Chân tướng
Mật Tông Tây Tạng

Phật giáo Tạng truyền thật sự là Giác Nãng Ba, hoằng dương diệu pháp Như Lai Tạng Tha Không Kiến, hoàn toàn phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo. Tứ đại giáo phái Hồng, Hoàng, Hoa, Bạch là Phật giáo Tạng truyền giả, tất cả các pháp nghĩa của họ đều không phù hợp với giáo nghĩa Phật giáo, cho nên là tà giáo, tà pháp.

Tiết 2: Trì chú không thể khiến cho người ta đạt quả chứng trong Phật pháp

Các thày Mật tông thời xưa nghe theo những lời Phật Bồ Tát do quỷ thần thị hiện (biến hóa ra cho mà thấy), bèn sáng chế ra các loại kinh điển trong Mật giáo bộ, vọng tưởng cho rằng trì chú có thể cầu được quả chứng trong Phật pháp. Ví dụ như “Phật” trong “Đại Nhật kinh” nói rằng:

“Lại nữa, này Bí Mật Chủ! Chân ngôn tướng này, không phải là tất cả chư Phật làm ra, không cho họ làm, cũng không tùy hỷ. Vì sao vậy? Là vì chư pháp pháp nhĩ như thị (pháp vốn như thế) rồi. Dù cho chư Như Lai xuất hiện, hay chư Như Lai không xuất hiện, thì chư pháp pháp nhĩ như thị mà trụ rồi, cho nên các chân ngôn đều là chân ngôn pháp nhĩ (vốn dĩ đã thế) cả. Này Bí Mật Chủ! Người thành Đẳng chính giác nhất thiết tri, nhất thiết kiến, thị hiện ra đời, từ pháp này nói các loại đạo. Tùy theo các loại dục lạc, các loại tâm của chúng sinh mà bày ra các loại câu, các loại văn, các loại ngôn ngữ tùy địa phương, các loại âm thanh các chốn, vì để gia trì mà nói đạo Chân ngôn… Vì sao lại là giáo pháp chân ngôn? Vì tất cả chư pháp cửa chữ A vốn dĩ không sinh, tất thảy chư pháp cửa chữ Già lìa các tác nghiệp, tất thảy chư pháp cửa chữ Khư như hư không, bất khả đắc… Vì tất cả chư pháp cửa chữ Phọc có ngôn ngữ đạo đoạn, tất cả chư pháp cửa chữ Xa bản tính tịch tĩnh, tất cả chư pháp cửa chữ Sa tính độn, tất cả chư pháp, tất cả đế (chân lý) cửa chữ Bà bất khả đắc, vì tất cả chư pháp cửa chữ Ha bất khả đắc. Này Bí Mật Chủ! Quán xem Nhược Xoa Na Ma tự tại trong tất cả Tam muội, có thể tốc thành mọi sự, mọi nghĩa lợi thực hiện đều thành tựu” (Quyển 2).

Thế nhưng trong kinh điển Tam thừa, cái “chư pháp pháp trụ pháp vị, pháp vốn như thế” mà Phật nói, không phải là nói “pháp vốn trụ như thế” của chân ngôn (chú ngữ). Tổ sư Mật tông không nên tự ý phát minh ra “chân ngôn pháp vốn trụ như thế” để sáng tạo ra Mật kinh, dùng để thay thế cho “chư pháp pháp vốn trụ như thế” mà Phật thuyết. Cái “chư pháp pháp trụ pháp vị, pháp vốn như thế” mà Phật dạy ở đây là chư pháp đều dựa vào Thức thứ tám Như Lai Tạng để được sinh ra; Như Lai Tạng hằng thường và không ngừng thường trụ trong Tam giới và Bản Tế Niết Bàn – không lìa Bản Tế Niết Bàn mà tùy duyên sinh ra vạn pháp – Như Lai Tạng từ vô thủy kiếp đến nay vẫn luôn như thế, không làm cũng không phải là không làm, không phải là hữu vi cũng không phải là vô vi, không phải là Niết Bàn cũng không phải là luân hồi, không phải sạch không phải bẩn, không tăng cũng không giảm, không phải là một cũng không phải là khác, không phải đến cũng không phải là không đến, không phải đi cũng không phải là không đi…, khiến cho tất cả hữu tình đều vì thế không lìa Niết Bàn mà vẫn luân hồi sinh tử, Bản tính nó như thế, cho nên gọi là “chư pháp pháp trụ pháp vị, pháp vốn như thế”.

Như vậy, Thức thứ tám và các pháp sắc thân, bảy thức do nó sinh ra, có thể bao hàm sinh ra tất cả vạn pháp của pháp giới lục đạo thập phương. Pháp như thế mới là Chân Thực Tướng của pháp giới mà Phật tuyên thuyết. Phản quan chân ngôn Mật chú thì chỉ là sự vận hành dựa theo Ngũ uẩn, cộng thêm sự hòa hợp của môi, lưỡi, mặt má, thanh đới, không khí, lực cơ bụng…thì nó mới có thể hiện khởi. Đã là pháp phải dựa vào chúng duyên để được sinh ra, thì không thể gọi là pháp “thường trụ bất diệt, vốn dĩ như thế” được, làm sao có thể xướng ngôn rằng “pháp trụ pháp vị, pháp vốn như thế” được? Không có cái lý ấy!

Lại nữa, ý nghĩa của chân ngôn là phải dựa vào sự sắp xếp bày đặt của Ý thức, dựa vào “sự quy ước với nhau mà thành” giữa chúng sinh pháp giới quỷ thần, pháp giới trời…thì mới định nghĩa cho nó được. Nó không phải là pháp thường trụ vốn dĩ tồn tại trong pháp giới, mà là pháp duyên sinh y tha khởi tính, làm sao mà có thể nói là pháp “thường trụ bất diệt, vốn dĩ như thế” được? Như thế là trái ngược với chân lý của Thực Tướng pháp giới. Cho nên pháp chân ngôn Mật chú dựa vào cái khác để được sinh, hữu vi sinh diệt đó không liên quan gì đến Chân Thực Tướng, các tổ sư Mật tông cũng không nên tôn sung nó, không nên giả mạo danh nghĩa của Phật Tỳ Lô Giá Na để xây dựng ra pháp Thực Tướng “pháp trụ pháp vị, pháp vốn như thế”.

Các tổ sư Mật tông dùng chân ngôn pháp để thay thế cho Niết Bàn Bản Tế – Như Lai Tạng của Phật pháp – để xây dựng pháp nghĩa của riêng mình, lấy chú ngữ của quỷ thần để thay thế cho Nhất thiết Chủng trí Bát thức Tâm vương của pháp Niết Bàn, đứng ngoài lề Phật pháp chân chính để thuyết “Phật pháp” của ngoại đạo pháp, cũng giống như “mận thay đào chết - đoạt hồn cướp xác” của nhà nông thế tục – đem chặt ngang lưng thân cây đào, chiết vào đó cành mận, tạo ra mầm sống của cây mận dựa trên gốc của cây đào, cây đào từ đó vĩnh viễn không còn cơ hội khai hoa kết quả, mãi mãi trở thành nô lệ phục vụ cho cây mận. Hành vi đó của các tổ sư Mật tông cũng là nhằm muốn Phật giáo mãi mãi phục vụ cho ngoại đạo pháp của Mật tông, khiến cho Phật giáo chân chính vĩnh viễn không còn ngày trở mình vươn lên được nữa.

Sự thực chuyển dịch Phật giáo từ gốc rễ đó, những người học Phật chúng ta cần nên biết rõ, hãy cùng nhau đồng tâm hiệp lực, sớm chặt đứt cái cành mận lớn đó, thì cây đào mới có ngày nảy cành, khai hoa kết quả trở lại. Để có thể được như thế, thì nay chính là thời điểm chuyển ngoặt của cơ nghiệp tương lai vạn năm của Phật giáo, cũng là cái phúc của chúng sinh chúng ta trong tương lai lại được thụ sinh ở giới này.

Các tổ sư Mật tông xưa nay dựa vào việc tu pháp chân ngôn trong “Đại Nhật kinh”, hơn một ngàn năm nay, đã đem “Đại Nhật kinh” tôn làm kinh điển căn bản, chí thành tu hành cho đến nay, song không hề có bất kỳ người nào có thể chứng được Tổng tướng trí Bát Nhã mà các Bồ Tát thất trụ vị chứng được – tức là chứng đắc Bản lai Tự tính Thanh tịnh Niết Bàn của Thức thứ tám, cho nên không thể nào hiện khởi được Bát Nhã Tổng tướng trí, huống hồ có thể chứng được cảnh giới nhãn kiến Phật tính của Bồ Tát thập trụ vị? huống hồ có thể chứng được Bát Nhã Biệt tướng trí của Thập hành, Thập Hồi hướng vị? Càng làm sao có thể biết được Vô sinh pháp nhẫn – Đạo chủng trí mà các Bồ Tát địa thượng chứng được? Cho nên, Tất địa (các loại cảnh giới trí tuệ trong Phật pháp) của Phật giáo mà “Phật” trong “Đại Nhật kinh” nói đến không thể nào chứng được thông qua trì tụng các loại chú ngữ trong kinh điển Mật tông. Cho nên, người nào muốn cầu chứng ngộ Bát Nhã, thì nên dựa vào pháp Hiển giáo, tri kiến của Hiển giáo để tu – dựa vào chân thiện tri thức để thủ chứng Thức thứ tám, sinh khởi trí tuệ Bát Nhã; chớ có mong đợi trì tụng câu chú mà “Phật” của Mật tông nói để chứng ngộ Phật Bồ Đề.

Người nào muốn trì tụng chú, thì có thể trì tụng Đại Bi chú, Lăng Nghiêm chú, Chuẩn Đề chú… để cầu giảm thiểu những chướng ngại trong quá trình tu học Phật pháp. Cũng có thể dựa vào việc trì tụng Lăng Nghiêm chú và hiểu sâu về ý chỉ của “Lăng Nghiêm kinh” để có thể được Phật Bồ Tát khai thị trong định hoặc trong mộng, chứng ngộ Bát Nhã; hoặc được Phật Bồ Tát sắp xếp, được gặp bậc Chân Thiện tri thức, trong một đời có thể được Kiến đạo mà chứng chân chỉ của Bát Nhã.

Thế nhưng, Lăng Nghiêm chú lại không phải là loại chú mà các tổ sư Mật tông xưa nay nguyện trì tụng, bởi vì lời “Lăng Nghiêm kinh” và ý nghĩa câu chú đều trực tiếp đập vỡ “đạo dâm dục” của Mật tông, vì chủ định của Lăng Nghiêm chú là nhằm phá trước các tà kiến trong “Đại Nhật kinh - Đại Tỳ Lô Giá Na thành Phật thần biến gia trì kinh, Kim Cương đỉnh nhất thiết Như Lai chân thực nhiếp đại thừa hiện chứng đại giáo vương kinh…” mà Mật tông tôn thờ phụng hành. Cho nên, pháp Chân Mật là phải dựa vào cốt lõi chủ đề của Lăng Nghiêm làm chuẩn. Việc tu chứng Kinh Này có thể khiến cho người học chứng được Phật Bồ Đề và đạo ngộ hậu khởi tu (bắt đầu tu sau khi ngộ), là pháp mà chư tổ Mật tông xưa nay đều không thể chứng ngộ. Chính vì lẽ đó, chư tổ Mật tông xưa nay (đặc biệt là các thày Trung Quán của phái Ứng Thành) đều cực lực vu cáo “Lăng Nghiêm kinh” là kinh giả, ra sức trì “Đại bạch tán cái chú” mà lại không hề biết “Đại bạch tán cái chú” kỳ thực chính là Lăng Nghiêm chú.

Nếu là người có trí tuệ, dựa vào ý chỉ của “Lăng Nghiêm kinh” để tu chứng Thức thứ tám Như Lai Tạng, thì có thể chứng được Tổng tướng trí của Bát Nhã, cho đến việc dựa vào kinh này để bắt đầu tu sau khi ngộ, chứng được Biệt tướng trí…, như thế mới là tu chứng của Phật pháp thực sự, như thế thì Mật pháp vô thượng mới là Mật tông thực sự. Vì thế, tất cả mọi người học đều nên có chính tri, chính kiến, chớ có hy vọng rằng trì tụng các chú ngữ nói trong “Đại Nhật kinh - Đại Tỳ Lô Giá Na thành Phật thần biến gia trì kinh, Kim Cương đỉnh nhất thiết Như Lai chân thực nhiếp đại thừa hiện chứng đại giáo vương kinh…” của Mật tông là có thể cầu được chứng ngộ Phật pháp. Phải nên dựa vào pháp của Hiển giáo, dựa vào chỉ ý của kinh Bát Nhã để tìm được Thức thứ tám Như Lai Tạng vốn có của bản thân, mới có thể đi vào chân tu Phật pháp trong Kiến đạo vị của Đại thừa.

Lại nữa, “Phật” trong “Đại Nhật kinh” nói rằng: “Ma Ha Tát ý xứ, nói tên Mạn Đồ La, các chân ngôn tâm vị, liễu tri đắc thành quả. Mọi thứ biết phân biệt, đều từ ý sinh ra, phân biệt trắng đỏ vàng, đều từ tâm mà khởi. Quyết định tâm hoan hỉ, nói tên nội tâm xứ. Chân ngôn trụ vị này, truyền cho quảng đại quả… Chữ La là nhãn giới, đuốc sáng như đèn soi, rụt cổ cúi đầu thấp, lưỡi gần với chỗ ngạc, từ đó quán tâm xứ, xem tâm hiện đẳng dẫn. Vô cấu diệu thanh tịnh, Viên kính thường hiện tiền, Chân Thực tâm như thế, cổ Phật đã thuyết rồi. Chiếu rõ tâm minh đạt, các sắc đều phát quang, chân ngôn này nên thấy, Chính giác lưỡng túc tôn, nếu thành thành Tất địa, đệ nhất thường hằng thể” (quyển 3).

Đoạn kinh văn này cho thấy “Phật” trong “Đại Nhật kinh” nói về chư pháp, chứng minh “Phật” đó vẫn chưa chứng được Thức thứ tám Như Lai Tạng, không biết gì về Tổng tướng trí của Bát Nhã, mà coi Tâm giác tri là Tâm Chân Thực, cho nên cái “Tâm Chân Thực” của ông ta mới phân biệt được màu sắc trắng đỏ vàng, vì thế mới nói rằng “phân biệt trắng đỏ vàng, đều từ tâm mà khởi”. cho rằng Tâm giác tri này không tham trước chư pháp, không phân biệt chư pháp, không trụ ở tất cả mọi cảnh và sinh chấp trước, tức là “Vô cấu diệu thanh tịnh, Viên kính thường hiện tiền”, từ đó mới nói tiếp rằng “Chân Thực tâm như thế, cổ Phật đã thuyết rồi”. Rõ ràng là chưa chứng được Thức thứ tám Như Lai Tạng, rơi vào cảnh giới của Ý thức, gọi là những người chưa đoạn Ngã kiến.

Trong chư kinh A Hàm, Phật đã sớm nói rằng cái Tâm như thế là Tâm ý thức, hàm nhiếp trong Thập bát giới, gọi là “cái Ngã bất hoại mà thường kiến ngoại đạo chấp là Thường”. Qua đó có thể thấy “Phật” trong “Đại Nhật kinh” vẫn chưa hề đoạn Ngã kiến, còn chưa phải là người Sơ quả của hàng Thanh Văn, huống hồ xưng là Phật? Qua đó có thể thấy “Đại Nhật kinh” là sản phẩm sáng tạo tập thể lâu dài của các tổ sư thời xưa của Mật tông, tức là kinh giả vậy.

“Phật” trong “Đại Nhật kinh” còn cho rằng Tâm giác tri trụ ở trong cảnh giới nhất tâm bất loạn, nhất tâm bất động mà có thể nhận biết rõ vạn pháp của Ngũ trần, có được Minh tính như thế, tức là Đại viên kính trí. Thành tựu được “Tất địa” như vậy mà vẫn còn chưa biết chỗ sơ ngộ của Bát Nhã, thì làm gì có “Tất địa” mà nói đây? Hà cớ gì mà các tác phẩm khác cũng nói như thế? Đó là vì “Phật” trong “Đại Nhật kinh” đã sai lầm cho rằng Tâm giác tri là Tâm Chân Thực, sai lầm coi tính phân biệt lìa ngôn ngữ văn tự trong Tâm giác tri là Đại viên kính trí vậy.

Lại ví dụ “Phật” trong “Đại Nhật kinh” nói thế này: “Nơi vườn tược tăng phòng, hoặc ở trong động đá, hoặc nơi ý thấy lạc, quán Bồ Đề tâm đó. Cho đến sơ an trú, không sinh ý nghi ngờ, chứng lấy nhất tâm đó, lấy tâm đặt vào tâm. Chứng ở câu cực tịnh, Vô cấu yên bất động, không phân biệt như kính (gương), hiện tiền thật vi tế” (quyển 3).

Đoạn này không hợp chính lý, vì sao vậy? Vì tâm không thể đặt vào trong tâm được. Lời Phật nói trong chư kinh Tam thừa rất nhiều, nhưng chưa từng thấy câu nào như thế cả. Tất cả mọi người nếu như quan sát kỹ lưỡng, đều có thể chứng nhận những gì tôi nói không hề sai. Chỉ có những người trong Mật tông mới coi nguyệt luân (vầng trăng) do quán tưởng mà thành là Bồ Đề tâm thì mới có thể đem Tâm ý thức quán tưởng hóa (tưởng tượng) thành quang minh (ánh sáng) hòa nhập vào trong “Nguyệt luân Bồ Đề tâm” được quán tưởng thành, cho nên mới nói ra câu “lấy tâm đặt vào tâm”. Thế nhưng, sau khi quán tưởng như thế xong, Tâm ý thức kỳ thực vẫn chưa hề hòa nhập vào trong nguyệt luân quán tưởng, vẫn tự tồn tại độc lập bên ngoài nguyệt luân – mà nguyệt luân thì tồn tại trong cảnh giới do Ý thức quán tưởng, chứ không phải là Tâm ý thức hòa nhập vào trong nguyệt luân.

Mà nguyệt luân trong Tâm ý thức do hành giả Mật tông quán tưởng thành tuyệt đối không phải là Bồ Đề Chân Tâm mà Phật thuyết, thế nhưng “Phật” trong “Đại Nhật kinh” lại nói Nguyệt luân do quán tưởng mà thành đó chính là Bồ Đề Tâm thật. Chính vì thế mà tôi mới bảo “Phật” trong “Đại Nhật kinh” chưa từng chứng đắc Bồ Đề Tâm – Thức thứ tám. Đã chưa chứng được Bồ Đề Tâm thì không phải là người Kiến đạo Đại thừa, đã không phải là người Kiến đạo thì pháp mà anh ta nói sao có thể tin được? Trong “Đại Nhật kinh” còn nói khoác về Đại viên kính trí của Phật địa, thực quá hoang đường. Thế nhưng chư tổ Mật tông xưa nay lại không hề có ai phát hiện nổi cái hoang đường đó, cũng không có lấy một người có thể kiểm nghiệm và lựa chọn kỹ hơn.

Vì sao nói cái Tâm mà “Phật” trong “Đại Nhật kinh” ngộ được chỉ là Tâm ý thức giác tri? Có “Kinh” văn làm chứng: “Thiện nam tử! Chữ A này, được tất cả các Như Lai gia trì, cửa chân ngôn tu Bồ Tát hành chư Bồ Tát, có thể làm Phật sự phổ hiện sắc thân, tất cả các pháp chuyển ở cửa chữ A. Vì thế, này Bí Mật Chủ! Cửa chân ngôn tu Bồ Tát hành chư Bồ Tát, người có trí nếu muốn thấy Phật, nếu muốn cúng dường, muốn phát Bồ Đề tâm, muốn cùng hội với chư Bồ Tát, muốn lợi ích chúng sinh, muốn cầu Tất địa, muốn cầu tất thảy trí tuệ, thì nên cần cù tu tập tất thảy Phật tâm này” (Quyển 3). Nội dung đoạn kinh văn này nói đều là lập ngôn trên Tâm giác tri, chưa từng tương ứng với Thức thứ tám Như Lai Tạng tâm.

Lại nữa, “Phật” trong “Đại Nhật kinh” còn nói: “Cái gọi là chữ A, tất thảy chân ngôn tâm, từ đây lưu xuất khắp, vô lượng các chân ngôn, mọi hý luận đều tắt, sinh ra diệu trí tuệ. Bí Mật Chủ cớ gì, tất thảy chân ngữ tâm? Phật lưỡng túc tôn nói: chữ A gọi chủng tử, nên tất cả đều thế, an trú các chi phần, như tương ứng khắp cả, y pháp đều truyền khắp. Từ chữ ban đầu này, biến ở chữ tăng gia, các chữ đã thành âm, chi thể từ đó sinh. Nên nó biến khắp cả, thân sinh các loại đức. Nay nói sự phân bố, Phật tử nhất tâm nghe: Lấy tâm mà tác tâm, còn lại lấy bố chi phần, tất cả làm như thế, tức đồng với Ngã thể. An trú du già tọa, tìm niệm chư Như Lai. Nếu ở giáo pháp này, hiểu thâm quảng đại trí, chính giác đại công đức, thuyết ở A xà lê, cũng tức là Như Lai, cũng gọi tên là Phật” (quyển 5).

Việc nói chữ A do quán tưởng ra là Bản Tế có thể sinh ra tất cả các pháp như vậy khác xa so với việc “Coi Thức thứ tám Như Lai Tạng là Bản Tế có thể sinh vạn pháp” của Phật. Lại nói người quán tưởng chữ A thành công, theo lời ông ta phân bố các chữ chủng quán tưởng còn lại ở bên cạnh chữ A, khi quán tưởng thành công, thì Tâm thể giác tri của ông ta sẽ đồng với Phật, tức là A xà lê, cũng có nghĩa là đã thành Phật. Lối suy tưởng hư vọng đó mà có thể gọi nó là Phật, thì tất cả các ngoại đạo có thể thực hiện quán tưởng thắng diệu hơn cũng có thể tự xưng thành Phật cả rồi, mà tất cả các thượng sư Mật tông đều không nên phủ định họ bởi họ có thể quán tưởng siêu việt hơn cả các thày Mật tông. Thẩm kỹ được như thế thì Mật tông không thể tự xưng mình là Mật giáo vô thượng được.

Bởi hành giả Mật tông không có chính tri, chính kiến, nên dẫn đến tự xưng mình thành Phật, tội đại vọng ngữ lập tức được xác định. Trước khi xả thọ nếu không biết sám hối công khai, đồng thời sám hối trước Phật cho đến khi thấy được tướng hảo, thì người đó nhất định sẽ đọa địa ngục, không ai có thể cứu được họ cả. Tôi nay nói như vậy tuy đắng cay, nhưng thuốc đắng giã tật, người bệnh chắc chắn sẽ khỏi. Trung ngôn nghịch nhĩ, nhưng tất cả các hành giả có trí của Mật tông không thể không nghe. Nhưng nếu cứ lấy thể diện làm trọng, thà rằng sai đến cùng cũng nhất quyết không chịu kiểm điểm pháp nghĩa đúng sai, lại còn ra sức giảo biện, không chịu tiêu trừ tội đại vọng ngữ, dẫn đến tương lai tự phải chịu quả báo vô lượng kiếp, mà đem cái thể diện của đời này ra đánh một canh bạc một ăn cả ngã về không, thì rõ ràng không phải là người có trí tuệ.

Nếu như có người không chịu tin lời tôi nói, nhất mực cho rằng cái Tâm mà “Phật” trong “Đại Nhật kinh” nói đó không phải là Tâm ý thức giác tri, thì hãy xem thêm một lời “Phật” nói nữa để làm bằng chứng: “Chân ngôn giả tĩnh tọa, an trụ ở pháp giới, Ta tức Pháp giới tính, mà trụ Bồ Đề tâm. Hướng đến phương Đế Thích, kết Kim Cương huệ ấn…” (quyển 3).

Thế nhưng Như Lai Tạng từ vô thủy kiếp đến nay không từng trụ ở trong một pháp nào dù chỉ một sát na – nó vô sở trụ với tất cả các pháp. Nay “Phật” trong “Đại Nhật kinh” lại nói Bồ Đề tâm có thể tĩnh tọa, có thể trụ ở trong pháp giới, có thể trụ ở Bồ Đề tâm, có thể phân biệt xanh vàng đỏ trắng, có Minh tính, hiển nhiên đó là Tâm giác tri – ý thức. Bởi lẽ Phật vẫn luôn nói Chân Tâm lìa kiến văn giác tri, luôn nói Chân Tâm không khởi tính phân biệt, chưa từng đọa ở trong Minh tính.

Ở đây lại coi Tâm giác tri – Tâm ý thức là Pháp giới tính thường trụ bất hoại, mà nói rằng: “Ta tức Pháp giới tính”. Đó là coi Tâm ý thức là “Phật” Bồ Đề tâm, không lìa thường kiến ngoại đạo kiến. Những lời nói như thế mà bảo đó là Phật pháp, (trong kinh Phật) không từng có. Người nào dựa vào chân ngôn mà “Phật” đó nói, để hy vọng có thể chứng được tất cả các quả chứng trong Phật pháp, người đó thật đó là kẻ ngu si. Chính vì lẽ đó, tôi tuyên bố rằng: Trì các chân ngôn Mật tông cho đến vô số kiếp sau cũng không thể chứng được tất cả các quả chứng trong Phật pháp. Vì “Đại Nhật kinh” là do các tổ sư thời xưa của Mật tông kết tập trường kỳ, cùng nhau sáng tạo ra, không phải là pháp do Phật nói.

 

 


Bài trước

Bài sau

Trang chủ

Lượt xem trang: 0