cưỡi nhật quang đến tầng trời thứ 33, trên dưới đều tự do tự tại. Vốn dĩ sức mạnh của khí có thể đi, giống như máy bay có thể phá không gian mà đằng vân giá vũ (đi mây về gió). Cho nên người nào tu thành thì có thể cưỡi nguyệt quang bay lên, du hành các nơi thôi. Phần trên đều thuộc về pháp tu thế gian.

Còn về pháp tu xuất thế gian, thì lúc tu quán tưởng rằng: thân đi ra ngoài thế gian. Ví dụ bay đến thế giới Cực Lạc, hoặc đến chốn Hiển Hỷ của Bất Động Phật, hoặc lên đến tầng Cứu Cánh thiên, hoặc đi đến các Phật thổ thanh tịnh khác, gặp Phật nghe kinh hỏi pháp tu học. Tu trì quán tưởng như thế gọi là tu xuất thế gian. Ngày thường tu luyện khí công, khiến cho Minh điểm có thể đi đến các bộ phận trong cơ thể, đó là nền móng cho việc đi đến các Phật thổ sau này. Nếu như không thể vận hành Minh điểm tự do tự tại, thì lúc đó chắc chắn sẽ không thể đi đến được các Phật thổ. Ban ngày lúc tỉnh thì nhất tâm tu tập, quán tưởng cái thân này đi đến các Phật thổ nghe kinh hỏi pháp; ban đêm nằm mơ cũng phải tu trì như thế, thức ngủ như một, sau đó mới có thể hồn đi Phật quốc trong giấc mơ, ứng niệm mà đến thôi”. (62-251~253)

Cái tưởng lúc quán tưởng khi thức hoặc quán tưởng trong mơ đều là vọng tưởng cả, hoàn toàn không liên quan gì đến Thực Tướng. Thế nhưng, người nào dựa vào đó mà khởi nguyện, quán tưởng thế giới Cực Lạc, mong cầu sau khi xả báo thì được sinh đến Tây phương Cực Lạc thì cũng vẫn được vãng sinh. Tuy nhiên, đó không phải là vãng sinh nhờ hoàn toàn vào sức lực của mình mà trước hết là nhờ bản thân mình có tâm “nguyện sinh Cực Lạc”, sau đó nỗ lực quán bằng pháp quán tưởng, giống như pháp quán tưởng trong “Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật”, chính là pháp môn niệm Phật hệ niệm tư duy nói trong “Kinh Vô Lượng Thọ”. Cái tướng quán được đó tuy không phải là tướng Cực Lạc thực sự, nhưng vì nhất tâm cầu sinh đến thế giới Cực Lạc, tức là thành pháp niệm Phật. Qua đó liền đắc ba pháp Tín Nguyện Hành đầy đủ, khi xả thọ, Phật tự đến tiếp dẫn. Tuy không phải chỉ thuần dựa vào sức của bản thân hành giả là có thể được vãng sinh Cực Lạc, nhưng cũng không phương ngại đến việc có thể sinh đến ao Thất Bảo ở thế giới Cực Lạc.

Thế nhưng, nếu các hành giả Mật tông cho rằng thế giới Cực Lạc nhìn thấy nhờ quán tưởng như thế chính là thế giới Cực Lạc thật sự thì đã thành vọng tưởng rồi. Tuy cũng nhờ nguyện lực thần lực của Phật mà có thể vãng sinh đến đó, nhưng cái mà họ quán được tuyệt đối không phải là hình ảnh chân thực của thế giới Cực Lạc, chỉ là “Nội tướng phần” do Như Lai Tạng của chính mình hiển hiện ra mà thôi.

Nội dung nói trong đoạn văn trên ý nói quán tưởng khi thức hoặc trong mộng, biến thành thân gì thì tức là được thân đó, biến thành cảnh giới gì thì tức là đắc cảnh giới đó, như thế đều là vọng tưởng cả. Nói như vậy nghĩa là khi tu ở thế gian, quán tưởng (tưởng tượng) mình biến thành thân gì thì đời sau sẽ thành thân đó thật, quán tưởng mình có thể cưỡi nhật quang mà lên đến Đao Lợi thiên thì mình có thể cưỡi nhật quang mà đến Đao Lợi thiên thật, quán tưởng mình có thể cưỡi nguyệt quang đến thế giới các nơi thì mình có thể cưỡi nguyệt quang đến thế giới các nơi thật, đó đều là do vọng tưởng mà có, lấy đâu ra tu chứng thực chất mà nói. Người nào dựa vào pháp tu này mà cho rằng là thật, nếu không biến thành kẻ thần kinh không bình thường hoặc kẻ cuồng tín tự đại thì cũng đã là may mắn lắm rồi, huống hồ có thể hoàn thành tu chứng ở pháp thế gian thật? Rốt cuộc anh ta cũng không thể nào tùy ý đến các nơi được.

Về việc “tu xuất thế gian” trong đoạn văn trên: “thì lúc tu quán tưởng rằng: thân đi ra ngoài thế gian. Ví dụ bay đến thế giới Cực Lạc, hoặc đến chốn Hiển Hỷ của Bất Động Phật, hoặc lên đến tầng Cứu Cánh thiên, hoặc đi đến các Phật thổ thanh tịnh khác, gặp Phật nghe kinh hỏi pháp tu học. Tu trì quán tưởng như thế gọi là tu xuất thế gian” thật đúng là đại vọng tưởng.

Vì sao vậy? Vì nói quán tưởng tự mình đi ra ngoài thế gian chỉ là lời của những kẻ phàm phu vô trí mà thôi. Tại sao nói thế? Bởi các thày Mật tông xưa nay còn chưa biết thế nào là thế gian, thế nào là xuất thế gian. Thế giới Cực Lạc đã có ao Thất Bảo và nước tám Công đức, đã có sự ăn uống như ý của Phàm Thánh đồng cư, thì tức là đã có pháp Thập bát giới đầy đủ rồi, sao có thể nói là đi ra ngoài Tam giới được? Thậm chí cho đến trong Thực báo Trang nghiêm thổ ở Thế giới Cực Lạc, nơi mà các Bồ Tát được sinh đến kia còn có các hành động như tu định, nghe pháp, cúng dường chư Phật mười phương, thì nhất định vẫn còn có các căn và thức như nhãn nhĩ thân ý, đồng thời vẫn còn có các trần như sắc thanh xúc pháp, có đầy đủ mười hai giới, sao có thể nói là đã ra khỏi Tam giới? Qua đó có thể thấy các thày Mật giáo đã hiểu sai hoàn toàn về ý nghĩa chân thực của “Tam giới, xuất Tam giới”. Nên biết rằng, Thế giới Cực Lạc “không phải là chưa ra khỏi Tam giới, không phải là đã ra khỏi Tam giới”, cái Lý này tôi đã nói ở trong cuốn “Tông thông và Thuyết thông”, ở đây không lặp lại nữa. Qua đây chứng tỏ rằng các thày Mật tông đều không thể nào hiểu được thật sự cái lý của xuất Tam giới.

Lại nữa, câu nói “lúc tu quán tưởng rằng: thân đi ra ngoài thế gian” quả đúng là lời của kẻ không hiểu gì về Phật pháp. Vì sao vậy? Vì thân của tất thảy hữu tình (bất luận là thân Dục giới, thân Sắc giới hay thân do quán tưởng mà thành) đều không thể nào đi ra ngoài Tam giới được. Thậm chí Tâm giác tri, tâm tư lượng của tất thảy hữu tình cũng đều không thể nào đi ra ngoài Tam giới được. Nếu như thân quán tưởng mà có thể đi ra ngoài Tam giới thì Vô sắc giới thiên lẽ ra phải ở ngoài Tam giới, không nên nói nó nằm trong Tam giới mới đúng, vì Vô sắc giới thiên chỉ là Tâm giác tri trong Tứ không định không hề tiếp xúc với Ngũ trần, còn không có thân sắc, còn hơn cả hữu tình có thân mà “thân đi ra ngoài thế gian”, huống hồ Mật tông nói “ngoài Tam giới” còn có sắc thân? Như thế chẳng phải là còn kém hơn Vô sắc giới ư? Nhưng Phật đã dạy và nay hiện quan thấy chúng sinh hữu tình ở Vô sắc giới đều nằm trong Tam giới, còn chưa thoát khỏi sinh tử luân hồi trong Tam giới, thì sao có thể nói là đã ra khỏi Tam giới? Huống hồ là sau khi “ra khỏi Tam giới” vẫn còn có sắc thân? Trong khi cảnh giới của nó còn thấp kém hơn cả Vô sắc giới thiên. Cho nên, câu nói “thân đi ra ngoài thế gian” của Mật tông quả thực mắc sai lầm trầm trọng.

Thân quán tưởng nếu như có thể đi ra ngoài thế gian thì cái tâm quán tưởng càng có thể đi ra ngoài thế gian rồi, vì lý tất phải như vậy. Cho nên, câu nói “còn về pháp tu xuất thế gian, thì lúc tu quán tưởng rằng: thân đi ra ngoài thế gian” trong đoạn văn trên thực sự là hư vọng tưởng của các thày Mật tông đối với xuất Tam giới. Tất cả các thượng sư của Mật tông đều đọa vào trong vọng tưởng của phàm phu và ngoại đạo, luôn cho rằng cái tâm giác tri kia có thể ra ngoài Tam giới, đồng thời cho rằng ngoài Tam giới có một cảnh giới nào đó có thể khiến cho Tâm giác tri thường trụ trong đó, thực hiện các lạc sự. Thế nhưng, sự thực là bên ngoài Tam giới không có pháp nào, không có loại thân nào của hữu tình, cũng chẳng có các loại tâm nào của hữu tình, càng không có bất kỳ cảnh giới nào của thế gian, cũng không có bất kỳ trần nào trong Lục trần, không có bất kỳ giới nào trong Thập bát giới, không có Tâm giác tri, tâm tư lượng, vì Thập bát giới đã bị đoạn diệt hết rồi, duy chỉ có Thức thứ tám Như Lai Tạng vốn dĩ lìa kiến văn giác tri mà thôi.

Chỉ khi Thập bát giới đều đoạn diệt hết rồi thì mới gọi là “đã ra khỏi Tam giới”. Thế nhưng, khi Thập bát giới đã đều đoạn diệt rồi, còn không có “Ngã chúng sinh” tồn tại, thì sao có thể nói có thế giới bên ngoài Tam giới để cho Tâm giác tri an trú và cảm nhận các loại lạc? Thế mà Mật tông lại nói có thân do quán tưởng mà thành có thể ra ngoài Tam giới, lại cho rằng Tâm giác tri cũng có thể ra ngoài Tam giới, cho rằng Phật sau khi ra khỏi Tam giới vẫn còn thụ nhận dâm xúc của Dục giới? Tri kiến về đạo Giải Thoát thiếu sót nghiêm trọng đến như vậy, chứng tỏ các thày Mật tông xưa nay hoàn toàn không biết không chứng được đạo Giải Thoát của Hiển giáo, thế mà còn dám nói “sau khi tu chứng pháp của Hiển giáo xong thì mới được tu Mật thừa”, thật đúng là những lời lẽ cuồng vọng vô tri.

Bên ngoài Tam giới không có bất kỳ một thế giới nào. Giả sử như ngoài Tam giới vẫn còn có thế giới nào khác, thì những người sinh ra ở thế giới đó vẫn chỉ là thế giới khiến cho người ta sinh tử luân hồi – vì từ “thế giới bên ngoài Tam giới” này lại có thể tái sinh sang “thế giới bên ngoài Tam giới” khác, tức là vẫn luân hồi liên tục không ngừng. Còn nếu như nói “thế giới bên ngoài Tam giới” chỉ có một thế giới duy nhất, thì nghĩa là thế giới đó vẫn có nơi chốn, vậy thử hỏi rằng cái “thế giới bên ngoài Tam giới” đó nằm ở nơi nào, chốn nào? Nếu như có “thế giới bên ngoài Tam giới” này thật, thì phải chăng những lời Phật nói trong kinh Tứ A Hàm đều là lời hư vọng không thật, vì Phật nói ra ngoài Tam giới chỉ có Niết Bàn vô dư thôi, mà trong Bản Tế của Niết Bàn vô dư đã diệt tận Thập bát giới pháp, không còn lưu lại bất kỳ pháp nào nữa.

Nay Mật tông nói có “thế giới bên ngoài Tam giới” cho nên có thể khiến cho thân tâm trường trụ trong “thế giới bên ngoài Tam giới” đó, thì lẽ ra Phật cũng nên nói cho chúng ta biết thế giới như thế là cảnh giới sau khi ra ngoài Tam giới để các đệ tử chúng ta chứng nó. Thế nhưng, Phật rốt cuộc cũng không hề nói vậy, trước sau vẫn tuyên thuyết rằng: Việc diệt tận pháp Thập bát giới và không còn sinh ra pháp Thập bát giới trong tương lai nữa thì gọi là Niết Bàn vô dư. Pháp như thế mới gọi là pháp xuất Tam giới do Phật nói, điều này khác xa với thuyết của Mật tông.

Từ lẽ đó, nói câu “lúc tu quán tưởng rằng: thân đi ra ngoài thế gian” của Mật tông là những lời lẽ của những người không hiểu gì về Phật pháp, thuần là vọng tưởng, là phi Phật pháp. Đã không phải là Phật pháp thực sự thì tu nó có tác dụng gì? Chỉ có ích cho vọng tưởng và luân hồi khi xả thọ trong tương lai mà thôi.

Các thày Mật tông còn có vọng tưởng hơn nữa, cho rằng sau khi thành Phật, Báo thân Phật có thể hưởng thụ lạc thụ dâm xúc (dâm lạc Đệ tứ hỷ) lớn nhất, cao nhất trong Dục giới, coi đó là cái lạc lớn nhất của việc xuất ra ngoài Tam giới, coi đó là quả báo đại lạc xuất thế gian của Báo thân Phật, cho nên gọi là “Báo thân Phật”. Thật đúng là những vọng tưởng tà trái đến cùng cực. Vì sao nói vậy? Vì Phật trước khi thành Phật hai đại vô số kiếp đã sớm coi dâm lạc ở Dục giới như rẻ rách, đồng thời còn luôn tuyên thuyết rằng dâm lạc ở Dục giới là phiền não thô nặng nhất khiến chúng sinh luân hồi sinh tử; luôn nói dâm lạc ở Dục giới chắc chắn sẽ khiến người ta vì có sự tham ái này mà luân hồi trong Dục giới, chịu khổ sinh tử; luôn nói đó là “Dục giới ái”, đồng thời dạy các đệ tử trước hết phải đoạn trừ tham ái này. Vậy thì vì sao những người tối thượng thượng căn mới có thể tu học Mật pháp lại nói Báo thân Phật “trường thụ hằng thụ” dâm lạc có tầng thứ thấp nhất trong Tam giới? nói cảnh giới của Báo thân Phật này là cảnh giới xuất khỏi Tam giới? Làm gì có cái lý đó!

Những người tin theo Mật pháp, tu theo lời dạy của thày chỉ lãng phí thời gian sinh mệnh mà thôi: “Ở đây không có tâm của người khác làm cho như vậy, mà là tác dụng của “tâm” mỗi chúng ta có sức mạnh không thể nghĩ bàn. Phàm là có suy tư thì không có gì là không thể thành sự thực, tất cả đều dựa vào tâm chúng ta có thành ý hay không thôi. Người xưa chẳng nói “tinh thành đến chốn thì vàng đá phải mở” đấy ư? Ý là vậy đó. Nhưng người chưa tu thì cố nhiên là không thể, vì thân thể anh ta nằm xuống là ngủ say như chết, lấy đâu mà đi tiếp nữa? Người thường tu khí công mà đi thì rất dễ, nếu Chính phần không tu thì nhất định không được tu tập. Pháp “tự quán là Phật” trong Khởi phần mà chưa từng tu qua, cũng không được tu tập. Pháp này nhất định Khởi phần cũng phải tu cho tốt, Chính phần tu nhiều thì mới có thể tu tiếp. Nếu như tu mà sức mạnh không đến thì chớ có nản lòng thoái chí, cần tiếp tục cố gắng, tu tập thật nhiều, lâu ngày tự sẽ có công hiệu thôi”. (62-253)

Cái tệ hại nhất của Mật tông chính là lấy giả làm thật, lấy một ngoài suy vạn trong[1]. Trong từng pháp của Mật tông, chỗ nào cũng thấy cái quan niệm đó. Nội dung của đoạn văn trên cũng như vậy, câu nói “Phàm là có suy tư thì không có gì là không thể thành sự thực” chính là một thứ hư vọng tưởng, không phải là chính tu hành trong Phật pháp. Vì sao vậy? Vì trong tu chứng của đạo Giải Thoát, nhất định phải đoạn trừ Ngã kiến và Ngã chấp thì mới có thể thành công, mới có thể kết thúc nghiệp của mình, chứ không phải là quán tưởng rằng mình đã giải thoát thì có thể giải thoát được thật đâu.

Trong đạo Phật Bồ Đề cũng như vậy, bắt buộc phải thân chứng Thức thứ tám Như Lai Tạng, sau khi lĩnh nạp tính Thức thứ tám để hiểu được “tính Trung Đạo” của nó thì mới sinh khởi trí tuệ Bát Nhã, chứ không phải là quán tưởng một pháp nào đó là Như Lai Tạng thì tức là thành Như Lai Tạng được. Không phải như Mật tông coi quán tưởng Minh điểm trong Trung mạch là Như Lai Tạng thì có thể trở thành Như Lai Tạng được. Cho nên, việc Mật tông hết mực tin rằng “phàm là có suy tư thì không có gì là không thể thành sự thực” chính là nguyên nhân căn bản khiến họ đi vào con đường tà đạo.

Tất cả mọi người học đều nên xây dựng cho mình chính tri, chính kiến. Ví dụ, phàm là đạo Tam thừa Bồ Đề trong Phật pháp, các pháp tu chứng của nó nhất định phải dựa vào pháp mà Phật đã tuyên thuyết, nhất định phải hoàn toàn dựa vào chân ý trong Thánh giáo lượng, không được tùy tiện làm theo ý mình như kiểu “phàm là có suy tư thì không có gì là không thể thành sự thực”, nếu không sẽ trở thành pháp “cái tưởng của kẻ vọng tưởng, cái thuyết của kẻ vọng tưởng” nói trong “Kinh Lăng Già” đó. Người nào nếu dựa vào vọng tưởng mà tu, thì những gì anh ta tu đều không phải là Phật pháp, vì tuyệt đối không thể nào tương ứng với chứng lượng, chứng cảnh trong Phật pháp, nhất định sẽ trở thành pháp ngoại đạo và chứng cảnh của ngoại đạo. Dựa vào thứ tà kiến như thế của Mật tông mà nói về “tu hành quả vị” trong đạo Giải Thoát và đạo Phật Bồ Đề của Phật pháp, kỳ thực hoàn toàn chỉ là vọng tưởng của ngoại đạo, trộm dùng giáo tướng và danh tướng trong Phật giáo, không liên quan gì đến tu chứng trong Phật pháp.

 

 


[1] Chú thích của người dịch: Nguyên văn là “nhất biểu vạn lý”, ý là nói chỉ có một vẻ bề ngoài nhưng từ đó suy diễn ra hàng vạn nội dung bên trong.


Bài trước

Bài sau

Trang chủ

Lượt xem trang: 0