Chân tướng
Mật Tông Tây Tạng

Phật giáo Tạng truyền thật sự là Giác Nãng Ba, hoằng dương diệu pháp Như Lai Tạng Tha Không Kiến, hoàn toàn phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo. Tứ đại giáo phái Hồng, Hoàng, Hoa, Bạch là Phật giáo Tạng truyền giả, tất cả các pháp nghĩa của họ đều không phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo, cho nên là tà giáo, tà pháp.

CHƯƠNG 11: ĐOẠN HOẶC CHỨNG QUẢ CỦA MẬT TÔNG

 

Tiết 1: Sự tu hành Mật pháp mãi mãi không thể đoạn hoặc chứng quả

Các thày Mật tông vẫn luôn cho rằng phải sau khi tu học Hiển giáo thành công thì mới đủ tư cách tu học Phật pháp. Họ còn nói: “Chỉ có sự tu hành Mật pháp mới có thể thành tựu Phật quả cứu cánh, cho nên chắc chắn phải là người thượng thượng căn thì mới có thể học Mật”, lấy đó để nâng cao mình trước các thày Hiển giáo. Mật tông cũng cho rằng từ cổ chí kim cũng từng có rất nhiều người học Mật đã thành Phật, Liên Hoa Sinh chỉ là một trong số đó mà thôi.

Ví dụ, thượng sư Đạo Nhiên Ba Lạc Bố Thương Tang Bố từng nói thế này: “Pháp thuật loại này hiện đã thất truyền, người biết cũng không có lấy một vài. Thời xưa khi Mật Lặc Nhật Ba trụ thế, pháp hoán thể (đổi xác) rất thịnh hành, Lạt Ma Mạt Nhi Han (Mã Nhĩ Ba) biết được bí pháp này, đã truyền nó cho Mật Lặc. Mật Lặc đã dựa vào pháp này mà thành Phật”. (62-112)

Lại nói rằng: “Hành giả sau khi quy y thày Bỉnh cầu được quán đỉnh Mật tập, thì tu Mật tụ Kim Cương, tu xong thì đắc Ảo thân và Minh Quang. Sau khi đắc hai pháp này, sẽ có đủ Ngũ đạo. Ngũ đạo là gì? Một là thân Khẩu tịch tĩnh, hai là Ý tịch tĩnh, ba là Minh Quang, bốn là Ảo thân, năm là Song nhập. Đó là thứ tự của Phật ngũ đạo bí mật. Đạo mà Lạt Ma Mạt Nhi Han đắc chính là đạo Mật tụ Kim Cương. Sau khi tu thành Ngũ đạo nói trên thì tu pháp phao-oát. Lục pháp của Lạt Ma Mạt Nhi Han gồm một là Đan điền hỏa, hai là Ảo thân, ba là Minh Quang, bốn là Phao-oát (Chú thích gốc: tức là pháp linh hồn xuất nhập tự chủ. Khi tu hành pháp này, hành giả phải vào động nơi không có dấu chân người để an định ngồi xuống, sau đó phao-oát để linh hồn mình đến Phật quốc nghe kinh, hoặc đi du hành ở các xứ khác, xong việc thì hồn lại quay về trong thân), năm là hoán thể (đổi xác), sáu là pháp Trung âm thân thay thế thành Phật. Ảo thân, Minh Quang trong Lục pháp này tu lúc ngủ, tự quán tưởng mình đã chết, biến thành Quang uẩn, ngoài ra không nghĩ gì hết, cái này nghĩa là Châu Lý. Nếu đắc hai pháp phao-oát và đổi xác thì trong lòng cực kỳ an lạc. Mật Lặc nghe thày giảng về Khởi phần, Khởi phần biết rồi thì tu Đan điền hỏa. Sau khi tu xong Đan điền hỏa, thì ôm Minh mẫu, biết Nhất thiết pháp Không tu. Tu tức là Minh Quang, Minh Quang tức biết Không. Minh Quang và ta chết vô thường, tất thảy Không, khi ba cái đến, Minh Quang đánh dấu bằng Ảo thân của đạo, tức thể hiện bằng ảo hóa như mơ. Mật Lặc nhờ tu Lục pháp này mà được tức thân thành Phật”. (62-115~116)

Như vậy mà nói Mật Lặc Nhật Ba đã tức thân thành Phật, đồng thời là Cứu cánh Phật với ba thân đầy đủ. Thế nhưng suy xét kỹ khai thị mà Mật Lặc Nhật Ba để lại qua lời văn và ca quyết, thì phát hiện đều không khác gì so với các thày xưa nay của Mật tông, đều coi Tâm giác tri (Ý thức) “Lạc Minh vô niệm” là Chân Như ở Phật địa, đều cho rằng chứng được Đệ tứ hỷ của dâm lạc là đã thành Cứu cánh Phật; ba thân mà ông ấy nói cũng không phải là ba thân mà Phật giảng, đều là giải thích ba thân Pháp – Báo – Hóa bằng vọng tưởng của riêng mình.

Các thày Mật tông hoàn toàn hiểu sai về pháp của Hiển giáo nhưng lại tự nói mình đã biết, đã chứng được trí tuệ Bát Nhã mà bên Hiển giáo tu hành. Từ sự hiểu lầm của mình, họ còn nói “Hiển giáo là pháp môn tu hành ở Nhân địa”, nói một cách tự cao rằng “Mật tông là pháp môn tu hành ở Quả địa”, qua đó mà nâng cao Mật giáo, đè bẹp Hiển giáo. Họ còn cho rằng pháp của Hiển giáo không thể thành Cứu cánh Phật, hiểu sai Phật quả của Hiển giáo chỉ là chứng được định cảnh nhất tâm bất loạn. Ví dụ, họ nói rằng: “Đạo thành Phật của Hiển giáo chú trọng Chỉ Quán, tức là thân ngồi ngay ngắn bất động, nhất tâm tịch chỉ siêu quán. Nếu tâm không tịch chỉ, thì Lý của Hiển giáo nhất định không đến” (62-117). Điều này đã chứng tỏ các thày Mật tông cho rằng việc chứng ngộ thành Phật của Hiển giáo chỉ là đả tọa tu nhất niệm bất sinh, không quan sát sự còn hay mất của Tâm giác tri và Sắc thân, cũng không tưởng nhớ gì đến nó. Nhất tâm tịch chỉ mà không khởi quán như thế tức là đã thành Phật đạo ở Hiển giáo. Họ đã hiểu sai về Hiển giáo nghiêm trọng đến mức độ đó. Người hiểu sai về Hiển giáo, đến nay vẫn còn rất nhiều, chưa từng thay đổi.

Các thày Mật tông cho rằng người có thể tịch chỉ siêu quán đến nhất tâm bất động là đã hoàn thành quá trình tu hành của Hiển giáo – thành tựu Phật quả cứu cánh ở bên Hiển giáo, thì sau đó mới có thể bắt đầu tu học Mật pháp, cho nên họ mới nói tu hành Mật pháp cao hơn Hiển giáo: “Hôm qua giảng đạo phổ thông (đạo chung) của Mật giáo và Hiển giáo, sau khi tu định của Hiển giáo trước, nếu không định thì tu tiếp tịch chỉ siêu quán – nhất tâm bất động. Sau khi tu tốt Hiển giáo xong, thì mới có thể tu Khởi phần ở Mật giáo, tức là tự quán thành Phật đó”. (62-119)

Thế nhưng, việc tu hành Phật đạo ở Hiển giáo là phải chứng được đạo Giải Thoát và đạo Phật Bồ Đề, đâu có lấy nhất niệm bất sinh, nhất tâm bất động làm chính tu? Các thày Mật tông đã không biết là cứ tưởng là mình biết, nên mới buông những lời hạ thấp Hiển giáo, qua đó để nâng cao sự thù thắng của pháp môn Mật tông, kỳ thực là hoàn toàn không hiểu gì về hai đạo chủ yếu của Hiển giáo. Phản quan chứng cảnh tu hành quả vị mà Mật tông cho rằng siêu việt hơn cả Hiển giáo, thì thấy vẫn còn chưa thể nhập vào Kiến đạo Bát Nhã trí ở thất trụ vị thô thiển nhất trong Hiển giáo, hoàn toàn hiểu sai về sự tu chứng Bát Nhã ở Hiển giáo, còn chưa thể trở thành Bồ Tát thất trụ vị của Hiển giáo, huống hồ có thể thành tựu Phật quả trong Hiển giáo? Thế mà họ lại cuồng ngôn nói nhất tâm bất loại, nhất niệm bất sinh chính là sự tu chứng Phật quả trong Hiển giáo, thật đúng là những lời nói vọng tưởng khác xa sự thực. Thế mà nói giáo pháp của Mật tông thù thắng, chẳng khác gì lời nói của những kẻ cuồng tín. Vậy thì đạo tức thân thành Phật của họ có chỗ nào đáng tin mà hành giả Mật tông tin vào và tu theo?

Pháp môn tu hành của Mật tông, từ đầu chí cuối đều lấy pháp môn Không Lạc song vận của dâm lạc làm tư tưởng nòng cốt, cứ nhất tâm truy cầu cảnh giới Đệ tứ hỷ của dâm lạc, đọa vào trong tầng thứ thô thiển nhất của Dục giới, còn chưa thể giải thoát khỏi sự trói buộc của Dục giới, huống hồ có thể thành tựu Phật đạo cứu cánh? Hãy xem những ví dụ thực tế nêu trong Chương 8, Chương 9 của cuốn sách này là có thể biết ngay. Với những pháp không thể giải thoát khỏi Dục giới như thế mà nói có thể chứng, có thể biết được Bát Nhã và Chủng Trí của Hiển giáo, thật đúng là vô lý. Cho nên, những lời nói kiểu “Tu xong Hiển giáo mới có thể tu học Mật giáo” hoàn toàn là vô nghĩa.

Cư sĩ Trần Lý An từng nói tôi thế này: “Tổ sư Mật tông không có ai tự nhận mình đã thành Phật, đều là cực kỳ khiêm tốn. Cho nên, trong cuốn sách “Bình Thực thư thiêm”, ông nói Mật tông tự xưng có nhiều người đã thành Phật, rõ là những lời nói không chính xác. Trong Mật tông có rất nhiều nhà đại tu hành, trong số các nhà đại tu hành đó, nay đã có không ít người hoằng pháp tại Đài Loan, ông nên cầu kiến những nhà đại tu hành đó, để được họ ấn chứng và cầu pháp yếu”. Nay tôi nêu ra những lời nói của thượng sư Mật tông để chứng minh người trong Mật tông nói về những người đã thành Phật nhiều như lông bò, tuyệt đối không phải như ông cư sĩ họ Trần nói “Họ đều cực kỳ khiêm tốn, chưa từng nói Mật tông có người thành Phật”.

Ví dụ: “Về lúc tu pháp, không được có tâm cầu danh lợi, gấp cầu ứng nghiệm. Nếu mà làm như thế, không những tội nghiệp sâu nặng mà còn chiêu vời ma chướng. Năm xưa ta từng ở Ngũ Đài tu pháp, lúc ban đầu cũng phạm phải lỗi trên. Sau nhờ ân sư chỉ điểm, mới không giữ tâm đó nữa. Cho nên, lúc tu pháp, phải có Tam Mật tương ứng, nhất tâm bất động, thần không ly xả, tâm không chạy ngoài. Nếu có thể tu trì như thế, năm sáu tháng sau có thể thành Phật” (62-238). Những lời lẽ như thế, đâu đâu cũng có thể thấy trong các Mật tục do các thày Mật tông viết từ xưa đến nay, tuyệt đối không phải do tôi nghe đồn bên tai.

Mật tông cho rằng phải chứng được Vô ngã pháp của Hiển giáo trước, sau đó lại tu Song thân pháp của Mật tông thì mới có thể thành Phật:

“Vô ngã có hai, một là chúng sinh vô ngã, hai là tất thảy pháp vô ngã. Nếu tu vô ngã, trước hết phải quán tưởng ta chết vô thường. Nếu có thể quán tưởng việc ta chết vô thường một cách thấu triệt, thì Ngã chấp tự phá. Nhưng trước Phật địa đều không thể hoàn toàn không có Tâm ta, đủ thấy Ngã chấp không dễ gì phá được. Hành giả nên quán tưởng tất thảy pháp và tất thảy chúng sinh Tự tính vốn Không, thì Chân Ngã từ đâu mà có? Ta mà không thật thì còn nói gì đến hình tướng? Có thể thấy, phàm tất cả các tướng đều là hư vọng. Năm xưa đại sư Liên Hoa Sinh nói: “Tất thảy pháp Không, tất thảy chúng sinh vô Ngã”. Các vị Phật từ xưa đến nay không ai là không tuyên thuyết như vậy. Vì chúng sinh từ vô thủy kiếp đến nay đều chấp Ngã là thực có, cho nên mới lưu chuyển luân hồi, vạn kiếp khó thoát ra, thật là đáng thương. Xưa Lạt Ma Mạt Nhi Han dặn dò môn đồ của mình là Mật Lặc phải đi đến phía đông sông Hằng để gặp Mật Đắc Lợi Han, cầu ông ấy cái Lý tất thảy pháp Không. Nhờ hiểu rõ được đạo tất thảy pháp Không thì có thể đắc tam thân, mới có thể đoạn tâm. Mật Lặc nghe lời thày mình, đi cầu kiến Mật Đắc Lợi Han. Mật Đắc Lợi Han nói với ông ta rằng: “Ngươi đã đến lúc nạp Minh Phi rồi”. Mật Lặc bèn lấy vô Ngã Không Hành làm Minh Phi, lúc tu Chính phần mới được sử dụng người nữ, dùng cũng không gấp gáp. Người không biết đến Chính phần thì không được gần gũi người nữ. Việc dùng người nữ ở đây là khác với vợ chồng ở thế tục, có mật ý riêng, sau này sẽ nói đến nó…

Mật Lặc cũng nói tất thảy pháp Không như thày mình, Nguyệt Xứng cũng nói tất thảy pháp Không. Phàm là Phật đều tuyên thuyết như vậy. Người nào không nói như vậy, trăm không được một. Tất thảy pháp như mặt trăng trong nước, phi chân phi giả. Cho nên, người tu Chính phần cần nhất tâm du già (nhất tâm an trú trong cảnh giới Lạc Không vô niệm của Song thân pháp), không nghi không tham (Chú thích gốc: Tâm tham mà khởi thì đạo Chính phần sẽ mất hết). Tưởng nghĩ tất thảy pháp đều nhờ nhân duyên mà sinh khởi, Tự tính vốn Không. Nếu không có nhân duyên, thì pháp không thể thành lập. Cho nên cần phải nhìn tất thảy pháp như ảo hóa, không khác gì nằm mơ. Cũng giống như gương hoa thủy nguyệt, phi hữu phi vô (không phải có, không phải là không có). Nếu nói là nó có, thì có khác gì nói con thỏ có sừng, nói dây thừng là con rắn? Pháp thực có thật sự tuy nhỏ như vi trần, cũng không thể có được. Nếu không quán tưởng tất thảy pháp Không, ta chết vô thường thì tuyệt đối không thể thành Phật, hơn nữa lại khó thoát luân hồi. Khi hành giả sinh tâm niệm có Ta (Ngã) thì cần lập tức quán tưởng tất thảy pháp Không, như thế thì cái tâm niệm có Ta mới tự diệt. Tâm có Ta diệt rồi thì mới có hy vọng thành Phật, luân hồi mới có thể thoát…

Bản tính Không Hữu có hai: Một là, tất thảy chúng sinh Bản tính Không; Hai là tất thảy pháp Bản tính Không. Tất thảy pháp không cái nào không hiển thị Không, hiểu được lý Không vốn không hai không khác với Bản tính, thì việc quán Không này mới đạt đến cùng cực của Lý, chư Phật không ai không nói như vậy. Đạo lý của mình tức là Không An không hai không khác, các ngươi cần phải tu học cho tốt cái Lý tất thảy pháp Không”. (62-73~76)

 

Như thế là hiểu lầm Phật pháp Hiển giáo là tất thảy pháp Không. Đã là tất thảy pháp Không, thì không nên thường trụ trong cảnh giới Lạc Minh vô niệm của Song thân pháp mới đúng vì Lạc Minh vô niệm hoàn toàn là pháp của “Tam giới Hữu”, hơn nữa lại là pháp “Dục giới Hữu” thô nặng nhất trong Tam giới, hoàn toàn trái ngược với quan niệm “tất thảy pháp Không” mà mình tự nói. Những lời nói tự mâu thuẫn với chính mình của Mật tông như thế đâu đâu cũng có thể thấy, nhiều không kể xiết.

Những lời lẽ đầy mâu thuẫn xung đột như thế chính là sự bại hoại của pháp nghĩa Mật tông, ngay từ đầu đã sai lầm rồi. Ví dụ:

“Khi ôm Minh Mẫu (khi ôm Minh Phi giao hợp), tâm vô cùng hoan hỉ, cái hoan hỉ này chính là an lạc. Ta chết vô thường, tất thảy pháp Không, tức là Không Minh. Không trong An, An trong Không, điều này có nghĩa là “Không An không hai không khác” vậy (Chú thích gốc: Không An không hai không khác còn có tên gọi là Lạc Minh bất nhị). Khi đắc Không An không hai không khác thì sau đó Kiến đạo mới đến. Kiến đạo của Mật tông, quả vị rất cao, tương đương với Kiến đạo thứ mười của Hiển giáo, chứng đắc chính là thành La Hán, tiến thêm một chút là thành Phật rồi! Còn Kiến đạo của Hiển giáo thì không phải như thế, khi Kiến đạo thì phiền não thứ nhất mới mất, nhưng vẫn còn 81 phiền não nữa chưa trừ được. Trong Mật tông, khi Kiến đạo, phiền não đã đoạn tận, lúc này chỉ cần trừ bỏ hiển luyến là thành Phật. Hiển luyến không trừ bỏ thì vẫn chưa thể thành Phật được. Nếu sức mạnh của Bồ Đề tâm (Minh điểm tinh dịch) đến một chút, mà bên ngoài không trừ nhiễu loạn (không dẹp trừ người nữ đang gây nhiễu loạn bên ngoài), thì phiền não trong thân có thể trừ, Không An tự nhiên sẽ đến! Khi Bồ Đề tâm chạy đến cửa Mật xứ (quy đầu), gấp rút thu hồi, thượng thăng lên đỉnh đầu, thì trí tuệ Không An bất phân sẽ sinh ra, chỗ này cũng có Không An. Nếu Không An không đồng thời tu, chỉ tu Không cũng có thể nhất tâm quán tưởng “Ta chết vô thường”, khi hoan hỉ tâm đến thì quán tưởng Ta chết vô thường, cũng tức là Không An không hai không khác đó. Người có thể thu hồi tinh (người có thể thu hồi tinh dịch sắp xuất ra vào trong thân) thì mới bắt đầu hợp tu đạo pháp. Khi tu, thân ngồi bình định Kim Cương, tức hai chân ngồi kiết già Kim Cương, hai tay kết ấn Bình định, lưng eo thẳng, đầu thẳng để hai tai ngang vai, mắt nhìn, mũi thẳng hơi mở, miệng khép răng lìa như bình thường, lưỡi hơi đẩy lên trên ngạc, thân thể ngay ngắn không dựa, không nghiêng và phải bất động, đó là tư thế ngồi bình định Kim Cương…

Một mình mà tu thì không tốt lắm, tu song thân thì mới nhanh thành tựu. Ngoài việc tự tu và tu song thân thì còn phải quán tưởng tất thảy chúng sinh cũng ôm Minh mẫu, tu tập như thế, công đức vô lượng (Chú thích gốc: Diệu pháp song thân này không có trong các cuốn kinh khác, cho nên phải trân quý muôn phần, tuyệt đối không được đánh mất. Trong “Hỷ Kim Cương bản tục kinh” cũng có pháp tu song thân này, cuốn kinh đó người Hán cũng có bản dịch. Còn về đạo âm dương giao hợp, trong Đại Uy Đức cũng nói chi tiết, còn trong các cuốn kinh khác thì không thấy nhiều đâu”. (62-203~205)

Pháp tu căn bản của Mật như thế, đã nói là tất thảy pháp Không, mà lại còn cầu lấy Dục giới Hữu thô nặng nhất trong Tam giới Hữu, như thế là rơi vào trong “Hữu”, miệng thì lại nói hay rằng tất thảy pháp Không, thật đúng là những kẻ nói một đằng nghĩ một nẻo. Hiển giáo thì không như vậy, có đủ tất thảy pháp Không quan của Uẩn Xứ Giới trong đạo Giải Thoát Thanh Văn, cũng có đủ Tâm Như Lai Tạng Không tính của Thực tướng pháp giới, có thể sinh ra “tất thảy Hữu pháp trong Uẩn Xứ Giới”. Như thế mà nói chân Không diệu Hữu, Không Hữu bất nhị, mới là Phật pháp chân chính. Pháp của Mật tông thì đọa vào trong Tam giới Hữu, lấy dục lạc “Hữu pháp của Dục giới” và “Tâm giác tri Lạc Minh vô niệm trong Hữu pháp Dục giới” để nói Không An bất nhị, để nói về Lạc Không song vận, Lạc Không bất nhị, như thế là khác xa với đạo Giải Thoát và đạo Phật Bồ Đề mà Phật nói trong pháp Tam thừa.

Mật tông hiểu lầm về Hiển giáo như thế, căn bản chưa thể chứng được một chút xíu gì của đạo Giải Thoát trong Hiển giáo, căn bản vẫn đọa vào trong “Ngã” mà nói “Vô ngã” (vì coi Tâm giác tri Lạc Minh vô niệm là Tâm thường bất hoại mà đọa vào trong Ngã kiến của thường kiến ngoại đạo), căn bản là chấp thủ Đệ tứ hỷ dâm xúc của pháp “Hữu” thô nặng nhất trong Tam giới mà lại nói tất thảy pháp Không. Họ đúng là những kẻ “trong mồm nói Không mà hành trong Hữu” mà Phật đã từng dự báo, chính là những kẻ miệng nói “đoạn Ngã kiến” mà lại rơi vào trong “Ngã kiến”, cho đến nay vẫn chưa từng biết đến nội hàm của Ngã kiến của bên Hiển giáo, huống hồ có thể biết, có thể đoạn được Ngã kiến và Ngã chấp mà thánh giả Hiển giáo tu đoạn? Như thế mà nói là những người Kiến đạo có chứng lượng cực cao của Mật tông, chẳng phải là cuồng ngôn của những kẻ vô tri hay sao?

Lại nữa, Mật tông nói về việc Kiến đạo để thành Sơ địa chỉ là lấy quán tưởng thành công Minh điểm trong Trung mạch, thông đạt trên dưới làm chứng lượng của Sơ địa. Còn Hiển giáo thì phải chứng đắc Thức thứ tám Như Lai Tạng; thông đạt Tâm vương pháp từ một đến tám thức mà Như Lai Tạng sinh ra và Ngũ pháp, Tam tự tính, bảy loại Đệ nhất nghĩa, bảy loại Tính tự tính, hai loại vô ngã pháp do Bát thức tâm vương sinh ra thì mới gọi là chứng lượng Bát Nhã ở Sơ địa. Nay xem các thày Mật tông không hề hay biết tí gì về chứng lượng Bát Nhã ở Sơ địa này, sai lầm coi tu hành của pháp ngoại đạo như Minh điểm Trung mạch là chính tu của Phật pháp, mỗi nơi một nẻo, hoàn toàn không có điểm giao nhau nào. Hiểu sai về Phật pháp như thế mà nói tu chứng của họ cao hơn những người Hiển giáo, thật là nực cười!

Pháp vô ngã mà Mật tông nói, đều coi “tất thảy pháp Không” là vô ngã, chứ không lấy Như Lai Tạng làm căn bản để nói chư pháp vô ngã. Cho nên, lý của họ hoàn toàn trái ngược với những gì Phật thuyết, tuyệt đối không phải là pháp của Phật giáo. Nên biết rằng, quan niệm “tất thảy pháp Không”, pháp “tất thảy pháp duyên khởi tính Không” chỉ là dựa bám vào pháp trong Uẩn Xứ Giới mà có. Cho nên, pháp “tất thảy pháp Không” không thể tự nó đứng ngoài pháp Uẩn Xứ Giới. Nếu đứng ngoài pháp Uẩn Xứ Giới, thì không có “tất thảy pháp Không” mà nói nữa, cho nên, “tất thảy pháp Không” phải dựa vào “pháp Hữu của Tam giới” mà có. Như thế mà nói tất thảy pháp Không là giống với đoạn kiến ngoại đạo kiến, hoàn toàn không khác biệt gì, vì nếu tất thảy pháp đều (quy) là Không thì đồng với đoạn diệt kiến rồi, bởi đoạn kiến ngoại đạo cũng nói y hệt như vậy.

Phật thì dựa vào Như Lai Tạng để nói Uẩn Xứ Giới và Tam giới Hữu đều vô thường không – duyên khởi tính Không, dựa vào Như Lai Tạng để nói trong Tam giới tất thảy pháp Không, vì thế mà không đọa vào đoạn kiến, cũng không rơi vào thường kiến. Nay xem những cái Không trong Lạc Minh vô niệm, Lạc Không bất nhị, Lạc Không song vận đều phải dựa vào Uẩn Xứ Giới Hữu mới có thể tồn tại, thì chứng tỏ rằng cái Không trong Lạc Minh vô niệm, Lạc Không bất nhị, Lạc Không song vận đều không thể đứng ngoài Uẩn Xứ Giới Hữu, như thế mà coi Tâm ý thức giác tri là Tâm thường bất hoại thì chẳng khác gì thường kiến ngoại đạo. Đọa vào trong thường kiến kiến như thế mà lại nói tất thảy pháp Không, lại phủ định cả cội nguồn sinh khởi của Uẩn Xứ Giới – Như Lai Tạng, đã nói “tất thảy pháp Không” mà lại đọa vào trong đoạn kiến kiến, như thế là đủ cả hai kiến thường đoạn. Người đọa cả vào trong hai kiến thường đoạn như thế thì sao có thể nói người an trú trong cảnh giới “Lạc Không song vận” như thế là tu chứng “tất thảy pháp Không” được? sao có thể nói an trú trong cảnh giới như thế là người chứng được ngã không pháp không được? Hoàn toàn trái lý bội giáo!

“Tu chứng Phật pháp” như thế, căn bản không thể chứng được công đức sơ Kiến đạo của Hiển giáo, thậm chí đến cả công đức Kiến đạo Thanh Văn nông cạn nhất trong Hiển giáo cũng không thể chứng, huống hồ là công đức Kiến đạo do các Bồ Tát thất trụ vị chứng được mà đến A La Hán cũng không thể chứng biết? Ấy thế mà họ lại sùng Mật ức Hiển, rốt cuộc có ý nghĩa gì?

Lại nữa, trong Tâm tuy có nghĩ đến “Ta chết vô thường, tất thảy pháp Không”, mà vẫn không thể đoạn trừ được Ngã kiến, thì có nghĩ mấy cũng vô dụng. Còn không thể trở thành pháp chính tu hành thủ chứng Sơ quả Thanh Văn, huống hồ có thể trở thành pháp chính tu hành thủ chứng pháp nghĩa Bát Nhã của Đại thừa? Nói suông chứng lượng của Mật tông cao siêu cỡ não thì thực tế cũng chỉ là nói suông, chẳng khác gì kẻ ăn mày nói suông rằng mình là người giàu có nhất nước vậy.

Mật tông từ đầu đến cuối đều coi Lạc Minh vô niệm trong Song thân pháp làm chính tu trong Phật pháp. Đã lấy cảnh giới Đệ tứ hỷ dâm lạc trong Lạc Không vô nhị, Lạc Không song vận thì có thể biết ngay rằng họ tuyệt đối không thể tu đoạn Ngã kiến, vì chắc chắn họ coi Vô niệm linh tri trong dâm lạc là Chân Như ở Phật địa, thì nhất định sẽ đọa vào trong Ngã kiến mà thường kiến ngoại đạo vẫn hay rơi vào. Tu chứng như thế tuyệt đối không thể đoạn trừ được Ngã kiến mà bậc Sơ quả Thanh Văn tu đoạn, tuyệt đối không thể chứng được quả chứng Sơ quả Thanh Văn, thì sao có thể đoạn hoặc chứng quả trong pháp Đại thừa? Không thể có cái lý đó! Cho nên mới nói người tu học Mật pháp tuyệt đối không thể nào đoạn hoặc, chứng quả.

 

 


Bài trước

Bài sau

Trang chủ

Lượt xem trang: 0