Chân tướng
Mật Tông Tây Tạng

Phật giáo Tạng truyền thật sự là Giác Nãng Ba, hoằng dương diệu pháp Như Lai Tạng Tha Không Kiến, hoàn toàn phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo. Tứ đại giáo phái Hồng, Hoàng, Hoa, Bạch là Phật giáo Tạng truyền giả, tất cả các pháp nghĩa của họ đều không phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo, cho nên là tà giáo, tà pháp.

Tiết 5: Vọng tưởng về Ngũ trí của Mật tông

 

Mục 1: Vọng tưởng về Pháp giới Thể tính trí

Các thượng sư Mật tông ai nấy đều có vọng tưởng thế này: “Thành tựu Phật Cứu Cánh bằng quán đỉnh thứ tư”. Nói như thế thì Phật của Mật tông sẽ chứng thêm một trí tuệ so với Hiển tông - Pháp giới Thể tính trí. Ví dụ phái Tát Già nói thế này:

“Chân Như nghiệm tướng: Chân Như nghiệm tướng thăng hiện ở Tâm, tụng rằng: ‘Chân Như nghiệm tướng bát chính đạo chi’. Chữ “chính” nói ở đây nghĩa là Ngũ trí. “Bát chi” nghĩa là cái Nhân kia. Việc chuyển nơi tám thức kia, tức tụng rằng: ‘Thanh tịnh bát thức’. Lại nữa, chuyển A Lại Da thức xứ là Đại viên kính trí, chuyển Mạt Na thức xứ là Bình đẳng tính trí, chuyển Ý thức xứ là Diệu quan sát trí, chuyển Ngũ căn thức xứ là Thành sở tác trí, chứng ly hý của nó là Pháp giới Thể tính trí”. (61-573)

Các thày Mật tông đã nói đến tu học Phật pháp là bắt buộc phải chuyển Thức thành Trí, đồng thời chỉ rõ từng loại trí tuệ do tám thức chuyển sinh, còn nói Phật của Mật tông có đủ Ngũ trí, nhiều hơn một trí tuệ so với Phật của Hiển giáo. Điều này cũng chứng tỏ Phật của Mật tông cũng buộc phải chứng được Tứ trí. Họ còn nói “Pháp giới Thể tính trí” mà “Phật” của Mật tông chứng được cao siêu hơn cả Tứ trí mà Phật bên Hiển giáo chứng được, chủ trương phải chứng được Tứ trí của Phật Hiển tông trước thì mới chứng được trí tuệ thứ năm “Pháp giới Thể tính trí” mà “Phật” của Mật tông chứng được. Những lời lẽ đó của họ có chứa rất nhiều sai lầm:

Thứ nhất, Phật của Mật tông vẫn còn phải cầu chứng Tứ trí, thì nghĩa là hành giả Mật tông vẫn buộc phải cầu chứng Thức thứ tám và tất cả Nhất thiết Chủng trí của Thức này. Thế nhưng, xem xét các pháp nghĩa mà các thày của Mật tông xưa nay truyền thụ có thể thấy rõ ràng một điều rằng: “Phật” của Mật giáo kia đều chưa hề chứng được Thức thứ tám Như Lai Tạng, chứng tỏ những lời lẽ cho rằng rất nhiều thượng sư xưa nay của Mật tông đã thành Phật đạo đều là những lời giả dối. Không những chưa chứng được Thức thứ tám mà còn đều lấy Tâm Ý thức làm Chân Như ở Phật địa, hiển nhiên “Phật” của Mật giáo đều chưa chứng được Tổng tướng trí Bát Nhã mà các Bồ Tát ở Thất trụ vị chứng được. Người chưa chứng được trí tuệ của Bồ Tát thất trụ vị mà nói đã thành Phật đạo, đã chứng được Tứ trí, lại chứng thêm được được trí tuệ thứ năm hơn cả Tứ trí, như thế là tự mình mâu thuẫn với chính mình, rõ ràng là nói láo.

Thứ hai, đã buộc phải chuyển Thức thứ tám A Lại Da thức thành Đại viên kính trí thì nghĩa là người tu học pháp của Mật tông, muốn cầu thành Phật vẫn buộc phải cầu chứng Thức thứ tám Như Lai Tạng. Thế nhưng xem xét lời lẽ, các cuốn luận, các kinh điển, các sách đã phát hành của các thượng sư xưa nay của Mật tông thì thấy họ quả thật đều chưa hề chứng được Thức thứ tám Như Lai Tạng, đều là sai lầm coi Ý thức vô niệm linh tri, hoặc coi Tâm ý thức giác tri “không phân biệt Lục trần (kỳ thực không phải là không phân biệt)” trong cơn dâm lạc là Chân Như Thức thứ tám ở Phật địa. Các khai thị khẩu quyết mà “Phật” Mật giáo truyền cho các thày Mật tông cũng đều coi Tâm giác tri “không phân biệt Lục trần” trong dâm lạc làm chứng lượng về Chân Như ở Phật địa. Qua đó có thể thấy, trong các Mật tục của Mật tông có nói đến những người như Liên Hoa Sinh, Tông Khách Ba…đã thành Phật đạo, đều là đại vọng ngữ cả. Đã chưa chứng được Thức thứ tám, còn không biết Thức thứ tám nó ở đâu, thì sao có trí tuệ, có năng lực để chuyển thức đó sinh thành Đại viên kính trí? Không thể có cái lý đó được! Những người có trí tuệ phải suy nghĩ kỹ về điều này.

Những người như Tông Khách Ba của Hoàng giáo đã phủ định Thức thứ tám, thì họ còn không có được trí tuệ Văn Tư như phàm phu của Học địa – tin tưởng rằng có tồn tại Thức thứ tám Như Lai Tạng. Những người mà còn không có trí tuệ bằng phàm phu ở Học địa, thì làm gì có trí tuệ và chứng đức để chuyển Thức thứ tám sinh thành Đại viên kính trí? Làm gì có chứng được để mọi người trong Hoàng giáo phong ông ta thành bậc Chí Tôn? Vì Chí Tôn mới là tôn danh của Phật địa.

Thứ ba, đã buộc phải chuyển thức thứ bảy Mạt Na sinh thành Bình đẳng tính trí, trong khi đó Tông Khách Ba và Đạt Lai Lạt Ma của Hoàng giáo và pháp sư Ấn Thuận của Đài Loan ngày nay vốn là những người đã phủ định sự tồn tại của thức thứ bảy rồi thì chứng tỏ họ đều không thể chứng biết được thức thứ bảy. Như thế cũng chứng tỏ “Phật” của Mật tông cũng đều chưa thể chuyển được thành Bình đẳng tính trí. Còn chưa thể biết thức thứ bảy nằm ở đâu, cũng chưa chứng được Thức tính thứ bảy, huống hồ có thể chuyển được thức đó mà sinh thành Bình đẳng tính trí? Làm gì có lý đó! Qua đó có thể thấy, Mật tông nói các thượng sư thời xưa của họ đã thành Phật đều chỉ là vọng ngữ để mê hoặc chúng sinh, không phải là nói thật.

Thứ tư, Ngũ căn không thể nào chuyển sinh thành Thành sở tác trí, nghi là lúc gõ chữ hoặc sắp chữ ấn loát, người ta đã gõ hoặc đặt nhầm. Đã buộc phải chuyển Ngũ thức để sinh ra Thành sở tác trí, thì phải cầu chứng Nhất thiết chủng tử của tiền Ngũ thức tàng chứa trong Thức thứ tám, hiểu rõ đầy đủ được Giới tính của nó, thì mới có thể chuyển Ngũ thức sinh thành Thành sở tác trí. Thế nhưng, hiện thấy các thày Mật tông xưa nay đều còn chưa hiểu được Giới tính chủng tử của tiền Ngũ thức, mà lấy quán tưởng Minh điểm…làm đạo tu chứng Tứ trí, hoàn toàn không liên quan gì đến Chủng trí. Như vậy, có thể thấy “Phật” của Mật tông còn chưa hề có năng lực chuyển tiền Ngũ thức thành Thành sở tác trí, thì sao có thể nói họ đã thành Phật đạo được?

Thứ năm, việc “ly hý” trong Tám thức chỉ là chuyện của bản thân Thức thứ tám. Chỉ có thức này mới có thể ly hý (lìa xa hý luận) khi hiện hành trong Tam giới Lục đạo vạn pháp. Vì Thức này từ vô thủy kiếp đến nay vốn dĩ đã lìa kiến văn giác tri, lìa tất thảy mọi kiến (tri kiến), mãi mãi không phân biệt đối với vạn pháp Lục trần. Còn các thức kia, khi hiện hành trong Tam giới, đều không thể nào ly hý ở Lục trần. Trong đó đặc biệt là Thức thứ sáu (Tâm ly niệm linh tri) là Tâm nhiều hý luận nhất, vì khi giác tri thì nó đã trở thành Tâm có tính phân biệt rồi, khi giác tri đã hoàn thành quá trình hiểu biết đối với các pháp Lục trần rồi. Cho nên, người muốn chứng Tâm ly hý, bắt buộc phải cầu chứng Tâm Thức thứ tám, vì chỉ có Thức thứ tám Như Lai Tạng mới vốn dĩ là pháp ly hý.

Khi chứng được Thức thứ tám, mới biết pháp nào là Thể tính của Pháp giới, vì tất thảy Pháp giới vạn pháp đều do Tâm Thức thứ tám này sinh ra, vì Thức này mới là cội nguồn của Pháp giới. Thức thứ tám đã là cội nguồn của Pháp giới thì sẽ hiểu rằng Tính của Thức thứ tám mới là Thể tính của Pháp giới. Qua đó có thể thấy: Chứng được Thức thứ tám Như Lai Tạng để sinh ra “trí tuệ hiểu biết Thể tính của Pháp giới”, trí tuệ đó mới là Pháp giới Thể tính trí. Thế nhưng, qua nội dung các Mật kinh, Mật tục mà “chư Phật, chư Bồ Tát” của Mật tông có thể thấy họ hoàn toàn không hề chứng được Thức thứ tám. Người còn chưa thể đích thân chứng thực Thức thứ tám của mình ở đâu, mà lại nói suông rằng có thể chuyển Thức thứ tám để sinh ra Pháp giới Thể tính trí, thì sao có thể tin được? Vì Thể tính của Pháp giới chính là Thể tính của Thức thứ tám đó.

Thứ sáu, Pháp giới Thể tính trí là trí tuệ sinh ra từ việc chứng biết Thức thứ tám, chính là trí tuệ “Bản lai Tự tính Thanh tịnh Niết Bàn” mà Bồ Tát chứng được khi Minh Tâm ở Thất trụ vị trong Nhân địa. Còn Tứ trí ở Phật địa thì phải dựa vào Pháp giới Thể tính trí “Bản lai Tự tính Thanh tịnh Niết Bàn” này tu dần mới chứng đắc. Như vậy là trí tuệ này chỉ là nền móng của Tứ trí ở Phật địa, chứ không phải là trí tuệ tu và sinh ra sau khi tu chứng Tứ trí ở Phật địa. Cho nên, Pháp giới Thể tính trí không thể xếp trên Tứ trí ở Phật địa được mà phải đặt nó trong tu chứng của Bồ Tát ở Thất trụ vị. Thế mà nay, chư Phật chư thầy từ cổ chí kim của bốn đại phái Mật tông đều không hề biết lý này, lại nói suông rằng các thượng sư thời xưa đã thành Phật đạo, đã thành Bồ Tát ở các địa, như thế thì có ý nghĩa gì?

Thứ bảy, Ngũ trí đó đều phải bắt đầu từ việc chứng được Thức thứ tám để sinh khởi Bản lai Tự tính Thanh tịnh Niết Bàn của Pháp giới Thể tính trí, thì mới có thể tiến tu Nhất thiết Chủng trí để đắc Tứ trí ở Phật địa. Phải chứng được Tứ trí ở Phật địa thì mới có thể thành Phật. Mà người muốn chứng được Tứ trí ở Phật địa thì phải chứng được Thức thứ tám trước, rồi tiến tu Nhất thiết Chủng trí đầy đủ viên mãn thì sau đó mới thành Phật. Như thế đã đủ chứng tỏ rằng Mật tông bày đặt ra Song thân pháp, quán tưởng Minh điểm, Bản tôn, thiên thân, Bảo bình khí, Lạc Không song vận, Lạc Không bất nhị, pháp Thiên thức…tất cả đều vô nghĩa, vì các pháp này đều không phải là pháp môn chính tu hành để thân chứng Thức thứ tám Như Lai Tạng, vì đều hoàn toàn không liên quan gì đến tu chứng Tứ trí ở Phật địa, đều hoàn toàn không liên quan gì đến tu chứng Pháp giới Thể tính trí. Những người có trí tuệ suy nghĩ là có thể hiểu được ngay.

Lại nữa, “Sách “Thời Luân” nói: ‘Từ trí tuệ lạc trong sát na đó, nếu Minh điểm nâng lên được mà không lậu rớt (nếu tinh dịch sau khi xuất ra mà có thể thu hồi vào trong cơ thể, không để rơi rớt ra ngoài) thì mới đắc Vô lậu Câu sinh trí (mới có thể chứng được trí tuệ Câu sinh hỷ vô lậu), từ đó mới đạt Pháp giới trí (nhờ Câu sinh hỷ này mới có thể khiến cho hành giả Mật tông chứng được Pháp giới Thể tính trí), tất thảy mọi thứ ma phiền não trong mọi thời, biến khắp mệnh của chúng sinh lục đạo chắc chắn nhờ đó mà bị phá hủy’”. (34-181)

Những lời lẽ đó đã chứng tỏ rằng Pháp giới trí của Mật tông không phải là Pháp giới trí mà Phật tuyên thuyết, chỉ là lấy Minh điểm vật chất – chủng tử tinh dịch – làm cội nguồn sinh khởi của Pháp giới, chứng được trí tuệ Minh điểm bất lậu (không lậu rớt tinh dịch) trong cơn dâm lạc này để có thể Lạc Không song vận tức là (chứng được) Pháp giới trí của Mật tông. Đối với trí tuệ của Thể tính Pháp giới, Mật tông cho rằng phải từ thể hội, trải nghiệm từ dâm xúc nam nữ mới được, ngộ nhận rằng chủng tử tinh dịch chính là gốc rễ Pháp giới của chúng sinh, vì thế họ chủ trương người có thể chứng được cực khoái dâm lạc mà không xuất tinh là chứng được Thể tính của Pháp giới, nên mới gọi là Pháp giới Thể tính trí. Đồng thời, Mật tông còn đè bẹp Tứ trí ở Phật địa xuống, dung nạp vào trong “Pháp giới Thể tính trí” vọng tưởng của họ, vọng nói “sau khi tu được Tứ trí ở Phật địa mới có thể chứng được Pháp giới Thể tính trí”. Nói như thế là đảo lộn gốc ngọn, không những nội dung tu chứng không phù hợp với lời Phật nói mà thứ tự tu chứng, lý luận và hành môn thực tu cũng đều trái ngược với những gì mà Phật tuyên thuyết.

Nếu xét về thực chất, trước hết phải chứng được Thức thứ tám thì mới nhận biết được Thể tính của Pháp giới, vì tất cả Pháp giới đều lấy Thức thứ tám làm Thể, đều trực tiếp hoặc gián tiếp sinh ra từ Thức thứ tám. Thế nhưng, các thầy Mật tông xưa nay đều chưa từng chứng được Thức thứ tám Như Lai Tạng, ngộ nhận coi Minh điểm do quán tưởng ra là Thức thứ tám, hoàn toàn trái ngược với những gì Phật thuyết. Đã chưa chứng được Thức thứ tám Như Lai Tạng, thì hoàn toàn không biết không chứng được trí tuệ Bát Nhã ở Thất trụ vị của Hiển giáo, huống hồ có thể biết được trí tuệ của Bồ Tát ở Sơ địa? huống hồ có thể chuyển được Thức thứ tám để sinh thành Đại viên kính trí? Còn không thể sinh khởi Đại viên kính trí của Thức thứ tám, huống hồ có thể biết được Tứ trí của Phật địa bên Hiển giáo? “Phật” của Mật giáo như thế, căn bản chỉ là phàm phu ngoại đạo mà thôi, thế mà lại cuồng ngôn nói “Phật” của Mật giáo còn chứng thêm được Pháp giới Thể tính trí, cuồng vọng nói Pháp giới Thể tính trí của họ còn vượt xa hơn cả Tứ trí của Phật bên Hiển giáo? Đúng thật là những kẻ cuồng vọng và vô tri.

Nếu nói Pháp giới trí của Mật tông đó chính là Pháp giới trí của Phật giáo, thì trí tuệ có được từ pháp tu của phái Tính Lực trong Ấn Độ giáo và Bà La Môn giáo cũng phải được gọi là Pháp giới trí mới đúng, vì họ cũng nói lạc xúc và Tâm giác tri trong cảnh giới dâm lạc là Không tính, là Thể chân thực, hoàn toàn không khác gì so với thuyết của Mật giáo. Thế nhưng, trí tuệ của Pháp giới mà Phật tuyên thuyết không phải là trí tuệ mà “Đại tham của thế gian” trong Tứ hỷ dâm lạc của Mật tông chứng được, mà là chứng được cội nguồn Pháp giới của chúng sinh hữu tình – Thức thứ tám Như Lai Tạng. Thức thứ tám này mới là gốc rễ của tất thảy Pháp giới hữu tình, vì tất thảy vạn pháp của Pháp giới hữu tình đều trực tiếp hoặc gián tiếp sinh ra từ Thức thứ tám này. Đó là chứng lượng hiện tiền của tất cả những người chân ngộ trong Thiền tông Trung Quốc, cũng là chứng lượng chung của các bạn đồng tu chân ngộ trong Hội Đồng tu Chính Giác Phật giáo ngày nay.

Tất cả các thượng sư từ cổ chí kim của Mật tông xưa nay đều không hiểu Phật pháp, đều hiểu lầm về Phật pháp, cho rằng cội nguồn của chúng sinh là tinh dịch, bèn mượn danh từ “Giới – chủng tử” trong kinh Duy Thức thuộc Tam chuyển pháp luân để làm ẩn ngữ trong Mật tục của họ, lấy Giới để ẩn dụ cho tinh dịch của nam giới. Sau đó, từ tà kiến này, họ lại cho rằng tinh dịch chính là cội nguồn của Pháp giới, vì thế cho rằng người không lậu rớt tinh dịch mà có thể giữ mãi được cảm giác dâm lạc không thoái thất thì tức là chứng được trí tuệ Thể tính của Pháp giới. Từ việc cảm nhận Đại Lạc mà vẫn giữ được tinh dịch bất lậu, đồng thời người đó có thể biết cách làm thế nào để có được pháp phương tiện này, họ xây dựng nên quy trình tu chứng Nhất thiết Chủng trí, khác hẳn so với Nhất thiết Chủng trí mà Phật nói – tức là trí tuệ của tất thảy Chủng tử tàng chứa trong Thức thứ tám.

Với tà kiến đó, Mật tông cho rằng: Tất cả các Bồ Tát sau khi tu học và thân chứng được pháp môn của Hiển giáo, bắt buộc phải tu chứng pháp này. Nếu người nào không tu chứng pháp này thì chắc chắn không thể thành tựu Phật quả cứu cánh. Rồi họ lại dựa vào tà kiến, tà tri này nói Phật Thích Ca Mâu Ni của Hiển giáo không phải nhờ tu chứng Lạc Không song vận mà thành Phật, cho nên không phải là thành Phật Cứu Cánh, do đó mà họ hạ nhục Hiển giáo. Từ tà kiến này, Mật tông còn nói chứng lượng của những người trong Hiển giáo đều không bằng Mật giáo, tự nhận rằng họ đều đã hoàn thành quá trình tu chứng của Hiển giáo, nay đã bước vào quá trình tu hành trong Mật giáo, cho nên tu chứng của họ cao hơn những người trong Hiển giáo. Bằng cách xuyên lạc chân tướng sự thật như thế, họ đã cố tình ức Hiển sùng Mật.

Mật tông đem trí tuệ thế gian tà dâm này để thượng tôn pháp của mình, cuồng ngôn nói Song thân pháp của Mật tông là pháp môn thành Phật Cứu Cánh mà những người thành tựu Phật quả bên Hiển giáo phải tiến tu, lại đem “Pháp giới Thể tính trí” tà dâm của Mật tông trùm lên trên Tứ trí ở Phật địa, hoang đường đến cùng cực, không gì hơn được nữa. Ấy thế mà rất nhiều đại sư xuất gia, tại gia của Hiển giáo lại nhẫn nhịn trước những ngôn hành cuồng vọng đó của Mật tông, ai nấy đều làm người tốt thái quá, giữ cho mình tâm thái ba phải xuề xòa, không chịu bài xích họ, thậm chí lại còn bám duyên đánh đu với họ, khiến cho người ta không thể nào hiểu được, chỉ có thể than thở rằng vì đây là hiện tượng thời Mạt pháp mà thôi.

Mật tông tự tôn cao Câu sinh trí của Song thân pháp như thế, sai lầm cho rằng họ thực sự có thể dựa vào Song thân pháp để tu thành Phật quả cứu cánh, qua đó để diệu võ dương oai trước Hiển giáo, hạ thấp hành môn và chứng lượng của các Bồ Tát bên Hiển giáo là thô thiển. Những người trong Mật tông xưa nay, bề ngoài thì thể hiện phạm hạnh thanh tịnh, bên trong lại chứa đầy dâm uế, đem giới Tam muội da Song thân pháp do họ tự lập ra, xưng tán nhau là trì giới thanh tịnh để trùm đầu những người học Hiển giáo, thật đúng là một thứ tôn giáo “Giẻ cùi tốt mã dài lông, bên ngoài hào nhoáng bên trong ra gì”.

Trong Mật tông có một vị danh sư, là Nhượng Tưởng Đa Kiệt thày của hoàng đế triều Minh, ông ta từng viết cuốn sách “Thậm thâm nội nghĩa”. Cái tên “Thậm thâm nội nghĩa” viết trong cuốn sách này chính là bắt nguồn từ ý nghĩa bí mật tu hành hướng đến “nội thân nội tâm” của Song thân pháp. Nhưng khi tham cứu chứng lượng của Nhượng Tưởng Đa Kiệt thì thấy ông ta chỉ lấy Tâm ý thức làm Chân Như ở Phật địa, còn chưa biết tí gì về chứng lượng Bát Nhã của Bồ Tát ở Thất trụ vị bên Hiển giáo, huống hồ có thể biết có thể chứng được Đạo chủng trí của Bồ Tát ở Sơ địa của Hiển giáo? mà nói nghĩa lý của nó là nghĩa cực thâm sâu trong Nội pháp? Tuyệt không thể có lý đó được!

Phái Tát Già còn có chủ trương thế này: “Tiếp đến, để khai hiển sự trở lại của công đức, nay giải thích về sự tự tại của Ngũ trí: Dùng giác thụ Không Lạc Câu sinh trí (dùng cảm nhận Không Lạc có từ Đệ tứ hỷ Câu sinh trí của Song thân pháp) để khai lộ hiển hiện thể tính chư pháp bất sinh, đó là “Đại viên kính trí”. Trí tuệ để chứng ngộ tất thảy Luân Niết bình đẳng tính (cái trí tuệ mà chứng ngộ Tâm giác tri trong Lạc Không song vận là Niết Bàn, từ đó hiểu được Luân hồi và Niết Bàn vốn có tính bình đẳng) chính là “Bình đẳng tính trí”. Cái chứng ngộ Bồ Đề tâm thế tục biến kê chấp không mất (trí tuệ chứng ngộ tinh dịch biến kê chấp mà không mất đi – không lậu tinh) là “Diệu quan sát trí”. Trí tuệ thành biện Chân Như bằng chính tự thân (trí tuệ để tự tâm mình cửu trụ an trú trong cảnh giới Lạc Không song vận mà nhất niệm bất sinh, không khởi phân biệt, từ đó mà thành tựu Chân Như ở Phật địa) chính là “Thành sở tác trí”. Đạt vô phân biệt nghĩa (trí tuệ khiến cho an trú trong cực lạc Đệ tứ hỷ mà Lạc Không song vận, “đạo lý Tâm giác tri không tiến hành bất cứ sự phân biệt nào”) gọi là “Pháp giới Thể tính trí”. Loại này trong tụng lược bằng chữ Đẳng”. (61-559~561)

Nội dung về Ngũ trí nói như trên cho thấy Ngũ trí của phái Tát Già hoàn toàn khác xa so với những gì mà Phật nói. Đại viên kính trí chính là Thức thứ tám Chân Như ở Phật địa sau khi làm thanh tịnh Phiền não chướng và Sở tri trướng, đã diệt tận không còn dư thừa nữa. Vì có thể sinh ra vô lượng trí tuệ, có thể tương ứng với 21 Tâm sở hữu pháp, đồng thời có thể vận hành riêng rẽ, do đó mà có thể “cảm ứng mười phương không sót chỗ nào”, thì mới gọi là Đại viên kính trí ở Phật địa. Đại viên kính trí như thế chỉ ở Phật địa mới có, không phải là trí tuệ mà Bồ Tát Đẳng giác có thể chứng được. Chứ không phải khai hiển thể tính của chư pháp bất sinh bằng giác thụ Không Lạc Câu sinh trí trong Song thân pháp của Mật tông thì gọi là “Đại viên kính trí”.

Về Bình đẳng tính trí, là chỉ người chứng được Thức thứ tám Như Lai Tạng, vì nhìn thấy Chân Tâm Như Lai Tạng cội nguồn của tất thảy chúng sinh đều giống nhau, đều cùng là một loại thể tính không khác nhau, không có phân biệt cao thấp, cho nên gọi là Bình đẳng tính trí. Đây chỉ là Bình đẳng tính trí hạ phẩm. Người lần đầu tiên chứng được Thức thứ tám Như Lai Tạng trong Thiền tông gọi là Bồ Tát hiền vị thất trụ. Bình đẳng tính trí cứu cánh tận cùng ở Phật địa mới là Bình đẳng tính trí thượng phẩm. Mật tông thì sai lầm trong rằng trong Song thân pháp, cái Tâm vô niệm linh tri (Ý thức) nhất tâm hưởng thụ dâm lạc đó không thực hiện bất kỳ sự phân biệt nào bằng ngôn ngữ, coi đó là cảnh giới Niết Bàn, ngộ nhận về Niết Bàn vô dư, nói Tâm giác tri này khi nó trụ ở trong Tam giới tức đã là cảnh giới Niết Bàn rồi, do đó nói luân hồi và Niết Bàn không khác biệt. Họ đem quan niệm sai lầm này để làm Nhân của Bình đẳng tính trí, hoàn toàn khác xa với những gì mà Phật đã tuyên thuyết, tuyệt đối không phải là pháp môn tu hành của Phật giáo.

Về Diệu quan sát trí, là lấy việc chứng biết Thức thứ tám Như Lai Tạng làm Nhân, sinh khởi ra trí tuệ Bát Nhã vi diệu quan sát được Thực Tướng Tâm của Pháp giới, từ trí tuệ này có thể quan sát tất thảy chúng sinh hữu tình trong Pháp giới thập phương đều lấy Tâm Thức thứ tám này làm gốc, và có thể thấy tại chỗ sự vận hành của Tâm này. Đây không phải là trí tuệ mà bậc Vô học của Nhị thừa chưa ngộ có thể biết đến, càng không phải là thứ mà phàm phu có thể biết được, cho nên gọi là Diệu quan sát trí. Mật tông thì lại ngộ nhận về Bồ Đề tâm thế tục (trọc phần và tịnh phần của tinh dịch), nếu có thể nhiếp trì không cho nó lậu rớt, có thể phổ biến kế chấp mà thăng hoa nó, thì gọi là Diệu quan sát trí, khác xa so với pháp nghĩa trong Phật giáo.

Về Thành sở tác trí, là chỉ “Tiền ngũ thức” ở Phật địa, từng cái sinh khởi tác dụng, cảm ứng với các chúng sinh hữu duyên mà thực hiện các công việc lợi sinh. Trí tuệ này chỉ ở Phật địa cứu cánh mới có, không phải là thứ trí tuệ mà các Bồ Tát có thể chứng biết. Mật tông thì lại cho rằng Tâm ly niệm linh tri khi đả tọa đến mức nhất niệm bất sinh chính là Chân Như ở Phật địa; hoặc coi Tâm giác tri vô niệm lạc minh khi Lạc Không song vận trong Song thân pháp là Chân Như ở Phật địa. Họ rơi vào trong cảnh giới Ý thức mà ngộ nhận đó là Chân Như ở Phật địa, bèn nói: Trí tuệ thành biện Chân Như bằng chính tự thân chính là “Thành sở tác trí”, hoàn toàn khác biệt với Thành sở tác trí trong Phật pháp.

Về Pháp giới Thể tính trí: Lấy việc chứng biết và cảm nhận thể tính vốn dĩ không hề có phân biệt của Thức thứ tám, chứng biết “Thức thứ tám có thể sinh ra tất thảy pháp giới hữu tình, có thể sinh ra tất cả pháp hữu lậu hữu vi và pháp vô lậu hữu vi trong Tam giới, có thể hiển hiện tất thảy pháp vô vi xuất thế gian”, do đó mà chứng biết và hiện quan, cảm nhận Thực Tế của Pháp giới, từ đó sinh ra một loại trí tuệ gọi là trí tuệ Thể tính của Pháp giới. Mật tông thì coi việc Tâm giác tri nhập vào trong đại lạc Đệ tứ hỷ của dâm lạc, thông qua việc nhất tâm hưởng thụ trong đại lạc để chế phục vọng tưởng ngôn ngữ, tạm thời không khởi phân biệt đối với các cảnh trần bên ngoài thân, vì thế mà nói rằng: Đạt vô phân biệt nghĩa gọi là “Pháp giới Thể tính trí”. Kỳ thực, đó vẫn chỉ là Tâm phân biệt, vì vẫn có thể nhận biết được mình đang cảm nhận dâm lạc tức là đã phân biệt dâm lạc rồi. Nói như thế là hoàn toàn khác với những gì Phật nói. Ngũ trí khác xa với nội dung mà Phật tuyên thuyết như thế, chỉ là Ngũ trí, Tứ trí do Mật tông tự mình phát minh ra, tuyệt đối không phải là Tứ trí ở Phật địa và Pháp giới Thể tính trí mà các Bồ Tát sơ ngộ chứng được trong Phật pháp.

Lại nữa, Mật tông còn có thuyết chuyển Ngũ độc thành Ngũ trí, đây cũng là một vọng tưởng: “Tâm khí thông đạt, ý nghĩa tháp tùng: Khí thanh tịnh, gọi là vô sinh. Khí đại lạc gọi là vô diệt. “Không” là thể của khí, “Minh” là quang của khí. Từ khí vô sinh, là có Phật Mẫu. Từ khí đại lạc, là có Phật Phụ. Thể của khí vô sinh là tòa liên hoa, Dụng của khí đại lạc là tòa kim cương. Khí bị phi phát, khí quyển vô phát. Khí sung vũ trụ, đó là lõa thể. Duy chỉ khí có thể nhập, không đâu không lan khắp, cho nên gọi là vô lượng, cũng gọi là vô biên. Duy chỉ có khí phát quang, duy chỉ khí là có dụng, cho nên thành Ngũ sắc mà thể hiện thành Ngũ dụng: khí Tham màu đỏ, khí Sân màu trắng, khí Si màu lam, khí Mạn màu vàng, khí Nghi màu lục. Ngũ độc là Dụng, Ngũ trí là Thể. Tham dụng xuất ở Diệu quan sát trí, Sân dụng xuất ở Đại viên kính trí, Si dụng xuất ở Pháp giới Thể tính trí, Mạn dụng xuất ở Bình đẳng tính trí, Nghi dụng xuất ở Thành sở tác trí. Trí tụ tập ở Tâm, dụng ngự bằng khí”. (34-1257)

Những lời nói kiểu suy đoán như vậy, thế mà cũng có người tin theo, biên tập chúng thành sách để phát hành rộng rãi, phá hoại chính pháp Phật giáo, dẫn dắt sai lầm chúng sinh, tội lỗi đó không thể gọi là nhỏ được. Ngoài ra, về thuyết quang sắc và Ngũ độc cũng có nhiều điểm sai lầm, nhưng vì không liên quan đến biện chính pháp nghĩa, nên nay tạm gác đấy. Không thể nói vì “có khí vô sinh” mà có Phật Mẫu. Phật Mẫu (trong Phật pháp chính tông) là chỉ trí tuệ Bát Nhã, là đức mẹ thành Phật, cho nên gọi là Phật Mẫu, đâu có thể vì có những danh tướng kiểu “vô sinh, vô khí” không có thật mà gọi đó là Phật Mẫu được? “Đại lạc” cũng không phải là Phật Phụ, vì chư Phật đều nhờ vào trí tuệ mà thành, không phải sinh ra từ đại lạc Câu sinh trong dâm xúc, đâu có thể tự tiện đoán mò mà phát minh ra các danh từ kiểu “khí đại lạc” tà dâm, lại coi các pháp duyên khởi đó là pháp thực hữu để rồi suy tôn nó là gốc rễ để thành Phật được? Hoang đường đến thế là cùng!

Thuyết “Ngũ độc là Dụng, Ngũ trí là Thể” quả thật là hoang đường vô cùng tận. Giả sử như Thể là Trí đi, thì tuyệt đối không thể nào sau khi phát Dụng (phát sinh tác dụng) lại biến một phát thành Độc được. Cho nên cái thuyết gọi là “Ngũ độc xuất từ Ngũ trí” vô cùng hoang đường, lẽ ra không nên phát ra từ mồm của bậc thượng sư Mật tông tự nhận xằng rằng phải là người tối thượng căn mới có thể tu học được.

Cùng là lời của một vị thượng sư, nhưng thường xuyên trước sau mâu thuẫn lẫn nhau. Đó là những lời lẽ của tư duy ý thức chứ không phải là của người thực chứng Bát Nhã. Lời nói của những người thực sự chứng ngộ chắc chắn trước sau sẽ hoàn toàn thống nhất, không hề có sự mâu thuẫn nào, chỉ có sự khác biệt về mặt nông sâu, rộng hẹp mà thôi, nhưng vẫn có những mâu thuẫn do người chưa ngộ đọc mà không hiểu dẫn đến hiểu lầm. Lời lẽ đoạn trước của Thượng sư Trần Kiện Dân và ví dụ dưới đây có điểm tự mâu thuẫn trước sau: “Tu ngũ tướng thành thân ở Vô thượng bộ, tụng rằng: Nguyệt là Viên kính trí, Chân Như Bình đẳng trí; Bản tôn chủng tử “xí”, gọi là Diệu quan sát. Hợp nhất Thành tác trí, giống viên mãn thanh tịnh. Bậc trí nói nghi quỹ, nên tu năm loại tướng”. (34-72) Trong cùng một cuốn sách, lời nói trước sau trái ngược nhau, thì sao có thể nói đó là chính thuyết (nói chuẩn) được?

Lại như: “…Lại vì A Lại Da thức chuyển, gọi là Đại viên kính trí. Hành ý sở y của nó là Bình đẳng tính; Ý thức thứ sáu là Diệu quan sát, tiền Ngũ thức là Thành sở tác. Các trí đó an trú ở bản thể cực thanh tịnh, gọi là Pháp giới thể tính”. (34-439)

Những lời nói này trái ngược với những câu nói phần trước, cả ba thuyết đều xung đột với nhau, mâu thuẫn với nhau. Những chuyện tự ý trái nhau như thế còn có rất nhiều, đâu đâu cũng có thể nhặt được. Cho nên, lời nói của các thày Mật tông, đều xuất phát từ những suy đoán, ức tưởng, không thể nào tin được. Mật tông do hiểu sai về nội hàm của Tứ trí ở Phật địa, cho nên mới đại ngôn thổi phồng về việc tức thân tu thành Phật cứu cánh. Nhưng ngó qua cảnh giới mà quả báo tu chứng của họ, thì thấy đều là các quả báo hữu vi hữu lậu ở thế gian, hoàn toàn không liên quan gì đến quả vị và trí tuệ Phật pháp. Phàm là những hành giả Phật giáo chúng ta đều nên chú ý tư duy, quan sát, ấn chứng các kinh Phật, sau đó tiến hành lựa chọn, để tránh đi nhầm vào trong tà giáo mà không tự biết, còn tạo ra đại ác nghiệp phá hoại chính pháp Phật giáo.

 

 


Bài trước

Bài sau

Trang chủ

Lượt xem trang: 0